Hai vụ xả súng vào đám đông liên tiếp cùng một ngày đã gây thiệt mạng tổng cộng 31 người và làm bị thương 50 người khác đã làm rúng động nước Mỹ trong suốt tuần qua.

Khủng bố nội địa – nguồn johntfloyd.com

Tại El Paso, Texas, tay súng giết người một mình bước vào một cửa tiệm Walmart đang lúc đông người vào sáng Thứ Bảy 3/8 và bắn vào đám đông với khẩu súng trường loại AK bán tự động. Các giới chức an ninh đang điều tra về vụ xả súng này, với 22 người thiệt mạng và 24 bị thương, xem đây là trường hợp của một vụ khủng bố nội địa (domestic terrorism) và tội ác do thù hận (hatre crime) dựa trên lời khai cũng như bản tuyên bố để lại trên mạng của hung thủ, là một người da trắng, và thú nhận là đã cố tình nhắm vào những người châu Mỹ Latinh (Hispanics)

Khoảng 13 tiếng đồng hồ sau đó tại Dayton, Ohio, tại một khu vực thuộc trung tâm thành phố nơi có khá nhiều tiệm ăn và quán rượu, một tay súng khác trên người mặc áo chống đạn và mặt nạ, đã bóp cò khẩu súng trường nòng .223 bán tự động có gắn ổ đạn 100 viên. Theo các giới chức an ninh cho biết, hung thủ đến hiện trường cùng cô em gái, là người cũng đã bị hắn giết cùng với tám nạn nhân khác.

Tay súng đã bị cảnh sát bắn chết khoảng 30 giây sau khi hắn nổ phát súng đầu tiên. Vụ xả súng này cũng đã làm cho 27 người bị thương.

Hai vụ xả súng trên và một số vụ xả súng khác trong thời gian gần đây khiến các nhà chức trách đang cố gắng đi tìm những phương cách để đối đầu với những thách đố do bạo lực hàng loạt và khủng bố nội địa tạo ra, đặc biệt là các vụ tấn công được kích động bởi tư tưởng quốc gia cực đoan của một số người da trắng, và hơn nữa là có thể ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc này trước khi chúng xảy ra.

Theo Cơ quan Ðiều tra Liên bang FBI, các vụ bạo động do những người đàn ông da trắng gây ra được kích thích bởi ý thức hệ cực đoan đã góp một phần lớn trong số những trường hợp khủng bố nội địa đang ngày càng gia tăng. Hiện thời, đã có khoảng 850 vụ khủng bố nội địa, 40% trong số đó có liên quan đến tư tưởng cực đoan bạo động do động cơ phân biệt chủng tộc và đa số những trường hợp trên liên quan đến nhóm người có tư tưởng da trắng thượng đẳng (white supremacists).

Buổi đốt nến tưởng niệm nạn nhân trong vụ khủng bố tại El Paso, Texas hôm Chủ Nhật 4/8 – nguồn AP

Hung thủ của vụ tấn công tại El Paso, nơi cư dân đa số là người gốc châu Mỹ Latinh, là một người đàn ông da trắng 21 tuổi, và người này đã để lại trên mạng một bản tuyên bố mang đầy những tư tưởng quốc gia cực đoan da trắng và chống lại người di dân.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Hung thủ trong những vụ tấn công khác gần đây, trong đó có hai vụ tấn công vào đền thờ Do Thái tại Pittsburgh và Poway, California, cũng là những người ủng hộ tư tưởng quốc gia cực đoan da trắng.

Ðể ngăn chặn những loại tội ác như trên không cho xảy ra trong tương lai là một công việc rất khó khăn hiện nay đối với các giới chức an ninh liên bang, mà trong những năm gần đây hầu như tập trung phần lớn thời gian và năng lực vào các mối đe dọa đến từ các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan sống ngay trên nước Mỹ và từng bày tỏ lòng trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Nhưng hiện nay các hoạt động an ninh đó đang cho thấy cần phải thay đổi trong khi con số các vụ bắt giữ và giết người liên quan đến khủng bố nội địa đã vượt qua những vụ liên quan đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong mấy năm gần đây.

Các chuyên gia nghiên cứu về tội ác cho biết những thanh niên da trắng thực hiện các vụ xả súng gần đây thường không nằm trong danh sách kiểm soát và theo dõi của hệ thống an ninh của nước Mỹ hoặc là phần tử thuộc bất kỳ tổ chức cực đoan nào. Những thanh niên này thường sử dụng một số trang mạng xã hội mang tính chất mờ ám và ẩn hiện như 8chan để bày tỏ những tư tưởng cực đoan của họ.

Những mạng xã hội loại này trên hệ thống internet rất khó cho các giới chức an ninh có thể thu lượm tin tức. Do đó, hệ thống an ninh của Mỹ hiện nay có xu hướng đang quay về với những nguồn tin tức do người thật cung cấp. Thay vì dựa vào các hệ thống máy điện toán để rà xét các trang mạng và diễn đàn có những hoạt động tình nghi, giới chức an ninh Mỹ ngày càng phải chuyển sang các hoạt động tình báo có vẻ cổ lỗ đầy tốn kém và khó khăn để có thể thu thập tin tức thông qua những cá nhân có quan hệ với hoặc là được cài đặt để xâm nhập vào trong các nhóm cực đoan.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Một nỗi khó khăn khác trong việc ngăn chặn các vụ tấn công trên là đại đa số những thanh niên bày tỏ ủng hộ cho tư tưởng quốc gia cực đoan da trắng nhưng không bị nhiễm ảnh hưởng quá nặng thì lại thường không gây ra những vụ bạo động hàng loạt. Thế nên, có một số ý kiến cho rằng hệ thống an ninh của Hoa Kỳ có lẽ cần tập trung nhiều hơn nữa trong việc lập ra một số chương trình giáo dục để chống lại những tư tưởng cực đoan này.

Những tiếng nói khác, trong đó có một số thành viên quốc hội và các chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan ở Mỹ, cho rằng cơ quan FBI đã tỏ ra quá chậm trong việc chuyển một số nguồn năng lực và tài chánh dồi dào dành để chống khủng bố Hồi giáo sang cho các hoạt động ngăn chặn những nhóm khủng bố mang tư tưởng thù hận trong nội địa nước Mỹ. Cơ quan FBI đã sử dụng những nguồn năng lực và tài chánh khá lớn trong hoạt động chống lại những tổ chức da trắng thượng đẳng trong thập niên 1990 nhưng sau đó đã thay đổi mục tiêu hoạt động của họ sau vụ tấn công khủng bố 11 Tháng 9 năm 2001.

Năm 2014 có 784 nhóm mang tư tưởng thù hận cực đoan hoạt động trên nước Mỹ – nguồn Souther Poverty Law Center

Tư tưởng quốc gia cực đoan da trắng của các tay súng giết người hàng loạt này không chỉ phổ biến ở nước Mỹ mà còn nhiều nơi khác trên thế giới – từ vụ Na Uy năm 2011 đến vụ Tân Tây Lan hồi đầu năm và nay là El Paso – và các tay súng này tin tưởng rằng quốc gia của họ đang bị xâm chiếm bởi những di dân không phải da trắng.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Cả hai tay súng tại El Paso và tại một đền thờ Do Thái ở Poway, California, đều viết trên bản tuyên bố của họ rằng họ được gây cảm hứng bởi tay súng đã giết chết 51 người tại một đền thờ Hồi giáo ở Christchurch, Tân Tây Lan, vào Tháng 3 vừa qua.

Tay súng tại Christchurch đã đặt tên cho bản tuyên bố của hắn là “Cuộc thay thế vĩ đại” (The Great Replacement), cũng là tựa đề của một cuốn sách chống di dân xuất bản năm 2011 của một tác giả người Pháp Renaud Camus. Cuốn sách nói rằng người da trắng đang có nguy cơ bị thay thế bởi những nhóm di dân thiểu số.

Một bản phân tích mới đây của Viện nghiên cứu Ðối thoại Chiến lược về chủ đề chống chủ nghĩa cực đoan cho biết họ tìm thấy có tới 1.5 triệu lời tweet nói đến lý thuyết “cuộc thay thế vĩ đại” đăng trên mạng trong bảy năm qua. Theo cuộc nghiên cứu trên, những lời tweet loại này đã tăng gần gấp ba lần từ 120,000 năm 2014 lên 330,000 năm 2018.

Vụ xả súng vào đám đông tại cửa tiệm Walmart ở El Paso vừa qua đã đưa tới một số ý kiến kêu gọi quốc hội cần phải ban hành một đạo luật về khủng bố nội địa càng sớm càng tốt.

Hiện nay, luật liên bang định nghĩa khủng bố là những tội ác bạo động có ý định đe dọa hoặc áp chế nhắm vào dân chúng hay chính sách của chính phủ. Nhưng sự định nghĩa này cũng phân biệt giữa khủng bố “quốc tế”, mang tính cách hoạt động ở ngoại quốc hay xuyên quốc gia, và khủng bố “nội địa”, chủ yếu xảy ra ngay trên đất Mỹ.

Hành động khủng bố vượt ra khỏi biên giới quốc gia được xem là một tội ác liên bang, và do đó giúp cho cơ quan FBI và các công tố viên liên bang có thẩm quyền để điều tra và buộc tội nghi phạm. Nhưng luật liên bang lại không có định nghĩa một tội ác tương đương như thế đối với khủng bố nội địa, và do đó các giới chức an ninh khi gặp phải những vụ phạm pháp liên quan đến khủng bố nội địa đã phải sử dụng những luật khác không liên quan gì đến khủng bố mà thường là luật về tội giết người ở mức độ tiểu bang.

Chừng nào nước Mỹ vẫn chưa có một đạo luật rõ ràng về khủng bố nội địa thì khi ấy hoạt động ngăn ngừa khủng bố nội địa của các cơ quan an ninh sẽ còn gặp nhiều trắc trở.

VH

Arlington, TX