Dưới áp lực ngoại giao của quốc tế, Israel và Hamas đã đồng ý hưu chiến vào hôm Thứ Sáu tuần qua. Thỏa thuận ngừng bắn diễn ra sau gần hai tuần lễ sau khi nhóm khủng bố phóng hơn 4,000 phi đạn nhắm vào khu dân cư của Israel – là cuộc xung đột dữ dội nhất kể từ khi Hamas bắt đầu kiểm soát dải Gaza vào năm 2007. Chắc chắn các nhà lãnh đạo của Israel sẽ không chấp thuận một lệnh ngừng bắn nếu họ không hoàn thành hầu hết những mục tiêu mà họ muốn đạt được qua các cuộc không kích.

Iron Dome – nguồn AFP

Lệnh ngừng bắn không có bất cứ ràng buộc nào, và như vậy có nghĩa là cả Hamas lẫn Israel đều không giành được chiến thắng mang tính cách chiến lược. Tuy nhiên, Israel nói rằng mạng lưới đường hầm dài 60 dặm của Hamas đã bị tàn phá và nhiều cấp lãnh đạo quân sự của Hamas đã tử trận. Nếu thật sự như vậy thì nhóm Hamas có thể sẽ không có đủ khả năng để phát động một cuộc chiến lớn khác nhắm vào Israel trong thời gian sắp tới.

Sự thiệt hại về tài sản cũng như nhân mạng của Israel có thể nói rất giới hạn là vì nhờ vào kỹ thuật chống phi đạn của họ có tên gọi là Iron Dome (Vòm Sắt). Sự hoạt động hữu hiệu của hệ thống phòng thủ này đã vượt quá sự mong đợi của Israel và gây ít nhiều ngạc nhiên đối với thế giới.

Trong suốt thời gian gần hai tuần lễ, thế giới đã được chứng kiến cảnh các hoả tiễn phòng không của hệ thống Iron Dome phóng thẳng lên bầu trời, lao vào các phi đạn do nhóm khủng bố Hamas của phong trào Hồi giáo Palestine bắn vào thành phố Ashkelon và phát nổ thành những chùm khói trắng ở thật xa trên không. Như trong phần lớn các trường hợp kể từ khi Hamas bắt đầu dội mưa phi đạn vào Israel – tính cho đến ngày ngưng bắn là hơn 4,000 phi đạn – con số thương vong và thiệt hại tài sản chỉ ở mức tối thiểu.

Chúng ta đã từng nghe về hệ thống phòng thủ này từ thập niên 1980 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan (điển hình là chương trình Star War) mà những tiếng nói chống đối hồi đó cho rằng ý tưởng về loại vũ khí phòng thủ này không thực tế và chỉ gây phí phạm cho ngân sách quốc gia. Nhưng Israel vẫn âm thầm nghiên cứu, phát triển và không ngừng chứng minh giá trị của kỹ thuật này trên chiến trường hiện đại ngày nay.

Dàn phóng hoả tiễn Iron Dome – nguồn Shutterstock

Ðược đưa vào sử dụng kể từ năm 2011, và được xây dựng và bảo trì với 1.6 tỷ Mỹ kim tài trợ của Hoa Kỳ, hệ thống Iron Dome bao gồm một mạng lưới các dàn phóng hoả tiễn và radar được kết nối với nhau và nhắm bắn vào các phi đạn được xác định là đang hướng đến những khu vực đông dân cư và bỏ qua các phi đạn có khả năng rơi vào những bãi đất trống. Trong khi hệ thống phòng thủ này từng được sử dụng trong những cuộc xung đột trước đây với Hamas, nhóm Hồi giáo Palestine này chưa từng bao giờ bắn thật nhiều phi đạn cùng một lúc như lần này.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Theo sự phân tích của tình báo quân đội Israel, nhóm Hamas lần này cố tình thử thách hệ thống Iron Dome và nghĩ rằng hệ thống này có thể ngưng hoạt động vì quá tải sau khi phải chống trả với hàng loạt phi đạn được liên tục phóng tới, nhưng điều này đã không xảy ra.

Theo các số liệu của quân đội Israel, hệ thống Iron Dome đã tiêu diệt 90% tổng số phi đạn do Hamas bắn ra.

Theo các nhà phân tích cho biết, nhiều quốc gia, trong đó có Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ấn Ðộ và một số quốc gia khác ở châu Á đang dự tính có thể mua hệ thống Iron Dome, và với hiệu quả cao đạt được trong cuộc xung đột lần này có thể khiến cho loại vũ khí phòng thủ này còn trở nên hấp dẫn hơn nữa. Ả Rập Saudi và, ở mức độ thấp hơn, là một số quốc gia nhỏ trong vùng như UAE và Bahrain, hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa tương tự từ các phi đạn và máy bay không người lái được điều khiển bởi phong trào Houthi tại Yemen, và như Hamas, phong trào này cũng được sự hậu thuẫn từ Iran.

Iron Dome bắn chặn phi đạn của Hamas – nguồn AFP

Hệ thống Iron Dome được chế tạo bởi hai công ty quốc phòng Rafael và IAI của Israel, và một phiên bản cho quân đội Hoa Kỳ được sản xuất cùng với sự hợp tác của công ty Raytheon Technologies Corp. của Mỹ. Cho đến nay Hoa Kỳ vẫn chưa đưa hệ thống Iron Dome vào sử dụng.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Ashkelon là một thành phố ven biển với dân số vào khoảng 145,000 người và là trung tâm dân cư của Israel nằm gần với dải Gaza nhất, cách xa có 8 dặm và chỉ mất chừng vài giây để các phi đạn của Hamas có thể chạm tới. Trong thời gian qua, thành phố này đã là mục tiêu hứng chịu khoảng một phần năm tổng số phi đạn bắn từ Gaza trong cuộc xung đột lần này, và có ba cư dân bị thiệt mạng, trong đó có một em bé  5 tuổi.

Theo lời của thiếu tướng Uri Gorden, tư lệnh Bộ chỉ huy Phòng vệ Tiền phương, trong một số cuộc tấn công, có tới 75 trái phi đạn được bắn vào Ashkelon trong khoảng thời gian 10 hoặc 15 phút, là một tỷ lệ cực cao của chiến thuật tấn công bằng phi đạn và do đó rất khó để chống cự. Và nhóm Hamas đã thành công một phần nào sau khi 2 trái phi đạn đã bắn trúng vào khu dân cư và trung tâm mua sắm bao gồm những toà nhà cao tầng tại Ashkelon vào ngày 11 tháng Năm, một dấu hiệu cho thấy để bảo vệ một khu vực nằm trong một khoảng cách ngắn như vậy là một công việc hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, với con số người thiệt mạng của Israel chỉ ở mức giới hạn có nghĩa là Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã không bị đặt dưới áp lực dư luận để phải tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào dải Gaza – một chiến thuật có thể sẽ làm tăng số người chết theo cấp số nhân, đặc biệt là với thường dân Palestine.

Tầm phi đạn của Hamas – nguồn BBC

Cũng theo lời vị tướng nói trên, Iron Dome nay còn có khả năng bắn hạ máy bay không người lái của Hamas, và cho đến ngày có lệnh ngưng bắn đã hạ được ba chiếc. Hệ thống Iron Dome có thể điều chỉnh để nhắm mục tiêu vào các loại máy bay không người lái có khả năng bay theo chiều ngang, khác với phi đạn bay theo hình vòng cung, cũng là một thành tựu về kỹ thuật rất quan trọng.

Xem thêm:   Mất mạng

Mục đích xây dựng hệ thống Iron Dome của Israel là để phòng ngừa một cuộc xung đột có quy mô lớn hơn nhiều có thể xảy ra với lực lượng khủng bố Hezbollah của Lebanon, và do đó vào lúc này quân đội Israel không lo ngại là số hoả tiễn đánh chặn phi đạn có nguy cơ bị cạn kiệt. Theo phỏng đoán của tình báo Israel, tổ chức Hezbollah có khoảng 130,000 phi đạn, trong khi Hamas chỉ có 13,000 phi đạn được cất giấu trong khu vực Gaza.

Ở vào một thời điểm nhất định, Iron Dome có khả năng phóng ra cùng lúc khoảng 800 hoả tiễn đánh chặn và điều này khiến Hamas khó có thể áp đảo được hệ thống. Tuy nhiên, với mức độ thành công hiện nay không có nghĩa là Israel có thể tự mãn và không cần phải lo ngại về một mối đe dọa khác mạnh mẽ hơn nhiều, đó là kho vũ khí của Hezbollah có thể gây ra.

Có thể nói hệ thống Iron Dome không chỉ bảo vệ mạng sống và tài sản của người dân Israel mà còn giúp ngăn cản một cuộc leo thang chiến tranh. Ít thiệt hại hơn từ phía Israel cũng có nghĩa là quân đội Israel ít bị áp lực chính trị hơn để buộc phải phát động một cuộc tấn công toàn diện xâm chiếm dải Gaza và gây thêm tổn thất nhân mạng cho thường dân Palestine. Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là cái cớ chính đáng để nhóm khủng bố Hamas tuyên truyền và những tổ chức có cảm tình với Hamas từ bên ngoài có cơ hội lớn tiếng lên án Israel hiếu chiến.

VH