Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran trở nên căng thẳng hơn kể từ khi Tổng thống Donald Trump quyết định hồi năm ngoái rút Washington ra khỏi một hiệp định đa phương nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Iran.

Hình minh họa – nguồn QS Quacquarelli Symonds

Tình trạng căng thẳng tăng cao hơn trong mấy tuần qua sau khi Iran bị tình nghi là đã tấn công sáu tàu chở dầu trong khu vực vùng vịnh, và tình trạng căng thẳng đạt tới đỉnh điểm hôm Thứ Năm 20/6 vừa qua khi lực lượng quân đội Iran tuyên bố họ đã bắn rơi một chiếc phi cơ thám thính không người lái của Hoa Kỳ.

Iran nói rằng chiếc phi cơ đã vi phạm không phận của họ, nhưng phía Hoa Kỳ thì cho biết phi cơ bị bắn rơi trên vùng biển quốc tế.

Vụ khủng hoảng mới nhất này đã gây báo động trên khắp thế giới, với một số công ty hàng không dân sự đã phải thay đổi đường bay để tránh vùng biển nguy hiểm trên. Trong khi đó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lên tiếng kêu gọi cả hai bên nên tự kiềm chế và cần có đối thoại.

Trong khi khu vực vùng vịnh vừa tránh được một cuộc chiến tranh, ít nhất là trong lúc này, nhưng nhiều khúc mắc trong nội tình vẫn chưa được giải đáp và không ai có thể dám chắc là sẽ không có chuyện gì xảy ra trong những ngày sắp tới.

Chiếc phi cơ thám thính không người lái bắt đầu cất cánh vào tối hôm Thứ Tư tại phi trường quân sự Al Dhafr thuộc United Arab Emirates (UAE), cách khoảng 30 cây số về phía nam của thủ đô Abu Dhabi.

Một tàu chở dầu bị tấn công gần eo biển Hormuz tuần qua – nguồn Reuters

Căn cứ quân sự này là nơi đặt tổng hành dinh của không lực UAE và cũng là nơi đậu nhiều phi cơ chiến đấu của Hoa Kỳ, trong đó có loại Global Hawk là chiếc vừa bị bắn rơi và thường được sử dụng để bay ở một độ khá cao trên vùng biển của khu vực nhìn xuống bên dưới là hàng ngàn chiếc tàu chở dầu liên tục nối đuôi nhau đi ngang qua eo biển Hormuz và để làm công việc thu lượm đủ loại tin tức tình báo từ phía Iran.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Chiếc Global Hawk không phải là loại máy bay tàng hình (stealth). Kích cỡ của nó tương đương với một chiếc phi cơ thương mại nhỏ nhưng có hai cánh sải rộng bằng chiều ngang của chiếc Boeing 737 và được trang bị đủ các loại thiết bị điện tử thám thính với chi phí cho mỗi chiếc là khoảng $130 triệu, mắc hơn loại chiến đấu cơ kiểu mới nhất của Hoa Kỳ là chiếc F35. Ðể tự bảo vệ cho chính nó khỏi bị bắn rơi là nhờ ở vận tốc và độ cao. Chiếc Global Hawk có thể bay với vận tốc 400 dặm một giờ và ở cao độ 55,000 bộ (khoảng 17 km).

Thiếu tướng Amir Ali Hajizadeh, tư lệnh không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, nói rằng phía Iran đã hai lần đưa ra lời cảnh cáo rằng chiếc Global Hawk vi phạm không phận Iran. Lần cảnh cáo cuối cùng là 3 giờ 55 sáng. Chiếc Global Hawk bị bắn rơi vào lúc 4 giờ 05 sáng.

Những gì mà chính quyền Tehran miêu tả về việc làm của họ là hành động tự vệ chính đáng chống lại hành động mang tính cách xâm lược từ phía Washington. Theo bản báo cáo của Ngũ giác đài, các giới chức quân sự Hoa Kỳ đồng ý về thời điểm khi chiếc Global Hawk bị bắn rơi, nhưng không đồng ý về địa điểm. Các giới chức quân sự Iran đặt vị trí chiếc phi cơ khi bị bắn rơi là cách bờ biển của Iran tám dặm, trong khi phía Hoa Kỳ nói rằng địa điểm đó là 21 dặm.

Ðể phản ứng lại hành động của Iran, theo nhiều nguồn tin nội bộ, các cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump có hai quan điểm trái ngược nhau. Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Giám đốc CIA Gina Haspel ủng hộ bằng giải pháp quân sự, trong khi phía Ngũ giác đài tỏ ra quan ngại tình hình căng thẳng trong khu vực có thể leo thang vượt khỏi tầm kiểm soát của Hoa Kỳ.

Chiếc phi cơ thám thính Global Hawk – nguồn US Air Force/AFP

Lúc đầu, phe diều hâu tại Toà Bạch Ốc dường như thắng thế và thuyết phục được Tổng thống Trump phản pháo. Nhưng rồi cuối cùng ông Trump đã quyết định huỷ bỏ kế hoạch tấn công trong khi những chiến đấu cơ của Hoa Kỳ đã cất cánh bay về hướng Iran và chỉ 10 phút trước khi phóng hỏa tiễn vào ba địa điểm quân sự của Iran. Nếu như việc này xảy ra rất có thể đẩy khu vực vịnh Ba Tư tới bờ vực chiến tranh và hậu quả thì không ai lường trước được.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Mấy ngày trước đó, hôm Thứ Hai 17/6, Iran còn đưa ra lời tuyên bố rằng trong một thời gian ngắn kho chứa uranium tinh chất của họ sẽ vượt quá mức giới hạn mà Iran đã chấp nhận trong cuộc thoả thuận hạt nhân năm 2015 với Hoa Kỳ và các siêu cường khác. Hành động này cho thấy là họ cố ý hù doạ các quốc gia Âu châu – hiện đang rất muốn cứu vãn thoả thuận trên – để bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và cứu Iran ra khỏi tình trạng phong toả hiện nay.

Theo nhận định của một số phân tích gia, những hành động tỏ ra hung hăng gần đây của Iran không hẳn là họ muốn gây chiến mà có lẽ chỉ muốn đưa ra những con bài tẩy cho một cuộc mặc cả nếu như họ quay trở lại bàn thương thuyết như phía Hoa Kỳ đề nghị. Và ngay chính Hoa Kỳ cũng không muốn có một cuộc chiến tranh với Iran ngay lúc này.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chiến tranh không thể xảy ra vì chỉ cần một tính toán sai lầm từ một trong hai phía là có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến.

Trong cuộc đối đầu lần này, cả hai phía đều có trong tay những vũ khí cho cuộc mặc cả chính trị. Phía Hoa Kỳ cho thấy họ có sẵn sức mạnh kinh tế có thể làm tê liệt nền kinh tế của Iran, và sức mạnh ngoại giao để buộc những quốc gia khác phải hợp tác.

Hoa Kỳ đưa chiến hạm và tăng thêm quân vào khu vực vịnh – nguồn ABC News

Về phía Iran, ngay lúc này họ cần cho thế giới thấy rằng họ có thể phản công với hai vũ khí quan trọng để thương lượng: đủ sức để gây gián đoạn việc vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz, và khả năng để tiếp tục chương trình hạt nhân của họ.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Khi quyết định rút lui khỏi thoả thuận hạt nhân 2015 và muốn thương thuyết lại với Iran, chính quyền Trump nói rằng có quá nhiều lỗ hổng trong thoả thuận này – trong đó không có điều khoản cấm các loại hoả tiễn đạn đạo mà phía Iran vẫn tiếp tục thử nghiệm trong mấy năm qua; không được kiểm tra một số khu vực bên trong lãnh thổ Iran; và một số điều khoản trong thoả thuận sẽ hết hạn vào năm 2025.

Mặc dù các quốc gia Âu châu tỏ ra thất vọng về quyết định này của Hoa Kỳ, Tổng thống Trump vẫn cho tiến hành việc áp đặt lệnh cấm vận mạnh tay hơn nữa đối với Iran – trong đó có lệnh cấm vận đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo và gần như hoàn toàn cắt đứt nguồn xuất cảng dầu của Iran.

Những hành động gây hấn có vẻ hung hăng nhưng đầy tính toán của Iran cho thấy chính sách phong toả kinh tế “gây áp lực tối đa” của Washington đang có hiệu quả, đẩy nền kinh tế Iran tới nguy cơ có thể hoàn toàn sụp đổ và tạo ra những rối loạn an ninh trong nội địa.

Trong khi đó hành động gây gián đoạn việc vận chuyển dầu trong khu vực vịnh Ba Tư lại hầu như không tạo ra chút rối loạn nào trên thị trường dầu lửa của thế giới như Iran mong muốn. Mười năm trước, những hành động tấn công các tàu chở dầu chắc chắn sẽ đưa giá dầu tăng vọt trên thị trường quốc tế. Nhưng lần này, nhờ việc sản xuất và cung cấp dầu của Mỹ trong mấy năm qua đã vượt mức kỷ lục và giá dầu thô trong tuần qua giậm chân ở mức $61 một thùng, thấp hơn $10 so với một tháng trước đó.

Mức sản xuất dầu ở Mỹ tăng vọt chính là nhờ kỹ thuật khoan dầu mới có khả năng khoan xuyên qua lớp đá rất cứng bên dưới (shale fracking), và nay đang trở thành một lợi khí chiến lược để chống lại những chính quyền độc tài muốn sử dụng dầu thô như một thứ vũ khí gây rối của họ, điển hình là Iran và Nga.

Nếu tình trạng căng thẳng trong khu vực tiếp tục kéo dài và để tránh một cuộc chiến tranh xảy ra, rất có thể Âu châu sẽ phải thuyết phục Iran trở lại bàn thương thuyết cho một thoả thuận hạt nhân mới thì mới mong kéo họ ra khỏi cuộc phong toả kinh tế hiện nay.

VH

Arlington, TX