Chỉ trong ít tuần kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có 3 chuyến công du tới Israel và một số quốc gia Ả Rập. Điều này cho thấy Hoa Kỳ rất quan tâm đến những gì đang xảy ra trong khu vực. Trong chuyến đi mới nhất, do áp lực từ nhiều phía liên quan tới cuộc khủng hoảng nhân đạo tại dải Gaza, ông Blinken kêu gọi Israel hãy tạm dừng cuộc tấn công để Liên Hiệp Quốc và một số tổ chức quốc tế thực hiện các cuộc cứu trợ để giảm bớt mức độ khủng hoảng. Israel từ chối.

Hòa bình cho Gaza – AFP/Getty Images
Trong khi đó, tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có thủ đô Washington, nhiều cuộc biểu tình diễn ra tạo thêm áp lực kêu gọi ngưng bắn hoặc đòi hỏi Israel phải hủy bỏ cuộc tấn công trên bộ của họ.
Kể từ sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 giết chết hơn 1,400 người Israel và bắt đi gần 250 con tin, quân đội Israel đã liên tiếp không kích vào trong khu vực dải Gaza nhắm vào những mục tiêu của Hamas. Kết quả của các cuộc không kích này, cho tới thời điểm đầu tháng 11, cứ 10 toà nhà tại Gaza thì có một là đã bị san bằng và hơn 9,000 người Palestine thiệt mạng, trong số đó có nhiều trẻ em. Tình trạng thiếu nhiên liệu, nước sạch và thực phẩm do lệnh phong tỏa của Israel áp đặt gây ra mối đe dọa ngày càng trầm trọng hơn đối với cuộc sống của hàng nghìn người dân khác.
Chiến tranh và vấn đề nhân đạo
Nhìn vào những hình ảnh tàn phá đó, nhiều người cho rằng hành động của Israel là không tương xứng và vô đạo đức. Nhiều người trong số đó tin vào sự cần thiết của một quốc gia cho người Do Thái, nhưng lại lo sợ về một chính phủ Do Thái dường như ngày càng coi rẻ mạng sống của người Palestine. Họ lo ngại rằng niềm hy vọng hòa bình mong manh trong khu vực luôn có xung đột rồi đây sẽ bị chôn vùi dưới đống đổ nát của Gaza.
Lập luận nói trên không phải không có cơ sở, nhưng nếu vội vã đi tới kết luận có thể sẽ là một sai lầm to lớn. Không ai phủ nhận rằng Israel đang gây ra sự thiệt hại nhân mạng quá cao cho thường dân Palestine. Họ cần phải giảm thiểu sự thiệt hại nói trên và đang cố gắng làm điều này. Người dân Palestine đang thiếu trầm trọng nguồn cung cấp nhân đạo thiết yếu. Israel phải để các chuyến xe viện trợ nhiều hơn nữa được chuyển vào Gaza. Tuy nhiên, ngay cả khi Israel chấp nhận những điều đòi hỏi nói trên, con đường duy nhất dẫn đến hòa bình là phải loại trừ hay ít ra giảm thiểu tối đa khả năng của Hamas trong việc họ sử dụng Gaza làm nguồn tiếp tế và làm căn cứ cho quân đội của họ. Để đạt được mục tiêu này, chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.

Phòng không Israel và hỏa tiễn Hamas – AP
Học thuyết an ninh của Israel
Theo bài phân tích của tờ Economist, để hiểu tại sao chiến tranh không thể tránh khỏi lần này, ta phải tìm hiểu những gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10. Khi Israel nói về cuộc tấn công của Hamas như một mối đe dọa hiện hữu, họ muốn mọi người hiểu điều họ nói đó là theo nghĩa đen chứ không hàm ý bóng bẩy. Trải qua các cuộc tàn sát và diệt chủng trong quá khứ, Israel có một khế ước xã hội độc đáo là bằng mọi giá phải lập ra một vùng đất mà nơi đó người Do Thái biết rằng họ sẽ không bị giết hoặc bị đàn áp vì là người Do Thái. Chính phủ Israel từ lâu đã bảo vệ lời hứa đó bằng một học thuyết chiến lược: răn đe kẻ thù, biết trước dấu hiệu về nguy cơ kẻ thù tấn công, bảo vệ mặt trận phòng thủ biên giới và đạt được những chiến thắng quyết định trên chiến trường.
Cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10 của Hamas phá hủy những điều nói trên. Các tay khủng bố xé nát khế ước xã hội đó bằng cách phá vỡ học thuyết an ninh được lập ra để bảo vệ khế ước đó. Chiến lược răn đe không hiệu nghiệm, các cơ quan tình báo hoàn toàn không hay biết trước có bất kỳ dấu hiệu nào về một cuộc tấn công, việc bảo vệ mặt trận phòng thủ biên giới thất bại và Hamas đã sát hại 1,400 người dân sống trong các cộng đồng sát biên giới. Binh lính và điệp viên của Israel bị choáng váng và bị một cú sỉ nhục quá lớn.
Sự sụp đổ của học thuyết an ninh của Israel đã mở màn cho một cuộc bắn phá dữ dội nhắm vào Gaza. Nguyên nhân là Israel muốn khôi phục lại nguyên tắc nền tảng đó. Israel muốn 200,000 người dân di tản sống trong vùng biên giới có thể trở về nhà của họ. Israel muốn kẻ thù của họ thấy rằng họ vẫn có khả năng tự vệ. Và trên hết, người ta hiểu rằng, bằng cách chọn giết người Israel bất kể sau đó có bao nhiêu người dân Palestine sẽ bị chết ở dải Gaza, Hamas đã chứng tỏ rằng họ không hề nao núng làm điều đó cho dù hậu quả sẽ là thế nào.
Giải pháp hoà bình
Cách duy nhất để chấm dứt bạo lực lập lại là phải loại trừ Hamas – nghĩa là phải giết hết các tay chỉ huy cấp cao và phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự của tổ chức này. Ý kiến cho rằng một cuộc chiến gây ra thiệt hại nhân mạng của hàng ngàn người dân vô tội có thể đưa đến hòa bình sẽ khiến nhiều người kinh hãi. Trong quá khứ, một hành động bạo lực đã dẫn đến một hành động bạo lực tiếp theo. Đó thực sự là điều rủi ro lớn mà Israel phải chấp nhận.
Tuy nhiên, cho đến khi nào Hamas vẫn còn kiểm soát dải Gaza thì hòa bình sẽ không có. Người dân Israel sẽ cảm thấy không an toàn, do đó chính phủ của họ sẽ lại phải tấn công phủ đầu Gaza mỗi khi bị Hamas đe dọa. Bị ngộp thở dưới sự kiểm soát an ninh chặt chẽ của Israel và bị giết do Hamas sử dụng họ như những lá chắn sống trong các cuộc tấn công phủ đầu của Israel, người Palestine sẽ trở nên cực đoan hơn. Con đường duy nhất phía trước là đẩy Hamas ra khỏi quyền kiểm soát dải Gaza đồng thời tạo điều kiện để mang lại tình hình mới tốt hơn cho khu vực.
Người dân Palestine cần những nhà lãnh đạo ôn hòa có khả năng xây dựng dân chủ. Ngay vào lúc này họ không hay chưa có ai. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn Hamas hoặc những tổ chức kế nhiệm tương tự không giành lại quyền kiểm soát dải Gaza trước khi các nhà lãnh đạo mới có thể xuất hiện sau các cuộc bầu cử công bằng.
Từ câu hỏi trên đưa tới điều kiện thứ nhì là để có được hoà bình thì bắt buộc phải có một lực lượng bảo đảm an ninh cho dải Gaza. Mặc dù mới đây Israel tuyên bố là họ sẽ ở lại Gaza để giữ gìn an ninh. Trên thực tế, Israel không thể bảo vệ an ninh trong vai trò là lực lượng chiếm đóng. Thay vào đó, dải đất cần một liên minh quốc tế – có thể bao gồm những quốc gia Ả Rập không ủng hộ Hamas và Iran, quốc gia hậu thuẫn của họ – dưới sự lãnh đạo và quyết tâm của Hoa Kỳ.

Lực lượng Israel tấn công vào Gaza – Daily UK News
Vì sao không thể ngưng bắn
Thỏa thuận ngưng bắn sẽ là vật cản đường trong nỗ lực mang lại hòa bình lâu dài bởi vì điều này sẽ cho phép Hamas tiếp tục cai trị Gaza bằng vũ lực với hầu hết vũ khí và các tay súng của họ vẫn còn nguyên vẹn. Trường hợp tạm ngừng bắn vì vấn đề nhân đạo ngày càng gây áp lực mạnh hơn, nhưng thậm chí nếu điều này xảy ra thì cũng là một sự trao đổi có lợi cho Hamas. Nếu việc tạm ngừng bắn xảy ra liên tục sẽ làm tăng khả năng tồn tại của Hamas.
Cuộc xung đột Israel-Hamas không biết kéo dài bao lâu và cũng không ai dám bảo đảm rằng hoà bình sẽ đến với dải Gaza sau khi xung đột chấm dứt. Một điều rõ ràng mà nhiều người đồng ý là muốn có hoà bình lâu dài cho Gaza thì phải loại trừ Hamas và ngưng bắn ngay lúc này không phải là giải pháp để mang lại nền hoà bình đó.
VH