Nghị viện Vương quốc Anh đang phải đối diện với một cơn địa chấn chính trị vừa phải sau khi vụ việc liên quan đến gián điệp Trung Quốc đã len lỏi được vào trong một số hoạt động nội bộ của nghị viện vừa được đưa ra ánh sáng qua một bản tin của tờ Times of London.

Gián điệp Trung Quốc – Vanguard News   

Sở cảnh sát của thủ đô London xác nhận có 2 người đàn ông đã bị bắt giữ vào tháng 3 với cáo buộc vi phạm luật an ninh của Vương quốc Anh. 2 người đàn ông này ở trong độ tuổi 20 và 30 hiện đang được tại ngoại cho tới đầu tháng 10 sẽ phải ra hầu toà.

Theo một nguồn tin thông thạo của tờ Times of London, một trong hai người đàn ông này, Chris Cash, là nhà nghiên cứu trong Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc (CRG), là nhóm nghiên cứu chính sách về Trung Quốc rất có ảnh hưởng trong nghị viện.

Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc được thành lập vào năm 2020 bởi các thành viên thuộc đảng Bảo thủ trong nghị viện lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với sinh hoạt chính trị của Anh. Chính quyền Trung Quốc vào năm 2021 đã ra lệnh cấm vận một số thành viên của nhóm này nhập cảnh Trung Quốc với lý do là họ truyền bá những lời dối trá về Trung Quốc. Các thành viên nghị viện có tên trong danh sách cấm vận, trong đó có ông Tom Tugendhat, chủ tịch đầu tiên của nhóm, hiện là Bộ trưởng An ninh của chính phủ Anh.

Hoạt động gián điệp

Với các cáo buộc gián điệp Trung Quốc nói trên, có thể xem đây là một trong những vụ gián điệp nghiêm trọng nhất ở Anh kể từ đỉnh điểm của thời kỳ chiến tranh lạnh. Với tư cách là một nhân viên trong nghị viện, ông Cash có quyền được truy cập vào những thông tin, mặc dù có thể không phải là tin tức mật, nhưng là những thông tin không được đưa ra cho công chúng biết. Vị trí của ông Cash trong Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc giúp ông hiểu biết rõ hơn về tư tưởng và quan điểm của các nhà lập pháp Anh, nhất là những người có quan điểm không thuận lợi đối với đảng cộng sản Trung Quốc. Và ông cũng hiểu biết rõ hơn về hoạt động của các thành viên khác trong xã hội, chẳng hạn như các nhà hoạt động nhân quyền có sự liên hệ với những nhà lập pháp trong nghị viện Anh.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Tại cuộc họp thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Ấn Ðộ vừa qua, Thủ tướng Rishi Sunak của Anh cho biết đã trực tiếp chất vấn với Thủ tướng Lý Cường của Trung Quốc và nêu lên mối quan ngại cũng như không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào vào các hoạt động mang tính cách dân chủ của nghị viện.

Trong thời gian gần đây, một số giám đốc tình báo của Vương quốc Anh đã lên tiếng cảnh báo rằng bộ máy gián điệp của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia của Vương quốc Anh, và nếu so sánh về mức độ, họ hoạt động hiệu quả hơn tình báo của Nga rất nhiều. Giám đốc của MI5, cơ quan tình báo an ninh nội địa của Anh, đã cảnh báo các công ty rằng Trung Quốc thường xuyên đánh cắp tài sản trí tuệ của họ.

Toà nhà nghị viện Westminster Palace – Zuma Press

Cảnh báo an ninh

Alex Younger, cựu giám đốc của MI6, cơ quan tình báo an ninh quốc tế của Anh, nói với đài BBC rằng các cơ quan tình báo của Vương quốc Anh ngày càng lo ngại không chỉ về quy mô hoạt động tình báo của Trung Quốc mà còn về phạm vi – điều mà ông cho rằng liên quan đến những nỗ lực nhằm mở rộng quyền lực của họ ra ngoại quốc và tìm cách định hình lại những quan điểm đi ngược lại với quan điểm của đảng cộng sản Trung Quốc.

Hồi hè vừa qua, Vương quốc Anh đã thay đổi luật quy định bất cứ cá nhân nào hợp tác với cơ quan gián điệp nước ngoài và không tiết lộ vai trò này cho chính quyền sẽ vi phạm vào tội hình sự. Pháp luật trước đây chỉ buộc tội hình sự nếu một cá nhân bị bắt quả tang về tội chuyển giao các thông tin nhạy cảm chứ không phải là các hoạt động bí mật khác nhằm gây ảnh hưởng đến các sinh hoạt chính trị.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Một bản phúc trình vào tháng 7 của Ủy ban Tình báo và An ninh của nghị viện cho biết chính phủ Anh đã quá chậm trong việc phát hiện và loại bỏ các hoạt động nhằm gây ảnh hưởng của Trung Quốc.

Cũng tờ Times of London đưa tin nói tới một bản phúc trình khác của cơ quan tình báo MI5 đã từng đề nghị với trụ sở trung ương của đảng Bảo thủ nên ngăn cản 2 cá nhân tranh cử vào nghị viện trong khi đảng này đang chuẩn bị danh sách ứng cử viên vào năm 2021 và 2022. Hai cá nhân này được cho là có liên hệ với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Bắc Kinh, một cơ quan của đảng cộng sản Trung Quốc tham gia vào các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài.

Rishi Sunak chất vấn Lý Cường tại thượng đỉnh G20 – WeeklyVoice.com

Tìm cách gây ảnh hưởng

Sự can thiệp của Trung Quốc vào các sinh hoạt chính trị ở Vương quốc Anh như nói trên đang ngày càng trở nên phổ biến tại các quốc gia theo thể chế dân chủ. Chính phủ Canada mới đây đã công bố kết quả một cuộc điều tra về sự can thiệp vào bầu cử ở ngoại quốc của Bắc Kinh, dựa trên các báo cáo nói rằng Trung Quốc đã tìm cách để giúp những ứng cử viên có quan điểm thân thiện với họ được bầu vào quốc hội Canada trong năm 2019 và 2021. Chính phủ Ottawa trong năm nay cũng đưa ra cáo buộc rằng một nhà ngoại giao Trung Quốc đã tham gia vào kế hoạch hăm dọa một nhà lập pháp của Canada.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Một số báo cáo khác cho biết quốc hội Úc và Tân Tây Lan cũng có thể là mục tiêu của các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây. Các hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở Hoa Kỳ cũng đã được một số nhật báo đưa tin, một trong những hoạt động đó nhắm vào dân biểu Eric Swalwell thuộc đảng Dân chủ tiểu bang California và một hoạt động khác nhắm vào nhân viên phụ tá của thượng nghị sĩ Dianne Feinstein thuộc đảng Dân chủ tiểu bang California.

Những hoạt động tình báo nói trên diễn ra đồng thời với những hoạt động khác của Bắc Kinh gần đây đã từng được nói đến nhằm trấn áp các nhà bất đồng chính kiến trong cộng đồng người Hoa ở các quốc gia dân chủ, cũng như việc hăm dọa các nhà hoạt động nhân quyền và nhiều người khác không cùng quan điểm với họ ở phương Tây. Cơ quan an ninh FBI hồi tháng Tư vừa qua đã cáo buộc Bắc Kinh tổ chức và điều hành một trạm dọ thám bí mật ở thành phố New York để theo dõi hoạt động của những nhà bất đồng chính kiến gốc Hoa đang sống trong khu vực.

Chris Cash, gián điệp Trung Quốc – thetimes.co.uk

Ngăn ngừa hậu hoạ

Những sự việc trên là lời cảnh báo nghiêm trọng rằng chính các thể chế dân chủ trên thế giới đang là mục tiêu nhắm tới của Bắc Kinh, chứ không chỉ nỗ lực nhắm riêng tới những người Trung Quốc bất đồng chính kiến ở trong nước hay ở ngoài nước.

Một điều rõ ràng là để bảo vệ cho nền tự do dân chủ cùng với những luật lệ ràng buộc không phải là công việc dễ dàng. Nhưng hiểu được rằng các hoạt động gián điệp toàn cầu của Bắc Kinh không chỉ đơn thuần là thu thập tin tức tình báo là điều quan trọng và cần thiết. Nỗ lực của Bắc Kinh là nhằm lũng đoạn và gây ảnh hưởng tới các hoạt động chính trị mang tính cách dân chủ ngay từ bên trong, và điều này rất nguy hiểm mà các nhà lãnh đạo phương Tây cần phải có những biện pháp cứng rắn và nghiêm khắc hơn để ngăn ngừa hậu hoạ.

VH