Các cuộc biểu tình rầm rộ suốt tháng qua diễn ra trên khắp Miến Điện để phản đối cuộc đảo chính ngày 1 tháng Hai chấm dứt công cuộc dân chủ hoá kéo dài một thập niên qua và đặt quốc gia này trở lại dưới sự cai trị của quân đội. Việc quân đội chiếm quyền lãnh đạo đã làm người dân Miến Điện nổi giận và kéo theo hàng trăm ngàn người xuống đường chống lại nhóm quân phiệt đầy thế lực mà trong quá khứ đã không ngần ngại sử dụng bạo lực để đàn áp những phong trào ủng hộ dân chủ.

Người biểu tình giơ cao hình lãnh tụ Aung San Suu Kyi tại thành phố Mandala hôm 28 tháng Hai – nguồn Zuma Press 

Trong tuần qua, một lần nữa quân đội lại chứng tỏ cho thấy họ sẵn sàng dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến một cách thô bạo. Vào ngày 3 tháng Ba, có ít nhất 38 người đã bị thiệt mạng sau khi cảnh sát được lệnh bắn vào người biểu tình. Ba ngày trước đó, hôm 28 tháng Hai, 18 người khác đã bị giết. Tình trạng bạo động gia tăng đã làm dấy lên mối lo sợ có thể sẽ còn có thêm nhiều người nữa bị chết dưới tay của cảnh sát và quân đội Miến.

Người biểu tình đòi thả ngay nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và đưa đất nước trở lại chế độ dân chủ. Các cuộc biểu tình rầm rộ bắt đầu vào ngày 6 tháng Hai tại Yangon, thành phố lớn nhất của Miến Ðiện. Kể từ đó phong trào biểu tình ngày càng lớn mạnh và lan ra tới những khu vực khác của quốc gia.

Các cuộc biểu tình đã thu hút được sự tham gia của đủ mọi hạng người, từ những công chức làm việc cho chính phủ, nhân viên y tế, thợ dệt, công nhân hoả xa cho đến học sinh và các nhà hoạt động chính trị. Các nhóm xã hội dân sự và giới trẻ đã sử dụng mạng xã hội và ứng dụng tin nhắn được mã hoá để huy động đám đông.

Quân đội đã gọi các biểu tình là trái pháp luật và cáo buộc người biểu tình gây ra tình trạng mất an ninh trật tự. Cảnh sát lúc đầu chỉ sử dụng đạn cao su và vòi rồng, nhưng khi các cuộc biểu tình lớn vẫn tiếp tục thì họ bắt đầu dùng súng bắn vào người biểu tình. Cho đến cuối tuần qua có ít nhất 59 người đã bị giết.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Hình ảnh mặt đường dính đầy máu, nhiều người biểu tình bị thương nằm trên cáng bệnh viện và đường phố bao phủ khói cay đã được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội. Lệnh giới nghiêm Internet đã được ban hành trên toàn quốc.

Hàng trăm người đã bị bắt và bị buộc tội hoặc bị kết án kể từ sau cuộc đảo chính, bao gồm nhiều giới chức dân cử, các nhà hoạt động xã hội và chính trị, và ít nhất một công dân nước ngoài từng làm cố vấn cho chính phủ dân sự vừa bị lật đổ.

Phụ nữ biểu tình tại Yangon – nguồn New York Times

Quân đội Miến Ðiện trong quá khứ đã nhiều lần sử dụng các phương pháp bạo lực để dập tắt các cuộc nổi dậy, đặc biệt là trong phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 1988, khi hàng nghìn người thiệt mạng, và vào năm 2007, khi lực lượng an ninh bắn vào đám đông biểu tình.

Ðiều đặc biệt là trong phong trào biểu tình lần này ở Miến Ðiện có rất nhiều phụ nữ tham gia. Mặc dù nguy hiểm, phụ nữ đã đứng ở tuyến đầu trong các cuộc biểu tình, gửi đi một thông điệp phản đối mạnh mẽ đến các tướng lãnh đã lật đổ nhà lãnh đạo dân sự cũng là một phụ nữ và cho thiết lập lại một chế độ kiểu gia trưởng đã từng có những hành động đàn áp phụ nữ trong suốt nửa thế kỷ dưới quyền lãnh đạo của họ.

Với con số lên đến hàng trăm ngàn người, phụ nữ Miến đã tụ họp nhau trong các cuộc tuần hành hàng ngày, có đại diện từ các đoàn thể giáo viên, công nhân may mặc và nhân viên y tế – là những khu vực kinh tế với đa số là phụ nữ. Thường thì những phụ nữ trẻ nhất là những người đi ở hàng đầu và họ là những người đầu tiên chạm trán với cảnh sát. Người thiệt mạng đầu tiên trong cuộc đàn áp của quân đội là một phụ nữ 20 tuổi vào ngày 9 tháng Hai. Hôm Thứ Tư 3/3 vừa qua có thêm hai phụ nữ trẻ đã bị bắn vào đầu và một phụ nữ khác bị bắn vào lồng ngực, ba viên đạn đã kết thúc cuộc đời của họ.

Trong một đất nước với dân số 55 triệu, kể từ khi quân đội giành lại toàn quyền kiểm soát sau 5 năm chia sẻ quyền lực với một chính phủ dân sự do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, phụ nữ là nhóm người chịu mất mát nhiều nhất. Lý do là vì chế độ quân phiệt cực kỳ bảo thủ, đặc biệt là quan điểm của họ đối với nữ giới. Thậm chí ngay cả cách ăn mặc của phụ nữ mà họ cũng chen vào những ý kiến riêng của họ.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Tuy nhiên, những định kiến của quân đội về phụ nữ không nhất thiết được chia sẻ bởi một xã hội mở rộng của Miến Ðiện. Phụ nữ Miến được giáo dục và đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong các ngành về kinh doanh, sản xuất và công chức. Càng ngày phụ nữ Miến càng tìm thấy tầm quan trọng trong vai trò chính trị của họ. Trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua, có khoảng 20 phần trăm ứng viên thuộc Liên đoàn Quốc gia cho Dân chủ, đảng của bà Suu Kyi, là phụ nữ.

Trong khi tình hình tại Miến Ðiện ngày càng trở nên tồi tệ hơn, cộng đồng quốc tế đang cố gắng đi tìm giải pháp để kiềm chế chính phủ quân phiệt và đưa Miến Ðiện thoát ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những mức độ ảnh hưởng và những chính sách rất khác nhau trong việc thuyết phục quân đội Miến quay trở lại con đường dân chủ hoá.

Tưởng niệm những người thiệt mạng trong phong trào biểu tình – nguồn Getty Images

Cho tới thời điểm này, các quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) vẫn chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay với Miến Ðiện, cho rằng điều này sẽ chỉ đẩy chế độ quân phiệt tiến gần hơn tới Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và là quốc gia đầu tư lớn thứ nhì của Miến Ðiện, chỉ đứng sau Singapore. Khối ASEAN hiện đang tìm cách giữ vai trò như là sợi dây liên lạc với các quốc gia bên ngoài để thương thuyết và thúc giục các tướng lãnh tiến tới thỏa hiệp với người biểu tình.

Nhật Bản, một quốc gia ngày càng có quan hệ kinh tế thắt chặt và cũng là quốc gia viện trợ quan trọng của Miến Ðiện, có thể là một trong số ít quốc gia có sự ảnh hưởng kinh tế và tiếng nói mạnh để giúp giải quyết tình hình.

Riêng với Trung Quốc thì vẫn đứng trung lập với chính sách không can thiệp của họ. Bắc Kinh sẽ không chủ động trong nỗ lực hoà giải và chỉ lo bảo vệ những quyền lợi kinh tế mang tính chiến lược của họ ở Miến Ðiện. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ đứng yên chờ thời cơ để thủ lợi và ủng hộ bất cứ phe nào nắm được chính quyền để lại tiếp tục làm ăn và kiếm tiền. Thế nên trước đây nhiều tướng lãnh quân đội và dân chúng Miến Ðiện đã từng bày tỏ thái độ ngờ vực đối với Trung Quốc.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada và Liên Âu đã cho áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các tướng lãnh Miến Ðiện. Các giới chức Hoa Kỳ tháng trước đã ngăn chặn chính quyền quân phiệt Miến tìm cách chuyển khoảng 1 tỷ Mỹ kim ra khỏi Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại New York và cho đóng băng trương mục này.

Tuy nhiên, cuối cùng rồi thì trở ngại lớn nhất đối với chế độ quân phiệt vẫn là sự ủng hộ của dân chúng đối với chế độ dân chủ đã phát triển mạnh mẽ trong suốt một thập niên mở cửa vừa qua. Bên cạnh sự gia tăng về đầu tư và thương mại còn có sự bùng phát về kỹ thuật tin học. Nhiều người Miến, đặc biệt là giới trẻ, nay có điện thoại cầm tay được nối kết với hệ thống internet 4G và ai cũng có thể truy cập Facebook và các trang mạng xã hội khác. Người dân đã được nếm mùi tự do và Miến Ðiện nay đã là một quốc gia đổi khác so với một thập niên trước, và các tướng lãnh hiểu ra được điều đó khi họ tìm cách kiềm chế phong trào biểu tình lần này và thấy rằng người dân Miến biết thích nghi với hoàn cảnh và trở nên kiên cường hơn.

Người biểu tình tại Miến Ðiện còn học hỏi được từ những phong trào ủng hộ dân chủ tương tự tại Thái Lan và Hồng Kông, và đã thiết lập được một mạng lưới liên lạc với các nhà hoạt động đồng chí hướng khác – có tên gọi là “Liên minh Trà Sữa” – để giúp duy trì tinh thần tranh đấu cho phong trào.

Nói cho cùng, bất kỳ ảnh hưởng nào mà cộng đồng quốc tế – cho dù đó là Hoa Kỳ hay Nhật Bản hay Singapore – có được thì thật sự ra cũng chỉ đóng vai trò thứ yếu. Vai trò quan trọng và chính yếu vẫn là những người biểu tình trên đường phố trong nỗ lực đưa Miến Ðiện trở lại con đường dân chủ hoá. Họ nắm giữ 99% chủ động, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia Âu châu chỉ có thể giúp đẩy cái 1% còn lại đó tới đích.

Đàn áp vẫn không làm nao lòng người biểu tình – nguồn Getty Images

VH