Sau một tuần lễ đầy biến chuyển ở thủ đô Washington, Tổng thống Donald Trump đến Pháp vào buổi trưa Thứ Bảy 24/8, để chuẩn bị tham dự thượng đỉnh G7 cùng với các nguyên thủ của sáu quốc gia cường thịnh khác trong nhóm là Pháp, Đức, Anh, Ý, Canada và Nhật Bản.

nguồn twitter.com  

Tuần lễ nhiều biến chuyển vừa qua bắt đầu với một bản tin tuần trước đó cho biết Tổng thống Trump tỏ ý muốn mua lại đảo Greenland của Ðan Mạch. Ðể đáp lại, chính phủ Ðan Mạch nói rằng họ không có ý định bán Greenland cho ai hết. Qua đến Thứ Tư vừa qua, ông Trump quyết định huỷ bỏ chuyến viếng thăm Ðan Mạch vào đầu tháng tới với lý do là vì ông không thích giọng điệu của bà Thủ tướng Mette Frederiksen khi trả lời về ý định mua Greenland của ông. Từ một chuyện nhỏ nhặt bỗng nhiên biến thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao nho nhỏ khiến Ngoại trưởng Mike Pompeo phải đôn đáo bào chữa.

Rồi một loạt tweets tấn công Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Jerome Powell sau khi ông này đã không chịu cắt giảm phân lời 1% như ông Tổng thống muốn mà chỉ cắt 0.25% và cho biết kinh tế Hoa Kỳ chưa có những dấu hiệu đáng lo ngại về suy trầm nên chưa phải lúc để cắt giảm thêm phân lời. Thế là ông Trump nổi giận và công kích ông Powell.

Nhưng đặc biệt được chú ý hơn hết là hôm Thứ Sáu 23/8 sau khi thị trường cổ phiếu Dow Jones rớt 623 điểm, tương đương với 2.3%, do giới đầu tư quan ngại về cuộc chiến thương mại leo thang và sự phát triển kinh tế toàn cầu có thể chậm lại, hoặc tệ hơn nữa là thụt lùi trong tương lai gần.

Lúc đầu ngày, chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ đánh thuế 5% và 10% lên số $75 tỷ còn lại của các hàng hoá nhập cảng từ Hoa Kỳ mà kể từ khi cuộc chiến thuế quan bắt đầu đã không bị đánh thuế. Những sản phẩm này bao gồm các loại xe sang trọng, hoá chất và phi cơ phản lực loại nhỏ mà Trung Quốc không thể tìm mua từ những quốc gia khác được. Thuế quan mới này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/9 và 15/12 khi hai đợt thuế quan của ông Trump đánh lên hàng nhập cảng Trung Quốc cũng bắt đầu có hiệu lực.

Khi tin này được loan ra, thị trường cổ phiếu vẫn hoạt động bình thường. Sau đó, thị trường có tăng chút đỉnh sau khi Chủ tịch Jerome Powell cho biết là Ngân hàng Trung ương sẽ “có hành động thích hợp để duy trì sự phát triển.” Nhưng sau đó ông Trump bắt đầu gửi tweet tấn công ông Powell rồi ra lệnh cho các công ty Mỹ phải tức thời rời khỏi Trung Quốc. Thực ra một ông Tổng thống Mỹ không có quyền bắt các công ty Mỹ phải đầu tư ở chỗ này và không được đầu tư ở chỗ kia. Trên thực tế, có nhiều công ty đã rời khỏi Trung Quốc nhưng vẫn còn một số công ty khác đã hoạt động tại đây trong nhiều thập niên qua thì không thể bỏ đi ngay trong một sớm một chiều.

Tổng thống Trump và phu nhân đến Pháp dự thượng đỉnh G7 – nguồn thestar.com

Ðến cuối ngày, thị trường cổ phiếu bắt đầu tụt dốc mạnh. Ðây là dấu hiệu không tốt ngay trước khi có thượng đỉnh G7. Nó nhắc nhở cho người ta biết những căng thẳng thương mại trên thế giới hiện nay không chỉ là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà còn giữa Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, cũng như giữa các nước khác với nhau. Trong khi có một vài dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang chậm lại làm nhiều người lo ngại tình trạng kinh tế suy trầm có thể sắp xảy ra.

Xem thêm:   Nị ăn cơm chưa?

Thượng đỉnh G7 năm nay được tổ chức tại thị trấn nghỉ mát Biarritz, nằm cạnh bờ biển về hướng tây nam của Pháp, sát với biên giới Tây Ban Nha.

Nhóm G7 được thành lập với mục đích đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế. Nhưng trong những cuộc họp thượng đỉnh gần đây, nhóm bảy quốc gia cường thịnh này ngày càng bị lún sâu vào trong những bất đồng về chính trị cũng như kinh tế – và thượng đỉnh năm nay cũng không ngoại lệ.

Theo nhận định của các nhà quan sát, thượng đỉnh G7 lần này bị kẹt trong tình trạng chia rẽ trầm trọng trong hầu hết tất cả mọi vấn đề trên thế giới được đưa ra thảo luận trong ba ngày, bắt đầu từ Thứ Bảy cho đến Thứ Hai, ngoài cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc còn có vấn đề căng thẳng về chương trình hạt nhân của Iran đến vấn đề Brexit, và thậm chí vụ cháy rừng tại khu vực rừng nhiệt đới Amazon cũng gây nên những bàn cãi sôi nổi.

Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson, lần đầu tham dự G7 sau khi được bầu làm thủ tướng mấy tuần trước đó, đe doạ là sẽ đưa Vương quốc Anh ra khỏi khối Liên hiệp Âu châu vào cuối Tháng 10 cho dù hai bên có đạt được thoả thuận hay không. Tuy nhiên, ông Johnson cũng tìm cách làm giảm bớt những lo ngại cho rằng việc Anh rời khỏi Liên hiệp Âu châu sẽ làm giảm bớt địa vị và ảnh hưởng của Anh trên thế giới. Ông Johnson cũng lợi dụng G7 làm diễn đàn để đánh bóng mối quan hệ giữa Anh với Hoa Kỳ trong khi chính quyền của ông đang hy vọng có thể ký được một thoả thuận thương mại với Mỹ sau khi Brexit diễn ra.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Hôm Thứ Sáu trước thượng đỉnh, Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã lên tiếng đe doạ Brazil là Pháp có thể rút ra khỏi thoả thuận thương mại giữa Liên hiệp Âu châu và nhóm Mercosur của các quốc gia Nam Mỹ, cáo buộc Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil đã gian dối về nỗ lực bảo vệ môi trường của nước này sau khi nhiều tin tức nói đến nạn cháy rừng tại khu vực Amazon thuộc Brazil đã gia tăng 88% so với cùng tháng này năm ngoái.

Khu rừng nhiệt đới Amazon, với 60% diện tích nằm bên trong biên giới Brazil, được xem như là lá phổi của thế giới hấp thụ một lượng lớn khí carbon giúp cho nhiệt độ toàn cầu hạ thấp hơn và đồng thời sản xuất 20% lượng dưỡng khí oxy cho thế giới.

Người biểu tình bên ngoài thượng đỉnh G7 hôm Thứ Bảy 24/8 – nguồn Shutterstock

Thoả thuận thương mại giữa Liên Âu và Mercosur nếu thuận buồm xuôi gió sẽ tạo thành khối hợp tác thương mại với dân số 780 triệu người, đại diện cho một phần tư nền kinh tế thế giới. Thoả thuận này vẫn còn cần sự chuẩn thuận của các quốc gia thành viên và quốc hội Liên Âu, và sẽ gặp khó khăn nếu như một quốc gia quan trọng của Liên Âu như Pháp chống đối.

Trong khi đó Tổng thống Donald Trump, từ lâu nay cũng không mặn mà gì mấy với những định chế quốc tế, cũng đã đơn phương tăng thuế nhập cảng để trừng phạt cả Trung Quốc lẫn các quốc gia đồng minh G7.

Những cuộc thảo luận quan trọng nhất diễn ra vào hôm Chủ Nhật, trong đó có một cuộc họp thảo luận về tình hình kinh tế toàn cầu, được đưa vào giờ phút chót do Washington yêu cầu.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Ông Trump cũng dùng diễn đàn này để khoe thành tích về những chính sách mà ông nói rằng đã giúp tạo kinh tế tại Hoa Kỳ phát triển – trong đó có một số chính sách đã bị các đồng minh Âu châu chống đối – và ông đã so sánh ngược lại với những chính sách của Âu châu nơi mà tỷ lệ phát triển kinh tế hầu như không nhúc nhích. Trong khi các quốc gia kia đã không bỏ lỡ cơ hội nêu lên những tác động tai hại do hậu quả từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc.

Năm ngoái, do quyết định đánh thuế thép và nhôm của chính quyền Trump đối với các đồng minh G7 làm cho thượng đỉnh tại Canada có thể nói là đã thất bại.

Các bộ trưởng tài chánh của G7, trừ Hoa Kỳ, đã cùng đồng nhất đưa ra tuyên bố bác bỏ chính sách thương mại của Hoa Kỳ tại một cuộc họp trước thềm hội nghị.

Khi các vị nguyên thủ ngồi lại với nhau, ông Trump lúc đầu đã đồng ý với bản tuyên bố chung, nhưng sau khi rời thượng đỉnh ông đã cho rút lại – qua lời nhắn trên Twitter – sau khi Thủ tướng Justin Trudeau của Canada đã so sánh thuế đánh trên thép và nhôm như là hành động xúc phạm đồng minh.

Một năm sau, Canada là quốc gia thuộc G7 duy nhất tránh không bị thuế thép và nhôm nhờ đã đạt được một thoả thuận thương mại mới giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada. Tuy nhiên, thoả thuận này vẫn chưa được thông qua tại quốc hội Hoa Kỳ nên chưa có hiệu lực.

Trong khi đó, chính quyền Trump đang lăm le đe doạ đồng minh G7 với thuế quan mới lên một loạt sản phẩm, từ rượu vang và phô mai đến phi cơ và xe hơi. Ðây là mối quan ngại lớn nhất đối với Nhật Bản và Ðức, là hai quốc gia nằm ngoài Bắc Mỹ và có lượng xe nhập cảng vào Mỹ nhiều nhất.

Mối quan hệ giữa các quốc gia G7 hiện đang không mấy tốt đẹp và do đó ngay trước thềm thượng đỉnh đã có nhiều người tỏ ý lo ngại thượng đỉnh năm nay có thể cũng không đạt được một bản tuyên bố chung giống như năm ngoái. Theo như thông lệ trước đây, bản tuyên bố chung thường được các quốc gia điều đình trước nhiều tháng và chỉ chờ đến cuối thượng đỉnh thì đưa ra. Nhưng nay thông lệ đó cũng không còn.

VH

Arlington, TX