Trong mấy tuần lễ vừa qua, kể từ sau cuộc bầu cử, Trung Quốc đã ráo riết chuẩn bị để đối phó trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến thương mại mới với Hoa Kỳ qua việc phô trương những biện pháp mà họ có thể đáp trả Hoa Kỳ, trong đó bao gồm từ việc siết chặt xuất cảng những kim loại cần thiết cho các sản phẩm người dân Mỹ sử dụng hàng ngày đến việc trừng phạt các công ty Hoa Kỳ đang làm ăn tại Trung Quốc.

Nhìn qua thì những biện pháp nói trên không có gì mới và nếu chính quyền Bắc Kinh thực hiện những biện pháp đó một cách mạnh tay thì rất có thể có nguy cơ phản tác dụng.

Mối rủi ro lớn là nếu tấn công các công ty phương Tây và hạn chế xuất cảng các khoáng sản quan trọng và các mặt hàng thiết yếu khác sẽ chỉ khuyến khích Hoa Kỳ và đồng minh gia tăng nỗ lực để tách rời nền kinh tế của họ khỏi Trung Quốc.

Điều đó sẽ gây rắc rối cho Bắc Kinh là vì cho đến nay Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi mô hình kinh tế lâu nay là phụ thuộc quá nhiều vào việc bán hàng hóa của họ cho người tiêu thụ ở các nước phương Tây.

Vũ khí kinh tế của Trung Quốc

Theo các nhà phân tích, mặc dù Trung Quốc có thể gây khó khăn cho Hoa Kỳ bằng các vũ khí kinh tế mà họ có, nhưng có nhiều khả năng chính quyền Bắc Kinh sẽ chỉ sử dụng chúng một cách vừa phải. Thay vào đó, Bắc Kinh có thể sử dụng các biện pháp này để làm áp lực trong các cuộc đàm phán để đi tới một thỏa thuận hưu chiến với chính phủ Donald Trump nếu ông Trump giữ đúng lời hứa là sẽ áp thuế 60% đối với hàng nhập cảng từ Trung Quốc.

Khi ông Trump bắt đầu áp thuế hàng nhập cảng từ Trung Quốc vào năm 2018, chính quyền Bắc Kinh đã đáp trả lại bằng cách tăng thuế đối với hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ như thực phẩm, hóa chất và hàng may mặc.

Với một cuộc chiến thương mại leo thang và căng thẳng hơn đang có nguy cơ xảy ra, Bắc Kinh đã cho thử nghiệm một số biện pháp cũ nhưng đã được chỉnh sửa lại kể từ cuộc chiến thương mại xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump – mà họ tin rằng sẽ có hiệu quả hơn so với chiến thuật ăn miếng trả miếng bằng cách leo thang trong việc áp thuế.

Xem thêm:   Nhẫn & nhẫn tâm

Vào tháng 12 vừa qua, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát đối với việc xuất cảng nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất thiết bị điện tử tân tiến và bình điện xe cũng như trong các lĩnh vực kỹ thuật cao khác. Hành động này là để đáp trả lại quyết định của chính phủ Biden nhằm hạn chế việc bán cho Trung Quốc một số chip điện tử cao cấp được sử dụng trong kỹ thuật trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết các biện pháp như hạn chế xuất cảng kim loại hiếm hay nhắm mục tiêu trừng phạt các công ty Hoa Kỳ không phải là những biện pháp đối phó hiệu nghiệm.

Biện pháp hoá giải của Hoa Kỳ

Theo các số liệu từ cơ quan thống kê liên bang, mặc dù Trung Quốc thống trị ngành sản xuất và tinh chế các khoáng sản quan trọng, họ không phải là quốc gia cung cấp duy nhất trên thế giới. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã nhập cảng khoáng chất gallium thô từ Canada nhiều hơn từ Trung Quốc và quốc gia cung cấp khoáng chất germani đã qua chế biến hàng đầu của Hoa Kỳ là Đức.

Sự thống trị của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng phụ thuộc một phần vào khả năng cung cấp cho thị trường toàn cầu với giá thấp, khiến các đối thủ không muốn đầu tư vào việc sản xuất như trên vì thấy khó cạnh tranh nổi. Nhưng việc kiểm soát xuất cảng có nguy cơ đẩy giá thị trường lên cao, làm thay đổi cách tính toán đó của họ.

Hơn nữa, như khả năng lách được lệnh trừng phạt của phương Tây của Nga trong cuộc chiến Ukraine hiện nay cho thấy, các quốc gia đệ tam thường sẵn sàng đóng vai trò trung gian trong thương mại toàn cầu, cho phép quốc gia mua hàng có thể tránh được những biện pháp hạn chế áp đặt bởi quốc gia bán hàng. Nếu Trung Quốc cứng rắn hơn trong việc xuất cảng khoáng sản sang Hoa Kỳ, các công ty Hoa Kỳ vẫn có khả năng đặt mua những gì họ cần thông qua việc tái xuất cảng của các quốc gia đệ tam – nghĩa là mua đi bán lại.

Xem thêm:   Món hàng khoáng sản Ukraine

Thị trường Trung Quốc hết hấp dẫn

Việc trừng phạt các công ty Hoa Kỳ làm ăn tại Trung Quốc cũng không còn là mối đe dọa mạnh như trước đây nữa. Nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc và việc nỗ lực loại bỏ các thương hiệu phương Tây để hỗ trợ cho các thương hiệu trong nước có nghĩa là nhiều công ty Hoa Kỳ đang gặp khó khăn trong việc kinh doanh tại đó. Do đó, Trung Quốc trở thành một thị trường kém quan trọng hơn đối với các công ty Hoa Kỳ so với trước đây.

Vào tháng 12 vừa qua, công ty sản xuất xe General Motors cho biết bị thua lỗ tại Trung Quốc và buộc họ phải đóng cửa một số nhà máy và cung cấp cho thị trường Trung Quốc ít mẫu xe hơn.

Nếu Bắc Kinh siết chặt việc kiểm soát các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động tại Trung Quốc thì hành động này có thể thuyết phục các công ty Hoa Kỳ giảm bớt sự hiện diện của họ ở Trung Quốc và làm nản lòng các công ty mới muốn đầu tư vào.

Những biện pháp khác của Trung Quốc

Chính quyền Bắc Kinh có thể thực hiện một số biện pháp khác. Chẳng hạn Trung Quốc có thể để đồng bạc của họ yếu đi so với đồng đô la, giúp việc xuất cảng của họ có lợi thế hơn trên thị trường thế giới và tại Hoa Kỳ, đồng thời giúp bù đắp cho mức thuế quan cao hơn. Nhưng hành động này có thể khiến nguồn vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc để đem đầu tư nơi khác, điều mà Bắc Kinh rất muốn tránh. Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh có thể chấp nhận phá giá đồng bạc có giới hạn và có kiểm soát, nhưng không chấp nhận đồng nhân dân tệ trượt giá mạnh.

Cuối cùng, Bắc Kinh có một lựa chọn tối thượng là bán tháo lượng trái phiếu khổng lồ của ngân khố Hoa Kỳ mà họ nắm giữ. Trung Quốc là nước nắm giữ lượng trái phiếu Hoa Kỳ lớn thứ hai chỉ sau Nhật Bản, với trị giá $760 tỷ tính đến tháng 10 vừa qua, mặc dù một số chuyên gia cho rằng con số thực sự cao hơn nhiều, có lẽ bằng một nửa trong tổng số $3.6 nghìn tỷ quỹ dự trữ chính thức của họ. Một số chuyên gia cho biết Bắc Kinh có thể cân nhắc để đánh một con bài tháu cáy như vậy nếu cuộc xung đột thương mại leo thang mạnh mẽ và họ tìm cách gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính để đáp trả lại.

Xem thêm:   Fentanyl & Sắc lệnh áp thuế

Hoá giải khác của Hoa Kỳ

Tuy nhiên, các nhà kinh tế chỉ ra rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có thể can thiệp để ổn định thị trường trái phiếu bằng cách mua hết lại, giống như họ đã làm vào năm 2020. Lúc đó, ngân hàng dự trữ đã mua lại $1 nghìn tỷ trái phiếu từ một số ngân hàng trung ương ngoại quốc và các nhà đầu tư tư nhân đang cần tiền mặt đã bán ra khi đại dịch Covid bắt đầu. Một đợt bán tháo như vậy sẽ khiến Bắc Kinh giữ trong tay quá nhiều đô la mà họ sẽ phải tìm cách đầu tư vào một số tài sản khác. Bán trái phiếu Hoa Kỳ và mua vào đồng nhân dân tệ sẽ đẩy giá trị đồng tiền của chính họ lên cao gây thiệt hại cho việc xuất cảng.

Theo ý kiến của các nhà phân tích, nhìn chung một cách tổng thể, Bắc Kinh phải cẩn thận với các biện pháp đáp trả của họ đối với Hoa Kỳ như thế nào để thế giới không nhìn họ bằng con mắt nghi ngại. Cũng giống như một số quốc gia lên tiếng lo ngại về sự phụ thuộc của họ vào đồng đô la và hệ thống tài chính Hoa Kỳ, những quốc gia khác cũng có thể sẽ tỏ ra nghi ngại về sự phụ thuộc của họ vào hàng hoá sản xuất của Trung Quốc và đi tìm nguồn cung cấp khác trước khi bị Trung Quốc bắt chẹt. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.

VH