Trong một cuộc phỏng vấn chiếu trên đài Fox Business Network hôm Thứ Năm 14/5 liên quan đến các cuộc thảo luận về sự khác biệt thương mại kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump gợi ý rằng Hoa Kỳ “có thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ” với Trung Quốc do hậu quả của đại dịch Covid-19. Để làm cho rõ ý kiến trên, ông Trump cho biết những thiệt hại kinh tế do trận đại dịch gây ra là một bằng chứng rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ cần phải làm nhiều hơn nữa để không còn bị lệ thuộc vào chuỗi hệ thống cung ứng toàn cầu đi xuyên qua Trung Quốc.

Căng thẳng Mỹ-Trung thời đại dịch- nguồn foreignpolicy.com  

Những lời phát biểu thẳng thừng trên cho thấy mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai nước đang ở mức thấp chưa từng thấy trước đây.

Tổng thống Trump không hẳn là nhân vật duy nhất có những lời tuyên bố cứng rắn khi nói đến Trung Quốc mà một số giới chức dưới quyền và cố vấn của ông thậm chí còn có những lời lẽ khắc nghiệt hơn nữa. Một số thượng nghĩ sĩ Cộng hoà hiện đang thúc đẩy một dự luật để nhằm trừng phạt Trung Quốc do đã cố tình che giấu trong thời gian đầu khi dịch bệnh bùng phát. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì giới hạn cấp chiếu khán nhập cảnh cho các nhà báo Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ, một hành động đáp trả lại việc chính quyền Bắc Kinh trong thời gian qua đã ra lệnh trục xuất một số ký giả của ba tờ báo lớn của Mỹ vì những ký giả này đã đưa những tin tức về đại dịch Covid-19 không có lợi cho họ.

Trong khi đó, nhiều nhân vật chính trị thuộc đảng Dân chủ, trong đó có Ứng cử viên tổng thống Joe Biden, cũng hăng hái muốn chứng tỏ rằng họ cũng có quan điểm chống Trung Quốc không thua bất cứ ai. Ngoài ra còn có nhiều quốc gia khác, trong đó có một số cường quốc khu vực tại châu Á, cũng bắt đầu áp dụng đường lối ngoại giao nhằm trực tiếp đối đầu với Trung Quốc – và điều này đã buộc Trung Quốc lại càng ra sức khích động tinh thần dân tộc trong dân chúng, không quên nhắc nhở người dân của họ phải nhớ đến một quá khứ lịch sử đã từng bị ngoại quốc bao vây, ngược đãi và bóc lột.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Với thái độ chống đối nhau ra mặt cùng những lời lẽ ngoại giao cáo buộc thẳng thừng không một chút kiêng nể đã làm cho nhiều người phải tự hỏi phải chăng một cuộc chiến tranh lạnh mới của thế kỷ 21 đang thành hình.

Vào ngày 15 tháng 1 đầu năm, có vẻ như Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa tránh khỏi để không bị rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới đó.

Tại Washington, Tổng thống Donald Trump tuyên bố “mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc đang ở mức tốt đẹp nhất chưa từng có” trong khi ngồi ký thoả thuận thương mại sơ bộ lót đường cho những thoả thuận mở rộng hơn sau này. Hiệp ước tạm giữa TT. Trump và Tập Cận Bình của Trung Quốc đã làm dấy lên hy vọng rằng cho dù là hai siêu cường thế giới ở hai tư thế đối nghịch nhau vẫn có thể giải quyết những khác biệt và bất đồng một cách hòa bình.

Cuộc gặp gỡ Trump-Tập cuối cùng tại Thượng đỉnh G20 Osaka, Nhật Bản 2019 – nguồn Getty Images

Cùng ngày hôm đó, các giới chức y tế tại thành phố Vũ Hán thuộc khu vực Hoa Trung thừa nhận rằng họ không thể loại trừ giả thuyết về sự lây truyền từ người sang người của một căn bệnh viêm phổi mới đầy bí ẩn lúc đó đã làm cho 41 người Trung Quốc bị mắc bệnh. Trong khi một người đàn ông khác từng viếng thăm Vũ Hán và khi quay trở về nhà tại tiểu bang Washington cũng mang trong người mầm bệnh chết người này. Ðây là trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được xác nhận tại Hoa Kỳ của dịch bệnh mà nay chúng ta được biết dưới cái tên Covid-19.

Bốn tháng sau, siêu vi khuẩn corona này đã gây nên cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu được cho là tồi tệ nhất trong ít nhất một thế kỷ qua, gây tử vong cho hơn 300,000 người và khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy trầm khá nặng. Trận đại dịch lần này cũng đã làm khơi dậy tất cả những tình huống xấu nhất về mối quan hệ Mỹ-Trung, đẩy hai quốc gia tiến gần tới tư thế đối đầu bất khoan nhượng hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ bốn thập niên trước.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Từ chuỗi cung ứng và chiếu khán nhập cảnh tới không gian mạng và Ðài Loan, cả hai siêu cường kinh tế thế giới đang ngày càng gia tăng tranh chấp trên nhiều mặt trận mà không gì có thể kiềm chế để hai bên giữ được sự im lặng tối thiểu. Tổng thống Trump thậm chí còn bày tỏ sự thất vọng với thoả thuận thương mại, một trong những cam kết hiếm hoi mà hai bên đã đạt được hầu giúp ngăn chặn các cuộc đấu khẩu có nguy cơ lây lan thành những cuộc tranh chấp thực sự. Cũng hôm Thứ Năm, Trump nói rằng ông không muốn nói chuyện với Tập và Hoa Kỳ sẽ “tiết kiệm được $500 tỷ” nếu cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.

Tình trạng đối đầu này sẽ còn trở nên om sòm hơn nữa trước khi có cuộc tổng tuyển cử vào Tháng 11 tới đây. Tổng thống Trump ngày càng lớn tiếng đổ lỗi cho Trung Quốc về vụ khủng hoảng vi khuẩn corona vì điều này có thể làm giảm đi cơ hội chiến thắng của ông cuối năm nay, trong khi Ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ cũng như quốc hội và nhiều giới chức chính quyền tiểu bang cũng đã hăng hái tham gia vào cuộc đấu tố trên. Trong khi đó, chính quyền Tập tung ra chiêu bài quốc gia dân tộc để chống lại Hoa Kỳ trong khi hàng xuất cảng của họ chậm đi và số người thất nghiệp ngày càng tăng cao đã đẩy Trung Quốc rơi vào tình trạng kinh tế suy trầm tồi tệ nhất kể từ nhiều thập niên qua.

Những người biểu tình cầm biểu ngữ và đeo mặt nạ trong lúc trận đấu của NBA tại New York hôm thứ Sáu – nguồn BBC.com

Trong khi thoả thuận thương mại sơ bộ ngay vào lúc này giúp làm giảm nguy cơ về những đợt đánh thuế mới, hầu hết những vụ tranh chấp khác giữa hai bên thì vẫn y nguyên hay còn tồi tệ hơn so với thời gian một năm trước đây khi vụ xung đột thương mại nổ ra. Tổng thống Trump và các cố vấn hàng đầu của ông đã làm cho Trung Quốc bực tức không ít với hàng loạt vụ chỉ trích tung ra mỗi ngày, kể cả vụ tố cáo vi khuẩn corona xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán mặc dù vẫn chưa đưa ra bằng chứng xác đáng, và rằng Bắc Kinh đang cố tình tích trữ dụng cụ y tế và những tay tin tặc của Trung Quốc đang tìm cách xâm nhập vào hệ thống điện toán của nhiều tổ chức và đại học Hoa Kỳ để đánh cắp kết quả nghiên cứu thuốc chủng ngừa.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Cùng lúc thì các nhà ngoại giao Trung Quốc và hệ thống truyền thông nhà nước đã phát động chiến dịch tung ra những thuyết âm mưu nói rằng chính quân đội Hoa Kỳ đã mang con vi khuẩn tới Vũ Hán và cáo buộc một số chính trị gia Hoa Kỳ đang tìm cách đổ lỗi cho nước khác về sự thất bại đã để Hoa Kỳ trở thành quốc gia có số người nhiễm vi khuẩn corona cao nhất thế giới. Họ tố cáo các giới chức trong chính quyền Trump là những tay nói láo, thậm chí gọi đích danh Ngoại trưởng Mike Pompeo là “tà ma ngoại đạo” trong một chương trình tin tức buổi tối.

Xu hướng chống Bắc Kinh tại Washington hiện nay được ví giống như một đám mây đen đang lơ lửng phủ lên bầu không khí chính trị của nước Mỹ. Trước đại dịch, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng rạn nứt ngoại giao đang ngày càng xuất hiện rõ hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nguy cơ về một cuộc đụng độ lớn giữa hai siêu cường của thế kỷ 21 lại càng tăng tốc thêm kể từ khi siêu khuẩn corona làm tê liệt hầu như mọi hoạt động trên khắp thế giới. Những lời chỉ trích và tố cáo nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn to tiếng hơn nữa ít ra là cho đến hết năm nay.

VH

Arlington, TX