Cô Emma Reilly là một luật sư nhân quyền đầy lý tưởng và nhiệt huyết với hoài bão muốn được góp sức để kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn khi cô gia nhập Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva vào năm 2012. Nhưng chỉ một năm sau đó cô bị kẹt vào một tình thế khó xử do bởi bằng chứng cho thấy văn phòng cô làm việc đang bị nhiều áp lực và phải chiều theo yêu cầu của phía Trung Quốc khi giới chức của quốc gia này đòi hỏi phải đưa cho họ danh sách tên của những nhân vật bất đồng chính kiến người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) và các thành viên trong gia đình của họ. Cô cho biết thêm là cô còn kinh ngạc hơn nữa sau khi đã cảnh báo với cấp trên nhưng không đem lại kết quả nào để ngăn chặn những việc làm nói trên mà thay vào đó họ còn tìm cách bịt miệng cô và thậm chí sa thải cô.

Câu chuyện của cô Emma Reilly hé mở cho chúng ta thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Liên Hiệp Quốc cũng như sự lũng đoạn của họ ở bên trong tổ chức quốc tế này như thế nào.

Vào thời điểm khi chính quyền Bắc Kinh siết lại các quyền tự do chính trị ở Hồng Kông hồi mùa Hè vừa qua, có hai bản tuyên bố đối nghịch nhau được lưu hành tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Một, được soạn bởi Cuba và ca ngợi quyết định của Bắc Kinh với sự ủng hộ của 53 quốc gia. Một bản khác, được đưa ra bởi Vương quốc Anh bày tỏ sự quan ngại với 27 quốc gia ủng hộ.

Sự phô trương sức mạnh của Trung Quốc trong sự việc trên chỉ là thành quả ngoại giao mới nhất trong nỗ lực của Bắc Kinh trong những năm gần đây nhằm làm lung lay hệ thống các tổ chức quốc tế theo hướng có lợi cho họ. Trong khi Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đồng minh khác tỏ ra thờ ơ với một số tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc được đánh giá là không mấy quan trọng thì Trung Quốc âm thầm tìm cách trám vào những chỗ bỏ trống đó bằng một chiến dịch vận động đầy tính toán và đôi khi phải mất cả thập niên để đạt được mục tiêu.

Trong gần chục năm qua, Bắc Kinh ngày càng tăng cường thúc đẩy các giới chức của họ, hoặc những khách hàng hay đối tác của họ, vào vị trí lãnh đạo các tổ chức Liên Hiệp Quốc, nơi đặt ra các quy tắc điều hành mang tính cách toàn cầu về các hoạt động liên quan đến hàng không, viễn thông và nông nghiệp. Gây được thêm ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc cho phép Trung Quốc ngăn cản hoặc phá rối việc giám sát của quốc tế đối với những hành vi của họ ở trong cũng như ngoài nước. Tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh đã dành được một ghế trong một hội đồng gồm năm thành viên có nhiệm vụ chọn ra những báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc với trọng trách theo dõi và lập biên bản về vấn đề vi phạm nhân quyền. Ðây là những giới chức trước kia đã từng tố cáo Bắc Kinh vì đã bỏ tù hơn một triệu người Uyghur trong các nhà tù mà họ gọi là “trại cải tạo” tại Tân Cương. Nay Bắc Kinh có thể dùng lá phiếu của họ để chọn những nhân vật có cảm tình với họ.

Trung Quốc xâm nhập vào các tổ chức quốc tế – nguồn Twitter

Chính quyền Washington gần đây cũng đã có những cố gắng chống lại âm mưu này của Bắc Kinh, tìm cách thuyết phục và lôi kéo các quốc gia khác trên thế giới cùng đứng về phe. Tuy nhiên, những nỗ lực trên, bị cản trở một phần bởi mối quan hệ ngoại giao lạnh nhạt từ mấy năm qua đối với một số quốc gia đối tác và đồng minh, cho đến nay cũng chỉ gây được tác động tương đối hạn chế.

Xem thêm:   Ham & hố

Thành công của Trung Quốc trong việc lũng đoạn Liên Hiệp Quốc đặt ra một vấn đề nan giải cho Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các quốc gia này kỳ vọng Liên Hiệp Quốc sẽ trở thành một cơ chế thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Giờ đây, trong bối cảnh thế giới đang ngày càng có dấu hiệu quay trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh, thì sức ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc đang giúp cho đảng cộng sản Trung Quốc càng có tiếng nói mạnh hơn trong việc hợp pháp hóa chính sách toàn trị của họ như một “giải pháp ưu việt” khác thay thế cho thể chế dân chủ phương Tây.

Lý do chính Washington đã không có tiếng nói trong việc tuyển chọn báo cáo viên nhân quyền vào Tháng 3 hay trong hai bản tuyên bố đối nghịch nhau về tình trạng Hồng Kông là vì Hoa Kỳ đã tự ý rời khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc năm 2018, nêu lý do là hội đồng này đã chỉ trích quốc gia Israel một cách không công bằng. Hoa Kỳ cũng đã rời khỏi Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc một năm sau đó cũng vì những lý do tương tự.

Hai quyết định trên cùng với tình trạng căng thẳng về thương mại, ngân sách chi tiêu cho quốc phòng và nhiều vấn đề khác từ lâu vẫn chưa giải quyết đã làm cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh truyền thống tại Âu châu và Á châu lạnh nhạt thêm.

Nhiều nhóm nhân quyền người Uyghur đang tranh đấu đòi Liên Hiệp Quốc đẩy Trung Quốc ra khỏi Uỷ ban Nhân Quyền – nguồn indiablooms.com

Sự chia rẽ như nói ở trên cùng với việc Hoa Kỳ rút lui khỏi một số tổ chức tại Liên Hiệp Quốc đã đem lại cơ hội bằng vàng cho Bắc Kinh.

Xem thêm:   Chó...

Trong số 15 cơ quan và nhóm chuyên môn của Liên Hiệp Quốc, đại diện Trung Quốc dẫn đầu bốn, đánh bại các ứng cử viên được phương Tây hậu thuẫn vào năm ngoái để giành chiếc ghế đứng đầu của Tổ chức Nông Lương. Chỉ một chiến dịch duy nhất được phối hợp vào Tháng 3 của Hoa Kỳ và các quốc gia đối tác là đã đánh bại được nỗ lực của Trung Quốc nhằm chiếm quyền lãnh đạo cơ quan thứ năm, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, thường được gọi là WIPO. Cho đến nay không một quốc gia nào khác có công dân của nước họ điều hành nhiều hơn một cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

Những chiến thắng trước đó đã đưa Bắc Kinh vào vị thế để định hình các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là với hoạt động đường hàng không thuộc Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế do Trung Quốc lãnh đạo. Tổng thư ký của Hiệp hội Viễn thông Quốc tế cũng là người Trung Quốc, lãnh đạo cơ quan này kể từ năm 2015, đã hậu thuẫn cho công ty Huawei Technologies Co. trong cuộc chiến kỹ thuật với Hoa Kỳ và làm áp lực để hiệp hội này đưa ra một số quy tắc mới về internet mà các chính phủ phương Tây cho rằng sẽ cho phép chính quyền giám sát và kiểm duyệt người sử dụng nhiều hơn.

Có khoảng 30 cơ quan và định chế Liên Hiệp Quốc đã ký vào biên bản ủng hộ dự án hạ tầng “Nhất đới, nhất lộ” của Trung Quốc, trong đó có Tổ chức Phát triển Kỹ nghệ Liên Hiệp Quốc, nằm dưới quyền lãnh đạo của Trung Quốc từ năm 2013. Kết quả là Trung Quốc nay đã có thể danh chính ngôn thuận trưng ra dự án nhà nước “Nhất đới, nhất lộ”của họ, mà lâu nay hầu như chỉ sử dụng công ty Trung Quốc và thường khiến các quốc gia nghèo lún sâu vào nợ nần, như một chương trình trợ giúp nhân đạo đã được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn.

Chiếc ghế bỏ trống của Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc – nguồn Reuters

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã gặp thất bại do chính họ gây ra: Sau khi đưa được một trong những giới chức an ninh hàng đầu của họ vào làm chủ tịch tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol, thì năm 2018 chính ông này đã bị an ninh Trung Quốc bắt giữ và sau đó bị kết tội tham nhũng. Sự việc này cho thấy rõ hơn nữa là cho dù các giới chức Trung Quốc đang phục vụ cho những tổ chức quốc tế thì họ vẫn phải nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Tuy chiếm được vị trí lãnh đạo nhiều cơ quan và tổ chức Liên Hiệp Quốc nhưng đổi lại Trung Quốc lại không bị tốn kém bao nhiêu. Mặc dù là quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới, Trung Quốc thường chỉ phải trả phần đóng góp ở mức thấp vì vẫn được xếp loại là quốc gia đang phát triển. Năm 2018, Trung Quốc đóng góp $1.3 tỷ cho hệ thống Liên Hiệp Quốc, là phần tương đối nhỏ so với $10 tỷ đóng góp hàng năm từ phía Hoa Kỳ.

Thay vào đó, Trung Quốc đã tận dụng các khoản cho vay và chương trình hỗ trợ khác cho hàng chục quốc gia đang phát triển trong khu vực Phi châu, Thái Bình Dương và nhiều nơi khác để tạo ra các khối bỏ phiếu và đánh bại các ứng cử viên và kiến nghị được phương Tây hậu thuẫn tại Liên Hiệp Quốc.

Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh nay đã nhìn thấy âm mưu của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc nên hồi đầu năm nay đã gạt những bất đồng sang một bên để cùng nhau ngăn cản nỗ lực chiếm thêm chiếc ghế lãnh đạo tổ chức WIPO của Trung Quốc và đã thành công, đưa được ông Daren Tang của Singapore vào chức vụ này thay vì nhân vật Wang Binying của họ.

Ðây mới chỉ thành công bước đầu. Thế giới tự do còn phải cảnh giác và đề phòng nhiều hơn nữa đối với âm mưu lũng đoạn của Trung Quốc, không chỉ tại Liên Hiệp Quốc mà còn nhiều tổ chức quốc tế khác nữa.

VH