Sự ra đời của quốc gia Panama có liên quan trực tiếp đến Hoa Kỳ, là một cường quốc mới nổi lên sau khi giành được chiến thắng trong cuộc chiến giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ vào năm 1898. Lúc đó, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Theodore Roosevelt, Hoa Kỳ đã sử dụng chính sách ngoại giao gây áp lực bằng quân sự để giúp Panama ly khai khỏi Colombia vào năm 1903. Với mục tiêu thể hiện sức mạnh hải quân, Washington đã bắt tay vào xây dựng một công trình kỳ diệu của đầu thế kỷ 20: nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương bằng một kênh đào băng qua những khu rừng nhiệt đới đầy rủi ro nguy hiểm của Panama.
Nhiều năm sau đó, người dân Panama ngày càng tỏ ra bất bình về sự hiện diện của Hoa Kỳ khiến Tổng thống Jimmy Carter vào năm 1977 ký các hiệp ước để chuyển giao tuyến đường thủy và yêu cầu kênh đào phải được giữ trung lập để bảo đảm tàu thuyền từ tất cả mọi quốc gia có thể qua lại một cách hòa bình. Các hiệp ước đã được thượng viện Hoa Kỳ chấp thuận mặc dù có sự phản đối dữ dội của phe bảo thủ. Trong thời gian gần đây, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng đòi giành lại quyền kiểm soát đối với tuyến đường thủy gây thành cuộc tranh cãi từ nhiều phía về con kênh đào nổi tiếng của thế giới.
Người Pháp xây kênh đào
Ngay từ năm 1534, hoàng gia Tây Ban Nha đã ra lệnh mở cuộc nghiên cứu đầu tiên về tuyến kênh đào băng qua eo đất dài 40 dặm giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để vận chuyển vàng và bạc từ Peru về Tây Ban Nha.
Dự án xây dựng ban đầu của kênh đào Panama bắt đầu vào năm 1880, dưới sự điều hành bởi kỹ sư nổi tiếng người Pháp là Ferdinand de Lesseps, cũng là một nhà ngoại giao, sau khi ông này thành công trong việc xây dựng kênh đào Suez trong một khu vực có địa hình bằng phẳng ở Ai Cập. Nhưng ở Panama thì khác, với những khu rừng rậm rạp và địa hình đồi núi đã trở thành những trở ngại không thể vượt qua được, khiến dự án bị rơi vào tình trạng phá sản. Riêng cá nhân de Lesseps bị kết tội quản lý yếu kém và gian lận. Thất bại của người Pháp đã khiến khoảng 20,000 công nhân bị thiệt mạng, phần lớn trong số họ là những người lao động đến từ vùng Caribbean bị nhiễm bệnh sốt rét và sốt vàng da do muỗi lây truyền.
Trước khi người Pháp bắt tay vào việc xây dựng kênh, đã có một công ty Hoa Kỳ xây dựng xong một tuyến đường sắt nối liền hai đại dương để đưa hàng nghìn người Mỹ từ bờ biển phía đông của Hoa Kỳ đến California trong cơn sốt tìm vàng vào khoảng giữa thế kỷ 19. Riêng tuyến đường sắt Panama bắt đầu hoạt động vào năm 1855.
Người Mỹ xây kênh đào
Năm 1903, Hoa Kỳ giúp Panama, khi đó còn là một tỉnh của Colombia, trở thành quốc gia độc lập, và việc này được xem như bước đầu của kế hoạch xây dựng kênh đào của Hoa Kỳ. Năm sau, Hoa Kỳ tiếp quản dự án và một số máy móc bị bỏ phế của Pháp. Không giống như Suez, kênh đào Panama phải dựa vào một hệ thống khóa nước (water locks) phức tạp để nâng tàu lên độ cao gần 90 thước Anh so với mực nước biển và sau đó hạ chúng xuống ở đầu bên kia, sử dụng nước ngọt từ một hồ nhân tạo.
Hơn 5,600 người đã thiệt mạng trong dự án xây dựng kéo dài một thập niên này, trong đó có khoảng 350 người Mỹ. Tổng cộng khoảng 45,000 người đã làm việc trong dự án cho đến khi hoàn thành vào năm 1914, với hai phần ba trong số đó đến từ các đảo vùng Caribbean như Barbados và Martinique. Khoảng 12,000 người từ châu Âu, chủ yếu là người Tây Ban Nha. Hầu hết các giới chức quản lý cấp cao, kỹ sư và các chuyên gia khác là người Mỹ.
Kênh đào Panama
Kênh đào bắt đầu hoạt động vào năm 1914, được xem như một kỳ quan kỹ thuật thời bấy giờ. Tổng chi phí xây dựng là $375 triệu, khi đó là dự án kỹ thuật tốn kém nhất của nước Mỹ.
Hoa Kỳ được trao quyền kiểm soát Khu Kênh đào Panama (Panama Canal Zone), một khu vực có chiều rộng khoảng 10 dặm chạy dọc theo toàn bộ chiều dài 50 dặm của kênh đào. Nhiều người dân Panama coi vùng đất rộng 553 dặm vuông chia cắt quốc gia nhỏ bé vùng Trung Mỹ này và cư dân của nó ra thành hai mảnh giống như một thuộc địa của người Mỹ. Với gần hai chục căn cứ và cơ sở quân sự để bảo vệ an ninh, một khu vực xây cất khang trang có những ngôi nhà gọn gàng với mái ngói đỏ và bãi cỏ được cắt tỉa cẩn thận, cũng như có các cửa hàng, sân golf, câu lạc bộ du thuyền, văn phòng cựu chiến binh và nhà thờ. Khu vực được điều hành bởi một thống đốc do Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm, dưới sự giám sát bởi Bộ trưởng Lục quân.
Vào tháng 1 năm 1964, có 21 người Panama đã bị lực lượng Hoa Kỳ giết hại trong các cuộc bạo loạn do một nhóm học sinh trung học gây ra vì họ muốn cắm cờ Panama tại khu kênh đào. Tổng thống Panama Roberto Chiari đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Lyndon B. Johnson và sau đó cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn. Cho đến nay người dân Panama hàng năm vẫn tổ chức tưởng niệm những người tử nạn này trong một ngày lễ quốc gia được gọi là Ngày Tử sĩ và treo cờ rũ.
Trả lại chủ quyền
Các cuộc bạo loạn năm 1964 đã làm rung chuyển cả quốc gia và thúc đẩy Panama có thêm lý do để giành quyền kiểm soát kênh đào. Năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter đã ký hai hiệp ước cam kết Hoa Kỳ sẽ trao trả tuyến đường thủy và khu kênh đào xung quanh.
Một hiệp ước nêu rõ Khu Kênh đào Panama sẽ bị xóa bỏ vào ngày 1 tháng 10 năm 1979 và kênh đào sẽ được trao trả cho Panama vào ngày 31 tháng 12 năm 1999. Hiệp ước thứ hai trao cho Hoa Kỳ quyền can thiệp quân sự để bảo vệ tuyến đường thủy này trước bất kỳ mối đe dọa nào đối với tính trung lập của nó.
Người ta vẫn còn nhớ năm 1989 Hoa Kỳ đã phải đưa quân trở lại Panama để truất phế nhà lãnh đạo độc tài lúc đó là tướng Manuel Noriega, sau khi ông này bị Hoa Kỳ truy tố về tội buôn bán ma túy và ra lệnh hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử tổng thống mà một ứng cử viên đối lập đã giành được chiến thắng. Vụ này đã khiến cho hơn 500 lính Panama và 23 lính Hoa Kỳ thiệt mạng.
Tu bổ kênh đào
Khi Hoa Kỳ chuyển giao kênh đào cho Panama vào năm 1999, các khóa nước ban đầu của tuyến đường thủy này được xây từ năm 1914 gần như lỗi thời vì chiều rộng quá hẹp đối với nhiều tàu của hải quân Hoa Kỳ. Panama bắt đầu khởi công vào việc đại tu bổ để mở rộng năng lực của kênh đào cũng như tăng lợi nhuận.
Panama đã đầu tư hơn $5 tỷ để xây dựng các khóa nước lớn hơn giúp tăng doanh thu và số lượng tàu qua lại lên tới 36 chuyến mỗi ngày. Công việc tu bổ này đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi của kênh đào thành một đường nối quan trọng cho thương mại toàn cầu, đồng thời thúc đẩy đầu tư tại các cảng của Hoa Kỳ để có thể đậu được các tàu chở dầu lớn hơn đi từ bờ biển này sang bờ biển kia với dầu và khí đốt lỏng. Hiện nay, kênh đào hàng năm thu vào khoảng $5 tỷ đô la. Chính phủ giữ lại khoảng một nửa và phần còn lại để trang trải chi phí hoạt động và đầu tư.
Lời phát biểu gây tranh cãi
Sau khi đắc cử, hồi cuối tháng 12, ông Trump đã khiến người dân Panama ngỡ ngàng khi ông nói rằng Hoa Kỳ nên lấy lại kênh đào, mà không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Ông nói rằng kênh đào bị Trung Quốc kiểm soát và các tàu của Hoa Kỳ bị tính phí quá cao. Tổng thống Panama là José Raúl Mulino, có lập trường thân Mỹ, cho biết Panama sẽ không bao giờ trả lại tuyến đường thủy này.
Theo cơ quan thẩm quyền của kênh đào Panama, trong 26 năm qua, hải quân Hoa Kỳ chỉ trả cho kênh đào tổng cộng $25.4 triệu, hay chưa đến một triệu Mỹ kim mỗi năm. So với ngân sách của Bộ Quốc phòng nội trong năm 2025 này là gần $900 tỷ, con số trên không đáng bao nhiêu.
Hôm thứ Ba 21 tháng 1 vừa qua, chính phủ Panama đã đệ đơn khiếu nại lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres về lời phát biểu của ông Trump, nêu rõ hành vi vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc yêu cầu các quốc gia thành viên không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại chủ quyền lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của các quốc gia khác.
VH