Trong suốt tuần qua, các bản tin chiến sự về cuộc chiến tại Ukraine cho biết quân đội Ukraine đã thành công đẩy lui được binh lính xâm lược Nga ra khỏi khu vực tỉnh Kharkiv. Chiến dịch phản công tại Kharkiv, bắt đầu vào ngày 5 tháng 9, đánh dấu bước thụt lùi đáng kể nhất của quân đội Nga kể từ khi Putin huỷ bỏ kế hoạch chiếm Kyiv, thủ đô của Ukraine, vào cuối tháng 3.

Chiến tranh nguyên tử? – nguồn salon.com 

Thành công bước đầu

Ý nghĩa của sự thành công không chỉ là việc Ukraine đã chiếm lại được 6,000 cây số vuông lãnh thổ chỉ trong ít ngày – nhiều hơn tổng diện tích mà Nga đã đạt được trong 5 tháng trước đó. Cũng không phải những chiến lợi phẩm quân đội Ukraine lấy được như xe tăng, súng ống và đạn dược mà binh lính Nga để lại sau khi rút chạy trong hỗn loạn. Mà chính là Ukraine còn chiếm lại được hai trung tâm giao thông quan trọng là Izyum và Kupyansk mà Nga rất cần đến nếu như họ muốn hoàn tất cuộc chiếm lĩnh và kiểm soát toàn khu vực Donbas và sau đó cho sáp nhập vào lãnh thổ Nga.

Kế hoạch của Putin tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giả tạo về việc sáp nhập những vùng đất chiếm được ở phía nam và phía đông Ukraine nay sẽ phải hoãn lại. Quân đội Ukraine đang phản công để chiếm lại cả hai khu vực này và đã đạt được một số thành công đáng kể trong bước đầu. Ðưa ra dự đoán liên quan đến chiến tranh luôn luôn là một công việc mang nhiều rủi ro, nhưng dường như tình thế đã và đang xoay chuyển. Hầu như khắp các khu vực mà Nga chiếm đóng đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát vì quân đội Ukraine đang dần dần – và đôi khi bất ngờ – phản công và chiếm lại được.

Quân Nga rút khỏi khu vực Kharkiv trong hỗn loạn -nguồn Ukrinform

Lợi thế của Ukraine

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Các cuộc tiến quân của Ukraine trên chiến trường đã có thể thực hiện được là nhờ ở hai yếu tố quan trọng: vũ khí và quân số.

Lợi thế về quân số đang ngày càng nghiêng về phía Ukraine. Lực lượng xâm lược ban đầu của Nga là 200,000, và ngay từ đầu đã bị cho là không đủ quân số để chiếm đóng toàn thể lãnh thổ Ukraine. Một giả thuyết đưa ra là trong tính toán của Putin, ông ta nghĩ rằng phe đối lập sẽ nổi dậy và lật đổ chính phủ Ukraine. Ðiều này đã không xảy ra. Sự thiệt hại về quân số của Nga lại quá sức lớn; theo một ước lượng của tình báo Tây phương, khoảng từ 70,000 đến 80,000 binh lính Nga đã bị giết hoặc bị thương. Mặc dù đã tính đến cả việc trưng dụng tù nhân tại các nhà tù và cấp phát các món tiền thưởng lớn, Putin vẫn không có cách gì để bù đắp vào quân số bị thiệt hại nói trên.

Ngược lại, thanh niên Ukraine tình nguyện nhập ngũ rất đông. Tinh thần chiến đấu của họ rất cao và, nhờ được sự hỗ trợ của NATO, binh lính Ukraine được trang bị khá đầy đủ và ngày càng được huấn luyện kỹ càng hơn. Mức độ tự tin của quân đội Ukraine ngày càng tăng thêm trong khi quân đội Nga ngày càng thối lui vì lính Ukraine đang chiến đấu với lý tưởng bảo vệ quê hương của họ.

Binh lính Ukraine treo quốc kỳ sau khi tái chiếm lại làng Vasylenkove, thuộc tỉnh Kharkiv ngày 10 tháng 9 – nguồn Reuters

Con đường trước mặt

Chiến thắng đối với Ukraine vẫn chưa hẳn nắm chắc trong tay, nhưng con đường đi đến mục tiêu đó ngày càng nhìn thấy rõ hơn. Ðẩy lui hết quân đội Nga ra khỏi Ukraine sẽ là một thử thách đầy khó khăn. Ðiều này có nghĩa là phải đẩy lui quân Nga ra khỏi cả những khu vực mà họ đã cắm rễ và có tổ chức từ lâu so với khu vực Kharkiv vừa chiếm lại được. Người ta cũng không thể loại bỏ về khả năng một cuộc sụp đổ của lực lượng Nga tại Ukraine, nhưng điều này ngay trước mắt hơi khó có thể xảy ra.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Các cuộc phản công thành công gần đây đã chứng minh rằng nếu Ukraine có đủ những vũ khí tối tân của phương Tây, họ sẽ có đủ khả năng để chiếm lại các vùng lãnh thổ bị mất. Sau những chiến thắng của Ukraine hồi đầu năm trong việc bảo vệ thủ đô Kyiv, Hoa Kỳ và Châu Âu đã để Nga có lợi thế về pháo binh ở khu vực Donbas. Nhưng một khi Hoa Kỳ gửi qua các loại hoả tiễn và pháo có tầm bắn xa hơn, đặc biệt là loại hoả tiễn Himars rất chính xác, thì cuộc chiến đã trở nên cân xứng hơn giữa đôi bên. Những thành công gần đây của quân đội Ukraine cho thấy là Hoa Kỳ nên cung cấp thêm nhiều bệ phóng Himars hơn nữa, chứ không chỉ là gửi thêm hoả tiễn cho 16 bệ phóng mà Ukraine hiện đang có.

Quân đội Ukraine đang thu lượm chiến lợi phẩm sau khi Nga rút lui – nguồn AFP

Putin sẽ làm gì

Cuộc chiến tại Ukraine là do chính Putin gây ra. Ông ta có thể để yên cho Ukraine và tiếp tục cai trị đất nước Nga cho đến mãn đời. Nhưng vì đã chọn gây chiến, do đó ông ta không thể bị thua. Những nhân vật có quan điểm quốc gia cực đoan ở Nga trong thời gian gần đây đã lên tiếng đổ lỗi cho Putin về những thất bại quân sự ở Ukraine. Những tay lãnh đạo chóp bu ở điện Kremlin có lẽ cũng đang rình mò lợi dụng sự thất bại của quân đội Nga để tấn công hạ bệ uy tín hoặc thậm chí tìm cách lật đổ Putin nếu có cơ hội.

Putin chắc chắn cũng biết điều đó. Vậy câu hỏi là  Putin sẽ làm gì trong bước kế tiếp.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Câu trả lời là ông ta có thể làm bất cứ điều gì. Putin có thể tìm cách giao chiến với lực lượng của NATO bằng một hình thức nào đó mà ông ta sẽ đổ lỗi cho phương Tây và sử dụng lý do đó để biện minh cho một cuộc phát động chế độ quân dịch để bắt lính. Ôngta vừa gặp trực tiếp lãnh tụ Tập Cận Bình của Trung Quốc trong tuần qua và có khả năng tìm kiếm viện trợ quân sự trực tiếp mà Hoa Kỳ nói rằng cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa có động tĩnh nào. Putin cũng có thể cắt nguồn cung cấp năng lượng cho Châu Âu nhiều hơn nữa và gây thêm áp lực lên các chính phủ phương Tây trong khi thời tiết lạnh giá của mùa đông đang gần đến.

Người ta cũng không thể loại bỏ khả năng Nga sử dụng vũ khí hoá học và nguyên tử. Việc sử dụng vũ khí nguyên tử là một phần của học thuyết quân sự của Nga. Thay vì phải chấp nhận thua một cách nhục nhã, ông Putin có thể đang tính toán hơn thiệt và thấu cáy với vũ khí nguyên tử.

Hy vọng các nhà lãnh đạo phương Tây đang suy nghĩ để tìm cách đối phó thay vì nghĩ rằng khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử của Nga sẽ không thể xảy ra.

Một cuộc leo thang chiến tranh nguyên tử sẽ không thể được xem như một cuộc chiến tranh bình thường. Chất phóng xạ có thể vươn tới những vùng lãnh thổ thuộc NATO. Các quốc gia NATO cần phải tăng thêm viện trợ quân sự và cho phép Ukraine tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga. Và các nhà lãnh đạo phương Tây phải giải thích rõ cho Putin biết rằng ông ta sẽ bị cô lập và bị trừng phạt nặng nề nếu ông ta quyết định sử dụng vũ khí nguyên tử.

Viễn cảnh về một cuộc chiến tranh nguyên tử thật là kinh khủng, nhưng đây là một thực tế vì ngày càng có sự xuất hiện của nhiều tay lãnh tụ độc tài và độc tôn.  Sự thành công của quân đội Ukraine gần đây là điều khích lệ, nhưng nền hoà bình của thế giới vẫn chưa hết bị đe doạ chừng nào Putin vẫn còn nắm quyền lực ở Nga.

VH