Ukraine đã đánh bại Nga trong giai đoạn đầu, giai đoạn hai cũng vừa bắt đầu và cuộc chiến tại Ukraine đang bước sang tháng thứ ba và có thể kéo dài.

Do thất bại trong mưu đồ lật đổ chính phủ Ukraine, Nga nay đang thu hẹp lại tham vọng của họ và tập trung quân vào phần phía đông của Ukraine được gọi là khu vực Donbas. Mục tiêu mới của Vladimir Putin dường như là muốn cắt đứt Donbas hoàn toàn ra khỏi Ukraine và sau đó lập ra các quốc gia bù nhìn đặt trong tầm kiểm soát của Nga.

Cờ Ukraine vẫn giương cao giữa những đổ nát – nguồn Getty Images 

Nói vậy, trận chiến Kyiv có thể đã kết thúc, ít nhất là vào lúc này, nhưng trận chiến Donbas đang trở nên ngày càng khốc liệt hơn. Vào ngày 18 tháng 4, chính phủ Ukraine báo cáo cho biết một loạt cuộc tấn công dọc theo chiến tuyến dài 400 cây số, chủ yếu là ở khu vực Donbas, mà một phần lớn của khu vực nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn kể từ năm 2014. Vladimir Putin muốn chiếm hết phần còn lại của Donbas, cùng với một số khu vực thuộc phía nam và đông Ukraine. Chiến lược mới này nghe qua có vẻ không quan trọng bằng cuộc bao vây Kyiv trước đó, nhưng hậu quả nếu như để Nga đạt được chiến thắng có lẽ cũng không kém phần tồi tệ như để mất Kyiv.

Kể từ khi bắt đầu phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” xâm lăng Ukraine cho đến nay, có thể nói ông Putin chưa đạt được thành tích vẻ vang nào để có thể đem khoe với dân chúng, ngoại trừ giết hại dân lành, tiêu hao lực lượng của chính mình và đánh bom san thành bình địa nhiều thành phố và khu vực của Ukraine. Sự thiệt hại không kể xiết về nhân mạng của binh lính Nga (theo số liệu của chính phủ Ukraine là hơn 20,000), 8 vị tướng và soái hạm Moskva thuộc hạm đội Hắc Hải của Nga – là những kết quả đầy bẽ bàng.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Nếu chiến lược mới này mang lại kết quả, ông Putin có thể tuyên bố chiến thắng và biện minh cho những thất bại ban đầu, trong khi đất nước Ukraine sẽ bị chia cắt và phần lãnh thổ bị co hẹp lại. Khi đó, Nga có thể chọn tiếp tục tấn công về hướng tây, hoặc đơn giản là ngưng cuộc xung đột, để lại cho dân tộc Ukraine một đất nước bị tàn phá tan nát và rơi vào tình trạng rối loạn. Cho dù là lựa chọn nào thì ông Putin cũng đã đạt được mục tiêu là ngăn cản Ukraine trở thành một quốc gia thịnh vượng, thân phương Tây, từ chối rơi vào vòng quỹ đạo kiểm soát của Nga.

Chiến tuyến Donbas – nguồn Anadolu Agency

Có thể là hơi hấp tấp vào thời điểm này nếu cho rằng lực lượng của Nga sẽ không đủ khả năng chiến đấu ở khu vực phía Ðông giống như trước đây ở khu vực phía Bắc khi họ tìm cách bao vây thủ đô Kyiv. Trước hết, quân đội Nga lần này tấn công từ ngay bên lãnh thổ của họ chứ không phải các vị trí tạm thời ở Belarus mà họ mượn đường với lý do là tiến hành “các cuộc tập trận”. Các đường tiếp liệu của họ sẽ ngắn hơn. Và họ sẽ tìm cách chiến đấu trên những địa hình tương đối mở rộng, trái ngược với những khu rừng bao quanh Kyiv, như vậy phía xâm lược (Nga) sẽ dễ dàng rải quân ra hơn và phía phòng thủ (Ukraine) khó phục kích hơn.

Quân đội Ukraine cần thêm nhiều sự trợ giúp. Cho đến nay phản ứng của phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, rất đáng kể mặc dù vẫn còn hơi chậm. Nguồn vũ khí đổ vào Ukraine khá đều đặn, đặc biệt là các loại hoả tiễn phòng không và chống tăng di động, đã tạo ra sự khác biệt rất lớn trong việc phòng thủ Kyiv. Nhưng để cầm chân quân Nga trên một mặt trận dài nhiều trăm cây số, chứ chưa nói đến việc buộc họ phải rút lui khỏi lãnh thổ mà họ đã chiếm giữ kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, quân đội Ukraine sẽ phải cần đến các loại vũ khí nặng hơn: xe tăng, máy bay, pháo cao xạ và một nguồn cung cấp dồi dào đạn dược đi cùng với các loại vũ khí trên.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Ðây không phải là việc đơn giản dễ làm. Quân đội Ukraine chủ yếu sử dụng vũ khí thời Soviet. Trong ngắn hạn, họ cần thêm những thứ vũ khí đó: như các loại chiến đấu cơ Mig và xe tăng T-72, cũng như hoả tiễn S-300 và bích kích pháo Gvozdika. Những quốc gia NATO trước kia từng là vệ tinh của Soviet, như Cộng hoà Czech, Ba Lan và Slovakia, hiện đang có trong kho những loại vũ khí này và đã cung cấp cho Ukraine một số. Họ cần đưa thêm nữa. Nhưng không chóng thì chày những loại vũ khí này sẽ cạn và không thể bổ sung, vì vậy phương Tây cần phải bắt đầu cung cấp các loại vũ khí hiện đại hơn đang được hầu hết các quốc gia thuộc NATO sử dụng, và cần huấn luyện cho binh lính Ukraine biết sử dụng chúng càng sớm càng tốt. Tuần qua, Mỹ, Anh và Canada cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine loại pháo nặng – có thể xem là một bước đi đúng hướng.

Lính thiết giáp của Ukraine bên ngoài thành phố Kharkiv thuộc miền đông Ukraine – nguồn AFP

Một điều khả quan khác là đường tiếp liệu của NATO vào Ukraine, chủ yếu từ Ba Lan, hiện đã được thiết lập vững chắc. Cho đến nay Nga vẫn chưa tìm ra được phương thức hiệu quả nào để phá vỡ nó. Nếu vũ khí tiếp tục được đổ vào và chiến tranh kéo dài, kinh tế nước Nga, chỉ bằng cỡ kinh tế của Tây Ban Nha thậm chí trước khi chiến tranh bắt đầu và các biện pháp trừng phạt kinh tế được áp dụng, sẽ không thể tiếp tục cung cấp vũ khí ở quy mô như NATO có thể. Nếu muốn đánh bại ông Putin, và Ukraine được quyền tự quyết định tương lai của chính họ, thì không chỉ những người lính Ukraine đang chiến đấu ở Donbas, hiện đang bị các phản lực cơ, hoả tiễn và pháo binh của Nga đánh dội liên tục, là những người phải giữ thái độ bình tĩnh, mà chính các quốc gia NATO cũng phải kiên định trong việc trợ giúp cho Ukraine.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Theo nhận định của nhà báo Walter Russelll Mead, trong khi Nga và Ukraine đang chuẩn bị cho một trận chiến có thể là trận chiến có xe tăng tham dự lớn nhất tại Âu châu kể từ Thế chiến II, tương lai của cuộc chiến do Vladimir Putin gây ra rất khó có thể đoán trước được. Các cuộc giao tranh bao gồm xe tăng và pháo binh ở quy mô lớn dàn ra trên một địa hình bằng phẳng ở khu vực miền đông Ukraine có thể mang lại thuận lợi cho Moscow, và sức mạnh của cỗ máy quân sự nghiêng hẳn về phía Nga có thể giúp họ lấn chiếm thêm một phần lãnh thổ trên địa hình đó, nhưng những kết quả khác vẫn có thể xảy ra. Tinh thần chiến đấu cao, lòng dũng cảm và sử dụng chiến thuật đầy thông minh của quân đội Ukraine, cũng như khả năng được tiếp cận vũ khí và trang thiết bị dồi dào của phương Tây có thể tạo ra một chuỗi thất bại nhục nhã khác cho Nga trong giai đoạn hai của cuộc chiến.

Tình huống xấu nhất đối với ông Putin là cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ kết thúc trong một thất bại quân sự toàn diện, với sự sụp đổ của các khu vực thân Nga ở Donbas và Moldova và sự hội nhập của Ukraine vào các khối liên minh phương Tây. Một cuộc thất bại như thế sẽ không chỉ là một sự sỉ nhục cá nhân; nó có thể là một bước thụt lùi kết thúc sự nghiệp chính trị đối với ông Putin. Nó cũng có khả năng sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng về tâm lý và chiến lược đối với vị thế và hình ảnh của chính nước Nga trên trường quốc tế. Lịch sử nước Nga sẽ thay đổi và sẽ bước qua một khúc quanh mới.

Ðể được vậy, quân đội Ukraine cần được sự hỗ trợ không giới hạn từ các quốc gia phương Tây.

Lính thiết giáp Ukraine tại Lugansk tiếp giáp biên giới Nga – nguồn AFP

VH