Một bản tin của tờ Wall Street Journal mới đây cho biết Trung Quốc đầu tư mỗi năm nhiều tỷ Mỹ kim vào trong chiến dịch tung tin sai lệch trên toàn cầu, trong đó đảo quốc Đài Loan nằm sát bên phải hứng chịu một phần không nhỏ.

Hồi tháng 7 vừa qua, tờ Liên Hợp Báo, một trong những nhật báo hàng đầu của Ðài Loan, đăng một câu chuyện dựa trên những biên bản được cho là đã bị rò rỉ từ một cuộc họp bí mật của chính phủ. Bài báo khẳng định Hoa Kỳ đã yêu cầu Ðài Loan sản xuất vũ khí sinh học tại một phòng thí nghiệm do bộ quốc phòng Ðài Loan điều hành. Các giới chức Ðài Loan và Hoa Kỳ đã nhanh chóng phủ nhận tin này.

Biên bản được cho là bị rò rỉ không viết theo lối văn phong vẫn thường thấy trong hồ sơ của chính phủ Ðài Loan. Các câu văn chứa đầy những từ ngữ nghe có vẻ trịnh trọng theo đúng kiểu cách vẫn được sử dụng ở Ðại Lục chứ không thấy có ở Ðài Loan. Các giới chức Ðài Loan cho biết nhiều khả năng đây là loại thông tin sai lệch của Trung Quốc tung ra. Tuy nhiên, bài báo đã lan rộng và trở thành đề tài trong các chương trình đàm luận và trên mạng xã hội ở Ðài Loan. Trong vòng vài tuần sau đó, nội dung bài báo được phóng đại thành: Ðài Loan sẽ thu thập 150,000 mẫu máu của công dân Ðài Loan và giao cho người Mỹ để họ có thể chế tạo ra một loại vi khuẩn để giết người dân Trung Quốc.

Lung lạc dư luận

Loại thông tin sai lệch này hiện nay rất phổ biến ở Ðài Loan. Sự lây lan của nó đang trở thành mối lo ngại lớn đối với chính phủ và xã hội dân sự Ðài Loan trước cuộc bầu cử tổng thống cực kỳ quan trọng vào tháng 1 tới đây. Trên thực tế, cử tri Ðài Loan sẽ được yêu cầu quyết định xem liệu Ðài Loan có nên tiếp tục liên kết với Mỹ trong việc tăng cường khả năng răn đe trước một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Trung Quốc, hay nên tiến tới việc xây dựng quan hệ với Trung Quốc. Phe đối lập Quốc Dân Ðảng gọi cuộc bỏ phiếu sắp tới đây là sự lựa chọn giữa “chiến tranh và hòa bình”, ngụ ý rằng thái độ thù địch của đảng Dân Tiến đang cầm quyền đối với Trung Quốc sẽ kích động họ tấn công. Mạng lưới tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc ủng hộ lối bịa đặt trắng trợn đó, lan truyền những tin đồn nói rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, là mối đe dọa lớn nhất của đảo quốc. Phần lớn thông tin sai lệch nhằm mục đích củng cố thông điệp bịa đặt đó.

Trung Quốc chi nhiều tỷ Mỹ kim mỗi năm cho các thông tin sai lệch – AFP

Lợi dụng kẽ hở

Xem thêm:   Tranh cãi...

Ông La Bình Thành, một bộ trưởng trong nội các, là người lãnh đạo một đội đặc nhiệm của chính phủ Ðài Loan có nhiệm vụ ngăn chặn các thông tin sai lệch kể từ năm 2018, nói rằng các hoạt động tung tin sai lệch của Trung Quốc đã “xâm nhập nghiêm trọng” vào xã hội Ðài Loan. Trước đây chính phủ Ðài Loan nghĩ rằng hoạt động này chỉ gia tăng nhiều hơn trong mùa bầu cử. Nhưng nay nó trở nên bình thường và xảy ra hàng ngày. Hầu hết cử tri Ðài Loan ít biết về điều này.

Một cuộc khảo sát gần đây của Doublethink Lab, một nhóm nghiên cứu về thông tin sai lệch ở Ðài Loan, cho thấy chưa đến 20% số người được hỏi tin rằng thông tin sai lệch lan truyền ở Ðài Loan trong các cuộc bầu cử là đến từ bên ngoài. Hiện có khoảng một phần năm cử tri Ðài Loan không theo bất kỳ đảng phái nào và có thể trở thành khối quyết định.

Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Thông tin (IORG), một nhóm nghiên cứu của Ðài Loan, khám phá ra rằng mạng lưới tuyên truyền Trung Quốc đang giúp truyền bá hầu hết các thông tin sai lệnh đó. Nhưng hơn một nửa dường như có nguồn gốc từ Ðài Loan. Ðiều đó cho thấy Trung Quốc đang “lợi dụng” những kẽ hở trong xã hội Ðài Loan.

Nỗi khó khăn của Đài Loan

Các giới chức Ðài Loan tin rằng có một số không nhỏ người Ðài Loan tung ra những thông tin sai sự thật là các “cộng tác viên địa phương” nhận đơn đặt hàng và tiền từ chính phủ Trung Quốc. Có điều rất khó chứng minh điều nhận định trên vì nguồn tài trợ bị nghi ngờ của Trung Quốc đó có thể được chuyển qua tay các doanh nhân Ðài Loan hoặc các công ty chuyên về quan hệ công chúng (public relation). Hoặc Trung Quốc có thể trả tiền cho những nhà báo làm việc cho các cơ quan truyền thông thân Trung Quốc để viết bài có lợi cho họ.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Ðài Loan có luật chống sự xâm nhập của nước ngoài và gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử, nhưng những luật này chỉ giới hạn trong các trường hợp hoạt động được chứng minh là có nhà nước bảo trợ. Ðài Loan cũng có các luật bổ sung chống lại việc cố ý truyền bá sự giả dối trên các phương tiện truyền thông phát sóng, nhưng chúng không bao gồm các phương tiện truyền thông in ấn hoặc kỹ thuật số. Vào năm 2020, chính phủ đã thu hồi giấy phép của CTI News, một kênh truyền hình thân Trung Quốc, với lý do kênh này nhiều lần không thể xác minh được nguồn gốc tin tức của họ. Rốt cuộc CTI chỉ đơn giản là chuyển sang hình thức trực tuyến.

Người biểu tình Đài Loan xuống đường chống “truyền thông đỏ” – AFP

Nỗ lực của Đài Loan

Vụ việc trên làm dấy lên cáo buộc rằng chính quyền tìm cách kiểm duyệt, điều mà Ðài Loan muốn tránh. Vì vậy, chính phủ đã sử dụng các phương pháp uyển chuyển hơn để chống lại thông tin sai lệch. Trong đó họ cố gắng thay đổi khả năng hiểu biết về truyền thông, xác định độ chính xác của tin tức nhanh hơn và hỗ trợ các tổ chức kiểm tra sự thật (fact-checking). Nhưng những nỗ lực nói trên vẫn không thể theo kịp với tốc độ tuyên truyền của Trung Quốc. Vào tháng 8, Meta (công ty mẹ của Facebook) đã xóa một mạng lưới gồm hơn 7,000 trương mục, trang mạng và nhóm đang làm công việc lan truyền thông tin sai lệch của Trung Quốc. Tuy nhiên, mở ra các trương mục mới là việc rất dễ làm, người ta chỉ cần đổi tên khác, và vấn đề này sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn một khi có thêm kỹ thuật trí tuệ nhân tạo hỗ trợ.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Những thông tin sai lệch của Trung Quốc đã và đang xuyên tạc sự thật trong dư luận của quần chúng Ðài Loan. Câu hỏi là việc làm này của họ có làm thay đổi lá phiếu của cử tri hay không? Công ty Meta ghi nhận rằng mạng lưới đưa thông tin sai lệch của Trung Quốc mà họ loại bỏ có “số lượng nhiều nhưng số người tiếp cận thấp”, mặc dù cách trình bày được thiết kế để làm cho các trương mục trông hấp dẫn hơn so với trước đây.

Thất bại của Trung Quốc

Các nghiên cứu về mạng lưới thông tin sai lệch của Nga ở Mỹ cho thấy nó không gây ảnh hưởng bao nhiêu đến sự lựa chọn của cử tri. Mặc dù tất cả mọi thông điệp trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc và thân Trung Quốc tại Ðài Loan chỉ nhằm chống lại đảng Dân Tiến, ông Lại Thanh Ðức (William Lai), ứng cử viên của đảng này, vẫn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Và mặc dù hoạt động của mạng lưới tuyên truyền Trung Quốc ra sức gây sự hoài nghi về nước Mỹ, người dân Ðài Loan thậm chí lại còn cảnh giác nhiều hơn đối với Trung Quốc. Một cuộc khảo sát năm 2022 của Academia Sinica, một tổ chức nghiên cứu của Ðài Loan, cho thấy 34% số người được hỏi đồng ý rằng Mỹ là một quốc gia “đáng tin cậy”. Chỉ có 9% nói như vậy về Trung Quốc.

Mà nếu có trách thì Trung Quốc phải tự trách chính họ – nói một đàng, làm một nẻo. Gần đây, họ tập trận bao vây Ðài Loan bằng chiến đấu cơ và tàu chiến, trong khi đảng Cộng sản Trung Quốc cho công bố một kế hoạch hội nhập hứa hẹn mang lại lợi ích cho người dân Ðài Loan sống ở Phúc Kiến, một tỉnh phía nam gần với đảo quốc. Hầu hết người dân Ðài Loan đều biết mối đe dọa thực sự của họ đến từ đâu cho dù những chiến dịch nhằm lung lạc thông tin của Trung Quốc vẫn ngày càng gia tăng cũng không thể đánh lừa họ.

VH