Sau khi tin tức loan đi cho biết Đức Giáo Hoàng Francis băng hà vào sáng ngày thứ Hai 21 tháng 4 đã có hàng nhiều chục ngàn người Công giáo đổ về Vatican và đứng chờ xếp hàng dài trong nhiều giờ trước Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để tỏ lòng thành kính với vị giáo chủ của họ. Trong khi đó nhiều người Công giáo trên khắp thế giới cũng đang tranh luận về một câu hỏi quan trọng: Giáo hội Công giáo tương lai nên đi theo hướng nào dưới thời vị Giáo Hoàng nối tiếp?
Trong suốt 12 năm trị vì, đường lối nghị sự của cố Giáo hoàng Francis nhấn mạnh về sự công bằng trong xã hội và kinh tế, ủng hộ di dân và cởi mở tranh luận về vấn đề đồng tính cùng nhiều chủ đề gây tranh cãi khác đã làm hài lòng những người Công giáo có quan điểm cấp tiến nhưng lại làm phiền lòng không ít với những người có quan điểm bảo thủ.
Người kế nhiệm ngài sẽ thừa hưởng một tình trạng rạn nứt sâu sắc giữa nhóm giáo dân tin rằng Giáo Hội nên thích nghi với thời hiện đại và nhóm giáo dân tin rằng Giáo Hội nên bảo tồn bản sắc truyền thống của mình.
Nhưng trước hết, người ta phải bầu ra một vị Tân Giáo Hoàng.
Mật nghị bầu Tân Giáo Hoàng
Kể từ năm 1276, khi các Giáo Hoàng bắt đầu được bầu lên thông qua một mật nghị bao gồm các Hồng Y đủ điều kiện tham gia trên khắp thế giới tụ về và được cách ly với thế giới bên ngoài trong suốt thời gian bầu phiếu. Quá trình bí mật này đã trở thành nguồn cảm hứng hấp dẫn với không biết bao nhiêu bài báo, tiểu thuyết và phim ảnh kể các câu chuyện (tưởng tượng) về những gì xảy ra bên trong các mật nghị.
Mật nghị bầu người kế nhiệm Đức Giáo hoàng Francis để làm vị lãnh đạo tinh thần của 1.4 tỷ người Công giáo là một sự kiện độc đáo và hấp dẫn. Hiểu được cách thức hoạt động của nó có nghĩa là phải hiểu rõ một số điều căn bản, phá bỏ đi một số huyền thoại và xem xét một cách cẩn trọng về cá tính và các quan điểm khác nhau các vị Hồng Y tụ họp tại Nguyện đường Sistine. Không có cuộc hội họp thảo luận nào khác có thể kết hợp được truyền thống, nghi thức và sự hồi hộp như mật nghị để bầu Tân Giáo Hoàng.
Nhưng kịch tính của tiến trình bầu phiếu này không phải là điều quan trọng nhất. Những câu hỏi căn bản về hướng đi tương lai của Giáo Hội đang được đặt ra cho tiến trình lựa chọn vị Tân Giáo Hoàng. Kể từ Công đồng Vatican II vào đầu thập niên 1960, đường phân chia trong Giáo Hội Công giáo đã được xác định bởi hai quan điểm đối lập về cách tiếp cận của Giáo Hội đối với thế giới hiện đại, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến thẩm quyền tôn giáo, phẩm giá con người và vị trí của đời sống tình dục trong cuộc sống của người dân, đặc biệt là với người Công giáo.
Hai khuynh hướng
Theo một cách giải thích, Công đồng Vatican II đã đưa Giáo Hội hướng tới một kỷ nguyên mới, và được hiểu điều đó có nghĩa là loại bỏ hoặc sửa đổi các chân lý về đức tin đã từng được duy trì trong gần hai thiên niên kỷ. Một cách giải thích khác thì cho rằng Công đồng đã cải cách Giáo Hội theo sự tiếp nối năng động với đức tin truyền thống đã được ổn định, trong khi Giáo Hội tìm ra những cách thức mới để trình bày về các chân lý lâu đời và trường tồn đó.
Cả hai khuynh hướng Công giáo theo mô hình mới và theo chính thống nhưng năng động đều có chung một mục đích là tìm cách làm cho Giáo Hội trở nên hấp dẫn đối với những người theo Thiên Chúa Giáo cũng như với người ngoại đạo đang đi tìm phương hướng và ý nghĩa cho đời sống tâm linh trong bối cảnh hỗn loạn văn hóa hiện nay. Cho tới nay, khuynh hướng chính thống năng động gặt hái được nhiều thành công trong việc thu hút ngày càng nhiều tín đồ đến với Giáo Hội, đặc biệt là những khu vực ngoại vi (như châu Phi) thay vì là những khu vực truyền thống (như châu Âu) nơi đức tin Công giáo khởi đầu. Khuynh hướng nào chiếm ưu thế trong cuộc bầu Tân Giáo Hoàng lần này?
Thể thức bầu phiếu
Khi Đức Giáo Hoàng Francis qua đời, có tổng cộng 252 thành viên của Hồng Y đoàn. Chỉ những người chưa bước sang tuổi 80 – hiện thời là 135 người – mới được quyền bỏ phiếu trong mật nghị. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ khi Giáo Hoàng qua đời đến khi mật nghị mở ra (từ ngày 5 đến 11 tháng 5), tất cả các thành viên của Hồng Y đoàn đều tham gia vào các “Đại hội đồng” trong đó họ thảo luận về tình hình của Giáo Hội đồng thời chỉ ra vị Giáo Hoàng theo khuynh hướng nào mà họ nghĩ sẽ phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của Giáo Hội. Tuy nhiên, cuộc thảo luận này thường mang tính cách hình thức, thậm chí là theo một công thức có sẵn.
Vào buổi sáng khi mật nghị mở ra, các Hồng Y tham gia bầu cử dự “Thánh lễ bầu Tân Giáo Hoàng La Mã”, được tổ chức tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Chiều hôm đó, các Hồng Y đi bộ trong một đoàn rước trang nghiêm từ Nguyện đường Pauline thuộc Điện Tông tòa đến Nguyện đường Sistine, nơi có đặt các thiết bị nhiễu sóng điện tử để ngăn chặn việc nghe lén của các chính phủ, giới truyền thông hoặc cá nhân bên ngoài. Tại đó, sau khi tuyên thệ giữ bí mật về những gì sắp diễn ra, các Hồng Y tham gia bầu phiếu sẽ bỏ phiếu lần đầu tiên dưới sự chứng giám của Đức Kitô trong họa phẩm “Ngày phán xét chung” của danh họa Michelangelo vẽ bên trong nguyện đường.
Sau lần bầu phiếu đầu tiên đó, có hai cuộc bỏ phiếu mỗi buổi sáng và hai cuộc bỏ phiếu mỗi buổi chiều, cho đến khi hai phần ba số người bỏ phiếu đồng ý về việc ai sẽ là vị Giáo Hoàng thứ 267 của Giáo Hội. Các lá phiếu giấy được xâu lại với nhau và đốt sau mỗi phiên bỏ phiếu. Khi đạt được đa số hai phần ba, một chất hóa học được cho thêm vào lò lửa để tạo ra làn khói trắng nổi tiếng trên nóc Nguyện đường Sistine báo hiệu Giáo Hội đã có một vị Tân Giáo Hoàng.
Các Hồng Y tham gia bầu phiếu
Nhóm Hồng Y tham gia bầu phiếu trong mật nghị này được xem là đông lớn nhất và đa dạng nhất trong lịch sử của Giáo Hội. Khi Giáo Hoàng Pius XII (gốc Ý) được bầu vào năm 1939, chỉ có 62 Hồng Y được quyền bầu phiếu, trong đó có 37 người, hay 60%, là người Ý. Hiện nay, nhóm Hồng Y bầu phiếu đã tăng gấp đôi con số đó và trong số 135 Hồng Y đủ điều kiện tham gia bầu người kế nhiệm Francis, chỉ có 28 người, hay 21%, là người Ý. Và không có lý do gì để mong đợi nhóm này là một khối thống nhất.
Hiện nay, 13% Hồng Y tham gia bầu phiếu đến từ vùng châu Phi cận Sahara, khu vực tăng trưởng mạnh nhất của Giáo Hội, và 17% đến từ châu Á. Khu vực châu Mỹ Latinh và Caribbean cung cấp 17% số Hồng Y bầu phiếu, Bắc Mỹ 10%, châu Đại Dương 2% và châu Âu 39%, mặc dù phần lớn Giáo Hội ở những khu vực này đang ngày càng phải đối phó với tình trạng suy giảm.
Lần đầu tiên có các Hồng Y tham gia bầu phiếu đến từ Singapore, Đông Timor, Papua New Guinea, Malaysia, Myanmar, Nam Sudan, Mông Cổ, Thụy Điển, Serbia, Rwanda, Burkina Faso, Paraguay, Lào, Morocco, Cape Verde và Haiti. Tuy nhiên, lần này không có Hồng Y bầu phiếu đến từ các trung tâm Công giáo truyền thống như Dublin, Paris, Milan, Venice và Los Angeles. Mật nghị cũng không có sự tham gia của các vị lãnh đạo của một số tổ chức lớn như Giáo Hội Công giáo Đông phương, Giáo Hội Công giáo Hy Lạp Ukraine.
Lựa chọn hướng đi
Như nói ở trên, hai khuynh hướng mới và truyền thống là đề tài quan trọng trong các cuộc thảo luận tại mật nghị lần này và người ta không thể không bàn tới sự phát triển đáng kể của Giáo Hội ở khu vực châu Phi cận Sahara, nơi khuynh hướng chính thống năng động đang chứng kiến những thành quả to lớn của họ trong việc đưa hàng triệu người, nam cũng như nữ, đến với đức tin Kitô. Đến cuối thế kỷ này, châu Phi được dự kiến sẽ là trung tâm của Giáo Hội Công giáo hoàn vũ về mặt dân số.
Do đó, như ý kiến của một số nhà nghiên cứu đưa ra, điểm mấu chốt của mật nghị lần này cũng là câu hỏi quan trọng đã khiến Giáo Hội Công giáo nhiều phen bối rối kể từ cuối thế kỷ 18: Công giáo có nên thích nghi với thế giới hiện đại, như Giáo Hội Tin lành cấp tiến đã làm và Giáo Hội Công giáo Đức hiện đang cố gắng thực hiện hay không? Hay Giáo Hội nên tìm cách cải chuyển bước tiến của thế giới hiện tại, qua đó trao cho những khát vọng tự do, bình đẳng và đoàn kết của thời hiện đại một nền tảng vững chắc trong những chân lý mà Kinh thánh của Giáo Hội đã chỉ dạy trong hai thiên niên kỷ qua?
VH