Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ở trong tình trạng căng thẳng từ nhiều năm qua thì trong mấy tháng gần đây mối quan hệ này lại trở nên tồi tệ hơn rất nhiều khiến cho hai quốc gia nay không còn bao nhiêu sự hợp tác vì lợi ích chung, mà trái lại, danh sách của những xung đột quyền lợi ngày càng nhiều.

Bất tín nhiệm Trung Quốc – nguồn Lowy Institute  

Chính quyền Tổng Thống Donald Trump trong thời gian qua đã cho phát động một chiến dịch trong đó bao gồm điều tra và truy tố một số nhân vật Trung Quốc trong các hoạt động tình báo và tin tặc, và hạn chế xuất cảng một số sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm kỹ thuật, sang Trung Quốc. Một bản phân tích về chính sách mới đây cho thấy hầu như mọi giới chức trong nội các đều chấp nhận và ủng hộ các chính sách đối nghịch hoặc từ bỏ các chương trình hợp tác trong quá khứ với Bắc Kinh.

Về phần các giới chức Trung Quốc cũng nghe theo lệnh lãnh tụ Tập Cận Bình của họ từ hồi mùa Thu năm ngoái kêu gọi ra sức chống lại bất kỳ điều gì mà họ cảm thấy là có nguy cơ làm cản bước tiến của Trung Quốc trong tương lai. Bắc Kinh đã gia tăng các hoạt động quân sự trong khu vực Biển Ðông và lên tiếng thách thức dọa nạt Ðài Loan, một đồng minh của Hoa Kỳ, và hệ thống truyền thông nhà nước của họ đã công khai lớn tiếng phản đối Ngoại trưởng Mike Pompeo khi ông này nói rằng có bằng chứng cho thấy con vi khuẩn corona gây ra trận đại dịch có xuất xứ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Ðại dịch Covid-19 đã làm cho tình trạng xung khắc càng lún sâu thêm, đẩy mối quan hệ đã không mấy mặn mà giữa hai quốc gia xuống tới mức thấp nhất. Cả hai chính phủ đang từ từ tách rời khỏi những sự hợp tác chung và cố gắng chạy đua để qua mặt nhau trong việc định hình chính sách cho một trật tự thế giới thời hậu đại dịch.

Tổng thống Trump, đã có những lời lẽ chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc trong việc giải quyết vụ bùng phát dịch bệnh, cho biết ông đang xem xét việc sử dụng chính sách thuế quan và một số biện pháp khác để đòi Bắc Kinh bồi thường do hậu quả của trận đại dịch, mặc dù một số giới chức cao cấp tại Washington trong tuần qua đã đưa tín hiệu cho biết chính quyền Trump hiện còn đang trì hoãn việc trừng phạt Trung Quốc về kinh tế.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Trong khi đó, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã công khai tung tin đồn rằng chính quân đội Hoa Kỳ đã phát tán vi khuẩn tại Trung Quốc – điều mà hệ thống truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ra sức phóng đại trong thời gian qua, nhưng Ngũ Giác Ðài thì mô tả đó như là một tin đồn thậm vô lý. Một phúc trình mới nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết luận rằng Bắc Kinh và một số quốc gia hùa theo họ hiện đang tiến hành một chiến dịch tung tin sai lệch liên quan đến vụ bùng phát dịch bệnh để gây bất lợi cho Hoa Kỳ.

Thuỵ Điển quyết định đóng cửa tất cả Viện Khổng Tử – nguồn AP

Thậm chí ngay cả trước thời chính quyền Donald Trump thì sự bất bình từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà tại Washington cũng đã tăng cao đối với các chính sách thương mại bất công và gian lận của Trung Quốc: tạo áp lực với các công ty Mỹ, đánh cắp kỹ thuật, hoạt động gián điệp trong lãnh vực công nghệ, cũng như sử dụng chính sách trợ cấp nhà nước và giảm giá đồng bạc nội tệ để gây bất lợi cho các công ty cạnh tranh ngoại quốc. Trên phạm vi địa chính trị, Washington cũng ngày càng lo ngại về sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực Biển Ðông.

Cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc, mối quan tâm về nhân quyền trong chính sách của Bắc Kinh tại Hồng Kông và việc bắt nhốt khoảng một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) trong các trại “cải tạo” đã làm cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước lại càng lạnh nhạt thêm.

Tuy nhiên, vụ đại dịch Covid-19 – lúc đầu Trung Quốc đã cố tình giấu diếm – đã làm gia tăng sự chống đối và bất tín nhiệm Trung Quốc lên một mức độ chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Một cuộc thăm dò dư luận tại Hoa Kỳ mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy gần hai phần ba số người trả lời thăm dò có quan điểm không thiện cảm đối với Trung Quốc, là mức cao nhất kể từ khi Pew bắt đầu đặt những câu hỏi này năm 2005. Kết quả cuộc thăm dò của Gallup gần đây cũng cho thấy chỉ có 33% người Mỹ là có ý kiến tích cực về Trung Quốc, thấp hơn so với thời gian ngay sau vụ đàn áp người biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Với vụ Covid-19 hiện đang là chủ đề chính trị quan trọng tại Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử Tháng 11 tới đây, cả Tổng thống Trump lẫn cựu Phó Tổng thống Joe Biden, được đoán trước sẽ là ứng cử viên đại diện cho đảng Dân chủ, hiện đang tranh đua để được coi là nhân vật có chính sách cứng rắn hơn khi đối phó với Trung Quốc.

Bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ hiện cũng đang có nhiều dấu hiệu cho thấy sự khó chịu đối với Trung Quốc ngày càng nhiều. Một số quốc gia đã lên tiếng phàn nàn về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về vấn đề ngăn chặn vi khuẩn corona và còn tỏ ra khó chịu hơn nữa là vì sau khi kiểm soát được dịch bệnh thì Trung Quốc liền phát động chiến dịch tung tin giả về nguồn gốc của dịch bệnh, chê bai các biện pháp ngăn chặn vi khuẩn corona của chính phủ các quốc gia dân chủ và khoe khoang thành tích hỗ trợ cho một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.

Dân Đức biểu tình chống đối hệ thống 5G Huawei – nguồn Reuters

Thậm chí một số quốc gia phương Tây có quan hệ thương mại quan trọng với Trung Quốc – như Ðức, Pháp, Úc, và Tân Tây Lan – cũng đã ủng hộ lời kêu gọi thành lập một uỷ ban độc lập điều tra về con vi khuẩn corona bắt nguồn từ đâu, khởi đầu như thế nào, việc giải quyết ra sao và sự lây lan ra khắp thế giới bằng cách nào.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Tại Thuỵ Ðiển, quốc gia từng có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc trước đây nhưng từ mấy năm nay mối quan hệ đó đã lạnh nhạt đi nhiều do những bất đồng về tình trạng nhân quyền, thì nay đại dịch Covid-19 khiến mối quan hệ đó suy trầm hơn nữa.

Ðầu Tháng 4 vừa qua, trong khi hệ thống truyền thông của nhà nước Trung Quốc lên tiếng chỉ trích về việc giải quyết đại dịch của Thuỵ Ðiển, thì chính phủ Thuỵ Ðiển đã ra lệnh đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng ở nước này.

Nước Ðức, với nền kinh tế lớn nhất khối Liên Âu, đã bắt đầu xem xét để thắt chặt các biện pháp bảo vệ ngăn chặn không cho Trung Quốc nắm giữ và kiểm soát thêm cổ phần đầu tư tại các công ty của Ðức trong khi kinh tế nước này đang rơi vào suy trầm do đại dịch gây ra.

Tại Vương quốc Anh, nay đã chính thức rời khỏi Liên Âu, thì vụ Covid-19 cho thấy nước này cũng đang xem xét lại chính sách của họ. Mới đây, Ngoại trưởng Dominic Raab cho biết sau đại dịch sẽ không thể có chuyện “kinh doanh như thường lệ” với Bắc Kinh.

Một số thành viên quốc hội của Ðảng Bảo thủ hiện đang cầm quyền cũng đang lên tiếng đòi xét lại việc quyết định của chính phủ hồi cuối năm ngoái đã cho phép công ty Huawei của Trung Quốc xây dựng một phần mạng lưới viễn thông 5G của họ – một quyết định đã gặp sự phản đối từ chính quyền Trump.

Thậm chí tại Phi châu, nơi Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền để đầu tư, cho vay và xây dựng hạ tầng cơ sở của dự án Nhất đới Nhất lộ, thì đại dịch Covid-19 cũng đã gây ra những xích mích, với việc công khai tỏ nỗi tức giận về những phúc trình liên quan đến việc đối xử kỳ thị đối với các công dân Phi châu trong chiến dịch kiểm soát vi khuẩn corona tại thành phố Quảng Châu.

Sự bất tín nhiệm đối với Trung Quốc thực ra đã có từ lâu chứ không chỉ mới đây, nhưng đại dịch Covid-19 đã cho thế giới thấy rõ hơn bộ mặt thật của Trung Quốc: trơ trẽn, xấc xược, giảo quyệt. Và đây lại thêm một bài học nữa cho những quốc gia nào còn ngây thơ tin tưởng vào lòng thành thật của họ.

VH

Arlington, TX