Cuộc chạy đua trong nỗ lực tìm thuốc chủng ngừa cho Covid-19 trong mấy tháng qua có thể nói là khá ngoạn mục. Dựa theo tin tức cũng như số liệu từ các cuộc nghiên cứu, nếu là một người lạc quan thì ta có thể tin rằng ít nhất một hoặc hai loại thuốc chủng có thể sẽ sẵn sàng trong mùa Thu tới đây, sớm nhất là vào Tháng 10.

Thuốc chủng ngừa Covid-19 – nguồn Reuters  

Dư luận trong tuần qua cũng đã bàn tán rất nhiều là một khi có thuốc chủng rồi thì việc phân phối sẽ như thế nào và ai sẽ được ưu tiên nhận thuốc chủng trước – vì một điều rõ ràng là sẽ không thể có đủ thuốc chủng cho tất cả mọi người ngay trong thời gian đầu.

Mặc dù các công ty cho biết là họ đang chuẩn bị tăng cường tại các cơ sở bào chế để có thể sản xuất hàng trăm triệu liều thuốc, nhưng nguồn cung cấp lớn hơn đó có thể sẽ phải chờ cho đến năm 2021.

Và cho dù có cố gắng cách mấy đi nữa thì việc cung cấp thuốc cho toàn thể dân số trên thế giới, hiện nay là gần 8 tỷ người, trong vòng một năm tới là điều bất khả.

Một số quốc gia sẽ có đủ thuốc chủng để dự phòng, trong khi một số quốc gia khác, đặc biệt là những nước kém phát triển, sẽ không có thuốc cho người dân của họ. Một số quốc gia có thể sử dụng thuốc chủng như một món hàng thương lượng trong các cuộc đàm phán về kinh tế và ngoại giao. Rồi việc tuân thủ các quy tắc về độ an toàn cũng như hiệu quả của thuốc là một điểm quan trọng khác cần được quan tâm vì không phải quốc gia nào cũng có các quy trình kiểm soát phẩm chất thuốc giống nhau.

Thêm một điều quan ngại nữa là có thể sẽ có một số thuốc được đem bán ở chợ đen, và sự việc này cho phép những người giàu có tiền ở một số quốc gia nào đó có thể đi đường tắt để mua thuốc chủng cho họ và cho gia đình họ.

Riêng tại Hoa Kỳ cho đến nay vẫn chưa có một kế hoạch nhất định cho việc phân phối thuốc. Và cũng không rõ cơ quan nào của chính phủ sẽ là nơi có thẩm quyền quyết định về kế hoạch này, trong đó bao gồm luôn câu hỏi là nhóm người nào sẽ được chủng ngừa trước.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Nhiều công ty bào chế thuốc nói rằng họ sẽ dành quyền quyết định xếp đặt ưu tiên cho các giới chức chính phủ, đặc biệt là trong trường hợp nếu chính phủ Hoa Kỳ cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho bất cứ loại thuốc chủng nào, mặc dù là các công ty này vẫn có thể đưa ra đề nghị.

Một số chuyên gia y tế nói rằng các quyết định khó khăn nhất trong việc phân phối thuốc sẽ là trong khoảng thời gian từ sáu đến chín tháng đầu khi mới có thuốc, nhưng sau đó thì vấn đề cung cấp thuốc sẽ dễ dàng hơn và bắt đầu theo kịp với nhu cầu của số đông quần chúng.

Quá trình bào chế thuốc chủng ngừa – nguồn The Hindu

Uỷ ban lo về thuốc chủng ngừa của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) thông thường sẽ là nơi đưa ra đề nghị về việc ai sẽ được chủng ngừa trước, và hiện nay uỷ ban này đang làm việc để lập ra kế hoạch cho việc phân phối thuốc. Trung tâm CDC gần đây đã cho thực hiện một cuộc khảo sát để đo lường sự ủng hộ của dân chúng đối với một số những chọn lựa khác nhau, và kết quả cho thấy đa số dân chúng ủng hộ ưu tiên chủng ngừa trước hết là cho các nhân viên y tế, kế đến là những người làm việc trong các lãnh vực thiết yếu, và sau đó là những nhóm người có nguy cơ nhiễm trùng cao.

Tuy nhiên, do gần một nửa dân số Mỹ mắc ít nhất một căn bệnh mãn tính, nên có thể các giới chức có thẩm quyền cần phải cân nhắc xem ai được ưu tiên trong nhóm người có nguy cơ cao đó. Ví dụ, những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hiện đang trong quá trình điều trị ung thư có nên được nhận thuốc chủng trước hàng chục triệu người mắc bệnh tiểu đường loại 2 hay không?

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Vào trung tuần tháng trước, các nhà lãnh đạo thuộc trung tâm CDC và Viện Y tế Quốc gia đã yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia thành lập một ủy ban riêng để soạn ra một kế hoạch phân phối liều lượng thuốc chủng ngừa trong tương lai một cách công bằng cho tất cả mọi nhóm người.

Trong khi đó, chính quyền Trump cũng đã cho thành lập một kế hoạch có tên Chiến dịch Thần Tốc (Operation Warp Speed) để sử dụng quỹ liên bang tài trợ cho các hoạt động nhằm đẩy mạnh quá trình thử nghiệm, sản xuất và phân phối thuốc chủng ngừa. Các giới chức tham gia vào kế hoạch này cũng đang cân nhắc xem ai sẽ thuộc những nhóm người được ưu tiên trước.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia am tường về các hoạt động trong hệ thống y tế Hoa Kỳ thì cách thức phân phối thuốc chủng trong những trường hợp tương tự trước đây thì thường là thông qua trung tâm CDC.

Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến quyết định ai được chủng ngừa trước là khi mà các nghiên cứu cho thấy rằng thuốc chủng ngừa đặc biệt có hiệu quả ở một nhóm bệnh nhân này, nhưng không hiệu quả ở một nhóm khác. Ví dụ, nếu một loại thuốc chủng được chứng minh là có khả năng bảo vệ ở người cao tuổi, thì nhóm người này có thể được ưu tiên cao hơn là vì những người lớn tuổi được biết là có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Ðể có thể chiến thắng được cuộc chiến chống lại con siêu vi khuẩn corona thì câu trả lời duy nhất là bắt buộc tất cả mọi người phải được chích ngừa.

Miễn nhiễm tập thể có khả năng ngăn chặn lây lan – nguồn World Economic Forum

Kết quả một cuộc thăm dò mới đây nhất của viện Gallup cho thấy chỉ có hai phần ba số người được hỏi là sẵn sàng nhận chích ngừa, trong khi một phần ba kia thì không chấp nhận với lý do họ nghĩ rằng thuốc chủng không được an toàn.

Biện pháp bắt buộc như nói ở trên mới nghe qua có vẻ như độc tài, thậm chí nó đi ngược lại sự tôn trọng quyền tự do cá nhân mà người Mỹ vẫn thường tự hào, nhưng lại là điều rất cần thiết để đánh bại con siêu vi khuẩn quái ác này và có lẽ không còn một sự lựa chọn nào khác.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Lý do là vì khi một loại thuốc chủng được chứng minh là hiệu nghiệm để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 thì loại thuốc đó chỉ hiệu nghiệm khi được sử dụng một cách rộng rãi, tạo ra một sự miễn nhiễm tập thể trong cộng đồng. Ðiều quan trọng cần lưu ý là, trong thời kỳ dịch bệnh, không có biện pháp ngăn chặn sự lây lan và phòng bệnh nào tốt hơn là nếu cả một tập thể cộng đồng đều có khả năng miễn nhiễm. Thế nên, càng có nhiều người chủng ngừa thì nguy cơ bị nhiễm bệnh càng thấp hơn cho tất cả mọi người, kể cả những người không chịu hay chưa được chích thuốc.

Một số ý kiến được đưa ra nói rằng để có thể tạo được sự miễn nhiễm tập thể thì chính quyền có lẽ phải cho áp dụng lệnh mới bắt buộc tất cả mọi người, ngoại trừ những người vì lý do sức khoẻ, phải được chích ngừa – tựa như lệnh đóng cửa và cách ly vào lúc đại dịch vừa bắt đầu. Sau khi được tiêm chủng, mỗi người sẽ nhận được một thẻ chứng nhận. Những ai không có thẻ có thể sẽ bị những cơ sở kinh doanh từ chối tiếp nhận (hiện nay các siêu thị và cửa tiệm đòi hỏi khách hàng bước vào tiệm phải đeo khẩu trang). Trường học có thể không cho phép những em học sinh nào chưa được chích ngừa được vào học. Các dịch vụ giao thông công và tư – hàng không, xe lửa và xe buýt – có quyền từ chối những cá nhân nào không mang theo thẻ chứng nhận v.v.

Ðể có thể vượt qua được trận đại dịch ghê gớm hiện nay thì tất cả mọi người cần phải đồng lòng tham gia và hợp tác. Một trong những việc làm đơn giản nhất là chấp nhận chủng ngừa để có thể tạo được sự miễn nhiễm tập thể và như vậy thì ta mới giành lại được sự tự do mà con siêu vi khuẩn corona đã lấy mất của chúng ta từ nhiều tháng nay.

VH