Cứ 4 năm một lần, tại các cuộc tranh tài Thế vận hội, chúng ta lại có cơ hội chứng kiến sự xuất hiện của những ngôi sao mới trong thế giới thể thao và ngay lập tức họ chiếm được cảm tình của người hâm mộ. Thế vận hội Tokyo năm nay cũng sẽ không là ngoại lệ.

Mang một đôi giày gây tranh cãi của Nike, Eliud Kipchoge, người giữ kỷ lục thế giới về marathon, đã phá vỡ rào cản hai giờ – photo Leonhard Foeger/Reuters  

Tuy nhiên, có một điều hơi khác là lần này, bên cạnh những ngôi sao lực sĩ còn có sự xuất hiện của một ngôi sao hoàn toàn khác lạ, không phải lực sĩ nhưng là bạn của rất nhiều lực sĩ chạy điền kinh: siêu giày Nike.

Nó được xem như một cuộc cách mạng kỹ thuật chế tạo giày mà công ty Nike đã tung ra trên các trường đua của môn điền kinh, với miếng đệm lót ở đế giày làm bằng nguyên liệu sợi carbon (carbon fibers) và riêng với loại giày chạy đường ngắn có gắn loại đinh mới dưới đế giày được sản xuất bằng một thứ nguyên liệu đầy bí ẩn được gọi là “siêu đinh” (super spikes), đã giúp cho nhiều lực sĩ mang nó, liên tục phá nhiều kỷ lục trong một thời gian tương đối ngắn.

Hiện đang có nhiều cuộc tranh luận khá gay gắt về mức độ lợi thế mà siêu giày Nike mang lại, nhờ có những chiếc đinh mới được gắn vào lớp đế cứng và bên trong giày là một lớp miếng đệm rất nhẹ được thiết kế có thể hoàn trả thêm năng lượng vào đôi chân của lực sĩ. Theo ý kiến chung từ nhiều giới, kể cả lực sĩ, thì siêu giày này phần nào giúp người lực sĩ chạy nhanh hơn.

Hobbs Kessler của trường trung học Ann Arbor, Michigan – nguồn detroit free press

Ðiều đáng nói là có một số thương hiệu giày trả tiền cho lực sĩ để quảng cáo cho họ nhưng vẫn cho phép lực sĩ đó sử dụng sản phẩm của những thương hiệu cạnh tranh. Ðối với nhiều lực sĩ điền kinh, điều này có nghĩa là họ có thể chọn siêu giày Nike trong các cuộc đua.

Xem thêm:   Chile một bức tranh huyền bí

Những thương hiệu như Adidas, Asics, Hoka, New Balance và Puma hiện nay cũng đang nghiên cứu và tìm cách chế tạo loại siêu giày của riêng họ. Hiện tại, siêu giày của Nike – cùng với một đội ngũ lực sĩ hùng hậu của họ – đang làm mưa làm gió và dẫn đầu về phá kỷ lục tại các cuộc tranh tài điền kinh. Chỉ trong vòng dưới một năm, siêu giày của Nike được sử dụng để đoạt chức vô địch thế giới hai môn điền kinh 5,000 và 10,000 mét của cả nam lẫn nữ. Rồi vào đầu tháng 6 vừa qua, lực sĩ điền kinh người Hòa Lan, Sifan Hassan, đã phá kỷ lục 10,000 mét nữ tới 10 giây.

Kỷ lục của Hassan chỉ đứng vững được có 2 ngày. Hôm mùng 8 tháng 6, lực sĩ Letesenbet Gidey của Ethiopia đã phá kỷ lục trên thêm 5 giây. Ðôi giày cô mang không gì khác hơn chính là siêu giày của Nike.

Letesenbet Gidey phá kỷ lục 2 ngày của Sifan Hassan trong cuộc đua 10,000 mét nữ – nguồn Twitter

Thậm chí có cả thiếu niên tham gia vào cơn “cuồng nộ” điền kinh này. Vào ngày 29 tháng 5, một nam học sinh lớp 12 tên là Hobbs Kessler của trường trung học Ann Arbor, Michigan, đã mang đôi siêu giày của Nike tại một cuộc chạy đua ở Portland, Oregon. Cùng chạy với các lực sĩ điền kinh chuyên nghiệp khác, Kessler đã phá kỷ lục 1,500 mét của học sinh trung học gần 4 giây khi về đến đích với kim đồng hồ đo được là 3 phút 34 giây 36 – một thành quả mà chính Kessler không tin là có thật – và đã đạt đủ tiêu chuẩn để tham dự cuộc đua tiếp theo lấy vé đi Thế vận hội.

Xem thêm:   Đi về điểm tận cùng trái đất

Thời gian về tới đích của Kessler đã làm lu mờ luôn cả kỷ lục 1,500 mét của sinh viên đại học là 3 phút 34 giây 68, được lập chỉ vài tuần trước đó bởi lực sĩ sinh viên Yared Nuguse của đại học Notre Dame, là người cũng mang siêu giày của Nike.

Sau cuộc đua, chính Kessler cũng phải thú nhận chắc chắn đôi giày đã giúp phần nào, ít ra là trong trường hợp đôi giày hiệu Nike ZoomX Dragonfly cho phép anh được tập luyện lâu hơn vì chân bớt bị đau hơn.

Sifan Hassan mừng chiến thắng 5,000 mét nữ tại cuộc đua 2020 Ostrava Golden Spike – nguồn Shutterstock

Mặc dù bằng chứng rõ ràng cho thấy những đôi siêu giày chạy đường trường của Nike và những thương hiệu khác đã đưa đến hiện tượng là thời gian hoàn tất cuộc đua ngày càng ngắn lại, nhưng kỹ thuật chế tạo giày này của Nike còn quá mới để có thể nói chính xác rằng, nó tạo ra phần nào hiệu ứng và mang lại lợi thế cho lực sĩ mang nó.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều người tin rằng loại “siêu đinh” mới này giúp cho lực sĩ chạy nhanh hơn. Miếng đệm mới lót ở đế giày trả lại nhiều năng lượng hơn cho người chạy, khoảng 80-90%, thay vì 60% của loại đệm trước đây.

Nhưng công bằng mà nói, còn có một số yếu tố khác có thể đã góp phần giúp cho lực sĩ chạy nhanh hơn trong thời gian gần đây. Trong đó, phải kể đến trận đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều cuộc đua phải huỷ bỏ và nhờ vậy cho phép lực sĩ được tập luyện kỹ càng hơn, giúp tinh thần sắc bén hơn trong thời gian chuẩn bị Thế vận hội so với những lúc bình thường khác.

Giày Nike Vaporfly tại cuộc đua việt dã – nguồn Reuters

Không giống như môn bơi lội mà một thập niên trước đã cấm các bộ quần áo bơi kỹ thuật cao giúp phá nhiều kỷ lục, các nhà lãnh đạo của môn điền kinh đã lập ra những quy định nới lỏng hơn cho phép sử dụng hầu hết các loại siêu giày và đinh đế giày hiện nay.

Xem thêm:   Bong bóng đỏ

Theo ông Peter Thompson, một huấn luyện viên và đã từng làm việc cho một số công ty giày thể thao, cho biết ông hoàn toàn không nghi ngờ gì về khả năng của loại đinh mới cũng như miếng đệm mới gắn vào siêu giày của Nike. Ông còn nói thêm rằng những đôi giày này giống như lò xo vậy.

Một bộ “siêu đinh” của Nike, nếu chưa kịp bán hết và còn trong kho, thường có giá thành trên $100. Siêu giày chạy đường trường của Nike mới tung ra gần đây hiệu Air Zoom Alphafly NEXT% Eliud Kipchoge, lấy tên của người lực sĩ điền kinh đã phá kỷ lục chạy việt dã dưới mức hai tiếng đồng hồ vào năm 2019, có nhãn giá là $375, không rẻ chút nào! Nhưng, nếu phải chi ra một số tiền như vậy để có thể giúp đoạt chức vô địch điền kinh thì cũng đáng đồng tiền. Và cho đến nay chỉ có siêu giày của Nike mới có khả năng đó.

VT