Câu nói mở màn chương trình văn nghệ Super Bowl 54 Halftime show là lời chào khán giả bằng tiếng Spanish của Shakira, người Colombian. Cùng với Jennifer Lopez người Puerto Rican, hai cô ca sĩ gốc Mỹ châu La-tinh này đã làm nên lịch sử trên sân khấu thể thao có thể nói là lớn nhất hành tinh.

Các bé gái trong những chiếc lồng – một màn diễn của Super Bowl Halftime Show tại Miami. nguồn: NFL/youtube   

Với con số khán giả truyền hình gần 110 triệu người, 17 phút đồng hồ ngắn ngủi của Shakira và J.Lo đã gây ấn tượng mạnh không riêng gì ở Mỹ mà còn khắp thế giới, đặc biệt là ở các xứ Nam Mỹ. Miami, thành phố có nhiều cộng đồng La-tinh nhất Hoa Kỳ, bỗng chốc biến thành trung tâm điểm của một sự kiện lịch sử được nhiều người coi hơn cả trận banh nảy lửa giữa hai đội San Francisco 49’ers và Kansas City Chiefs (99.9 triệu).

Hẳn nhiều người còn nhớ, halftime show năm ngoái với ban nhạc Maroon 5 bị thiên hạ chê thậm tệ. Nhạc của Maroon không hay gì cho lắm đã đành, ca sĩ chánh Adam Levine còn cởi áo khoe hình xăm đầy mình, trông phản cảm hết sức. Nhưng điều đáng nói hơn nữa là trước đó, một số nhạc sĩ nổi tiếng được mời – như Cardi B, Jay-Z… đã từ chối hợp tác với NFL để phản đối việc chủ các đội banh chơi khăm cầu thủ Colin Kaepernick, bỏ tên anh vô sổ đen khiến không ai dám mướn. Kaepernick từng là chủ công cho đội San Francisco. Anh phản đối việc người da đen bị cảnh sát da trắng kỳ thị và đàn áp bằng bạo lực, bằng cách quỳ gối khi chào cờ trên sân. Hành động này bị nhiều người (kể cả tổng thống) chỉ trích là không tôn trọng lá quốc kỳ. Kaepernick mất job. Maroon 5 diễn tại Super Bowl. NFL bị chửi nát nước.

Có lẽ để xoa dịu phần nào sự phẫn nộ của quần chúng, và nhất là đại đa số các cầu thủ là da đen, NFL đã làm một video clip về Botham Jean và cho  chiếu trước giờ mở màn trận Super Bowl. Botham Jean là cư dân Dallas người da đen, bị bắn chết hồi tháng 9, 2018, trong apartment của mình bởi Amber Guyger, một nữ cảnh sát viên da trắng thuộc Dallas Police Department, chỉ vì cô ta bước lầm vào nhà của anh ta mà tưởng là nhà mình. Lúc đó Botham đang ngồi nhà ăn cà rem coi football. Tháng 10 năm ngoái Guyger bị kết tội giết người và lãnh bản án 10 năm tù. NFL nhân dịp này đã dùng diễn đàn Super Bowl để lên tiếng về vấn đề kỳ thị trong ngành cảnh sát mà chính Colin Kaepernick đã khởi động từ mấy năm trước (tuy vẫn tiếp tục cho Kaepernick chầu rìa).

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 2 năm 2024

NFL còn ký hợp đồng với công ty Roc Nation của Jay-Z – một trong những nhạc sĩ từng từ chối lời mời của NFL hồi năm ngoái, để đứng ra tổ chức Halftime Show cho Super Bowl năm nay. Lần này thì Jay-Z nhận lời, mặc dù quyết định của anh cũng bị chỉ trích khá nhiều bởi những người ủng hộ Kaepernick. Ta không biết Jay-Z và bộ sậu NFL đã có những thoả thuận như thế nào, nhưng rõ ràng chương trình văn nghệ năm nay vượt xa năm ngoái về phẩm chất, đồng thời ẩn chứa nhiều thông điệp chính trị xã hội hơn.

Jennifer Lopez trong màn múa cột gây nhiều tranh cãi. nguồn: nfl/youtube

Shakira sinh năm 1977 tại Banquillero, Colombia. Ông bà nội cô là di dân gốc Lebanon, mẹ cô người gốc Tây Ban Nha và Ý. Do đó Shakira mang trong người cả hai dòng máu Trung Ðông và Âu Châu. Tên của cô đến từ chữ Shakir trong tiếng Arabic có nghĩa là hồng ân. Năm 4 tuổi Shakira được cha cô dẫn đi xem múa bụng (belly dancing) và trống doumbek cổ truyền của người Arabic, cô bắt chước múa theo và phát hiện mình có khiếu diễn xuất.

Lớn lên trong một gia đình Công Giáo, Shakira còn có năng khiếu về thi ca. Lên 7 cô đã bắt đầu làm thơ, rồi từ đó chuyển sang viết nhạc khúc. Năm 13 tuổi Shakira được một hãng dĩa ký hợp đồng. Sau khi gặt hái nhiều thành công với dòng nhạc pop La Tinh, Shakira chuyển sang hát tiếng Anh để mở rộng thị trường.

Xem thêm:   Thử tài trí thông minh nhân tạo AI

Trong chương trình hôm đó, Shakira đã phô trương tài múa bụng của mình ngay từ phút đầu.  Những động tác của cô và vũ đoàn đã bị nhiều người chỉ trích là quá khêu gợi cho một show gia đình. Ngoài những bài nhạc tiếng Anh top hit như “Hips Don’t Lie” (Hông em không biết nói dối), Shakira còn chơi nhạc salsa và chêm vài câu tiếng Spanish. Nhưng gây bão trên Twitter nhiều nhất là màn Shakira le lưỡi trước ống kính. Ðây là một cách biểu lộ cảm xúc cổ truyền của người Trung Ðông (gọi là “zaghrouta”) mà nhiều người, Mỹ cũng như Việt, lầm tưởng là một hành động thô lỗ quá trớn.

Phần thứ nhì của Jennifer Lopez (J Lo) cũng ngoạn mục (và gây tranh cãi) không kém. Không chỉ là ca sĩ, J Lo còn đóng vai chính trong phim “Hustlers” mới ra hồi năm ngoái. Trên sân Miami, màn “múa cột” của cô đã khiến nhiều người bị dội vì cho rằng đó chỉ là trò khiêu dâm rẻ tiền. Người ủng hộ thì cho rằng nó là biểu tượng của sức mạnh của phụ nữ, nhất là một người đàn bà 50 tuổi. Lập luận thứ nhì có vẻ hợp lý hơn khi ta có một cái nhìn tổng quát về chương trình của J Lo. Ngoài những bài nhạc top hit của mình (và một bản nhạc của Cardi B, có lẽ để ủng hộ Kaepernick), J Lo còn có thêm một hoạt cảnh với các bé gái bước ra từ những chiếc lồng, trong đó có cô con gái của mình là Emme, mới 11 tuổi.

Shakira với cây Gibson trong bài “Kashmir” của Led Zeppelin. Ngoài ra cô còn biết đánh trống. nguồN: nfl/youtube

Giống mẹ, Emme cũng diễn xuất vô cùng tự nhiên trước đám đông. Và như để nhấn mạnh thông điệp dành cho phụ nữ và trẻ em, nhất là cho các gia đình Nam Mỹ bị phân cách tại biên giới Mỹ-Mễ, Emme đã cùng mẹ hát bản “Let’s Get Loud”. Cô bé đã lặp đi lặp lại câu “Born in the USA” của Bruce Springsteen trong khi mẹ cô khoác chiếc áo choàng đặc biệt của nhà thiết kế Versace – một bên là cờ Mỹ, một bên là cờ Puerto Rico. Ai cũng hiểu đây là lời nhắc nhở của J Lo về sự phân biệt đối xử của chính quyền đối với người Puerto Rican sau các vụ thiên tai, mặc dù trên nguyên tắc họ cũng là công dân Mỹ.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Ngoài Shakira và J Lo ra, chương trình còn có hai vị khách là nam ca sĩ J Balvin người Colombian và Bad Bunny người Puerto Rican. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử, Super Bowl Halftime Show gồm toàn nhạc sĩ Latina/Latino. Cho nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi con số người mở TV để xem màn ca nhạc cao hơn bình thường, thậm chí cao hơn số người coi trận banh. Bởi lẽ khán giả Nam Mỹ chỉ thích đá banh (futbol) chứ đâu mấy ai coi football kiểu Mỹ. Và để nhấn mạnh điểm đó, chương trình được kết thúc với Shakira và J Lo trong một điệu nhạc salsa truyền thống. Câu nói cuối cùng, đến từ Shakira, là lời cảm ơn bằng tiếng Spanish: “Muchas gracias!”

Phải công nhận nhà thầu Jay-Z chơi cú này quá đẹp. Ðâu phải dễ mà kết hợp được nhiều thể loại âm nhạc – pop, hip hop, reggaeton, salsa – để gửi ra những thông điệp xã hội nặng ký như vậy. Nhất là trong bầu không khí chính trị phân cực nặng nề hiện nay và tình hình khá căng thẳng trong nội bộ NFL sau nhiều vụ xì căng đan mà Colin Kaepernick chỉ là một.

Người xem, vì lý do nào đó, có thể thích hay không thích những màn trình diễn hay các nhạc phẩm của Shakira và J Lo. Nhưng không ai có thể chối cãi rằng chương trình năm nay đã thắng lớn trên nhiều mặt. Lượng người xem đi xem lại halftime show của hai cô trên Youtube là chứng cứ hùng hồn nhất. Ai không tin vô coi thử biết liền!

Emme (trái) hát “Born in the USA” trong khi mẹ của em giơ cao chiếc áo mang màu cờ Mỹ một bên, cờ Puerto Rico một bên. nguồn: nfl/youtube

BB

Allen, TX