Trong một vài năm đổ lại đây, tất cả các câu lạc bộ bóng tròn Âu châu đã biết tới tên tuổi của Christian Pulisic, Weston McKennie và Gio Reyna. Gần đây hơn, họ lại còn chú ý tới những Bryan Reynolds, Brenden Aaronson và một số cầu thủ trẻ tương tự khác. Tất cả đều là cầu thủ Mỹ và Hoa Kỳ bỗng dưng trở thành vùng đất sản sinh ra nhiều tài năng mà bóng đá Âu châu đang tìm tới.

nguồn thecomeback.com 

Mấy tháng vừa qua, ông André Zanotta đã nhận liên tục những cú gọi từ nhiều đội bóng tại Pháp, Bỉ và Ðức. Sau đó lại có thêm những đội của Tây Ban Nha và Ý Ðại Lợi. Một phần lý do là vì danh sách những cầu thủ có thể chuyển nhượng tại Âu châu hiện nay không nhiều và họ cần tuyển thêm tài năng mới.

Ông Zanotta quá quen với những cú gọi dồn dập kiểu này. Một thập niên trước, ông là phó chủ tịch của đội Santos FC tại Brazil khi một cầu thủ thiếu niên có tên là Neymar đang trên đường để trở thành một trong những cặp giò đắt giá nhất thế giới. Ít năm sau đó, Zanotta về làm việc cho đội Grêmio khi Arthur Melo nổi lên như một trong những tiền vệ triển vọng sáng giá nhất của Nam Mỹ.

Brazil từ lâu vẫn được coi là nơi sản xuất nhiều tài năng bóng tròn sáng chói cho thế giới. Những câu lạc bộ lớn của Âu châu thường trực có đại diện của họ tại đây để tìm kiếm và mang về ngay cả những cầu thủ mà tài năng mới chỉ lộ ra chút hứa hẹn. Ðiểm khác biệt lần này là Zanotta nhận được những cú điện thoại gọi tới không phải ở São Paulo hay Pôrto Alegre, mà là Dallas.

Những trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ tại Hoa Kỳ – nguồn SoccerWire

André Zanotta hiện nay là giám đốc kỹ thuật của đội F.C. Dallas và tất cả các đội gọi cho Zanotta chỉ để hỏi ông cùng một câu hỏi về một thiếu niên chơi ở vị trị hậu vệ cánh phải tên là Bryan Reynolds. Vào thời điểm của những cú gọi đó, Reynolds mới chơi độ khoảng hơn 20 trận trong liên đoàn Major League Soccer (MLS), nhưng cũng đã đủ để gây sự chú ý. Họ thích kỹ thuật và thể lực của cầu thủ này và nghĩ rằng Reynolds có thể thích nghi với bất cứ liên đoàn hàng đầu nào của Âu châu. Rốt cuộc có hai đội nhảy vào vòng đấu thầu là Juventus và Roma. Reynolds chọn Roma và rất có thể đội này sẽ phải trả $11 triệu để được quyền ký hợp đồng với anh.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Bryan Reynolds không hẳn là cầu thủ Mỹ trẻ duy nhất sang đầu quân cho một đội bóng Âu châu trong kỳ chuyển nhượng mùa Ðông của Âu châu vừa qua. Trong tháng Giêng, đội Philadelphia Union đã bán hậu vệ Mark McKenzie qua cho đội K.R.C. Genk của Bỉ, và tiền vệ Brenden Aaronson qua cho đội Red Bull Salzburg của Áo. Hậu vệ Joe Scally của New York City F.C. cũng đã ký xong hợp đồng được mong đợi từ lâu với Borussia Mönchengladbach (Ðức), và hai đồng đội khác lớn tuổi hơn một chút là Jordan Moris và Paul Ariola cũng đã sang khoác áo cho Swansea City, đội thuộc giải hạng nhì (second tier) tại Anh Quốc. Những cầu thủ trên một ngày nào đó không xa có thể sẽ đụng độ trên sân với tiền đạo Daryl Dike 20 tuổi của Orlando City vừa mới đồng ý một hợp đồng mướn ngắn hạn để đầu quân cho đội Bansley FC (Anh Quốc) hôm đầu tháng Hai vừa qua.

Liên đoàn MLS trước đây từng bán cầu thủ sang Âu châu theo từng đợt, và thường là do mối quan hệ đã có sẵn giữa hai huấn luyện viên, hoặc do cầu thủ đó tỏ ra chơi khá xuất sắc tại World Cup. Nay xu hướng đó đã có thay đổi. Mỗi kỳ chuyển nhượng thường là bốn, năm hoặc sáu cầu thủ được đưa từ Hoa Kỳ qua Âu châu. Và điều đó xác thực rằng chương trình đào tạo và huấn luyện cầu thủ của Hoa Kỳ đang gặt hái nhiều kết quả khả quan.

Hậu vệ Bryan Reynolds đội FC Dallas – nguồn Associated Press

Sự chuyển hướng một cách tương đối đột ngột – của Hoa Kỳ nói chung, và đặc biệt của liên đoàn MLS nói riêng – từ một khu vực trước đây vẫn bị các đội bóng Âu châu phớt lờ và nay bỗng trở thành khu vực được săn lùng ráo riết là có lý do của nó.

Xem thêm:   Andropov & Lenin

Theo nhận định của ông Fred Lipka, giám đốc kỹ thuật của chương trình đào tạo cầu thủ trẻ tương lai của liên đoàn MLS, đó là tiến trình và chuyển hướng hoàn toàn trong cách các cầu thủ được đào tạo trong liên đoàn trong 14 năm qua. Năm 2007, liên đoàn MLS đã làm một quyết định để đầu tư nhiều hơn vào các trường đào tạo: không chỉ là cơ sở tập luyện mà các câu lạc bộ có thể cung cấp cho các cầu thủ mà còn về cách thức huấn luyện cho họ. Ðồng thời liên đoàn còn gửi người tới Âu châu và Nam Mỹ để học về huấn luyện và đem về những phương pháp luyện tập có hiệu quả nhất, tập trung nhiều hơn vào việc huấn luyện kỹ thuật và chiến thuật chứ không chỉ là phát triển thể lực.

Ngoài ra, các đội trong liên đoàn MLS cũng thay đổi chiến thuật chơi trên sân theo phong cách “gây áp lực lên đối phương, mạo hiểm hơn và năng động hơn” giống như phong cách của bóng tròn Âu châu vậy.

Một trong những đội thiếu niên tại Hoa Kỳ – nguồn mlssoccer.com

Và khi các đội châu Âu tìm hiểu kỹ hơn về thị trường cầu thủ tại Hoa Kỳ, họ lại càng nhận thấy liên đoàn MLS là nơi dễ dàng làm việc và thương lượng hơn so những nơi khác trên thế giới. Thay vì tìm cách chống lại và ngăn cản những kẻ đang săn tìm và lấy đi những tài năng tương lai sáng nhất của mình thì liên đoàn lại thành lập hẳn một ban chuyên môn để hỗ trợ cho các cuộc thương lượng chuyển nhượng cầu thủ được thuận lợi hơn.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Nếu như việc làm trên của liên đoàn MLS mới nghe qua có vẻ như là một điều phản tự nhiên, nhưng quan niệm của MLS từ trước đến nay vẫn là một khi đã đào tạo được một cầu thủ ở trình độ cao rồi và nếu có cơ hội thì vẫn nên để họ đi qua đầu quân cho một đội Âu châu để họ có thể phát triển thêm hơn và phát huy hết tài năng của họ ở đó.

Sau khi đã ký một loạt hợp đồng cho một số cầu thủ Hoa Kỳ trong kỳ chuyển nhượng mùa Ðông vừa qua, các câu lạc bộ Âu châu vẫn chưa dừng lại ở đó mà nay họ đang theo dõi một số cầu thủ trẻ khác như Julian Araujo, hậu vệ 19 tuổi đang chơi cho đội Los Angeles Galaxy, và tay thủ môn trẻ David Ochoa của đội Real Salt Lake. Cả hai rất có thể sẽ là những tên tuổi được chú ý tới khi thị trường chuyển nhượng cầu thủ mở lại vào mùa Hè sắp tới.

Trước đây, là một cầu thủ trẻ được đào tạo ở Mỹ rất hiếm có cơ hội chơi cho một câu lạc bộ Âu châu. Nay gió đã đổi chiều và các cầu thủ trẻ của Hoa Kỳ đang được o bế. Một thời đại mới vừa được mở ra và Hoa Kỳ bỗng nhiên trở thành cái nôi đào tạo cầu thủ bóng tròn.

VT