Từ ngày 25/8 tới 3/9/2021 vừa qua, trên đấu trường Paralympics Tokyo 2020 dành cho người khuyết tật, nhiều khán giả đã thích thú không ít trước môn ném banh Goalball lâu nay vẫn còn khá lạ với người Việt.

Ngược dòng thời gian, hai chuyên gia thể dục hồi phục tên là Hans Lorenzen (người Áo) và đồng sự Sepp Reindl (người Ðức), chế ra “Goalball” vào năm 1946 như một cách vui chơi thư giãn, giúp giới thương phế binh bị mù lòa do thương tích chiến tranh hồi phục sức khỏe thể lý lẫn tâm lý. Chẳng những phương pháp điều trị của hai ông Lorenzen-Reindl không mai một, mà dần dần Goalball càng có nhiều người chơi, rồi phát triển thành một môn thể thao đồng đội dành riêng cho các lực sĩ khiếm thị (hoặc mù hẳn) đầu tiên được thừa nhận trên đấu trường thể thao thế giới.

Hans Lorenzen – nguồn football make history

Các cuộc tranh tài Goalball sớm manh nha thời hậu Ðệ Nhị Thế Chiến, phát triển mạnh trong hai thập niên 1950 và 1960. Tới Paralympics 1972, banh ném Goalball được ra mắt trong tư cách khách mời, chỉ đánh biểu diễn. Bốn năm sau nữa, trò chơi Goalball cuối cùng cũng được đưa vào chương trình tranh tài chánh thức tại Paralympics 1976 tổ chức tại thành phố Toronto của  Canada. Tiếp theo sau đó, giải vô địch ném banh Goalball đầu tiên ra đời tại Áo “Austria” năm 1978, rồi tiếp tục kéo dài tới nay, mỗi bốn năm một lần.

Sân bóng Goalball – nguồn titech.ac

Ngày nay, Goalball có thể là trò chơi đồng đội được người khiếm thị ưa thích nhất, có mặt tại trên 110 nước. Dù vậy, không chỉ với khán giả người Việt, mà nói chung, đa số khán giả thể thao trên thế giới, Goalball vẫn còn khá xa lạ. Một phần nỗ lực quảng bá trò chơi này là việc của liên đoàn thể thao dành cho người mù lòa quốc tế “International Blind Sports Federation”. IBSA được thành lập năm 1981, là tổ chức ban bố, sửa đội luật chơi, điều hành, cũng như khuếch trương Goalball.

Trận nữ Hoa Kỳ (áo trắng) hạ nữ Brazil 5-4. Ảnh Chang W. Lee / The New York Times

Goalball thường được chơi trong nhà thay vì lộ thiên. Kích thước sân Paralympics chánh thức là 18m (59 ft) chiều dài, và 9m (30 ft) bề rộng. Mỗi đội có ba đấu thủ trên sân. Các đấu thủ Goalball ném banh được chế đặc biệt, bên trong có gắn nhiều chiếc chuông nhỏ. Mục tiêu là chiếc khung thành chiếm hết bề ngang mặt sân và cao 1.3m. Bàn thắng xảy ra khi có đấu thủ ném banh vượt qua lằn vạch khung thành đối phương. Trái banh Goalball màu xanh dương, cỡ khoảng trái banh rổ, làm từ nhựa đặc. Trận cầu ném Goalball gồm có hai hiệp, mỗi hiệp 12 phút. Khác nhiều môn thể thao khác, Goalball chỉ có 6 đấu thủ đôi bên, nhưng lại cần tới 8 trọng tài.

Nữ Hoa Kỳ. Ảnh Getty / Kiyoshi Ota

Ngoài 3 đấu thủ trên sân, mỗi đội Goalball được có thêm 3 tay ném dự bị. Người chơi Goalball cần có phản xạ phối hợp giữa lỗ tai (nghe) và hai tay (ném) phải thật khéo léo. Những đấu thủ thượng thặng thì chẳng những kỹ năng “Hand-Ear Coordination” thành thục tới mức điêu luyện, mà còn cần sức mạnh và sự nhanh nhạy, cả trong ném banh (tấn công) lẫn cản phá banh (phòng thủ). Phần lớn các tay ném thích cản phá với tay chân dang rộng, nhưng thỉnh thoảng cũng có vài đấu thủ sở trường dùng ngực chận banh. Luật Goalball không cho đá banh bằng chân, mà chỉ ném bằng tay, và chỉ được ném đến tốc độ tối đa là 40 mph, nhờ vậy mà trò chơi này rất ít có thương tích.

Đội nam Hoa Kỳ. Ảnh paralympic.org

Vì môn ném banh Goalball được lập ra cho riêng lực sĩ khuyết tật, nên luật lệ, sân chơi, và dụng cụ đều đặt yếu tố này lên hàng đầu. Các lằn mức quanh trên sân đều được sơn, hoặc dán có chất keo đặc biệt, để giúp các lực sĩ sờ và cảm nhận được. Trái banh Goalball ngoài 8 lỗ (tăng độ bám, dễ kiểm soát) còn mang thêm nhiều chuông kêu leng keng. Ðể cho công bằng, tất cả đấu thủ Goalball đều bị bịt mắt, có phần lý do thẩm mỹ, nhưng cũng vì thực tế có một số lực sĩ chưa mù hẳn, chỉ bị lòa, có thể nhìn thấy lờ mờ nếu không mang đồ bịt mắt.

Xem thêm:   Beetlejuice

Khi đã bị bịt mắt, các tay ném “Goalball” chỉ còn nhờ vào thính giác, lắng nghe tiếng chuông leng keng, để đoán biết trái banh đang ở chỗ nào, đặng nhào tới giành, ném, hoặc cản phá. Vì yếu tố này mà mọi âm thanh bên ngoài sân, bao gồm kêu hò cổ võ, khích lệ, vỗ tay, điện thoại reng… đều bị cấm tiệt; khán giả phải giữ im lặng hoàn toàn để các tay ném có thể chú tâm lắng nghe đường banh đi. Ngay cả các huấn luyện viên cũng không được hò hét bên lề sân như nhiều môn thể thao khác. Chỉ duy nhất các đấu thủ trên sân có thể nói chuyện với nhau.

Đội nam Hoa Kỳ. Ảnh paralympic.org

Trên đấu trường TVH dành cho người khuyết tật, đội nữ Goalball Hoa Kỳ góp mặt tại đủ 10 kỳ Paralympics từ 1976 tới nay. Còn đội nam HK vắng mặt tại hai kỳ TVH khuyết tật 1976 và 2012. Ở TVH Paralympics 2020 vừa qua, đội nam Hoa Kỳ dừng chân tại bán kết, trong khi đội nữ giành huy chương bạc sau khi chào thua trước đương kim vô địch nữ Thổ Nhĩ Kỳ “Turkey” tỉ số 2-9 trong trận chung kết. Tính chung thành tích Goalball tại Paralympics, Team USA (cả nam lẫn nữ) vẫn là thế lực mạnh áp đảo trên cầu trường thế giới, đến nay giành tổng cộng 13 huy chương TVH (3 vàng, 6 bạc, 4 đồng).

TTD