Bộ phim 3 tập về ban nhạc The Beatles của đạo diễn Peter Jackson vừa trình làng trên đài Disney+ vào dịp Lễ Tạ Ơn. Tuy phim dài trên 6 tiếng đồng hồ, nhưng hầu hết các trang fan của Beatles đều ngợi khen hết mực và ước gì nó dài hơn.

The Beatles tại phim trường Twickenham Film Studios. Ảnh: Jeremy Neech 

Cuối năm 1968, Beatles đang trên đà tan rã. John Lennon vừa cặp bồ với Yoko, hai người quấn quít nhau không rời. Paul McCartney sắp sửa làm đám cưới với nhiếp ảnh gia Linda Eastman. George Harrison bất mãn vì các sáng tác của anh không được xem trọng. Ringo thì có hợp đồng đóng phim. Ban nhạc ngưng lưu diễn đã hơn hai năm, chỉ làm nhạc trong phòng thu và có vẻ như không còn hứng thú tiếp tục chơi chung.

Ðể hâm nóng bầu nhiệt huyết và cứu vãn tình thế, họ đồng ý làm một chương trình TV đặc biệt với những sáng tác mới (chưa được viết) và trình diễn trước một số khán giả chọn lọc. Theo lịch trình, buổi diễn sẽ xảy ra vào tuần lễ thứ ba trong tháng Giêng năm 1969 — sau đó Ringo sẽ bận đóng phim “The Magic Christian” với Peter Sellers. Ngoài ra, hai tuần lễ ban nhạc tập dượt sẽ được quay phim để làm phim tài liệu. Michael Lindsay-Hogg, người từng làm video cho bài “Hey Jude”, được mướn làm đạo diễn. Ðể hỗ trợ cho ban nhạc, phim trường Twickenham nơi quay phim “The Magic Christian” được nhà sản xuất cho Beatles mượn làm chỗ tập dượt và quay phim. Tuy nhiên, không gian quá rộng của Twickenham lại không thích hợp cho việc tập nhạc và thâu thanh.

Sau vài ngày, George giận John và Paul nên bỏ đi. Mất mấy ngày sau chàng mới trở lại, khiến lịch quay bị đảo lộn tứ tung. Sau khi thâu được hơn 60 tiếng đồng hồ hình ảnh và 150 tiếng đồng hồ âm thanh, chương trình TV bị huỷ bỏ, show nhạc sống cũng dẹp luôn. Rốt cuộc ban nhạc đồng ý chỉ chơi trước công chúng một lần cuối, nhưng tại một địa điểm không ai tính trước: trên mái nhà của đại bản doanh công ty Apple Corps do Beatles làm chủ. Một số thước phim sau đó được Lindsay-Hogg dùng để dựng phim “Let It Be”, phát hành vào tháng 5, 1970; hơn nửa thế kỷ qua nó được mọi người chấp nhận là “sự thật lịch sử” về việc rã đám của The Beatles.

Đạo diễn Michael Lindsay-Hogg. Nguồn: Evening Star/Hulton Archive

Những thước phim còn lại được cất vào kho và từ đó không ai mở ra xem. Cách đây 4 năm, Ringo và Paul quyết định giao những thước phim đó cho Peter Jackson để xem ông có muốn làm gì với nó hay không. Jackson là đạo diễn người New Zealand từng thắng giải Oscar với loạt phim “Lord of the Rings” và cũng là fan ruột của Beatles. Như nhiều fan khác, Jackson đã xem phim “Let It Be” và trong đầu luôn nghĩ các thước phim trong kho bao lâu nay là những hình ảnh không mấy sáng sủa của The Beatles trong thời điểm u tối nhất. Nhưng sau khi được xem những thước phim ấy Peter Jackson đã đổi ý. Khi Paul sang New Zealand lưu diễn cách đây 4 năm, Jackson nói với Paul đây là một câu chuyện rất hấp dẫn về The Beatles mà công chúng cần biết, muốn biết, và nên biết.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Ðược sự đồng thuận của Paul và Ringo cũng như của hai bà quả phụ Olivia Harrison và Yoko Ono, Peter Jackson bắt tay vào việc xây dựng bộ phim “The Beatles: Get Back” với mục đích thuật lại thật chính xác những gì đã xảy ra trong mấy tuần lễ đầu năm 1969. Jackson nói xưa nay chưa bao giờ ông bỏ ra nhiều thì giờ như thế cho một cuốn phim, nhưng đối với ông nó không là công việc mà là niềm đam mê.

Việc đầu tiên Jackson làm là phục hồi các thước phim cũ hơn nửa thế kỷ. Sau đó là viết kịch bản và sắp xếp các phân đoạn sau cho hợp lý. Việc khó khăn nhất là chọn những gì có thể cắt bỏ. Từ 60 giờ đồng hồ, cuối cùng Jackson đã giản lược xuống còn 18 tiếng. Ðối với người chuyên làm những bộ phim cực kỳ dài như “The Hobbit” hay “Lord of the Rings” thì 18 tiếng là bình thường. Nhưng với Disney thì nó quá dài; họ yêu cầu ông cắt xén cho phim xuống còn khoảng 2 tiếng thôi. Nhưng Jackson từ chối, vì làm như thế câu chuyện sẽ mất hết ý nghĩa. Sau khi bàn thảo với Ringo, Paul, Olivia và Yoko, mọi người đồng ý làm một bộ phim dài 6 tiếng, chia làm ba tập.

Bốn chỉ còn ba sau khi George “nghỉ chơi”. Nguồn: The Beatles

Disney cũng yêu cầu Jackson cắt bớt những lời thoại với từ ngữ “người lớn” vì sợ phụ huynh có con nhỏ than phiền. Yêu cầu này đã bị nhóm Beatles, nhất là Olivia và Yoko, phản đối kịch liệt vì họ cho rằng làm như thế sẽ không mô tả được con người thật của các thành viên trong ban nhạc, nhất là trong những giây phút xung đột căng thẳng. Cuối cùng Disney cũng phải nhượng bộ. Phần âm thanh và âm nhạc cũng được Giles Martin mix lại thật tuyệt vời (Giles là con của George Martin, chuyên hoà âm và sản xuất các dĩa nhạc của Beatles).

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Qua cuốn phim này, người xem sẽ nhìn thấy cá tính của mỗi thành viên. John Lennon hiện rõ là một thiên tài âm nhạc hay hài hước, giễu cợt, nhưng khi cần thiết vẫn vô cùng nghiêm chỉnh. Paul McCartney, ngoài khả năng viết nhạc hết sức dễ dàng còn hay áp đặt người khác chơi theo ý mình. George Harrison tuy ít nói nhưng lại là người suy nghĩ thực dụng nhất; mỗi khi John hay Paul có ý kiến trời ơi đất hỡi George đều nhỏ nhẹ nhắc nhở, kéo họ về thực tại. Ringo Starr là người ai cũng yêu mến vì chàng tỉnh như ruồi; dù cho tình hình căng thẳng cách mấy Ringo vẫn làm cho người xung quanh cảm thấy dễ chịu.

Nhưng ngoài những thứ đó ra, điều mà ai khi xem cũng phải công nhận là dẫu có xung khắc cách mấy chăng nữa, một khi 4 chàng nhạc sĩ nhập lại để soạn nhạc, viết lời, hoà âm, hợp xướng v.v. họ luôn làm việc tận tình và chuyên nghiệp. Không những vậy, họ tỏ ra rất vui vẻ, luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau. Khi Paul chơi piano thì George hoặc John nhảy sang đánh bass. Khi George bị bí chữ thì John hay Paul phụ đặt lời nhạc. Có lúc Ringo bày đặt đánh bass thay cho Paul. Khi thì George thay Ringo đánh trống. Tuy chẳng người nào được học nhạc một cách chính quy và chỉ chơi theo kiểu “by ear”, tức nghe sao đánh vậy, nhưng rõ ràng đây là những nghệ sĩ thực thụ với năng lực sáng tạo cao độ. Trong phim ta được xem cách họ biến một ý tưởng hoặc giai điệu tưởng chừng chẳng có gì cả thành một bản nhạc top hit hoàn chỉnh qua một phương thức thử nghiệm, đối thoại, cộng tác… Ta sẽ được chứng kiến tận mắt những bài nhạc quen thuộc như “Don’t Let Me Down”, “Let It Be” đã ra đời và trưởng thành như thế nào.

The Beatles trình diễn lần cuối cùng trên mái nhà Apple Corps, 30-1-1969. Ảnh: Ethan Russell

Sáu tiếng đồng hồ phim của Peter Jackson chứa  quá nhiều chi tiết, không thể kể hết ra đây. Nhưng đáng kể nhất phải là sự xuất hiện bất ngờ của Billy Preston, nhạc sĩ Da Ðen đàn piano, từng quen với Beatles với thuở các cậu còn trẻ, chơi trong các club ở Hamburg, Ðức. Trong Phần II, một hôm Billy Preston tình cờ ghé thăm Beatles trong lúc họ đang tập nhạc và được mời ngồi vào đàn chung. Phong cách tươi vui của Billy Preston đã thay đổi hẳn bầu không khí. Kể từ khi có chàng “Beatles thứ năm” (cách gọi của John Lennon) mọi người tự giác và làm việc nghiêm chỉnh hơn. Trong hồi ký, George ghi: “Billy Preston vừa ngồi xuống đàn mọi việc thay đổi hoàn toàn, như có một luồng hơi ấm làm chảy tan các tảng băng chúng tôi tự tạo ra cho chính mình.”

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Chỉ tiếc trong buổi chơi nhạc trên mái nhà ở Phần III, đạo diễn Lindsay-Hogg hầu như đã không quay Billy Preston, nhất là những đoạn solo bất hủ của anh, làm fan của Beatles thất vọng hết sức. Nhưng dù gì đi nữa, “Get Back” vẫn là một bộ phim hay mà những ai là Beatles fan không thể bỏ qua. Thậm chí chưa chi đã có người thúc Peter Jackson, phát hành luôn phiên bản 18 tiếng để coi cho nó đã!

Chấm điểm: A+

PA