Nghệ thuật và chính trị thường có mối liên hệ mật thiết – từ tranh của Picasso hay Salvador Dali cho tới các tác phẩm văn chương bất hủ của Tolstoy hay Eric Maria Remarque, thậm chí cả nhạc phản chiến của Bob Dylan hay Trịnh Công Sơn. Kỹ nghệ phim ảnh ngày nay tuy thiên về giải trí hơn, nhưng thỉnh thoảng cũng bị chính trị xía vào.

Triệu Đình (Chloé Zhao) trong buổi ra mắt phim ‘Nomadland’ tại một rạp chiếu bóng ngoài trời ở Pasadena, CA, hồi năm ngoái. Ảnh: Amy Sussman.

Phim ‘Nomadland’ đã lập kỳ tích Oscars năm nay với ba giải lớn — Ðạo diễn Xuất sắc nhứt, Phim Xuất sắc nhứt, Nữ Tài tử chính Xuất sắc nhứt. Không những vậy, đây là lần đầu tiên một người phụ nữ da màu — Chloé Zhao, đoạt giải Phim hay nhứt và Ðạo diễn giỏi nhứt. Thế nhưng bản tin này đã bị giấu nhẹm ngay trên quê hương của bà.

Chloé Zhao, phiên âm tiếng Hán-Việt là Triệu Ðình, chỉ là người phụ nữ thứ nhì trong lịch sử 93 năm của Oscar thắng giải Best Director. Năm nay mới 39 tuổi, Triệu Ðình sinh ra ở Bắc Kinh và được cha mẹ gởi sang Anh du học. Sau đó bà qua Mỹ học ngành phim ở New York. ‘Nomadland’, tạm dịch là ‘Du Dân’, là bộ phim dài thứ ba của nhà đạo diễn trẻ đầy tài năng này. Một tháng trước giải Oscar, Triệu Ðình  đã gây chú ý trong giới phim ảnh, đặc biệt là tại Trung Quốc, khi ‘Nomadland’ rinh về hai giải Golden Globes danh giá. Mặc dù trước đó không mấy người biết Triệu Ðình là ai, sau sự kiện ấy mọi con mắt tại lục địa đổ dồn về Hollywood, đợi chờ giải Oscars.

Đạo diễn Triệu Đình (trái) và Frances MacDormand (giữa) trong một cảnh quay. Nguồn: Searchlight Pictures.

Thế rồi đùng một cái bộ máy tuyên giáo được lệnh phải ngưng hết mọi thông tin về Triệu Ðình, về phim ‘Nomadland’, và cả về giải Oscars. Lần đầu tiên trong vòng mấy chục năm qua, tất cả các tờ báo ở Trung Quốc đã không đăng tin về kết quả Oscars. Một sự kiện lịch sử lẽ ra phải làm cho mọi người Hoa vô cùng hãnh diện đã bị đảng cộng sản kiểm duyệt không những trên báo giấy mà luôn cả trên mạng xã hội như Weibo, một dạng Twitter của Trung Quốc. Các bản tin về Triệu Ðình mà người dân lén phổ biến qua mạng xã hội đều bị nhà nước nhanh chóng xoá sạch. Ðể luồn lách, dân chúng phải giở các mánh khoé như dùng ẩn ngữ, bỏ thêm dấu hoặc ô trống giữa những từ nhạy cảm — như “tri ê ụ đì nh”, hoặc xoay hình từ ngang sang đứng để không bị các nhu liệu rình mò phát hiện.

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Chuyện gì đã khiến nhà nước đổi tông cái rụp như vậy? Một nhà thám tử không chuyên nghiệp nào đó đã tìm thấy một cuộc phỏng vấn Triệu Ðình trên trang web Filmmaker vào năm 2013, trong đó có một câu bà chỉ trích xã hội Trung Quốc “đầy dẫy sự lừa dối!” Gần đây hơn, một trang web ở Úc kể rằng Triệu Ðình từng tuyên bố “Hoa Kỳ giờ đây là đất nước của tôi.” Mặc dù sau đó trang web xin lỗi vì đã dịch sai câu nói và sửa lại thành “Hoa Kỳ không phải là đất nước của tôi,” nhưng máu tự hào và tự ái của người dân Trung Hoa đã gây bão trên mạng xã hội. Người ta đặt câu hỏi bà Triệu Ðình này là người Tàu hay người Mỹ? Nếu bà là người Mỹ hà cớ gì ta phải vui mừng nếu bà thắng giải v.v.

Fern (Frances MacDormand, trái) và Linda May (Linda May) tại phim trường ‘Nomadland’. Nguồn: Searchlight Pictures.

Vài tuần trước đêm Oscars, ban tuyên giáo quyết định ra tay. Mọi thông tin có dán nhãn #Nomadland và những từ ngữ liên hệ đến bộ phim trên mạng Weibo đều bị chặn. Các bài báo nói về phim đều bị gỡ xuống, và các trang mạng chuyên về điện ảnh không được phép nhắc đến ngày 23 tháng Tư, ngày ‘Nomadland’ lẽ ra sẽ ra mắt công chúng. Giới chuyên môn cho rằng vụ này không còn đơn thuần là một sự kiện điện ảnh mà đã trở thành một hình thức đấu đá chính trị trong bầu không khí căng thẳng Mỹ-Trung từ ngày ông Biden lên chấp chính và cho Bộ trưởng ngoại giao Tony Blinken đưa ra những tuyên bố đanh thép về Biển Ðông. Qua vụ này, Trung Quốc muốn chứng tỏ họ có khả năng khống chế thị trường đáng kể của mình và sẵn sàng phản công khi cần thiết.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Không ai nghĩ ‘Nomadland’ sẽ trở thành chiến địa của hai chàng khổng lồ, vì thật ra phim này không đúng “gu” của người Hoa. Nó không thuộc loại phim hành động, đấm đá rần rần như các bộ phim bom tấn thịnh hành với khán giả Trung Hoa. Và cũng bởi lý do đó, nó chẳng có hợp đồng trình chiếu tại quá nhiều rạp trong nước. Các trang phê bình điện ảnh ở Trung Quốc cho ‘Nomadland’ 8.4 điểm trên 10, tức không tệ lắm nhưng cũng không quá xuất sắc. Tuy nhiên điều khiến Hollywood rất lo ngại là vụ lùm sùm lãng xẹt này có thể ảnh hưởng lớn đến bộ phim bom tấn thứ thiệt của Disney do Triệu Ðình đạo diễn mang tên ‘Eternals’, về các siêu nhân trong loạt phim ‘Avengers’, sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

Đạo diễn phim tài liệu ‘Do Not Split’, Anders Hammer, quay cảnh xuống đường ở Hongkong năm 2019. Ảnh: Oliver Haynes.

‘Nomadland’ thuộc thể loại phim chậm, không nhiều pha hồi hộp gay cấn nhưng đòi hỏi sự chú tâm kiên nhẫn. Nó cũng chẳng dính dáng gì tới người Tàu hay văn hoá Á đông. ‘Nomadland’ thuần tuý là một câu chuyện về người Mỹ, xã hội Mỹ, dựa theo một quyển sách về những kẻ du dân không nhà, sống trong các xe van. Họ không hẳn vô gia cư, nhưng vì lý do cá nhân hay kinh tế nào đó đời sống đã đưa đẩy họ vào một nếp sống du mục tự chọn vì nó cho họ sự tự do. Tất nhiên họ phải trả giá cho sự tự do của mình bằng những bất tiện về nhiều mặt khác — chẳng hạn như không có chỗ tắm rửa, vệ sinh v.v.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Nhưng nhìn từ góc độ nào đó, có thể nói hoàn cảnh khó khăn của những kẻ du dân này là sản phẩm của sự hôn phối giữa một xã hội tư bản chủ nghĩa và cá nhân chủ nghĩa. Nếu thực sự khôn ngoan, nhà nước Trung cộng sẽ biết lợi dụng nhược điểm đó để mỉa mai nước Mỹ. Ðằng này thói cấm cản độc đoán của họ đã gây phản ứng ngược. Bởi vì ngoài ‘Nomadland’ ra Oscars năm nay còn có một bộ phim mang tên “Do Not Split”, về việc đàn áp các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, được đề cử giải Phim Tài Liệu Ngắn. Tuy không thắng, nhưng phim này giờ đây lại càng được thế giới chú ý đến hơn do chuyện báo đảng bưng bít ‘Nomadland’. Có lẽ vì vậy mà vài ngày sau khi ‘Nomadland’ thắng Oscars, chính phủ Trung Quốc đã xuống nước, kêu gọi đạo diễn Triệu Ðình hãy đứng ra “làm cầu nối giữa hai quốc gia”, dù trước đó không lâu họ đã cho dư luận viên miệt thị cô thậm tệ trên internet.

Viola Davis trong phim ‘Ma Rainey’s Black Bottom’. Nguồn: Netflix.

Mặc dù ‘Nomadland’ không phải là một cuốn phim tài liệu thuần tuý, nhưng cách dựng phim của Triệu Ðình cho ta cảm giác rất rõ ràng đây là chuyện thật, người thật. Ngoài nữ tài tử chính Frances MacDormand đóng vai Fern ra, hầu hết những nhân vật khác trong phim chỉ là người bình thường, chưa đóng phim hay đóng kịch bao giờ. Trong phim họ mang tên thật của mình, được chọn vào vai vì bản thân họ cũng là du dân và có những nét tự nhiên cần thiết. Cái hay của đạo diễn Triệu Ðình nằm ở chỗ đó. Có thể nói đây là lần đầu tiên một bộ phim đoạt giải Oscar mà gần như toàn bộ diễn viên không phải dân chuyên nghiệp. Không dễ tí nào để đạo diễn những “tài tử” kiểu đó. Họ kể rằng không những Triệu Ðình mà luôn cả Frances MacDormand đã giúp họ cảm thấy yên tâm, thoải mái tại phim trường.

Về phần Frances MacDormand, đây là giải Tài tử Xuất Sắc thứ ba của bà, tuy so với giải Oscar thứ nhì năm 2017 cho phim ‘Three Billboards Outside Ebbing, Missouri’ thì màn diễn xuất của MacDormand trong ‘Nomadland’ không hớp hồn bằng. Thậm chí nhiều người nghĩ Viola Davis trong phim ‘Ma Rainey’s Black Bottom’ xứng đáng đoạt Oscar năm nay hơn. Bản thân người viết cũng phải thú nhận thật khó để bầu chọn vì đúng là “người tám lạng, kẻ nửa cân” — hiện cả hai phim đang chiếu trên Netflix và đều đáng xem.

PA