Trước giờ tôi ít coi phim Việt Nam sản xuất trong nước. Bỗng một lần nổi lên như cồn phim “Hai Phượng”, được chiếu trên Netflix, xem thử: hay! Một bộ phim loại bạo lực, dầu nội dung không mới, nhưng diễn xuất của Ngô Thanh Vân tuyệt vời, nhất là những pha quyền cước, truy đuổi hồi hộp hấp dẫn không kém Hollywood!

Sau “Hai Phượng” là “Mắt Biếc” (đạo diễn Victor Vũ) đã dần phá vỡ thành kiến của tôi về phim nội địa. Mới đây, tôi vừa xem bộ phim “Bố Già” của Trấn Thành…

Bích chương quảng cáo phim “Bố Già” 

Ban đầu, nghe tên “Bố Già” tôi liên tưởng đến bộ phim lừng danh “The Godfather”, và nghĩ bụng sẽ là một bản sao kém cỏi của bộ phim lừng danh này, có lẽ nhà sản xuất mua nội dung như bộ phim một thời sôi nổi “Em Là Bà Nội của Anh” [kịch bản gốc của Nam Hàn: Susanghan Geunyeo (Miss Granny)].

Hóa ra, phim “Bố già” là một phiên bản rút ngắn từ video “Bố Già” (6 tập) đã từng post trên Youtube năm ngoái.

Những điểm chính…

Nội dung xoay quanh đời sống thường nhật giữa người cha là Ba Sang (Trấn Thành) và Quắn (Tuấn Trần), trong một xóm hẻm lao động nghèo, nhốn nháo, nhộn nhịp…

Ba Sang là thành viên của 4 anh em: Giàu- Sang – Phú – Quý. Giàu (Ngọc Giàu), Ba Sang (Trấn Thành), Phú (Hoàng Mèo), Quý (La Thành).

Nhân vật chính Ba Sang (Trấn Thành) là người cha độc thân, làm nghề chở hàng thuê, nuôi một nách hai “con” Quắn (Tuấn Trần) và Bù Tọt (Ngân Chi).

Dẫu các “cha con” yêu thương, đùm bọc nhau, nhưng sự khác biệt trong quan niệm sống giữa hai thế hệ đã gây nên những bất đồng liên miên giữa hai cha con Quắn (Tuấn Trần) và Ba Sang (Trấn Thành).

“Lợi dụng” sự tranh cãi này, tác giả kịch bản đã lồng nhiều câu  đối thoại giá trị, sâu sắc, mang tính triết lý, nhân sinh về tình người, tình gia đình, tình anh em mà sự xuống dốc đạo đức của xã hội hiện tại đã làm xói mòn, trơ đáy những ganh đua, tính toán nhỏ nhen, thực dụng…

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Một đoạn cao trào, khi Ba Sang (Trấn Thành) bị suy thận, cần phải thay để duy trì mạng sống, thì nhận được sự ghẻ nhạt của những người ruột thịt. Lúc này đá vàng phơi bày, những người anh em trước đây nhạt nhòa, sa cơ, thất thế, lại là những người giàu tình nghĩa, chịu hy sinh nhất.

Vốn là một nghệ sĩ hài, Trấn Thành đã không quên chêm vào vài đoạn đối thoại tưng tửng, khiến khán giả phải bật cười, bù lại những đoạn bi thương lấy đi nước mắt.

Câu chuyện giữa hai cha con, thực ra phản ảnh một xã hội thu nhỏ, ai cũng thấy một phần hình ảnh của đời mình trong đó. Ðó cũng là lý do tại sao bộ phim mang lại sự đồng cảm cao độ của người xem,

Sự đồng cảm này, đã khiến phòng vé kín người, và chiếm luôn kỷ lục bộ phim có doanh thu cao nhất 400 tỉ VND, gấp đôi bộ phim “Hai Phượng” (200 tỉ VND).

Sau khi “chiến thắng” vang dội ở Việt Nam, “Bố Già” tiếp tục làm  rình rang phòng vé ở Singapore và Malaysia, và  xuất hiện ở Mỹ mới đây tại Washington, California, Texas, Georgia, Massachusetts, Illinois, New York, Florida, Arizona…

Một đoạn hay, pha tranh cãi giữa Ba Sang (Trấn Thành, phải) và con trai Quắn (Tuấn Trần)

Bấp bênh ra rạp…

“Hay không bằng hên”, ban đầu “Bố già” dự định ra mắt vào dịp “ngon ăn” nhất là Mùng Một,  Tết Tân Sửu, (ngày 12 tháng 2 năm 2021), nhưng bị hoãn do dịch COVID-19.

Sau đó, khi nhà nước CSVN hùng hồn tuyên bố “thắng dịch” và là nơi “di cư” trốn dịch cho các cư dân Việt Nam khắp thế giới… “Bố Già” được tung ra rạp ngày 5 tháng 3 năm 2021 và lập tức gây sốt. Một cơn sốt do “đói kém” lâu ngày co cụm dịch bệnh, và một “cơn sốt” khác do nội dung rất gần gũi, phản ảnh những mặt trái của con người mà do đời sống bon chen đã cướp đi, được các tài tử trình diễn một cách xuất sắc.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Chỉ đến chiều ngày 1 tháng 4 năm 2021, doanh thu của “Bố già” đạt đến 347 tỷ VND, khiến nhà sản xuất hoảng hồn tuyên bố, sẽ không công bố thu nhập khi đạt mức 400 tỉ VND.

Cái hên khác của “Bố Già” là khi trình chiếu ở nước ngoài thì tình hình dịch bệnh đã bắt đầu lắng dịu, và đến lúc sang Mỹ thì cúm Tàu đã được khống chế gần như hoàn toàn, phim Mỹ lèo tèo trong khi nhu cầu xem phim, giải trí bị kìm hãm lâu ngày…

Vài ghi nhận bên lề

Anh Hoàng Ðịnh Nam, sau khi “miễn cưỡng” đi xem, đã ngạc nhiên nhận xét, kịch bản hay, diễn xuất rất tới, đối thoại như thật, liền lạc, tự nhiên; và không ngờ, những lời đối thoại sâu sắc đó được biên soạn bởi anh chàng “non choẹt” Trấn Thành.

Trong phim này, Trấn Thành đã bộc lộ sự đa tài năng khi nhúng tay vào hầu hết những vị trí quan trọng nhất của bộ phim, như viết kịch bản, đạo diễn (cùng Vũ Ngọc Ðãng), sửa lời nhạc cho phù hợp, và đóng luôn vai chính… Ðiều đáng khen khác, là trong một xã hội “chuyên trị” chửi thề, lên gân, nổ như pháo thì Trấn Thành không có những hành động đánh bóng cá nhân, mà luôn miệng cảm ơn tổ nghề, cảm ơn khán giả, và khiêm tốn nhận những lời khen ngợi.

Các tài tử đều thể hiện khá trọn vẹn vai trò của mình, dĩ nhiên Ba Sang (Trấn Thành) là người giàu đất diễn nhất, cũng là vai thể hiện nội tâm khó nhất, Trấn Thành đã thực hiện rất tốt, tuy nhiên, đôi chỗ vẫn chưa “lột tả” được hình ảnh một người già, mà đôi khi để lộ hình ảnh của một người… thanh niên.

Ba Sang (Trấn Thành) trong khu hẻm ngập nước, một cảnh dàn dựng công phu và đạt hiệu quả cao

Vai phụ chính, Tuấn Trần diễn rất tới, tự nhiên, thoải mái và gây được nhiều cảm xúc. Nhưng xuất sắc nhất có lẽ dành cho bé Ngân Chi (Bù Tọt), cô bé đã thể hiện rất tinh tế những tình huống nội tâm mà vẫn giữ nguyên được sự nhí nhảnh, hồn nhiên. Nhân đây, cũng giải thích những chữ “cha con” để trong ngoặc kép, vì bé Bù Tọt, hóa ra là con rơi của Quắn, đúng ra phải gọi Ba Sang bằng ông Nội :)

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Một thú vị nho nhỏ khác, là những nhân vật “phản diện”, bà vợ tên Ánh (Lan Phương) chanh chua, hỗn láo của Phú (Hoàng Mèo), hoặc nhóm giang hồ đòi đoạt mạng Quý (La Thành) đều nói giọng Bắc, có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc có thể là thực tế hiện nay, khi các băng đảng Hải Phòng, Hà Nội… tung hoành khắp miền Nam, không chỉ băng đảng xã hội đen, mà cả “xã hội đỏ”, chúng tràn ngập khắp những vị trí ngon ăn, béo bở, đắc địa nhất Sài Gòn!

Trong những phim sản xuất trong nước, tôi đã xem như “Mắt Biếc”, “Hai Phượng”, và mới nhất là “Bố Già” tuyệt nhiên không thấy bức hình Hồ Chí Minh, khẩu hiệu đỏ chói chang hay cờ cộng sản. Cá nhân tôi, và rất nhiều khán giả hải ngoại, sẽ tụt cảm xúc và thậm chí quay lưng, nếu lấp ló những hình ảnh này.

Nghe nói Cục Kiểm Duyệt CSVN đã để yên cho “Bố Già”, vì có lời đồn phong phanh, phim “Hai Phượng” được “gợi ý”
nhét thêm công an Lương vào kịch bản, và đoạn cuối, khi Hai Phượng bừng tỉnh, làm mặt ngầu “Không bao giờ bỏ cuộc!” đầy chất… cải lương, thay vì kết thúc ở đoạn Hai Phượng bị nhóm giang hồ đoạt mạng.

Cảm ơn “Bố Già”, đã không làm khán giả hải ngoại thất vọng.

TA