Trong cuộc sống gia đình, dù hạnh phúc đến mấy cũng  sẽ có lúc vợ chồng bất đồng ý kiến và đưa đến việc cãi vã, giận hờn. Ở vào trường hợp này, bạn có phải là người làm hòa trước không? và bạn sẽ làm hòa bằng cách nào?

CHÀNG

LÝ.T: Các bà thường có thói quen được đằng chân  lân đằng đầu. Hễ mình nhường thì bả làm tới, nên tôi không bao giờ dại dột  cho bà ấy cơ hội “lên chân”. Nhưng tôi cũng có cách của tôi. Thường, tôi hay sai đứa con gái út tám tuổi,  tới mẹ  “hỏi dùm”  vài câu để dò xét tình hình.

“Mẹ ơi! mẹ uống thuốc chưa để ba lấy dùm cho?”

“Mẹ ơi! mẹ có muốn giặt quần áo không, ba giặt dùm cho”.

(May mắn là con gái tôi cũng thuộc loại “tám” (nhí) nên nó hoàn thành xuất sắc vai trò “nhịp cầu ô thước”).

Nếu lỡ bà không thèm trả lời thì tôi cũng đỡ  “quê”, còn như bà trả lời thì tôi mau mắn nhờ con nhắn thêm “nói mẹ con chiều nay khỏi phải nấu cơm, ba sẽ dắt cả nhà đi restaurant”.  Con bé nghe xong vừa nhảy, vừa vỗ tay một cách sung sướng. Còn bà xã tôi cũng chẳng dại gì mà làm nư để mất công nấu nướng.

Khi vào nhà hàng rồi không lẽ làm mặt giận trước mặt ba đứa con đang vui vẻ, háo hức chờ ăn, vậy là kiếm cớ góp ý cho con chọn món ăn nào, nói qua nói lại huề hồi nào không hay.

Vậy là tối đó vui vẻ cả làng.

NÀNG

Đào.P:  Lúc hai vợ chồng mới lấy nhau, chồng tôi hai mươi tuổi, tôi mười tám. Cả hai còn trẻ nên tính tình nóng nảy, hung hăng lắm. Ở nhà, tôi là con út, trên tôi là tám anh trai. Có lẽ, ai cũng hiểu nỗi trông ngóng, mong chờ “một cô công chúa” của ba mẹ tôi tha thiết đến chừng nào. Mẹ tôi kiên nhẫn và thành tâm đến chùa hàng tuần để cầu khẩn xin Trời Phật thương xót ban ơn. Và tôi may mắn được lọt vào vòng tay thương yêu của ba mẹ. Tôi đúng là “con gái cưng” như ba mẹ vẫn gọi. Đứa “con gái cưng” muốn gì được nấy, hôm nào bị rầy là tôi nhịn ăn cả ngày khiến ba mẹ tôi lo sốt vó phải hết lời năn nỉ, ỉ ôi tôi mới chịu ngồi vào bàn ăn.

Quen được chìu  chuộng, nên khi có chồng tôi cũng thế. Mỗi khi hai vợ chồng gây gổ thì tôi cãi cho tới bến, quyết không nhường một bước. Chồng tôi cũng chẳng vừa gì, có khi bỏ nhà đi cả tuần không về, quyết không lên tiếng trước. Hai bên cứ gầm gừ như chó với mèo. Cuối cùng ai cũng mệt mỏi, nên khi anh “hậm hực” nói trống không “thôi huề”, tôi làm thinh. Làm thinh không cãi là chịu rồi đó, nhưng lúc nào người nói “huề” phải là chồng tôi chứ không phải tôi.

Bây giờ, mười mấy năm trôi qua, con cái bắt đầu lớn, tâm lý phát triển, chúng không còn vô tư như thuở nhỏ mà mỗi khi thấy ba mẹ “chiến tranh lạnh” chúng thường lên tiếng phàn nàn với thái độ bất bình:

“Sao ba mẹ không nói chuyện với nhau, nhà cửa buồn hiu, lạnh ngắt. Con chán quá đi”.

Sợ  con cái buồn vì cha mẹ không hoà thuận, gia đình không hạnh phúc, chúng sẽ  theo bạn bè tìm vui. Nếu gặp bạn bè xấu rủ rê, lỡ chúng dại dột đi vào con đường hư hỏng thì có hối tiếc cũng muộn màng, nên tôi đành phải đổi thái độ  (đã từ lâu người anh thứ Tư cứ òn ỉ khuyên nhủ, giảng dạy cho tôi hiểu vai trò quan trọng của người vợ  (hiền hậu, khéo léo, nhẫn nhịn) trong việc tạo một mái ấm, nhưng  tôi ngoan cố, không chấp nhận sự “lép vế” đó , nên chịu sửa đổi).

Bây giờ,  mỗi khi hai vợ chồng xảy ra chuyện bất hòa tôi đành lép vế làm huề trước, nhưng theo sau thái độ hòa hoãn đó là một chút chanh chua “tôi chịu thua anh là tại vì mấy đứa nhỏ đó nhe!”. Dù câu nói vẫn còn hơi hướm chiến tranh (đã giảm đi chín mươi phần trăm) nhưng tôi vẫn nhận được nụ cười tươi thấp thoáng chút cảm động của chồng tôi.

alt

Bảo Huân

Đề tài kỳ sau:

Liên Và Khiêm đã làm lễ hỏi cách đây một năm và dự định sẽ đám cưới vào cuối năm nay. Gần đây, tình cờ Liên biết được Khiêm vừa mới quen với một cô gái qua  internet. Khi Liên gạn hỏi thì Khiêm cho biết đó chỉ là em kết nghĩa. Liên không biết giữa nam và nữ có tình “anh em kết nghĩa” thật sự không? Xin góp ý dùm Liên và khuyên Liên nên có thái độ như thế nào?

(Kính mời quý độc giả tiếp tục đóng góp ý kiến về email: Ngân Bình: nganbinh13@yahoo.com)