Ông bà xưa thường nói “lửa gần rơm không trầy cũng trụa”, vậy mà ở vào hoàn cảnh của chúng ta bây giờ, vì cuộc sống, vì công việc, lửa và rơm thường chung đụng nhau hàng ngày nơi làm việc. Điều này khiến không ít gia đình phải đổ vỡ. Nhìn thấy sự việc này xảy ra nhan nhãn ở chung quanh tôi đâm lo sợ cho hạnh phúc gia đình mình, vì “bó rơm” của tôi đang nhởn nhơ giữa những ngọn lửa nơi sở làm. Vậy tôi phải làm gì để bảo vệ “bó rơm” của tôi?
Bảo Huân
CHÀNG
M.V: Tôi có người bạn thân vì sợ chuyện lửa gần rơm nên đã cất “bó rơm” của anh rất kỹ. Anh cố gắng làm đủ mọi chuyện, lo toan bao nhiêu thứ để “bó rơm” của anh chỉ quanh quẩn ở trong nhà, không giao tiếp với những ngọn lửa nhởn nhơ ngoài xã hội. Tưởng như thế thì “bó rơm” không bao giờ cháy. Nào ngờ, một buổi tối anh trở về nhà sớm hơn thường lệ thì thấy bó rơm của anh đang cháy ngùn ngụt ngay trong tổ ấm của mình. Khi anh dập tắt được ngọn lửa thì “bó rơm” và mái nhà của anh cũng tan tành. Thì ra ngọn lửa ở ngay bên cạnh anh mà từ trước đến giờ anh không hề lưu ý đã đốt cháy “bó rơm” quý báu của anh.
Ngược lại, tôi cũng có một anh bạn bất cần đời, cứ thả cho “bó rơm” của anh chạy rong ngoài đường, va chạm với biết bao ngọn lửa, thế mà “rơm” vẫn là “rơm” của anh, dù anh không hề nghĩ đến chuyện phải nhúng nước để bảo vệ nó, vậy mà nó chưa một lần bắt lửa. Dĩ nhiên, chúng ta chỉ nói chuyện tương đối, vì… biết đâu cái “bó rơm” lang thang của anh bạn tôi sẽ có một ngày bốc cháy, hoặc đã bốc cháy thật rồi mà chẳng để lại dấu vết nào cho anh biết. Cuộc đời muôn vạn nẻo, trăm ngàn cảnh ngộ và bất cứ tình huống nào cũng có thể xảy ra.
Lửa và rơm bắt nguồn cho những đám cháy, tạo nên màu sắc thê lương và thảm cảnh cho cuộc đời. Ai cũng biết thế nhưng làm sao để đề phòng đám cháy nếu để rơm ở gần lửa? Theo thiển ý của tôi, nếu được sống trong một mái gia đình đầm ấm với người bạn đời luôn ngọt ngào, cảm thông và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn bằng một tình yêu gắn bó, nồng nàn, bên cạnh đàn con ngoan ngoãn, quấn quýt yêu thương thì chắc hẳn “bó rơm” cũng tự biết giữ chặt cái hạnh phúc đang có mà tránh xa những ngọn lửa đang rình rập để chờ cơ hội thiêu rụi không chỉ có “bó rơm” mà cả một mái ấm cũng thành tro bụi để những trẻ thơ vô tội phải bắt đầu một cuộc sống đầy rẫy sự bất hạnh.
NÀNG
Th. Khanh: Nghĩ cũng tội cho thân phận làm vợ biết bao nhiêu! Ngày đêm cứ nơm nớp lo lắng vào một ngày xấu trời nào đó, bỗng đau đớn khám phá ra rằng “bó rơm” yêu quý của mình đang bị một ngọn lửa hừng hực lăm le đốt cháy hoặc tệ hại hơn nữa là “bó rơm” của mình cháy gần rụi cả rồi!
Thế thì chị em bạn gái chúng mình phải làm sao để giúp “bó rơm” thân yêu của mình đừng sa vào ngọn lửa quái ác không mời mà đến ấy?
Kể ra cũng đau đầu, nhức óc lắm đây! Thật may mắn cho những cô gái đã được Ông Tơ Bà Nguyệt se duyên cùng người chồng lý tưởng có tâm tính chín chắn, biết tôn trọng hạnh phúc gia đình, chẳng màng đến các bóng hồng nhởn nhơ bay lượn chung quanh. Có lẽ đây là yếu tố căn bản để “bó rơm” khỏi lỡ bước sa chân trong suốt mấy mươi năm dài chung sống với người bạn đời. Nói như thế không có nghĩa là chắc ăn như bắp đâu nhá, vì đêm dài lắm mộng, phải không các chị?
Điều khá quan trọng mà chị em phụ nữ cần lưu ý là: đừng đổ thừa tại quá bận rộn mà để đầu bù tóc rối, ăn mặc lôi thôi, lếch thếch như ma lem, đã vậy còn lơ là, hờ hững việc chăn gối khiến chàng “thiếu thốn”, chỉ chực chạy theo bén gót mỗi khi có bóng hồng tươi thắm lượn lờ lướt qua. Bạn than rằng mình hơi có tuổi rồi chăng? Xin đừng lo, một chút son môi, một ít má hồng, một kiểu tóc thích hợp với trang phục trẻ trung nhưng không lố lăng và nhất là nụ cười luôn nhẹ nở trên môi vào ban ngày, vài lời lẽ ngọt ngào, dăm cử chỉ thiết tha mời gọi trong đêm sẽ biến bạn thành một thiếu phụ hấp dẫn, nhất định không thua kém ai đâu nhá.
Gay go nhất là thời kỳ chị em chúng mình vừa phải chăm sóc con nhỏ, vừa phải lo toan mọi việc trong ngoài hầu làm đẹp ý chồng. Mời bạn hãy lắng nghe một phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm bản thân “Em sẵn sàng giúp chồng làm một số việc mà đáng lẽ người đàn ông phải làm để anh ấy có nhiều thì giờ gần gũi các con, để từ đó anh ngày càng gắn bó, thương yêu và luôn cảm thấy có trách nhiệm đối với chúng. Được như vậy, em tin tưởng là anh ấy sẽ chẳng còn đủ thời gian, tâm trí cũng như không nỡ đành lòng san sẻ tình yêu một cách không chính đáng với người đàn bà khác.”
Xin đừng nổi giận khi chợt nghe ai đó “đại ngôn” rằng: “Đừng trách chồng phạm tội mà hãy tự trách mình chưa hết lòng gìn giữ “bó rơm” của mình.”
Lý Mai: Ngày trước, em gái của tôi từng đem vấn đề “lửa và rơm” bàn với chồng và chú em rể đẹp trai của tôi đã âu yếm bảo vợ “Hãy tin vào tình yêu của anh”. Nhưng khi chú ấy bị sa trước cám dỗ, thì em tôi chỉ biết một mình ôm trọn nỗi đau. Mẹ tôi trách em sao quá tin chồng, em ngậm ngùi trả lời trong nước mắt “Con biết làm sao bây giờ, chẳng lẽ mỗi ngày đậu xe trước sở làm để xem anh ấy đi ăn trưa với ai? hay lượn ra, lượn vào văn phòng của anh ấy để nhắn nhủ với mọi người rằng chồng tôi đã có vợ. Bởi vì, chưa chắc người ta chùn bước khi biết người đàn ông đó đã có gia đình”. Cậu em út của tôi còn khôi hài “Hay là… mẹ muốn chị Tư đưa chồng vào bệnh viện để biến anh ta thành thái giám?”
Có lẽ, hội chứng lửa gần rơm không có phương pháp chữa trị. Vì không ít người hết lòng chăm lo cho chồng từng miếng ăn giấc ngủ, săn sóc con cái, nhà cửa đàng hoàng, chu toàn nhiệm vụ con dâu đối với gia đình chồng nhưng vẫn bị chồng phản bội một cách phũ phàng. Vì thế, đối với tôi, tôi chỉ biết trông cậy vào lòng chung thủy nơi người bạn đời của mình qua lời cầu nguyện hằng ngày “Xin Ơn Trên gìn giữ ‘bó rơm’ của con để người ấy luôn giữ lòng sắt son chung thủy, đừng nghe lời dụ dỗ xúi giục của ma quỷ mà làm tan nát gia đình”.
Đề tài kỳ sau:
Yến và Trần kết hôn đã ba năm, hai vợ chồng sống rất hạnh phúc. Nhưng đối với Trần, anh vẫn cảm thấy niềm vui chưa trọn vẹn khi không khí gia đình thiếu vắng nụ cười của trẻ thơ. Trần ao ước một đứa con nhưng Yến không muốn vì ngại cực khổ, sợ trách nhiệm. Bạn nghĩ sao về câu chuyện trên?