Vợ chồng tôi cưới nhau đã bốn năm và có được hai đứa con. Ngày xưa, vợ tôi là một người con gái thật xinh đẹp, duyên dáng  và ăn diện đúng “mốt”. Kể từ khi có con, cô ấy biến thành một người hoàn toàn khác trước, quần áo, tóc tai lúc nào cũng xốc xếch, lôi thôi. Ngay cả khi đi dự tiệc, cách ăn mặc của cô ấy cũng làm tôi phát ngượng. Tôi nhiều lần góp ý , nhưng lần nào  cũng bị vợ mắng nhiếc tôi  là người đàn ông háo sắc, chỉ  chú ý đến bề ngoài, nếu có ham  vợ đẹp thì kiếm người khác đi, rồi giận dỗi đem con về nhà mẹ.

Thật ra, tôi  đâu có ý nghĩ xấu  mà chỉ  muốn tốt  cô ấy thôi. Điều đặc biệt là vợ tôi dáng người vẫn thon thả, khuôn mặt vẫn xinh đẹp, nhưng  không hiểu vì lẽ gì cô ấy chẳng màng đến việc chăm sóc bản thân mình?

Vậy bây giờ tôi phải làm sao? Tony. P

 

NÀNG:

CT: Anh Tony ơi! hình như chị Tony là người  “chị em song sinh” của tôi mà bị lạc nhau từ thuở trong nôi (tiếng Mỹ gọi là twin sisters separated from birth).

Tôi cũng không biết giải thích làm sao với mọi người về chuyện không biết chưng diện bề ngoài của mình. Tôi không biết tên một “designer” nổi tiếng nào, từ quần áo, giày dép đến nữ trang. Hai món jewelry độc nhất trên người tôi là chiếc nhẫn vàng (rất nhẹ nhàng vì không có cục đá chớp chớp) đeo từ ngày cưới và một sợi dây chuyền trên cổ. Tôi không cảm thấy cần hay thích món trang sức nào hơn như vậy nữa. Dạo này có tiến bộ khả quan hơn, vì tôi có thêm hai cái vòng Q-Ray trên cổ tay để trị đau nhức.

Giống như chị Tony “song sinh” của tôi, tôi cũng thuộc loại nhỏ nhắn và vóc dáng không thay đổi gì mấy từ lúc còn con gái tới giờ. Vậy chứ đánh chết tôi cũng không thể nào mặc quần áo bó sát người, vì có cảm tưởng như thiên hạ sẽ nhìn thấy cái “outline” của thân thể mình. Cho tới áo dài Việt Nam, tôi cũng phải mặc không có eo co gì cả, thẳng đuột như con lươn mới chịu được. Không phải tôi tiếc tiền không dám mua sắm, nhưng mà cái bộ óc của tôi nó chả bao giờ sai tôi đi shopping, mà nó chỉ nhắc tôi làm chuyện trong office, chuyện cơm nước, dọn dẹp trong nhà, đưa con đi học, mua sắm cho con, chuyện làm “công quả” … và khi xong hết mọi chuyện thì nó nhắc tôi phải tưới cây ngoài vườn (dạo này ở Dallas, city cấm vận sprinkler tự động). Sau khi thi hành hết mấy chuyện bộ óc tôi sai bảo, thì cũng gần nửa đêm nên nó bảo tôi “mệt rồi, đi ngủ đi, mai còn dậy sớm đưa cu tí đi học, ghé nhà thờ đi lễ sáng, rồi đi làm”. Tuần này thì nó còn nhắc tôi phải góp ý để bênh vực người “chị em song sinh” của tôi nữa.

Nhiều lần tôi cũng bị ông xã xài xể (đúng nghĩa xài xể) khi thấy tôi mặc đồ không hợp nhãn của chàng. Bạn bè tôi, nhất là mấy bà chị nuôi rất thân thương của tôi, đều đi từ nhỏ nhẹ khuyên nhủ, tới sỉ vả, xài xể. Càng thân, càng thương bao nhiêu thì cường độ sỉ vả càng tha thiết, nặng nề bấy nhiêu. Và cuối cùng, khi không chịu nổi sự ngoan cố của tôi họ đành phải mua tặng tôi luôn.

Mọi người đều nghĩ rằng:

1. Tôi phải mặc quần áo, mang ví bóp, giày dép hợp thời trang hơn.

2. Mua jewelry mang cho sang cũng như để dành làm của (rủi có bị ông chồng lay off).

Chắc trên đời cũng phải có nhiều người giống hai “chị em song sinh” chúng tôi nên Việt Nam mình mới có những câu như: nước đổ lá môn, nước đổ đầu vịt, nghe như vịt nghe sấm. Ai nói gì thì nói, tôi vẫn chứng nào tật nấy, hiếm khi nào  nhớ đến chuyện “shopping”,  ngoại trừ khi có khách ở xa đến chơi, phải chở họ đi “shopping” để “entertain” họ.

Chỉ có những người sau đây là nghĩ tôi hoàn toàn bình thường và không cần thay đổi gì cả, đó là mẹ và sáu chị em của tôi. Trái lại họ còn thấy tôi “dễ coi” là đằng khác (cái gọi là chuyện khó tin nhưng có thật dưới mắt  người đời). Và nhìn lại thì: Hỡi ơi! họ giống y chang tôi, chẳng có ma nào biết thời trang là gì, hay có một miếng nữ trang nào trên người ráo trọi. Té ra nó là bệnh di truyền, không biết từ đời bà tổ hay bà cố tôi truyền xuống cho con cháu.

Tôi phải kể lể dài dòng như vậy để mong anh Tony thông cảm và hiểu cho người “chị em song sinh” của tôi và chấp nhận cái bệnh giản dị của chị một cách dễ dàng hơn. Thật ra tính giản dị của chị cũng mang lại cho anh nhiều lợi điểm như:

– Không phải lo chị bị thiên hạ để ý, dòm ngó, dụ dỗ.

– Chị không rực rỡ lúc ra đường, nhưng tối về, cái đẹp thật của chị, không cần quần áo bên ngoài thì chỉ có anh là người được thưởng thức.

– Tóc tai bù xù có nghĩa là chị làm việc tận lực cho chồng con.

– Không tiêu xài cho bản thân mình có nghĩa là chị dành dụm hết cho gia đình.

Tôi cũng xin góp vài ý kiến nho nhỏ, hy vọng nó có thể  giúp được anh Tony phần nào trong chuyện giúp “make over” cho chị.

1. Trước khi đi party, anh giúp sửa soạn các con cho chị có nhiều thì giờ sửa soạn trang điểm hơn.

2.  Rủ chị “exercise”, đi bộ trong shopping mall để chị nhìn ngắm các quần áo thời trang trưng bày trong các tiệm. Có thể chị sẽ thấy những thứ chị thích và sẽ mua.

3. Anh tự đi mua quần áo tặng chị (nhớ mang quần áo chị theo để người bán hàng chọn size cho vừa đúng size của chị)

4. Nhìn những quần áo trong “catalogue” xem bộ nào thích hợp với chị thì anh nói với chị rằng “Em mà mặc bộ này còn đẹp hơn cái cô người mẫu này nữa”

5. Khi ra ngoài anh cứ lên bộ đồ nào thật kẻng thì chị cũng phải “match” theo anh, không nhiều thì ít.

6. Mỗi lần chị mặc bộ đồ đẹp hay sửa soạn đẹp, anh phải khen ngợi để chị có hứng làm đẹp như vậy hoài.

Và điều tối kỵ là không bao giờ chê thẳng mặt với những câu sỗ sàng như “mặc đồ gì mà xấu hoắc” hay “ăn mặc vậy lại nhà người ta chửi cho”

Ðiều mình nói chỉ có hiệu lực khi biết cách nói. Chê bai chỉ làm người ta buồn và mất tự tin thôi. Chúc anh Tony may mắn hơn ông xã tôi, vì tôi thuộc loại hết thuốc chữa rồi. Sau hai mươi lăm năm nội chiến từng ngày, chàng chỉ còn biết vớt vát bằng cách nhìn vào nội tâm tôi xem có điều gì xài đỡ được không.

NB