Bác tôi thường xuyên gọi điện thoại phiền trách, nguyền rủa con cái bác là phường bất hiếu, không biết báo đền công ơn nuôi nấng của cha mẹ (theo cách suy nghĩ của bác). Còn các anh chị cũng than thở với tôi “cha mẹ đổi tính khó khăn, không chịu thông cảm con cái đang phải đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống, lúc nào cũng đòi hỏi con cái phải hầu hạ, phục vụ. Không được như ý thì đi rêu rao con cái khắp nơi”. Sau một thời gian quan sát, tôi nhận xét cả hai bên đều cố chấp. Bác tôi thì muốn chứng tỏ quyền làm cha, làm mẹ. Anh chị thì chỉ muốn lo lắng, chăm sóc cha mẹ theo cách của mình chứ không tương nhượng những đòi hỏi quá đáng. Thế là mâu thuẫn xảy ra. Tôi muốn hòa giải hai bên, nhưng chưa biết phải làm sao. Xin quý độc giả chia sẻ kinh nghiệm và góp ý để tôi có thể làm nhịp cầu thông cảm. Một độc giả

NÀNG

Mimi: Em cám cảnh nghĩ đến “thảm cảnh” của gia đình em khi đọc thư của chị.

Gia đình em gồm có bà ngoại, ba má em và bốn chị em của em. Hồi ông ngoại còn sống, mọi người nể sợ ông, nên yên ổn gia đình. Không phải ông ngoại của em hung dữ mà vì ông là người đạo đức, đàng hoàng cư xử và tử tế với vợ, con, em, cháu. Có quyền trong gia đình nhưng ông không xử ép với ai, lúc nào cũng ôn hòa, rầy la ai cũng phân minh, hợp lẽ, nên mọi người đều thương ông dù có sợ ông.

Bà ngoại em thì khác hơn, bà muốn ai cũng nghe lời bà (giống như các bà “lão gia” trong phim HồngKông mà bà rất mê). Bà ngoại không cần lý lẽ, ai không làm vừa ý là bà chửi rất hăng với những lời có lúc rất độc địa. Bà là mẹ ruột mà đối xử với má em còn khe khắt hơn mẹ chồng. Chị em của em rất bất mãn, nhưng không dám tỏ ý vì ba em rầy la nghiêm khắc. Ba em đối với bà ngoại có vẻ hiếu thảo hơn má em, nhưng cũng bị bà ghét lây. Bà ra ngoài nói xấu ba má đủ thứ mà toàn là những chuyện bà tự đặt ra, vậy mà có người tin, họ kêu điện thoại, nhân danh là bạn bè lên lớp dạy dỗ má em phải biết hiếu thảo. Má em rất tức giận, còn ba em lúc nào cũng một câu nói “thôi bỏ qua đi, má già rồi sanh tật”. Cái “tật” làm cho con cháu xa lánh, có ích gì đâu phải không chị? Dì út của em thường an ủi má em “cái nghiệp của mỗi người, ráng chịu đựng đi chị ơi!”. Nói gì thì má em cũng không chịu nổi vì bị người khác phán xét oan ức.

1022-tinh-chang-y-thiep

Bảo Huân

Tóm lại, bà ngoại em muốn là người có quyền cao nhất trong nhà, con cháu phải vâng lời bà răm rắp và hầu hạ bà tối đa. Bà phản đòn bằng chiêu chụp mũ khi không có được  những điều bà muốn, giống như người ta không ưa nhau thì chụp mũ cho nhau là Việt cộng vậy. Má em cũng không tốt nhịn nên hai mẹ con cứ cãi nhau hoài. Ba em đứng giữa giải hòa nhưng không ai nghe, vậy là ba em thua. Từ đó ba em im lặng, hoặc bỏ đi khi chiến tranh xảy ra, vì biết có nói cũng vô ích.

Viết đến đây em chắc chị sẽ cười vì em cũng bí lối như chị thôi. Nhưng ý em là để chị biết chuyện xung đột giữa hai thế hệ là chuyện đời thường. Chị em của em cũng hay nói “mai mốt tới phiên má và tụi mình chắc cũng y chang”. Ðiều quan trọng trong vấn nạn này là mỗi người dẹp bỏ bớt cái tôi (nặng tội) thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn, phải không chị? Mà muốn như vậy thì phải có một biến cố xảy ra để giúp cho hai người thức tỉnh. Ðó là điều em mong và đang chờ. Có phải em có lòng ác không nhỉ khi em tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng.