Vừa xong việc ở quầy thu tiền, cô Thảo bước về phía sau, đi vào nhà ăn của thợ, cô quay trở ra ngay, giọng hốt hoảng: Tội nghiệp em làm dâu trăm họ, bữa nào ăn cơm cá kho, mắm ruốc, mấy chị nhớ chịu khó “ăn lạnh” mắm và cá, chỉ hâm cơm thôi.

Ðằng trước, Nancy liếc Julie, Tina háy Kimmy, cùng đồng loạt: Hổng phải tui à nghen.

Phía bàn kia, Christy lẩm bẩm: lạnh làm sao ăn? Rồi nhún vai: Hôi trong nhà bếp, có chút xíu, hết, ăn thua gì mà rên như “mất sổ gạo”.

Làm dâu trăm họ, là câu cô Thảo rên rỉ mỗi ngày. Cô là chủ tiệm nails Amazing, mới hơn 40 mà đã vất vả nuôi con và mẹ già, chồng cô mới chết vì ung thư. Lúc còn sống, chồng cô tính tình rất dễ thương, ít nói, hay cười. Chiều nào sau khi tan việc ở nhà máy, anh cũng ghé qua tiệm xem cần sửa cái gì như bồn cầu nghẹt, vòi nước phòng ăn bị lỏng, nước rơi tí tách nghe thật bực mình. Nhờ có chồng sửa kịp thời những cái hư lặt vặt về điện nước, cô Thảo yên tâm ngồi phía trước thu tiền, và coi chừng thợ.

Mang tiếng làm chủ nhưng Thảo chẳng thấy vui sướng gì. Ai cũng tưởng làm chủ là có thể kiếm tiền nhiều và dễ dàng hơn thợ. Không phải vậy đâu, có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Tiệm mở cửa 9 giờ sáng, thì cô chủ phải có mặt trước 2 tiếng, kiểm tra hóa chất cho thợ làm, cái gì còn, cái gì hết. Thợ về lúc 8 giờ tối, nhưng chủ vẫn phải ở lại thêm 2 tiếng nữa để tổng kết sổ sách. Tính sổ mỗi ngày mới nhớ rõ ràng cho từng người, chứ để nguyên tuần rất dễ sai sót,  lầm một chút là đã có cãi vã.

Lúc thợ cãi vã, cô chẳng biết bênh ai, dẫu thấy người này sai mười mươi, cũng chẳng dám mở miệng.

Vốn là Phật Tử thuần thành, thấm nhuần những lời Phật dạy, cô hiểu Phật bảo rằng, trong 7 thứ tình cảm của con người: Tham sân si mạn nghi ác tà (kiến), thì tham lam và kiêu căng là thứ thường thấy nhất.

Nhiều chủ tham bóc lột, o ép, ăn bớt ăn xén tiền trả thợ. Ngược lại, thợ giỏi cũng ỷ tài, kiêu mạn, làm eo làm sách chủ, có khi bắt nạt những người mới vào, tay nghề yếu kém.

Không ngày nào không có “eo xèo ồn ào” trong đám thợ. Nhất là con nhỏ Julie, phải công nhận là nó giỏi, cái gì nó làm cũng nhanh và đẹp. Nói theo Mỹ, nó mang nhiều lợi nhuận cho tiệm. Cũng chỉ qua Mỹ không lâu, trong một lần đi hát karaoke, nó vớ được thằng VN đang học Ðại học. Rù quến thế nào mà thằng này dám bỏ ký túc xá, ra mướn Apt ở chung với nó. Bố mẹ thằng bồ giận điên người, vì họ chỉ muốn con mình học xong (engineer) sẽ kết thông gia với con gái người bạn, mọi thứ đều hòa hợp giữa hai gia đình: cùng tôn giáo, cùng miền.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Nhưng làm sao được, cô Thảo vẫn nghĩ: mọi mối liên hệ đời này, đều có nhân duyên từ kiếp trước.

Cuối cùng hai đứa cũng lấy nhau, và bây giờ bố thằng chồng chính là người có phần hùn với cô Thảo. Mặc dù bố chồng nó chỉ hùn một phần nhỏ, phần còn lại là của cô, nhưng nó vẫn mang tiếng là “ con chủ”!

Dù không có bằng như thợ khác, nhưng vì làm giỏi, nên nó rất “ta đây”. Hễ làm chân xong, là nó dẻo miệng sai con bé du học sinh mới vô: Em rửa bồn cho chị nghe.

Tội nghiệp con nhỏ, yếu ớt thấy thương, vừa đi học vừa đi làm thêm kiếm tiền (đỡ cho cha mẹ ở VN còn nhiều em lắm, nó nói vậy). Con Julie sai con bé không hở tay: lấy giùm chị cái này, lấy giùm chị cái kia.

Khi vô phía trong, mấy đứa khác xúi nó: đừng làm, sai được, nó làm tới sai hoài. Bộ què sao không tự đi lấy.

Con bé học sinh không dám có phản ứng, nó như “trái banh lông”, ai muốn đá phía nào thì đá.

Ngồi ở quầy thu tiền, nhiều khi cô Thảo cũng thấy tội nghiệp cho con nhỏ. Nhiều lần cô đã nhổm đứng lên: Ðể chị lấy cho em.

Tưởng làm như thế để nhắc khéo, con Julie thừa biết, nhưng nó vẫn phớt lờ. Các cô thợ háy nhau, cô thì trề môi, nhún vai, nhưng vẫn giả vờ cắm cúi giũa cho khách.

Ðủ chuyện khó coi xảy ra mỗi ngày, nhiều đến nỗi không biết bắt đầu từ đâu. Cô Thảo không thể bảo thợ đối xử công bằng, nhân ái “để tạo phước” cho mình. Cô chỉ năn nỉ: Mấy em ơi, mình ráng san sẻ, người ăn rau, người ăn cháo. Chứ gây gổ hoài, khách bỏ đi là “chết cả nút” mấy em ơi.

Khi xuống nước cô xưng chị. Khi giận cô xưng em: Mấy chị ơi! Ðó lúc cô than: Làm dâu trăm họ.

Con nhỏ Julie lẩm bẩm: Làm dâu 1 họ (chồng) đã thấy mụ nội! Làm chủ “hốt tiền” sướng, mà bày đặt rên.

Con nhỏ này lúc đầu cũng lao đao khốn khổ bị nhà chồng coi thường: học hành lem nhem, gia đình chẳng ra gì (bố mẹ bỏ nhau), có một tuổi thơ vất vả, vậy mà bây giờ nó không thông cảm cho những người cũng cơ cực như nó khi xưa. Sau lưng ai cũng trề môi “mới tanh tanh teng teng đã lên mặt”.

Cô Thảo thật khó nghĩ quá, cô không thể cảm hóa được người khác, mà cô cũng cần thợ… giỏi để kiếm “đủ sở hụi” cho tiệm.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Cho đến một ngày, cô Thảo mệt quá, té xỉu ở đàng sau bếp, xe cấp cứu tới đưa cô vào nhà thương. Cô ở nhà một tuần, thì có một bà tới mở cửa tiệm với lá thư viết tay của cô Thảo:

Các em thương mến, chị tạm nghỉ một thời gian để dưỡng bệnh. Chị Tina là bà con bên chồng, thay mặt chị trông chừng tiệm. Mong các em vui vẻ làm việc với chị Tina. Hẹn gặp các em sau.

Chị Tina quả là một người quản lý năng nổ. Ngay ngày đầu tiên, chị gọi các cô ra phía sau, họp chớp nhoáng trước khi khách đến.

Chị quy định “lấy lượt” rất rõ ràng, mỗi người tự hoàn tất công việc của mình, không ai có quyền sai (nhờ) người khác dọn dẹp vệ sinh cho mình (nghe tới đây cô nọ ngó cô kia).

Chị Tina làm việc vô cùng “khoa học” và nghiêm khắc. Khi nghe các cô tị nạnh về bổn phận mỗi người phải dọn dẹp cho tiệm. Ðây là công việc chung như: giặt, xếp khăn, dọn dẹp sách báo ở quầy nước, cà phê chỗ khách ngồi đợi, bỏ rác, lau chùi nhà vệ sinh. Cô Tina dùng một tấm bảng kẻ ô vuông: hàng ngang là tuần lễ, hàng dọc là tên. Trong một tour mỗi cô sẽ làm mỗi công việc/1 lần, như vậy ai cũng làm đều như nhau. Không có chuyện “hét lên đong đỏng”:  ủa! Tui mới đổ rác tuần vừa rồi mà!

Cũng không có kiểu “nói đổng”: tuần này đứa nào giặt khăn, mà giờ tủ trống trơn?

Mỗi tuần cứ xem bảng phân công, sẽ biết ai chịu trách nhiệm việc.

Cô Tina  còn nhấn mạnh: team work & fair. Cô “nói bóng nói gió”  về con Julie, bố chồng nó có phần hùn thì cô Thảo chịu trách nhiệm chia tiền với bố. Tới đây làm, phải tuân theo nguyên tắc: dân chủ & công bằng.

Cô giải thích: dân chủ nghĩa là góp ý khi có sai trái. Công bằng là ai cũng được trả lương cho sản phẩm mình làm ra. Nếu thực sự cần giúp đỡ, bạn đồng nghiệp sẽ san sẻ, nhưng đó chỉ là tạm thời, vì người ta cũng phải làm việc cho họ. Team work & lợi dụng là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.

Cô Tina biết rằng các cô thợ làm ở các tiệm người Việt, chưa hề đi làm với chủ Mỹ, cũng chẳng đi làm hãng xưởng từ ngày qua Mỹ, nên có nhiều phản ứng “rất tùy tiện”. Tuy nhiên cô Tina nhận xét nói chung các cô có tay nghề rất khá, những “đụng chạm” cá nhân không đáng kể, vẫn có thể cảm hóa được tất cả, để tạo nên một tập thể vững chắc, năng nổ, giúp cho business của cô Thảo, cũng là giúp cho việc làm của tất cả mọi người. Người ăn cơm, người ăn cháo!

Dù vắng mặt 1 tháng, nhưng mọi việc trong tiệm vẫn trôi chảy. Nhưng điều cô Thảo mừng nhất, là không còn cảnh tị nạnh, cãi nhau om sòm như lúc trước.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Cô nhận thấy mình cũng “quá nhu nhược” để thợ “ lộng hành”. Nghe Thảo rụt rè thú nhận, Tina chạy lại ôm em dâu bảo rằng: Tội nghiệp em, vì chồng chết nên em lo lắng, chịu “lép vế”, chiều thợ như “ chiều vong”. Thực sự ra, khi đi làm kỷ luật mới là điều quan trọng, không phải là khả năng. Khách hàng là người bản xứ, nếu không thích họ sẽ lặng lẽ bỏ đi, chứ không có chuyện bắt họ phải chịu đựng những phiền phức vô lý.

Mà ở đây Mỹ: Khách hàng là Thượng Ðế!

Cô Tina vừa nhỏ nhẹ giải thích, vừa nói đùa: mấy em “làm quá” là… các cô thợ cùng reo lên: chết cả đám!

Ủa sao các cô nói y như mình định nói, cô Tina ngạc nhiên. Con Christy láu táu (mách lẻo): ngày nào chị Thảo cũng sợ “Chết cả đám”, đó chị Tina.

Thấy các cô vui vẻ, không còn “kèn cựa” nhau, Tina rất vui, bây giờ ai cũng hiểu muốn cho business càng ngày càng phát triển: Ðó là trách nhiệm của tất cả mọi người.

Rõ ràng trong cái rủi có cái may. Vắng mặt 1 tháng, nhờ có cô Tina tới chấn chỉnh mọi việc, các cô thợ mới nhận thấy mình cũng có lỗi với cô Thảo.

Nếu chẳng may cô Thảo có mệnh hệ gì, tội nghiệp cho 2 đứa con của cô còn nhỏ dại & mẹ chồng già yếu. Nếu tiệm thay chủ, chắc gì người mới tốt bụng như cô Thảo.

Bây giờ thì tiệm Nails Amazing, mới  đúng là “amazing” như lòng mong mỏi của tất cả mọi người.

Người mừng nhất vẫn là cô chủ, từ nay cô yên tâm có thu nhập ổn định để phụng dưỡng mẹ chồng già & nuôi con dại.

Hai giọt lệ vui lăn dài trên gò má của cô chủ hiền lành tốt bụng. Cô vẫn nghe văng vẳng đâu đây lời dạy: Bồ Tát chẳng ở đâu xa. Bồ Tát ở trong lòng mọi người đấy thôi.

LTM