Lại thị Mơ
Không cần biết chê hay khen, ngành nails bây giờ có mặt trên toàn thế giới. Ði tới bất kỳ nơi nào trên nước Mỹ, dù là chỗ ( bị) cho là khỉ ho cò gáy, xa thành phố mù tít tè, thế nào quý vị cũng tìm thấy một tiệm nails.
Thời xa xưa người ta chỉ có nhu cầu cơm ăn áo mặc, từ từ thế giới dần dần phát triển, thêm nhiều nhu cầu khác nảy sinh. Tại vì con người là sinh vật cao cấp nhất trong muôn loài động vật, mà ước muốn của con người thì không bao giờ ngừng, nên càng ngày càng có thêm nhiều việc đáp ứng cho những đòi hỏi đó.
Ngày xưa nghèo khổ chỉ cần ăn no, bây giờ không phải ăn no, mà là ăn ngon. Còn mặc đẹp chỉ là một phần nhỏ, vì khoác bộ cánh đẹp phải kèm theo nhiều thứ đẹp khác: giày dép, mặt mũi, tay chân, thân hình…
Thế là trong nhu cầu làm đẹp, nails trở thành một thứ không thể thiếu trong đời sống của rất nhiều người, nhất là những người như teller ở ngân hàng, hay thư ký làm việc ở văn phòng, trong khi giao dịch khách có thể thấy hai bàn tay của những người này.
Thời xa xưa chân lấm tay bùn, chẳng ai để ý lắm đến tay chân. Nhưng bây giờ thì khác, không phải chỉ có các bà mới vào tiệm nails, các ông cũng phải vào cắt da chân bị chai cứng, hay móng mọc ngược gây đau nhức.
Ði làm nails, bạn không phải dầm mưa dãi nắng, không phải khuân vác nặng nhọc, không phải đi tới đi lui như làm assembly (góp lại đường đi vạn dặm đường). Thế tại sao nhiều người vẫn e dè không dám đi làm nails? Xin thưa, người ta có quá nhiều thành kiến về nails.
Bây giờ là lúc chúng ta phải thay đổi cách nhìn và suy nghĩ về thành kiến sai (quá sai) lầm này.
Học ngắn hạn, một khóa học chính thức chỉ cần 3 tháng (300 giờ, lý thuyết lẫn thực hành không khó.)
Làm nails để “lấy ngắn nuôi dài”, các du học sinh, học sinh trung học hay đại học có thể xin làm part-time. Công việc đỡ vất vả hơn làm ở tiệm ăn, kiếm tiền để tiếp tục học xong đại học. Công việc “chữa cháy” cho những người thất nghiệp, chưa kiếm ra nơi thu nhận.
Nails không phải là môi trường dễ gây ung thư như nhiều người lầm tưởng. State Board của bất cứ tiểu bang nào cũng kiểm soát nghiêm nhặt hệ thống thoát khí của bất cứ tiệm nails nào, trước khi cấp giấy phép cho hoạt động. An toàn lao động là điều kiện bắt buộc các chủ tiệm phải tuân theo.
Những người lỗ mãng sẽ từ từ nhận ra khuyết điểm, nếu mọi người cùng nhau có thái độ tẩy chay, hoặc thẳng thắn góp ý với chủ. Không để nạn bắt nạt (bully) hiện diện bất cứ nơi nào (có luật pháp hỗ trợ).
Ðiều hành một tiệm nails không quá nhiều khó khăn như mở một tiệm ăn. Không đến nỗi luôn tay luôn chân như ở tiệm ăn. Không lo đồ ăn bị hư hỏng (lỗ vốn), không bị ảnh hưởng của thời tiết. Nếu có mưa bão, chủ tiệm ăn “rầu thúi ruột”, còn chủ tiệm nails cứ việc ở nhà coi phim.
Mở tiệm nails không lo chuyện hỏa hoạn như mở tiệm ăn, không lo bị thưa gởi “ngộ độc thực phẩm”…
Sau hết mở tiệm nails, một người vẫn sống tà tà (dù thoi thóp), chứ tiệm ăn hay mở chợ còn “mình ên”, coi như bắt đầu khủng hoảng.
Tóm lại, không cần “3 đầu 6 tay”(tức là tới 3 người), một mình một tiệm nails vẫn “lóc cóc leng keng” kiếm lai rai.
Cuối cùng: thuyền to sóng to. Mở tiệm nails (xoàng) không cần nhiều vốn, vẫn có khách vô.
Quý vị cứ tin tui đi. 25 năm trước khi qua đây, tui bỏ nghề giáo, vô nghề nails, bị người ta khi dễ: hổng phải dân trí thức.
Liệu cơm gắp mắm, gặp thời thế, thế thời phải thế. Qua xứ người khi tuổi đã xế chiều, không còn cách nào khác. Tui đi học nails, mặc ai chê khen tui cứ cắm cúi làm, mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Công việc nhẹ nhàng không mất sức nhiều, chỉ phải làm hơi nhiều giờ, nhưng bù lại không phải đi xa.
Thế là sau 25 năm bôn ba nơi xứ người, các con tui cũng đã học xong. Tôi thầm cám ơn ngành nails, và tin rằng mình đã chọn đúng nghề, hợp với khả năng.
Hơn thua gì tiếng đời bạn ơi.
Mình làm ăn chân chính, chứ có đi lừa lọc ai đâu mà mắc cỡ.
Từ giờ trở đi đừng khi dễ nails nữa nhé, kẻo không lại bị hỏi ngược: Chưa bằng cái móng chân người ta, mà bày đặt chê.
Mấy bà già mình ngày xưa thường hay nói vậy đó!
LTM – NJ