HẢI ĐĂNG

Tôi được ông anh bảo lãnh đến Mỹ sau gần 1 năm chờ đợi, cùng với vợ và 2 con trai –  lớn 25, nhỏ 20. Những ngày đầu cuộc sống Mỹ vô vàn khó khăn, phiền não.

Ở Việt Nam, tôi chẳng biết qua Mỹ sẽ làm gì ở cái tuổi “60 năm cuộc đời”. Tôi dự kiến mình sẽ thất nghiệp trong 6 tháng, rồi sau tùy cơ ứng biến. Anh em tôi ở Mỹ đều làm nail, nên 2 con trai tôi cứ theo đó mà nối gót, như phần lớn người Việt đều chọn nghề nail trong những bước chập chững nơi xứ lạ quê người. Tiệm nail của ông anh cách nhà trọ chừng 2 mile. Nhà ông anh ở nơi khác chỗ trọ, không tiện đường để “quá giang” xe. Buổi sáng sớm hai vợ chồng tôi ra trước nhà trọ, tiễn hai con xách túi cơm và hộp đồ nghề đi dài theo con đường nhỏ đến tiệm nail. Thằng lớn đi đã xa mà còn ngoái đầu nhìn lại, hai vợ chồng tôi rơm rớm nước mắt…

Thành phố Mỹ rộng mênh mông, mới qua Mỹ lớ ngớ, không xe, không nhà, không nghề, không tiếng Anh, tôi thấy cuộc đời sao mà ảm đạm quá! Với sự giúp đỡ nhiệt tình của anh em, người thân, chúng tôi cũng dần vượt qua được khó khăn, tuy còn ở nhà trọ nhưng cũng mua được hai ô tô cũ làm chân, và hai con cũng cứng tay nghề. Vợ tôi trông trẻ cho người quen, một ngày cũng được 25 đô. Riêng tôi vẫn còn thất nghiệp dù đã cố gắng đi xin nhiều chỗ. Cuối cùng, tôi đến với nghề nail vì đã… hết đường binh!

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Hai con tôi thì bảo nghề nail không khó nhưng cũng không dễ. Trước kia ở quê nhà tôi cầm chắc… cuốc, xẻng chứ không khéo léo nghề nào cả, mà nghề nail đòi hỏi sự sắc sảo, lanh tay, mắt bén và… tiếng Anh! Cái này mới khó! Hơn nữa tôi lại là đàn ông, già xấu, mấy bà mấy cô không khoái rồi, ngại lắm! Thằng em tôi đôn đốc hoài, nói: “Mấy ông già ở đây làm nail thiếu gì, khách hàng nhóc!”  Nhưng nó quên mất là những người đó ở Mỹ lâu năm, thạo nghề, tiếng Anh như gió… Sau nhiều lần nó hối thúc, khích lệ, tôi cũng “liều” một phen.

Qua nhiều ngày đến tiệm nail của nó ngồi “ nghía” xem các thợ nail “tác nghiệp”. Một hôm có một ông Mỹ, khách hàng làm chân, thấy tôi cứ ngồi một chỗ rất lâu, nhìn người này ngó người kia mà không làm gì cả, ông đến trước mặt tôi xổ một tràng tiếng Mỹ, tôi chẳng biết gì sất! Tôi thộn mặt ra ú ớ… Hỏi cô thợ Việt Nam ông Mỹ ấy nói gì, cô thợ nói: “Nó hỏi chú làm gì ở đây mà ngồi một chỗ hoài vậy”. Thật là “quê” hết chỗ nói, tôi muốn “biến” ngay cho đỡ thẹn. Những ngày sau nhỏ em dâu chủ tiệm nail nhờ tôi dùng giấy bạc bọc bông gòn có tẩm acetone để làm tróc lớp sơn móng tay cũ của khách hàng, chờ sơn mới, tôi vụng về làm mà trống ngực thình thịch, tay run bần bật. Ôi nghề nail cũng lắm công phu vậy! Khách hàng đầu tiên của tôi là một bé gái chừng 6-7 tuổi; làm xong tôi được chia 5 đô, mừng khôn tả! Lâu dần tôi cũng quen đi, làm chân tàm tạm, tuy sơn còn kém, nước sơn không đều, không bóng loáng. Có một lần một bà người Mỹ đen “còm len” tôi sơn xấu, nhỏ em dâu phải “so ri” và sửa lại. Ðêm đó tôi trằn trọc khó ngủ, vừa buồn, vừa tủi, ôi chao, nghề nail sao khó thế!

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

Vài tháng sau tôi xin được một chân rửa chén ở một nhà hàng. Hồi tưởng lại những ngày làm nail như là một kỷ niệm đẹp. Nhìn hộp đồ nghề nằm một góc trong tủ, tôi liên tưởng nó như một cái hộp thần kỳ, như cây đèn thần kỳ, như cây đèn thần của Aladin, giúp cho phần lớn người Việt vượt qua được những khó khăn, ngặt nghèo nhất. Cám ơn nước Mỹ, cám ơn xã hội Mỹ đã bao dung người nhập cư, cho họ có cơ hội được đóng góp công sức tạo ra những tác phẩm nghệ thuật.

Bảo Huân

HD

Port Richey, FL