Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ… nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

1

Ðám cưới xong là anh đi…

Anh đi biền biệt suốt mấy tháng trời không tin tức gì. Chiến trường An Lộc đang hồi khắc nghiệt, chiều nào cũng tiếng rao báo mới, với tin cập nhật vang lên khắp phố. Cô trông từng cánh thư, đọc từng trang báo, cầu mong và van vái anh được bình an.

Và cô đã nhận được thư. Cánh thư không địa chỉ người gửi, cánh thư không phải bút tích quen thuộc. Cầm trên tay mà cô thấy hoang mang, tin tốt hay tin xấu?

Run tay xé nhẹ bao bì, một mảnh giấy nhỏ cùng hai tấm ảnh rơi ra. “Anh bình yên. Nhờ anh phóng viên chiến trường gửi giùm tin cho em”.

Chỉ vỏn vẹn mấy giòng chữ viết, nhưng sao cô thấy quá đủ, anh an lành là được rồi, đủ rồi. Nhìn hai tấm ảnh, khuôn mặt thân yêu gần gũi, cô yên tâm hơn, bởi tình hình chiến trường không sôi động nữa.

Cô chờ đợi ngày anh về phép sau trận chiến An Lộc, nhưng anh không về và lao vào một trận chiến khác.

Ðời sống chinh nhân đầy kham khổ mà cuộc sống chinh phụ cũng đâu thanh thản, ngày ngày cầu mong mọi sự an lành, van vái hết lần này sang lần khác.

Buồn! Ðợi chờ! Vui với vài ngày phép…

Rồi.

Buồn! và chờ đợi! Tiếp tục…(**)

Xếp sách lại tôi nhớ đến chị. Phương Thảo Huyền là bút danh của chị – người mà tôi thường gọi là chị Duy, hiền thê của cố văn, thi sĩ Hoài Ziang Duy, người bạn tù thân thiết của Nhà tôi.

Gặp chị lần đầu tiên cũng là lần duy nhất từ 2015 đến giờ. Trò chuyện với chị và chiêm ngưỡng những bức ảnh thời con gái. Khuôn mặt xinh đẹp với nụ cười hiền hậu, dễ thương cùng dáng ngà thục nữ của chị tiêu biểu cho những người “thiếu nữ đẹp như trăng” như dòng thơ mượt mà của thi sĩ Ðinh Hùng trong nhạc phẩm Mộng Dưới Hoa, đã để lại trong lòng tôi sự quý mến đặc biệt.

Quyển sách chị gửi tặng “Những mẩu vụn – nối” cho tôi cảm giác bồi hồi qua những mẩu chuyện nhỏ, thật nhẹ nhàng, nhưng đó là kỷ niệm đẹp trong cuộc tình dễ thương của anh chị.

“-Ồ! Anh về bao giờ? Sao không thư cho em biết?

– Vừa lên tới là đến đây ngay, vậy mới biết có ai đưa đón em mình.

Sợ tôi giận nên anh nói thêm:

– Nhà binh mà em, làm gì biết trước, tính trước được. Vừa về hậu cứ là vù lên thăm em ngay. Nhớ em quá.

Tôi thẹn thùng rút tay lại, bản tính anh ít chịu biểu lộ cái tôi của mình (như sợ thiên hạ cười cho), nên tôi biết anh đang vui lắm. Thật vậy, cả buổi ấy anh huyên thuyên đủ chuyện, từ chuyện nhỏ sang chuyện lớn, anh bảo anh muốn nắm tay tôi khi băng qua đường, có được không? Anh không muốn mất em (sau này mới biết, anh vừa vượt qua cõi chết trong chuyến hành quân, anh bị đì bởi người chỉ huy trực tiếp…) (**)

Xem thêm:   Làm đẹp

“Bởi chia ly nên đẹp chuyện tương phùng”(*).

Lời bài hát thật đẹp, nhưng sao nghe lòng mình nao nao với chút ngậm ngùi. Chỉ có những người như chị và tôi – người con gái tội nghiệp, vì “Trong tình yêu em thiệt thòi nhiều nhất. Em có gì cho mộng ước mai sau”(*) – mới cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của câu hát đơn sơ nhưng biểu lộ tình yêu nồng nàn, thắm thiết của đôi tình nhân vì vận nước điêu linh mà phải  xa nhau đằng đẵng. Tôi và chị cùng trang lứa, cùng cảnh ngộ nên dễ đồng cảm. Những gì chị trải qua tôi cũng từng trải qua. Héo hon vì nhung nhớ. Mệt nhoài vì lo âu. Xanh xao vì sợ hãi. Nghẹn ngào buồn tủi khi nhìn bạn bè cùng tình nhân sánh bước chung đôi. Nhưng hạnh phúc biết bao trong phút giây hạnh ngộ. Ðó cũng là một an ủi ngọt ngào và êm ái những khi nhớ về để lòng còn giữ mãi niềm son sắt trong sự đợi chờ mòn mỏi đôi khi trở thành vô vọng. 

Bảo Huân

2

Một buổi tối tháng 4 tôi gọi chị Phương Thảo Huyền. Thăm hỏi chuyện bây giờ và biết bao nhiêu điều để nhắc nhớ chuyện ngày xưa. Tôi hỏi chị:

– Hồi đó, anh chị đã quen nhau như thế nào?

– Chúng tôi quen nhau cuối năm Ðệ Tứ, trong buổi tiệc do Ban Văn Nghệ – Báo Chí của trường Thủ Khoa Nghĩa tổ chức. Qua đó, tôi biết Anh là tác giả của nhiều bài văn, thơ mà tôi hằng yêu thích, đón đọc và nghe trên báo, đài phát thanh, ở địa phương cũng như ở Sài Gòn. Tôi là đứa con gái mới lớn, chỉ biết học hành, dở mọi thứ, nhút nhát, ít nói và ít cả bạn bè. Tôi mê say đọc sách và nuôi nhiều ước mơ. Quen Anh qua thư từ là chính, vì gia đình chúng tôi rất khó. Tính Anh lại rất lạ, rất người lớn, chỉ gởi thư qua bưu điện, chứ không để trong sách trao tay như bao học trò thời ấy. Dù rằng trong thư chưa bao giờ có chữ Yêu, chỉ là những nhung nhớ bâng quơ, những trăn trở bên cuộc sống bộn bề khó khăn, những trao đổi sách báo văn nghệ mới xuất bản… Cho đến năm Ðệ Nhị, sau khi đi Cần Thơ khám sức khoẻ để đăng vào Không Quân, Anh vội vã quay về và chạy thẳng đến nhà tôi. Ở buổi tối đầy đủ mọi người, ai cũng ngạc nhiên vì sự xuất hiện trái buổi của Anh thì Anh chạy đến bên tôi, nắm tay và bảo rất nhớ tôi. Chỉ mấy hôm thôi mà Anh ốm đi nhiều, tôi cũng đau lòng. Thế là chúng tôi bắt đầu, cả nhà tôi đã chấp nhận Anh.

– Thời ấy, con gái thích lính hơn là các anh sinh viên học cùng lớp, cùng trường. Người ta cho rằng các cô bị ảnh hưởng bởi những bài nhạc lính. Vậy, có phải chị có bị lôi cuốn vì bốn chữ “người yêu của Lính” mà trở thành người yêu của anh?

Xem thêm:   Bếp núc

– Tình yêu chúng tôi, căn bản là từ tình yêu học trò, tình yêu văn chương nghệ thuật.. .nên câu “Người yêu của lính” nghe hơi không quen. Vả lại, khi về phép, Anh luôn mặc thường phục đến thăm tôi, chỉ vài lần ngoại lệ làm tôi nhớ mãi. Khi ở đơn vị tác chiến (Sư đoàn 9BB) Anh dặn tôi không được đến nơi Anh đóng quân, có gì Anh nhắn tin. Anh là người lính có trách nhiệm, đi phép đúng ngày, giao tiếp đúng cách, không bợ đỡ, nên đời lính Anh cũng bị bầm giập nhiều. Về phép, Anh chỉ hưởng thụ không khí gia đình, không bao giờ đề cập đến đời lính Anh mang. Và hình như tôi cũng không có duyên với nghiệp lính của Anh, nên khi Anh được chuyển về quê, gần bên gia đình, chưa hưởng chút gì của hạnh phúc, của an nhàn… thì 30/4/1975 lại đến. Tuy nhiên, sau nầy nghe lại bài “Người yêu của lính” tôi cũng thấy xôn xao, xúc động mạnh với bao nhiêu là kỷ niệm…

– Ngày xưa, anh cầu hôn chị thế nào? Là văn thi sĩ, hẳn lời cầu hôn của anh ấy rất lãng mạn, phải không chị?

-Cầu hôn ư? Có đứa con gái nào không mơ, có ngày được hỏi “Em có đồng ý làm vợ anh không?”. Rồi thì nhẫn trao, hoa gởi và có người gặp mình chờ câu trả lời nữa… Ôi chao, chỉ có trong phim mà thôi. Hôm đó, sau khi về phép, đón tôi ở cổng trường Văn Khoa, Anh đưa đi chơi mọi nơi xong, chúng tôi về nhà chị Anh thăm viếng. Chiều tắt nắng, Anh kéo tôi ngồi trước hiên nhà, rồi nói ”Mình cưới nhau nha em?”. Tôi thảng thốt  “Sao vậy?”. Anh bảo “Chị Năm đi coi tuổi hai đứa, ông thầy nói phải đám cưới năm nay, sang năm kỵ anh, năm tới nữa kỵ em…” Tôi thật sự không biết trả lời sao. Bản tính tôi hiền, hay nghe lời Anh, nhưng lần nầy tôi thật không sao đồng ý được. Ðây là năm học cuối của tôi, chỉ cần một chứng chỉ nữa thôi là tôi tốt nghiệp. Vả lại, lúc nầy đã hơn nửa năm, làm sao lo kịp, chưa kể chuyện cưới gấp vậy sẽ gây tiếng đồn không tốt. Tôi không chịu, nhất định không chịu. Thế là Anh năn nỉ, Anh dựa lời chị anh nói  “Con gái người ta có bao thời gian, em cứ vậy hoài tội con nhỏ…”. Rồi Anh còn nói “Lúc trước chúng ta có hứa, bao giờ hơi yên, bao giờ Anh đổi được về quê nhà, bao giờ em học xong, đi làm trả hiếu ba má… lúc đó chúng ta mới cưới nhau. Nhưng giờ chiến sự ác liệt quá, biết có thời gian không?”. Cuối cùng, tôi hoãn binh bằng cách  “Anh tự nói với ba má em đi, nếu ba má chịu thì em nghe theo”. Vậy mà, lần phép sau, Anh về quê nói gì với ba má tôi, ba má lại bằng lòng và nhắn tôi về. Thật sự tôi không vui lắm, vì mọi việc đều ngoài dự liệu của mình. Tôi bỏ cả ước mơ: thích du lịch, học ngoại ngữ. Có người quen định đưa tôi vào ngành Chiêu đãi viên hàng không, Anh bảo tôi đừng. Tôi học tiếng Nhật, vào trung tâm văn hoá Ðức… Anh cũng không thích, cuối cùng tôi bỏ tất cả để làm đứa con gái nhà quê, theo Anh đến hết cuộc đời.

Xem thêm:   Tám chuyện

– Hồi ấy, ngay thời chiến tranh mà ông Trần Thiện Thanh lại sáng tác một nhạc phẩm trong đó có câu “Ðơn xin cưới, một tờ đơn xin cưới, anh thảo rồi, anh lại xé em ơi. Bởi không muốn thấy người yêu nhỏ bé, một sớm nào thành góa phụ ngây thơ”. Lần đầu tiên nghe  Nhật Trường và Thanh Lan hát, tôi và hai cô bạn đều là “người yêu của lính” nhìn nhau với cảm giác bàng hoàng. Còn chị, khi nhận lời cầu hôn của anh, chị có lo sợ một sớm nào mình trở thành “Góa phụ ngây thơ” không?

– Tôi không sợ mình sẽ thành “goá phụ ngây thơ”. Bởi chưa bao giờ tôi nghĩ Anh sẽ chết. Anh không thể bỏ tôi mà đi được…

– Chị quả là một phụ nữ mạnh mẽ. Thế rồi, đám cưới của chị đã diễn ra như thế nào? Nếu đến ngày cưới mà chú rể không về kịp như vài người bạn của tôi đã gặp phải cảnh ấy thì chị phải làm sao?

– Ðám cưới diễn ra như dự định. Nhận lời cầu hôn đến ngày cưới chưa đầy 5 tháng. Tôi tất bật lo việc may áo cưới, mời bè bạn, lo thiệp cưới… Áo cưới may xong, Dì tôi bảo, ở nước ngoài chỉ khi tái hôn mới dùng màu hồng, thế là lấy chiếc đầm trắng ra mặc (không dám đi may lại, sợ xui) Bạn bè ở quê chỉ còn vài ba đứa thân thiết, bạn học Sài Gòn thì không dám tới vì sợ bùa ngải vùng núi… Có ông anh, bà chị cũng không được phép về. Giờ rước dâu lại quá sớm, không nơi nào mở cửa, nên mọi việc sửa soạn tự mình làm lấy… Nhưng quan trọng nhất là nhân vật chính vẫn chưa có mặt trước một ngày như dự định.
Ðợi chờ và chờ đợi!. Cả hai bên họ hàng đều đủ mặt. Nỗi lo âu hiện rõ trên từng khuôn mặt. Tôi thật sự không biết tính sao nữa. Nếu đám cưới không có chú rể thì sao đây? Cuối cùng không chịu được, tôi hỏi má, và má bảo “Thì cũng phải làm đám cưới thôi. Tiệc đã đặt, bà con cũng đã mời, khách khứa cũng đã trả lời…làm sao bỏ được?”. Còn tôi thì sao? Cô dâu mặc đồ cưới, đi một mình giữa chốn tiệc tùng?

Bao nhiêu giả thuyết đưa ra làm đau đầu, tôi không biết mình muốn gì và làm gì nữa đây… Nhưng may, cũng đêm chờ đợi miệt mài đó, tưởng chừng sắp ngất đi, thì Anh về tới. Chiếc Jeep thắng vội bên lề đường. Anh xuống xe và chạy lại bên tôi. Anh biết tôi chờ, tôi sợ…

3

Một lần nữa Tháng Tư lại đến. Tang tóc. Chia lìa. Bẽ bàng. Dang dở. Những nghiệt ngã, bi thương ngày cũ tưởng đã chìm sâu trong mịt mù quá khứ, nhưng tất cả đã trở về. Và Tháng Tư mãi mãi là nỗi đau không bao giờ phôi phai trong ký ức của những người thiếu nữ năm xưa với mối tình nhiều nước mắt bởi những chia ly và mất mát trong thời chinh chiến.

NB

(*) Lời trong nhạc phẩm “Góa phụ Ngây Thơ” của NS Trần Thiện Thanh

(**) Trích đoạn của Chuyện Tình và Một Thoáng Văn Khoa trong tuyển tập  “Những Mẩu Vụn-Nối” của Phương Thảo Huyền