Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

Ðã mấy mươi năm rồi mà tôi vẫn nhớ như in chuyện xảy ra trong ngày hôm đó. Sáng sớm, dì Hường dắt tôi ra bến xe đò. Ngồi co ro trong góc phòng đợi để sắp hàng mua vé, tôi thắc mắc hỏi “Dì ơi! mình đi đâu vậy?”. Dì Hường không trả lời, chỉ căn dặn tôi hãy ngoan ngoãn, lễ phép, dì bảo gì cũng phải nghe lời, không được cãi. Ðến xế trưa, dì nắm tay tôi bước vào một ngôi biệt thự sang trọng ở Saigon. Tiếp dì cháu tôi là một người đàn bà quý phái – tôi có gặp dăm ba lần – mà dì Hường lúc nào cũng khúm núm “thưa chị Hai”. Cúi đầu, xoa tay mãi, dì mới ngập ngừng nói:

– Thưa chị Hai, em muốn gửi “nó” về ở với chị. Ba tháng nữa là đám cưới của em. Chồng em không muốn, sợ hàng xóm láng giềng dị nghị “nó” là con riêng của em.

Người đàn bà ngó sững dì Hường:

– Ủa, sao lúc trước em nói thằng đó bằng lòng rồi mà. Hay là muốn đặt điều kiện tiền bạc phải không?

Dì Hường lắc đầu, khoát tay lia lịa:

– Thưa chị Hai, ảnh không phải là người ham tiền. Hồi đó ảnh còn nói, nếu sau này làm ăn khá, mình đừng nhận tiền chị Hai nữa, dù sao “nó” cũng là ruột thịt của em. Nhưng bây giờ, má chồng đã lên tiếng phản đối, nên ảnh không dám cãi.

–  Nói với bà ấy, cho “nó” ở với em thì chị sẽ cho tiền bà ấy mỗi tháng, giống như trả tiền nuôi nấng đứa trẻ.

– Sự thật không phải vậy, mà vì danh dự của gia đình, người ta không muốn mang tiếng…

– Hứ! Ðã nghèo còn bày đặt mặt mũi.

Giọng người đàn bà trở nên gắt gỏng:

– Hay em cũng toa rập với họ làm khó chị?

Dì Hường luống cuống:

– Chị Hai đừng nghĩ vậy, tội nghiệp em!

– Thôi được rồi, để tính cách khác. Về đi!

Bảo Huân

Cánh cửa rào bằng sắt nặng nề đóng lại. Dì Hường cầm tay tôi bước đi mà bàn chân dường như không nhấc lên nổi. Suốt con đường, dì cứ lẩm bẩm “Sao lạnh nhạt, vô tâm vậy? Gặp mà không vuốt tóc, cầm tay, hỏi han một câu. Tệ dữ vậy sao?”. Nhìn những giọt nước mắt rươm rướm trên đôi mắt đen láy của dì Hường, tôi không dám hỏi, nhưng với trí phán đoán non nớt của đứa con gái mười một tuổi, tôi cũng mơ hồ cảm nhận, hình như có một sự liên quan nào đó giữa tôi và người đàn bà mà dì Hường luôn miệng nhắc nhở “Con nhớ khoanh tay thưa dì Hai và ôm một cái thiệt chặt nghen”. Nhưng có lần nào tôi dám đến gần “dì Hai” đâu. Tôi sợ. Sợ lắm cái ánh mắt lạnh lẽo và xa cách đang nhìn tôi như dò xét.

Xem thêm:   Làm đẹp

Sau đám cưới, tôi thường bắt gặp dì Hường ra sau vườn ngồi khóc một mình. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra, vì qua những gì tôi nhìn thấy hàng ngày thì dượng rất yêu thương và chăm sóc dì. Chỉ có má chồng của dì Hường, vài ngày lại ghé nhà rầy rà, la lối những chuyện không đâu và khi bà bắt đầu quắc mắt nhìn tôi, dì Hường lại đẩy tôi ra cửa, bảo đi chợ mua món gì đó. Có lần tôi hỏi dì Hường:

– Tại sao bà Năm ghét con? Khi nào gặp bà, con cũng khoanh tay thưa mà.

Dì Hường ôm tôi vào lòng, nói bằng giọng nghèn nghẹn:

– Mỹ Tịnh của dì ngoan lắm, con không có lỗi gì hết.

Ðến năm mười ba tuổi, tôi tình cờ nghe được cuộc đối thoại của dượng và bà má khó tính của ông về một sự thật mà dì Hường giấu tôi bấy lâu. Mẹ tôi vì ham mê vật chất đã bỏ chồng, bỏ con, để theo một người đàn ông có chức phận, giàu có. Ba tôi vốn yếu đuối, nên trong lúc tuyệt vọng đã tìm lấy cái chết để trốn chạy sự nhục nhã, đau đớn của người chồng nghèo hèn, bất tài. Mẹ gửi tôi về quê sống với dì Hường như đứa trẻ mồ côi, không cha, không mẹ. Thân phận tôi được giấu kín. Và mẹ tôi, dưới mắt người chồng mới là một phụ nữ chưa từng kết hôn.

Không thể tả hết nỗi hụt hẫng, đau đớn của tôi, một đứa trẻ bị chính mẹ ruột của mình quay lưng, vất bỏ. Dù đời sống vật chất của tôi khá đầy đủ do sự chu cấp của “dì Hai”, nhưng ngần ấy thứ không đủ bù đắp sự thiếu thốn tình thương của mẹ. Tôi ôm chặt dì Hường, khóc vùi trong vòng tay ấm áp của dì, luôn miệng hỏi “Tại sao mẹ bỏ con?”. Ngoài những giọt nước mắt rơi xuống, ướt sũng vai áo tôi, dì Hường không nói một lời nào. Có lẽ, dì Hường cũng đang đặt câu hỏi giống tôi “Tại sao chị không nghĩ đến hạnh phúc của em?”.

Hai năm sau, “dì Hai” nhắn tôi lên Saigon để cùng gia đình dì đi vượt biên. Không còn giấu giếm và né tránh sự thật nữa, dì Hường nói:

Xem thêm:   Trứng và Vịt

– Nếu con không muốn đi, con có thể ở lại với dì.

– Sao dì hỏi con câu đó? Sao dì không nói, con phải đi, vì nơi đó sẽ cho con một tương lai tốt đẹp?

Dì Hường thở dài:

– Mỹ Tịnh à, con đã khôn lớn, đã biết nhận xét. Dì biết, “dì Hai” à không, mẹ con đem con theo, không phải vì lòng yêu thương mà có lẽ vì cần người trông nom ba đứa con trai còn quá nhỏ. Nếu con quyết định đi thì con phải chuẩn bị tâm lý để đón nhận những điều xảy ra không như ý con, để sau này khỏi phải đau khổ, thất vọng. Tiếc là dì không dư dả để có thể cho con một đời sống đầy đủ sung sướng, chứ thật tình, dì không an tâm và không nỡ rời xa con.

Tôi ôm cánh tay dì Hường, gục đầu vào ngực dì, tìm hơi hướm thân thuộc như thuở bé tôi vẫn làm như thế. Tôi thương dì Hường – người mà thuở bé tôi cứ nghĩ là mẹ của mình – biết chừng nào, nhưng đã đến lúc tôi phải rời khỏi căn nhà này để hạnh phúc gia đình dì được trọn vẹn.

Và tôi bắt đầu cuộc sống mới với những người chưa bao giờ tôi nghĩ là ruột thịt của mình. Dì Hường nói không sai, vai trò của tôi trong gia đình này chỉ là một người giúp việc. Ngoài những giờ ở trường học, tôi phải lo việc nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. “Dì Hai” thường nói chuyện với tôi bằng thái độ không quá lạnh lùng, nhưng cũng chẳng biểu lộ chút tình cảm nào. Những câu nói trống không khiến tôi tủi thân không ít, dù đã chuẩn bị để đón nhận. Những lúc bệnh hoạn, tôi ao ước biết bao nhiêu một câu hỏi trìu mến, một chăm sóc ân cần, nhưng thường là:

– Ủa, tới bữa nay mà chưa chịu dậy sao?

Ba chữ “tới bữa nay” nghe như một lời trách móc. Tôi mới nằm mẹp ngày hôm qua thôi, chứ có phải là ba ngày hay một tuần đâu mà “dì Hai” có vẻ không hài lòng. Cuối cùng, tôi cũng phải cố đứng dậy để làm bổn phận của đứa “đầy tớ”. Nhưng rồi cũng không yên.

– Sao không đeo khẩu trang, nấu nướng mà ho sù sụ ai dám ăn.

Tôi cúi đầu, cắn chặt môi mình để kềm chế sự phẫn uất đang chực chờ tuôn ra. Nỗi buồn tủi ngày càng đầy khi tôi chứng kiến sự yêu thương và chăm sóc mà “dì Hai” dành cho ba đứa con của bà và cũng là em của tôi. Có những đêm ngồi trong bóng tối, nhớ lại những ngày tháng nặng nề đã trôi qua, trái tim tôi như bị siết chặt bởi một vòng dây vô hình nào đó, tuy mong manh nhưng đầy gai nhọn. Nỗi buồn không biết tỏ cùng ai đã trở thành niềm đau âm ỉ, tước đoạt dần nụ cười trên môi tôi. Vậy mà trong những lá thư gửi về, để dì Hường an lòng tôi phải dối “cuộc sống nơi đây mang đến cho con nhiều niềm vui và hy vọng”.  Còn gì mai mỉa hơn khi tôi đang ao ước được thoát khỏi căn nhà tăm tối này mà vẫn làm như mình đang hạnh phúc lắm.

Xem thêm:   Đi travel

Và cơ hội đã đến khi tôi gặp lại người bạn học cũ trong một cửa hàng. Chị cho biết mẹ chị vừa trải qua một cơn bệnh nặng, cần phải có người túc trực bên cạnh ngày đêm mà nhà chị thì ai cũng bận rộn với công việc làm nên chị nhờ tôi tìm người giúp. Một ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu tôi “đây chẳng phải là dịp may cho mình sao?”. Và tôi lặng lẽ rời khỏi nơi chốn tôi đã dung thân suốt 4 năm dài không một lời từ giã, không một chút luyến tiếc.

Mười lăm năm sau, dì Hường mới hốt hoảng khi biết được sự thật. Tôi không cho dì Hường biết đã đành – vì tôi đâu muốn người dì đã cưu mang tôi từ thuở bé thơ phải lo lắng, xót xa cho đứa cháu bất hạnh của mình – mà “dì Hai” cũng dửng dưng về sự ra đi của tôi, nên không một lời dò hỏi dì Hường, để biết tôi sống chết ra sao trên cái xứ sở xa lạ mà tôi không có một người thân nào ngoài bà. Phải đợi sau một thời gian dài, khi ngã bệnh, “dì Hai” mới chợt nhớ đến tôi. Tôi nghĩ, bà cần một người săn sóc hơn là “sự hối hận giày vò” như dì Hường đã viết, kèm theo lời khuyên nhủ “Nếu trong thời gian sống chung, có chuyện gì không vui, con hãy bỏ qua và trở về với mẹ đi con”.

Ngày đó. Cái ngày tôi bơ vơ, khốn khổ giữa cuộc đời đầy cạm bẫy chông gai, mỗi khi nhận thư của dì Hường tôi thường hồi hộp mong ước sẽ đọc được những dòng thư ướp đầy mật ngọt trong từng con chữ “Mỹ Tịnh ơi! hãy trở về, mẹ con đang lo lắng và chờ đợi con”. Nhưng ước mong đó mãi mãi chỉ là nỗi khát khao vô vọng và nó đã biến trái tim tôi trở thành một khối đá chai lì. Cho nên, dù dì Hường liên tục van xin, hối thúc, tôi cũng không hề có ý nghĩ sẽ gặp lại người đã sinh ra và bỏ rơi tôi. Người mà suốt cuộc đời, tôi không bao giờ gọi được một tiếng mẹ thiêng liêng, ngọt ngào.

Ngày xưa, để giữ chặt cái hạnh phúc đang có, “dì Hai” đã khóa kín tất cả các cánh cửa, không dành cho tôi một khe hở, dù thật nhỏ, để len lén đưa bàn tay, chuyền cho tôi chút hơi ấm dư thừa. Ðến bây giờ, nỗi đau đó vẫn không thể quên được dù chỉ một phút, một giây trong những lần ý nghĩ lội ngược dòng trở về quá khứ.

Dì Hường luôn khuyên tôi hãy quên chuyện cũ, nhưng vì vết thương quá sâu, nên tôi viết hoài một chữ “Quên” cũng không xong!

NB