Lời xin lỗi luôn có tác dụng xoa dịu mọi xung đột. Thế nhưng, làm thế nào để nói lời xin lỗi khi mình không sai?

Bảo Huân

Bất hòa là chuyện thường tình giữa các cặp đôi, và để hạ nhiệt thì một trong hai phải biết “xuống nước”. Ðiều này không có nghĩa là ông chồng phải cúi gằm, hay bà vợ phải nhịn nhục buộc mình xin lỗi vì chuyện mình không làm, hay không sai. Xin lỗi trong tâm thế cho rằng mình đúng, thì nó sẽ thiếu thành thực, giả tạo, khó qua mặt nửa kia và tệ hơn là đánh mất bản thân.

– Trước nhất phải thay đổi cái mindset “những gì tôi tin thì đúng” và đừng dễ tin vào những gì mình nghĩ. Không nhầm đâu, đó là lời khuyên đừng dễ tin những gì nghe, thấy hay đọc trên Internet mà chính là đừng dễ tin những gì bản thân nghĩ, cho là đúng. Ðời sống lứa đôi và xã hội không phải như toán học, khoa học tự nhiên, hay kỹ thuật xơ cứng mà có rất nhiều mặt để nhìn vào vấn đề. Ngộ được điều này, thì năng lượng trò chuyện sẽ thay đổi. Vì khi từ bỏ việc khẳng định cái đúng, thì không những chuyện đúng sai hoàn toàn không liên quan, mà đổi lại là cả hai nhận được sự cởi mở.

– Có thể ông chồng “rất đúng” khi chê nồi cà ri bà vợ nấu “Eo, dở quá!” hay bà vợ không sai khi lầm bầm chuyện ổng chậm trễ đón con vì đi gặp mặt bạn bè. Ðặt mối quan hệ ưu tiên trên các vấn đề. Nó có thể từ nhỏ đến lớn, có thể rất quan trọng nhưng trong hôn nhân thì mối quan hệ với bạn đời còn quan trọng hơn.

Xem thêm:   Tám chuyện

– Nồi cà-ri của bà vợ có thể dở thật; chuyện ông chồng đón con trễ thì rõ là sai. Nhưng khi đã biết kìm nén thì mỗi người sẽ tự lộ ra cảm nghĩ riêng của họ, để bạn đời xem xét, suy nghĩ khách quan hơn. Một chuyện gì đó mà người vợ, người chồng không biết kìm giữ lại thốt ra thành lời sẽ khiến nửa kia cảm thấy bị coi thường?

– Chẳng ai kết tội ai cả nhưng việc người vợ bị tổn thương vì nồi cà ri hay ông chồng bị xúc phạm khi đón con trễ … là điều cả hai cùng thừa nhận đúng. “Lỗi” của mỗi người được diễn giải hoàn toàn khác nhau: “Tui mất công cả nửa ngày nấu nồi cà ri mà ông mới ăn mấy miếng đã chê dở” hoặc “Mấy chục năm mới gặp bạn cũ, đón con trễ chút xíu mà càm ràm điếc tai”. Khi đã mở lòng ra, ông chồng chê nồi cà-ri sớm hiểu rằng bả cũng chẳng sai khi bực tức vì lời chê.

– Khi đã biết phần “hùn” của sự xung đột, hãy đưa ra một lời xin lỗi cụ thể, rõ ràng và thành tâm. “Cái nồi cà ri anh biết em nấu kỳ công mà anh vô ý quá cha, cho anh xin lỗi nghe!”. Ðừng sorry xuề xòa cho xong. Thanh điệu, cử chỉ thật lòng, “Em xin lỗi, lý ra em phải thông cảm, bạn bè lâu năm mới gặp mà em lại đi càm ràm vì anh đón con trễ”. Cách xin lỗi không phải phủ nhận bản thân, quỵ lụy mà đó là thái độ cầu hòa.

Xem thêm:   Đi travel

Biết gạt sự hơn thua, đúng sai sang một bên thì hôn nhân mới khắng khít lâu dài.

TH