Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…
Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.
“Happy birthday to Bố”.
Dưới ánh nến lung linh, thoang thoảng mùi hương thơm ngát, nụ cười của Lân như tươi hẳn lên giữa tiếng vỗ tay giòn giã của ba đứa con thân yêu đang thay phiên nhau hôn lên khuôn ảnh được mang từ bàn thờ xuống. Linh Linh đưa tay vuốt má, giọng có chút tự hào:
– Mẹ ơi! có phải con giống bố nhất không?
– Oanh Oanh giống bố nhiều hơn.
– Không, bà nói Thi Thi giống hệt bố lúc còn bé.
Tôi dang tay giảng hòa trong cảm giác ấm áp.
– Ðứa nào cũng giống bố hết. Này nhá, Linh có khuôn mặt và bàn tay giống bố. Oanh in hệt cặp chân dài và mái tóc dày dợn sóng của bố. Thi thì “copy” bố cái mũi cao, đôi chân mày rậm. Ðúng không?
Bọn trẻ nhao nhao, thích thú:
– Dạ đúng.
Tôi cười sung sướng:
– Mẹ thật bất ngờ với bữa tiệc hôm nay. Vừa mừng sinh nhật bố, vừa nhắc những kỷ niệm ngày bố còn sống. Chắc bố đang vui vì các con vẫn nhớ bố.
– Không nhớ sao được hở mẹ? Ngày trước, tụi con thích cái gì bố cũng biết. Có lần, bố mua cho con đôi giày thể thao ngay khi con đang cần mà chưa dám xin. Con ôm cổ bố, hỏi sao bố biết con thích cái này. Bố bấm mấy ngón tay rồi bảo, bố được ơn tiên tri mà.
Oanh Oanh hớn hở khoe trong khi Thi Thi cười khúc khích:
– Con và bố có một bí mật mà mẹ không biết đâu.
Tôi trợn mắt:
– Bí mật?
– Mẹ nhớ không, năm con học lớp Năm, có lần tan học, xuống xe “school bus”, con không chịu về ngay mà ghé qua nhà Sarah chơi làm mẹ quýnh quáng đến trường tìm. Khi về, mẹ phạt con đứng ở góc nhà không được ăn cơm. Lúc mẹ ra vườn hái ớt, bố lấy một cuốn chả giò đưa cho con, nhưng con chưa ăn xong mẹ đã vào, nên khi mẹ hỏi con, có chừa cái tội ham chơi không, con cứ trơ mắt nhìn mẹ không nói một lời. Ðiều này làm mẹ giận hơn, phạt con thêm mười phút nữa và không được ăn chả giò. Thấy con sắp khóc, bố nháy mắt ra hiệu “bố sẽ để dành phần cho con”. Tối hôm đó, khi mẹ sang nhà cô Thục, con được ăn một chầu chả giò no nê.
Ðôi môi Thi Thi mím lại để kìm bớt sự xúc động:
– Con không biết nói sao để cám ơn bố về tất cả những gì bố đã làm cho chúng con. Bố là người cha tuyệt vời nhất.
Ba đứa con, mỗi đứa góp một câu, bữa cơm chiều kéo dài đến tối. Mười giờ đêm, Thi Thi và Linh Linh, đứa vươn vai, đứa vỗ bụng kêu lên:
– Ui cha! vừa no lại vừa buồn ngủ. Làm sao đây chị Oanh?
– Hai đứa lười biếng, cứ đến lúc rửa bát thì lại kiếm cớ để trốn.
Thi Thi gí tay vào trán chị:
– Ngày xưa chị cũng vậy. Cứ kêu ca để được bố che chở, “Ừ! trễ rồi, vào phòng làm bài tập đi để bố rửa chén cho”.
Oanh Oanh lừ mắt nhìn hai đứa em đang tung tăng chạy lên cầu thang.
-oOo-
Tôi bước vào phòng khi Oanh Oanh đang thu dọn quần áo, chuẩn bị ngày mai trở lại trường. Cái liếc mắt thật nhanh cho biết Oanh Oanh đang chờ đợi ở tôi một câu hỏi, dù cô nàng ra vẻ chăm chú vào công việc đang làm.
– Sao con nói dối với cô Lý?
– Vì… con không muốn cô Lý có mặt trong ngày đặc biệt của gia đình mình.
– Nhưng lâu nay cô Lý là bạn thân của mẹ.
– Con đã từng nghĩ thế. Nhưng lâu rồi con không còn xem cô Lý là người thân nữa.
– Tại sao?
– Vì… cô Lý là người xấu.
Tôi nhíu mày:
– Ðiều gì làm cho con nghĩ như thế.
Oanh Oanh cao giọng, bực tức:
– Cô Lý có ý không tốt với bố. Cô lén mẹ rủ bố về Việt Nam.
Tôi nhìn thẳng vào mắt Oanh Oanh để đo lường câu nói của Oanh Oanh là thật hay dối.
– Cách đây 6 năm, có lần bố nhờ con ngăn chận các quảng cáo thương mại tràn ngập trong email của bố. Lúc đang làm, thấy có một email của cô Lý, vì tò mò nên con mở ra đọc. Những dòng chữ của cô Lý khiến con ngỡ ngàng, “Tuần trước, nghe anh nói muốn về thăm gia đình, nhưng giá vé quá cao nên còn ngần ngại. Sẵn bà chị cho tiền để Lý và thằng em về Việt Nam, nhưng nó nhất định không đi, nên Lý muốn dành tặng cái vé đó như món quà Giáng sinh cho anh. Anh đi với Lý nhé”. Mẹ là bạn cô Lý, tại sao cô không tặng bạn, mà lại tặng chồng của bạn. Quá tức giận, con gõ vào máy “Cô chờ con hỏi xem mẹ có đồng ý cho bố đi với cô không nhé”. Vừa định bấm nút gửi đi con chợt nghĩ đến bố, nên qua phần “sent” để xem bố trả lời sao. Và khi đọc hàng chữ “Cám ơn Lý. Thật sự, đó là ước muốn của tôi nhưng tôi chỉ đi khi nào có vợ con cùng đi” thì con cảm thấy cơn giận của mình như biến mất. Nhớ lời mẹ dặn, còn bé không được xen vào chuyện người lớn, nên con vội xóa những gì vừa gõ xong. Buổi tối, sau một ngày bồn chồn, con đã hỏi bố chuyện con vừa biết. Bố dặn con đừng cho mẹ biết, vì bố không muốn mẹ buồn. Con hỏi vặn lại “Con sẽ quên những gì con đã đọc. Còn bố thì sao?”. Bố cứng rắn trả lời “Bố xem như của ai đó gửi lạc vào địa chỉ của bố”. Từ đó, con luôn để ý từng cử chỉ, lời nói của bố và cô Lý mỗi khi cô đến nhà mình. Con nghĩ, bố đã giữ đúng lời hứa, vì bố luôn phản đối khi mẹ có ý rủ cô Lý đi chơi với gia đình mình. Nhưng đôi lúc, bằng sự ngờ vực, con lại đặt câu hỏi “Có khi nào bố và cô Lý gặp nhau ở chỗ khác không?”. Bố nghiêm nghị trả lời “Bố không xứng đáng làm bố của các con nếu chuyện đó xảy ra”. Con ôm chầm lấy bố với sự tin tưởng tuyệt đối. Lần này, vì không muốn mời cô Lý nên con phải nói dối “Tụi con bận quá nên không làm tiệc”. Mẹ cũng biết, lúc còn sống bố đâu muốn cô Lý có mặt trong những bữa tiệc của gia đình mình.
Biết Oanh Oanh còn đang kích động, tôi nhẹ nhàng:
– Chuyện đã qua, con đừng để trong lòng nữa. Vả lại, cũng nhờ vậy con mới biết bố là người đàn ông đứng đắn và chung thủy nhất trên đời.
Oanh Oanh dúi đầu vào ngực tôi:
– Con luôn hãnh diện về bố.
– Thế thì con phải gắng học, để ngày này năm sau mặc áo tốt nghiệp, đứng trước bàn thờ bố và nói “Bố ơi! cô dược sĩ của bố đã hoàn thành mơ ước của bố”.
Tiếng “Dạ” khe khẽ của Oanh Oanh như hòa lẫn trong những giọt nước mắt long lanh.
-oOo-
Anh yêu dấu,
Bây giờ là tháng Tám. Tháng Tám có ngày sinh nhật thứ năm mươi hai của anh. Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó mà đã hai mươi tám năm kể từ ngày mình yêu nhau. Và khởi điểm cho quyết định chung thân của chúng mình cũng là một ngày của tháng Tám. Cái ngày mà đứng trước cánh cửa màu xanh, em đã ngạc nhiên khi nhìn thấy mảnh giấy nhỏ, dán trên cửa với hàng chữ “Em hãy mở cửa vào nhà và bước theo lối đi có rải những cánh hoa hồng”. Em hồi hộp bước qua phòng khách, quẹo sang phòng ăn, men theo hành lang nhỏ xíu, bước ra khu vườn đầy hoa hồng. Ngay lúc em còn đang ngơ ngác nhìn quanh tìm kiếm thì anh xuất hiện, quỳ xuống, mở chiếc hộp màu nhung đỏ thắm, trong đó có chiếc nhẫn xinh xắn và nhìn em bằng ánh mắt thiết tha, nói lời cầu hôn. Em bàng hoàng, choáng ngợp trong niềm hạnh phúc bất ngờ, đến nỗi không biết nói gì ngoài những giọt nước mắt rơi xuống, ướt đẫm nụ hôn ngọt ngào anh vừa trao tặng. Cuộc tình diễm mộng của hai đứa mình đã thăng hoa bằng một lễ cưới linh đình và chúng ta đã cùng nhau sống những ngày tràn trề hạnh phúc với ba đứa con xinh xắn lần lượt chào đời.
Nhưng niềm hạnh phúc tưởng chừng như bất tận đó đã kết thúc một cách đau đớn khi anh đột ngột rời xa em và các con sau cơn bệnh ngắn ngủi. Vậy mà 5 năm rồi đó anh, kể từ ngày mẹ con em tiễn anh ra nghĩa trang trong buổi sáng mưa rơi lất phất. 5 năm em hắt hiu trong nỗi nhớ thương vô vàn, bất tận. Làm sao em quên được cái cảm giác trống vắng, cô đơn và hụt hẫng trong những ngày tháng thiếu vắng anh. Mỗi ngày, ngồi vào bàn ăn, nhìn chiếc ghế bên cạnh trống trơn em nghe tim mình nhói đau trong niềm ao ước. Ước anh đang đi đâu đó và sắp trở về để ngồi cạnh em, cầm đũa lên, gắp cho em miếng thịt ram mà em hằng ưa thích. Mỗi đêm, co người dưới tấm chăn mỏng, nước mắt em lại trào ra khi nhớ xiết xao một vòng tay ấm hay những cái xoa lưng nhẹ nhàng đưa em vào giấc ngủ. Ðể rồi, nửa khuya em choàng tỉnh, ngơ ngác giơ tay tìm kiếm. Anh ơi! anh đâu rồi. Và em bật khóc khi chợt nhớ, từ bây giờ, mãi mãi trên chiếc giường êm ái này, bên cạnh em sẽ trống một chỗ nằm. Chỗ nằm của người chồng em thương yêu nhất đời. Cứ như thế, ngày từng ngày em sống trong cảm giác dật dờ như kẻ mộng du. Suốt một năm với nỗi khổ đau, thương nhớ điên cuồng em đã làm ảnh hưởng đến con cái. Những đứa con hiếu thảo phải xao lãng việc học, vì bận bịu chăm sóc người mẹ yếu đuối từ tinh thần đến thể chất. Có lần má xót xa nhìn em, lau nước mắt, nhẹ nhàng khuyên nhủ “Chồng của con là con của má. Nỗi đau khổ của má chắc không kém con. Nhưng con phải nhớ, ngoài má và con, còn ba đứa nhỏ. Tương lai của chúng phụ thuộc vào con”. Câu nói của má chẳng khác nào tiếng chuông cảnh tỉnh khiến em giật mình thoát khỏi cơn mơ. Em ôm chặt lấy má, khóc nức nở. Má vỗ về tấm lưng trơ xương của em, nhỏ giọng ngọt ngào “Khóc đi con, khóc cho trôi hết những buồn phiền, đau đớn rồi can đảm đứng lên, sống vui vẻ như những ngày có Lân bên cạnh”. Em đưa tay gạt lệ, bước vào phòng, đến tủ áo, thay màu áo đen buồn thảm bằng màu tím thẫm anh hằng yêu thích và tự nhủ, không thể để nỗi buồn đau dìm mình trong sự tuyệt vọng, mà bằng tình yêu dành cho anh, em phải mạnh mẽ hơn để thay thế anh trong vai trò làm cha và chu toàn bổn phận làm mẹ.
Tuần trước, khi em gọi điện thoại thăm, má ân cần nói “Con để tang chồng vậy đã đủ rồi. Giờ đến lúc con phải sống cuộc đời của con. Má rất vui nếu con tìm được một người… ”. Thật lòng, em rất cám ơn má đã thương em như đứa con ruột thịt, nhưng chưa bao giờ em nghĩ đến chuyện đó khi trong tim em còn đầy ắp những kỷ niệm của ngày anh còn bên em, lo lắng cho em từng miếng ăn, giấc ngủ, quan tâm đến em từng niềm vui, nỗi buồn. Nói sao cho hết những yêu thương anh dành cho em. Thử hỏi, trên đời này, em còn có thể tìm được người thứ hai giống như anh sao?
Anh yêu dấu, bây giờ, dù anh không còn nữa, nhưng em vẫn luôn cầu xin cho em giữ trọn lời thề hứa “Mãi mãi yêu anh và giữ lòng chung thủy với anh cho đến hết cuộc đời”.
NB