Lời Giới Thiệu: HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

“Ngoại ơi, khi nào ho bà phải nhớ che miệng lại”. Ðứa cháu mới 6 tuổi mà đã lên mặt dạy đời. Lúc ấy, tôi chỉ muốn xáng nó một bạt tay vì cái tội hỗn xược, nhưng kịp dừng lại. Quay sang mẹ nó, tôi hỏi: “Mầy biết dạy con không? Nó nói vậy mà mầy làm thinh hả?”. Con gái tôi dửng dưng đáp: “Mẹ à, Tina đi học, ở trường dạy sao thì nó làm y vậy. Thấy người lớn làm khác, thì nó bắt chước cô giáo nhắc nhở vậy thôi. Con thấy đâu có gì hỗn hào”.

Anh biết không, nhiều lần tôi muốn trào máu họng vì bị mẹ nó “dạy khôn”. Nào là “Thức ăn cũ mẹ để trong tủ lạnh cả tuần rồi, sao không bỏ mà lại lấy ra ăn, tuy nó chưa thiu, nhưng đã vi trùng trong đó, ăn là rước bệnh vào thân”. Hoặc “Sao mẹ chùi tay vào quần rồi lấy bánh cho Tina ăn, ghê quá đi!”. Anh nghĩ coi, mình sinh ra nó trong hoàn cảnh cơ cực ở VN. Ba nó bỏ hai mẹ con bơ vơ, hai mươi bốn năm, một mình tôi lăn lộn giữa chợ đời nuôi nấng con, cho ăn học tử tế, nó vẫn lớn lên khỏe mạnh, vậy mà bây giờ nó chê mình ở dơ, có tức không?

Nó lấy chồng sang đây hơn 8 năm, tôi ở lại VN cô quạnh, đêm từng đêm khóc nhớ thương con, không biết nó sống ra sao, có được chồng thương yêu hay bị bạc đãi? Với bao nỗi băn khoăn, lo lắng, tôi cầu nguyện hàng ngày, mong thủ tục bảo lãnh suôn sẻ, nhanh chóng, để được sang Mỹ sống với con hầu chăm sóc, bảo vệ nó. Qua đây, tưởng đâu sẽ sống vui vẻ, hạnh phúc với con cháu, nhưng thực tế không phải vậy. Ở đây cũng như ở tù. Tôi không biết tiếng Anh, không biết lái xe, không có bà con, hàng xóm để chạy tới, chạy lui cho đỡ buồn, suốt ngày chỉ ở nhà lo nấu nướng, hầu hạ chúng như “osin” vậy đó…

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Chị Tiên vừa lau nước mắt, vừa nghẹn ngào kể lể. Chờ chị qua cơn xúc động, tôi nhỏ nhẹ hỏi:

– Hình như… chị có chút hối tiếc vì đã qua đây? Không lẽ, chị không tìm được niềm vui khi đoàn tụ cùng con cháu sao?

– Thật sự mà nói tôi cũng rất vui khi thấy con mình hạnh phúc. Nhưng đồng thời tôi lại cảm thấy lẻ loi, cô độc dù đã đạt được niềm mơ ước. Có lẽ, vì tôi không thích hợp với cuộc sống mới. Ở VN, ngày nào cũng xách giỏ đi chợ. Ðã quen với cảnh ồn ào, chen lấn trong chợ, quen cái cách lựa rau, lựa cá, lựa thịt, tự do thoải mái, kỳ kèo trả giá ở VN, tôi chán ngán khi nhìn những con cá, con tôm đông lạnh, cứng ngắc, không tươi ngon như mình mong muốn. Mỗi lần than thở với bạn bè ở VN, ai cũng nói “từ từ rồi sẽ quen”, tôi cũng nghĩ vậy, nhưng sao khó quá. Nhiều khi muốn về lại xóm cũ ở quê nhà, nghèo mà vui, nhưng nghĩ đến xa con thì lại thương, lại xót…

o O o

– Chú à! đâu phải cháu không thương mẹ. Từ nhỏ đến lớn, chỉ có hai mẹ con sống thui thủi với nhau. Cháu theo chồng sang đây là mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, rồi bảo lãnh mẹ qua để được chung sống và chăm sóc khi mẹ già yếu. Nhưng mọi việc xảy ra không như cháu nghĩ. Vấn đề khó khăn là mẹ cháu không chịu hòa nhập với nếp sống ở đây. Các con của cháu sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nên tính cách của nó đâu khác gì người Mỹ. Chỉ may mắn là nó hiểu và nói được tiếng Việt. Mẹ cứ so sánh mấy đứa cháu ở VN, “Tụi nhỏ bên nhà, hễ chào người lớn thì lúc nào cũng khoanh tay mọp xuống. Những lúc ông bà rầy dạy, tụi nó im re không dám hó hé một câu. Lên bàn ăn, nó biết mời mọi người và khi nào người lớn cho phép mới được cầm đũa, chứ không như mấy đứa này”. Mỗi ngày đi làm về là cháu nghe mẹ trách móc, than phiền “Thằng Richard chúi mũi chơi game, con Tina bày biện đầy phòng, tao rầy thì nó trả lời xon xỏn”. Cháu thương mẹ hồi xưa thiếu thốn, nên mua sắm đủ loại quần áo đẹp, vậy mà mỗi lần đi chơi, bà cứ mặc mấy bộ đồ cũ, loại quần áo mặc ở nhà, cháu năn nỉ cách gì mẹ cũng không nghe, còn nói lẫy “Mầy mắc cỡ thì đi một mình đi”. Không muốn mẹ cực, nên một tuần bốn lần, cháu mua thức ăn nấu sẵn ngoài tiệm, chỉ nhờ mẹ nấu nồi cơm thôi, nhưng mẹ không chịu, tự mình nấu đủ món. Món này chưa ăn hết lại nấu món khác, thức ăn dư chất đầy tủ lạnh, lâu ngày cháu phải bỏ, vậy là mẹ giận. Cháu cố gắng giải thích cho mẹ hiểu, nhưng lần nào “chiến tranh” cũng xảy ra. Và mỗi lần giận là mỗi lần bà chì chiết “Tao không muốn ở đây nữa. Qua đây chỉ làm mọi cho tụi bây, chứ sung sướng gì!”. Có lần, giận quá, cháu gay gắt trả lời: “Nếu mẹ muốn về VN thì con mua vé máy bay một chiều cho mẹ. Về rồi là không có vé trở qua đâu!”. Giận thì nói vậy, nhưng nghĩ lại cảm thấy hối hận. Mẹ hơn sáu mươi tuổi rồi, về bên kia sống với ai, bệnh hoạn ai chăm sóc. Rồi cháu tự nhủ, thôi cứ để mẹ làm mọi việc theo ý bà, bởi có nói thì cũng chẳng thay đổi được gì chỉ làm sứt mẻ tình cảm. Vậy mà, mọi sự cũng trở lại vết xe cũ với bao nhiêu chuyện vặt vãnh, khiến hai mẹ con mãi lục đục với nhau. Buồn quá chú ơi!

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bảo Huân

Bạn thân mến,

Có lần, tôi đã đọc đâu đó một ý tưởng khá hayGia đình thường được ví là mái ấm, nhưng đôi lúc nó lại là nơi chứa đầy bão tố, còn thế giới bên ngoài lại có vẻ tràn đầy niềm vui. Nhưng sẽ đến lúc ta nhận ra, chính ở nơi ta tưởng là bão tố ấy, luôn tồn tại một tình yêu vô điều kiện”.

Chuyện gia đình chị bạn trên đây cũng không vượt ra ngoài nhận xét đó. Dù hay gay gắt với con gái, và con bà cũng không ngọt ngào với mẹ, vì những bất ý nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày, nhưng cô đã khóc khi xa mẹ người mẹ cũng đã lặng lẽ rơi nước mắt từng đêm khi con gái theo chồng biền biệt phương xa. Người nầy rất đau khổ khi không được ở cạnh người kia để săn sóc, chăm lo. Vậy mà nghịch lý luôn xảy ra khi cuộc sống chung bắt đầu. Ðó những bất đồng về cách sống hằng ngày, từ những chuyện rất nhỏ, nhưng đã đan lại thành một chuỗi dài, che lấp tình yêu thương luôn ẩn sâu trong lòng hai mẹ con.

Thật không dễ dàng để thay đổi tính cách mỗi người. Người nào càng dùng lý luận để cố thay đổi điều gì đó ở người kia, càng tạo ra nhiều cảm xúc tiêu cực. Mẹ được sống gần con là niềm vui tuổi già, thế, chuyện nhà con hãy để con lo liệu. Con được bên mẹ là hạnh phúc đã mong chờ 8 năm, vì thế hãy kiên nhẫn giúp mẹ quen dần nếp sinh hoạt mới. Không có ranh giới trong việc ai đúng, ai sai trong những mâu thuẫn xảy ra hằng ngày, chỉ cần vì thương yêu mà cố gắng chịu đựng và nhẫn nại rồi mọi việc sẽ ổn.

Nếu trong tim mẹ vẫn còn tình yêu điều kiện đã dành cho con, thì hãy quăng bỏ những khó chịu hôm nay. Nếu con muốn thể hiện lòng biết ơn đối với người mẹ suốt đời vất vả mình, thì hãy vui vẻ chấp nhận những điều chưa thể thích ứng của mẹ lúc này. Ðó là món quà không tốn kém, nhưng lại có ý nghĩa lớn nhất trong dịp tôn vinh “Ngày Của Mẹ”.