Lời Giới Thiệu: HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Chị Hai bước ra vườn khi anh đang khoe với tôi cây bông so đũa đang kết nụ mà anh nâng niu như báu vật từ khi mới tậu về từ một tiệm bán cây ở Houston.

– Trong xấp thư mới lấy, có một cái thiệp cưới. Anh đoán xem, ai gửi cho mình đây?

Chị Hai vừa cười, vừa đặt lên tay anh.

– Phạm Tuấn Hào… Hừ!!!

Anh Hai quăng cái bì thư màu hồng óng ánh trên chiếc bàn gần đó, sau khi đọc qua hàng tên của người gửi.

– Cho vô thùng rác đi em, coi như mình không hề nhận.

– Sao vậy “Honey”?

Chị Hai lên giọng trêu ghẹo khi thấy trán anh nhíu lại, khiến  những đường nhăn thêm sâu.

– Mình với ổng bả đã từng ở cạnh nhau trong cái chung cư xập xệ ngày mới qua Mỹ, từng qua lại, ăn nhậu với nhau rất thân thiết. Vậy mà khi mua nhà, dọn đi thành phố khác, không hề nói với mình một câu từ giã. Chắc cũng phải hơn mười năm. Vậy mà đám cưới con lại nhớ đến mình. Ðây không phải vì tình nghĩa mà mời, chỉ là muốn kiếm khách thôi.

Anh Hai khui lon bia chị vừa mang ra đưa cho tôi, giọng chán chường:

-“Cha” này cũng hay thiệt. Không biết tìm đâu ra địa chỉ của mình.

– Có gì khó khăn đâu, cứ dò hỏi mấy ông bạn trong hội Không quân của anh thì ra thôi.

Những lời đối đáp của anh chị Hai làm tôi hơi chột dạ. Nhìn lon bia nguội ngắt trong tay tôi, anh Hai hất mặt:

– Có chuyện gì mà đăm chiêu dữ vậy, thằng Tám?

Tôi nhăn mũi, đưa tay gãi đầu:

– Hai tháng nữa là đám cưới thằng Long. Em đang làm thiệp mời để gửi đi. Hôm nay, tình cờ lại nghe câu chuyện liên quan đến “cái thiệp cưới” của anh chị, em bỗng giật mình và phân vân, không biết… nên mời ai, và không nên mời ai, để không bị đánh giá là “kiếm khách” và để không có một người nào bị khó chịu khi nhận được thiệp cưới. Anh giúp ý kiến giùm em coi.

– Anh nghĩ, tốt nhất chú đừng mời những người mà một, hai năm không hề liên lạc. Thật tình mà nói, vấn đề mời khách cũng khá đau đầu. Hồi đám cưới con Thúy, anh chị bàn luận cả tuần mới đồng ý với nhau được.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Hồi đám cưới Bảo Thúy, anh có gặp trở ngại gì không? Em nhớ nhà hàng 500 chỗ mà đầy kín.

– Lúc đó, anh chị cũng bối rối lắm, không biết mời ai, bỏ ai. Ngoài số khách là bạn bè của cô dâu, chú rể và họ nhà trai, cháu Thúy dành cho anh chị 150 chỗ để mời khách. Ðiều anh cân nhắc và băn khoăn nhất là, có một số khách nếu mình mời có thể người ta không hân hoan lắm. Ngược lại, cũng có một số khách, nếu không mời thì họ sẽ trách, sẽ giận. Chắc chú mày đã từng nghe có người than phiền một cách hài hước rằng “Bốn tuần dính bốn cái đám cưới. Kiểu này chắc húp cháo suốt tháng!”. Hay là “Trong những người quen biết, ai ổng cũng mời, nhưng tui lại bị lọt sổ. Chắc tại mình không thuộc giới “thượng lưu” của ổng!”. Cái khổ khi chọn khách là vậy. Do đó, anh chị đã chọn thật kỹ khách mời, để khi nhận thiệp những người bạn đó sẽ vui vẻ nghĩ rằng mình “được mời”, chứ không thở dài vì “bị mời”.

Tôi thắc mắc:

– Em nghĩ, khó mà biết chính xác, ai sẽ vui và ai sẽ buồn khi cầm trên tay tấm “thiệp hồng em viết tên anh”.

– Ha!ha! Tám nhà tui cũng biết khôi hài nữa ta. Ðại khái thì anh ưu tiên chọn theo ba nhóm. Thứ nhất là bà con ruột thịt. Nhưng anh chỉ mời những người ở gần, còn nhiều người ở xa và kinh tế gia đình không mấy thoải mái thì anh không mời vì không muốn họ phải tốn kém. Thứ hai là bạn bè, anh chỉ mời những bạn bè thân thiết còn đang giữ liên lạc và thường xuyên tới lui thăm viếng nhau. Thứ ba là những người, dù chỉ liên hệ trong công việc làm ăn nhưng khá gần gũi và có mối giao tình tốt đẹp.

– Cuối cùng anh có đủ số khách cho 150 chỗ không?

– Không, anh chị chỉ mời 120 người. Ðây là số khách mà anh tin rằng họ sẽ hân hoan nhận lời. Còn lại 30 người trong danh sách không ưu tiên, anh chọn thêm một số mà trước đây anh có dự đám cưới con của họ.

– Anh không sợ những người không được mời sẽ trách sao?

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Anh đã nghĩ đến điều đó, nên gửi thiệp báo tin một cách trân trọng kèm theo lời xin lỗi, với lý do vì số bàn hạn chế, phải ưu tiên cho bạn bè của cô dâu, chú rể, nên không thể mời họ. Ðối với anh, điều quan trọng nhất là tạo niềm vui trọn vẹn cho chủ và khách. Mình mời khách đến là để “chung vui” với gia đình, chứ không phải để phô trương một đám cưới linh đình và nhắm vào việc nhận nhiều phong bì “sộp”. Chắc chú mày đã từng nghe lời phê phán không mấy thân thiện “Ðám cưới con bà A kỳ này lời to”. Vì vậy, đừng nhắm vào chuyện phong bì, chuyện lời hay lỗ, vì chính tình cảm dành cho nhau mới đáng quý.

– Anh đã dự nhiều tiệc cưới, điều gì làm anh không thoải mái nhất?

– Chú hỏi anh mới nhớ, có lần đi đám cưới con người bạn mà anh khổ sở vô cùng. Ðầu tiên là phải ngồi cùng bàn với người lạ, anh chị lúng túng, không biết nói chuyện gì ngoài vài câu xã giao gượng gạo, nhất là người bên cạnh thực hiện đúng câu cổ nhân dạy “im lặng là vàng”, hỏi tới đâu, trả lời tới đó một cách nhát gừng, chán phèo. Kế đó phải chịu trận nghe MC đọc một danh sách dài như sớ táo quân, giới thiệu tất cả thân nhân gia đình hai họ, bao gồm những người có chữ “Sĩ” là bà con xa lắc xa lơ, kể cả những “Sĩ”, không có mặt. Cái đồng hồ đeo tay hôm đó được anh quan tâm đúng mức, cứ vài phút lại đưa lên săm soi, xem nó còn hoạt động không mà chẳng chịu nhúc nhích, chỉ mong mau mau đến giờ cô dâu, chú rể chào bàn để mình lặng lẽ rút lui sau khi trao quà mừng. Cũng nhờ vậy mà anh có kinh nghiệm khi xếp bàn. Anh chọn những người khách quen biết nhau để xếp họ ngồi chung. Như vậy, đương nhiên khách sẽ rất vui vì có dịp gặp bạn bè, rôm rả trò chuyện quên cả thời gian. Chỉ nhìn thấy cảnh khách rộn ràng chào hỏi nhau với tiếng cười, tiếng nói, tiếng “dzô, dzô” náo nhiệt là chắc mẩm họ sẽ rất hài lòng khi nhắc lại “Tuần trước đi đám cưới con ông Hai vui quá”. Và quan trọng hơn hết là hãy để cho hai nhân vật chính trong đám cưới được toàn quyền mời bạn bè của chúng. Ðược như thế niềm vui của đôi trẻ mới trọn vẹn. Ðừng để xảy ra tình cảnh cha mẹ ngăn cản con, không cho mời nhiều bạn, vì “khách của ba mẹ mới cho nhiều tiền, còn bạn trẻ của con chỉ qua loa vài món quà thì làm sao đủ tiền trang trải chi phí”. Có nhiều đứa cháu trong dòng họ đã than thở với anh như thế và sau đó là bi kịch “behind the scenes” đã xảy ra, làm ngày vui trở thành nỗi buồn không nói thành lời cho người trong cuộc.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Tôi ngửa cổ uống một hơi những ngụm bia không còn lạnh, để thấy lòng mình ấm lại vì những lo lắng gần như đã được giải  tỏa. Nhưng chưa hết, lên xe rồi tôi vẫn còn vớt vát câu hỏi chót không kém phần quan trọng:

– Em còn một cái rầu nữa anh Hai ơi. Có lần ông anh vợ của em nói “giở cái thiệp cưới ra thấy cái phiếu hồi đáp là bắt ghét, còn bắt mình phải gửi lại đúng thời hạn. Trước cả tháng, làm sao biết được tới đó có đau ốm hay bận chuyện gì không mà trả lời… cho nên, cứ làm thinh, tới ngày đó đi được thì đi….”. Gặp khách cỡ đó thì làm sao mình biết chính xác số khách tham dự để đặt nhà hàng.

– Ðây là dạng khách thuộc hàng “lão làng”, giữ nguyên “nếp cũ” từ thời xa xưa, nên chú mày phải chịu khó gọi điện thoại, hỏi ngay chóc “Ê! có đi hay không trả lời giùm một tiếng cho tôi xếp bàn cha nội”. Ha!ha!!! Ðời có vui, có buồn. Bạn thì có người vầy, người khác. Bởi vậy, khi gặp chuyện trái lòng cứ nghêu ngao vài câu hát của nhạc sĩ Lê Hựu Hà cho đời bớt khổ.

Bạn thân ơi cố gắng yêu thương người

Dù người không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài

Mặc người ai quen ai, hãy cho nhau một lời

Dù là nghe chua cay, dù là lời thoáng qua tai...
….

– Nói thiệt nha anh Hai, em chưa nghe người nào hát dở như anh. Nghe em hát nè…

Tôi gật gật cái đầu, hát tiếp, rồi nhấn mạnh chân ga để khỏi nhìn đôi chân mày rậm đen của anh châu lại một cách dễ thương.

Ngày nào bầu trời còn mây bay

Lòng ta vẫn thấy thương người

Dù đời còn gặp nhiều chông gai

Trọn đời vẫn cứ đi đi hoài.

DHS