Lời Giới Thiệu: HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Thảo Nhu vừa bước vào nhà, chưa kịp tháo giày ra đã nghe tiếng bà Hiền đay nghiến:

– Chịu về rồi hả? Biết bây giờ là mấy giờ không?.

– Thì… mới có mười hai giờ chứ mấy. Ðóng cửa tiệm xong, con theo mấy đứa bạn đi ăn, rồi ghé qua hát “karaoke” cho thoải mái một chút. Con đã hai mươi sáu tuổi rồi, chứ còn nhỏ nhít gì đâu mà mẹ lo cho mệt.

Bà Hiền liếc mắt nhìn Thảo Nhu. Không phải  “Ánh mắt mẹ hiền, nhìn con yêu thương, tha thiết” như lời một bản nhạc Thảo Nhu hằng yêu thích, mà nó sáng quắc -dấu hiệu một sự “tấn công” sẽ xảy ra, nếu Thảo Nhu thiếu cảnh giác.

– Nhìn kìa… con gái, con đứa gì mà mặc quần jean lủng lỗ, trông chẳng khác bọn ăn mày.

Thảo Nhu chắp tay, đổi giọng tha thiết:

– Tội lỗi. Tội lỗi! xin các bác “Cái bang” bỏ lỗi cho mẹ con. Là tại con hư hỏng, chứ chẳng phải  mẹ con dám xúc phạm đến các bác đâu.

Ðưa tay xoa nhẹ lên tấm lưng tròn trĩnh của mẹ, Thảo Nhu giả lả:

– Ðây là thời trang của bọn trẻ tụi con mà, mẹ chú ý làm gì. Thôi, mẹ vào phòng ngủ đi. Ðừng giận nữa mà nhan sắc hao mòn.

Ðôi mắt bà Hiền vẫn sắc như lưỡi dao vừa mài.

– Hừ! ăn mặc như cái lũ..

Thảo Nhu gần như kiệt sức khi cố giữ hòa khí với người mẹ khó tính.

– Mẹ rầy con thì cứ rầy, chứ đừng có… đụng chút lại bọn này, lũ kia, tội chết. Ai cũng có ý thích riêng. Như mẹ ăn diện theo thời trang của thế kỷ trước, chẳng đẹp đẽ gì mà còn lạc hậu, nhưng con đâu bao giờ có ý kiến. Còn mẹ cứ lái xe cam nhông vào đời tư của con.

Thảo Nhu quay lưng, đi thẳng lên lầu, tiếng bà Hiền lồng lộng đuổi theo:

– Cái thứ cứng đầu, nên giờ nầy không ai rước. Nhìn Diễm Trang đi, người ta dễ thương, nhu mì, sắp có chồng bác sĩ ngon lành. Còn mầy… không biết bao giờ tao mới được nở mặt, nở mày với thiên hạ.

Lên tới tầng trên, nhưng Thảo Nhu vẫn thò đầu xuống trả treo, trêu ghẹo:

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Mẹ muốn nở mặt thì đi tìm ông bác sĩ già góa vợ, rồi làm bà bác sĩ đi. Còn con, con không mơ giống mẹ đâu.

Ông Hiền qua đời 4 năm hơn. Khiêm là con trai trưởng, muốn rước bà Hiền về ở chung, để mẹ hưởng niềm vui tuổi già với hai đứa cháu nội, nhưng bà Hiền nhất quyết từ chối, với lý do còn phải chăm nom, dẫn dắt Thảo Nhu – đứa con gái út vẫn còn dại khờ theo suy nghĩ của bà. Thật ra, Khiêm muốn em gái được tự do, thoải mái, sau mấy mươi năm bị mẹ “kềm kẹp”. Nhưng dù Khiêm thuyết phục thế nào, dù Thảo Nhu giải thích ra sao, bà Hiền vẫn giữ vững lập trường. Thế là Thảo Nhu lại tiếp tục bị kềm kẹp.

Thảo Nhu thích làm kinh doanh, nên bỏ công việc đang tốt đẹp ở ngân hàng với chức vụ “manager”, để mở tiệm bán mỹ phẩm. Vì thiếu kinh nghiệm nên thất bại, hai năm sau Thảo Nhu phải đóng cửa. Lần đó, bà Hiền đay nghiến con gái không tiếc lời.

– Cho mầy học đại học, tốn kém biết bao nhiêu. Ra trường, được công việc tốt ở ngân hàng không chịu làm, bỏ việc để kinh doanh. Kinh doanh giỏi quá nên tiêu tan tiền của dành dụm mấy năm nay.

Rồi bà bêu riếu chuyện làm ăn thất bại của Thảo Nhu với họ hàng, bè bạn, không sót một ai. Trước mặt mọi người, Thảo Nhu nói cười tưng tửng như không có chuyện gì xảy ra, nhưng khi về nhà, đóng cửa phòng lại, Thảo Nhu gào thét một mình cho trôi bớt nỗi ấm ức. Mục đích của bà Hiền là làm bẻ mặt con gái để nó trở lại công việc đúng với ngành học đã tốt nghiệp. Vì thế, khi Thảo Nhu quyết định theo đuổi nghề nails, bà tức điên người. Thế là bà chê bai, rẻ rúng đủ điều, dù Thảo Nhu đã đạt được sự thành công như mong ước khi làm chủ 3 tiệm nails thuộc hạng sang. Nuốt giận vào trong mãi cũng có ngày ứ tràn, nên trong ngày giỗ của bố, Thảo Nhu đã gân cổ phản kháng mẹ trước mặt họ hàng.

– Con không biết mẹ trở thành người kỳ thị nghề nghiệp từ bao giờ. Nghề nào cũng cao quý, cũng đem lại lợi ích cho cuộc sống của mình và xã hội. Không có thợ cắt tóc thì bây giờ mẹ búi tóc như một bà nhà quê. Không có ông cắt cỏ thì sân nhà mình như đám rừng hoang. Nhờ có anh làm cá, cắt thịt trong chợ mẹ mới có món ăn ngon, để giờ nầy, dù đã U60 mẹ vẫn còn khỏe mạnh, còn yêu đời và còn nuôi giấc mơ làm bà bác sĩ.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Mặt bà Hiền đỏ rần vì ngượng ngùng. Tuần rồi, đi khám bệnh về, bà lỡ lời, luôn miệng khen ông bác sĩ “mồ côi” vợ,  già rồi mà trông vẫn còn phong độ, lịch lãm. Bà chỉ ngưỡng mộ ông thôi, mà đứa con gái ngang bướng này dám xiên xỏ “niềm ước mơ thầm kín” đã có trong lòng bà từ thuở thanh xuân. Giận bầm gan tím ruột, nhưng bà không dám có thái độ quyết liệt vì sợ nó “tung chưởng” tiếp, nên bà gỡ ngượng bằng lời trách móc:

– Tại sao mẹ nói câu nào mầy cũng trả treo. Mầy tên Nhu mà chẳng nhu mì chút nào.

– Chứ ông bà ngoại đặt mẹ tên Hiền nhưng mẹ có hiền đâu.

o O o

Thảo Nhu ực một cái, ly nước đã vơi đi hơn phân nửa. Tôi cười thầm, đúng là cô nàng này chẳng “nhu” chút nào, cứ mạnh bạo như con trai. Ðặt ly nước xuống, Thảo Nhu hỏi tôi:

– Bác có tin những lời con kể không?

– Có, tin trăm phần trăm. Có điều bác không tin mẹ con lại thế. Dám làm những điều mà cha mẹ thời nay “không dám” làm đối với con cái.

Thảo Nhu bặm môi, chau mày:

– Bác đang trách khéo con đấy à?

Tôi lắc đầu, khoát tay lia lịa:

– Không! Không! Con đừng làm bác sợ. Ha!ha!!! Này, còn cái khoản tình cảm của con, mẹ có xen vào không?

– Tại sao không? Con kể bác nghe, có lần bạn trai của con và một người bạn tới thăm. Ba đứa đang trò chuyện vui vẻ thì mẹ xuất hiện. Bà chen vào ngồi giữa hai anh con trai, đang từ bất ngờ chuyển sang bối rối, ngập ngừng trả lời từng câu chất vấn của mẹ về gia đình, thân thế, sự nghiệp. Mẹ hỏi cả tiền lương của từng đứa. Thế mới ghê chứ.  Họ về rồi, mẹ “góp ý”, bảo con chọn bạn của bạn trai con thì tốt hơn, vì “thằng bé đó” gia thế đồ sộ hơn, tương lai vững vàng hơn. Con lắc đầu chán chường, nói  “Mẹ biết ‘thằng bé đó’, trước khi lên xe đã nói gì không? Nó nói với bạn trai của con rằng, mày có nghe câu ‘Bà già vợ là con khỉ già’ chưa?”. Bạn trai của con tiếng Việt không đủ giỏi để hiểu một câu hỏi lắt léo như thế, nên chỉ lắc đầu. Chứ con thì phải cúi đầu vì câu hỏi đó đấy mẹ.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bạn thân mến,

Làm cha mẹ, ai cũng mong ước con cái mình thành đạt, nên người. Nhưng hai chữ “Thành đạt và Nên người” lại là một quan niệm rất khác nhau của mỗi người.

Một sai lầm lớn của bậc làm cha mẹ là nghĩ mình “có quyền” xen vào cuộc sống của con, vì đã sinh ra, nuôi nấng, lo lắng, chăm chút việc học hành của nó và tự cho mình là người quản lý đời sống, tư duy và việc làm của con tốt nhất. Như thế có nghĩa là bạn đã vô tình tước đi sự học hỏi cách sống độc lập của con. Có nhiều cha mẹ, rất nôn nóng và buồn lòng khi thấy con chưa làm được những việc mình đang kỳ vọng, nên luôn luôn can thiệp “thô bạo” vào đời sống của con và không tiếc lời trách mắng khi con không làm theo lời khuyên bảo của mình. Cha mẹ quên rằng, con cái đã trưởng thành và có định kiến riêng về cuộc sống.

Cũng đừng bao giờ so sánh con với người khác, kể cả chính mình. Ðiều nầy có tác dụng ngược lại, chẳng những không giúp con khá hơn mà còn làm cho chúng trở nên ương ngạnh, tỏ ra bất cần và muốn làm những điều ngược lại. Tương tự như thế, việc  phán xét, buộc tội, vô tình khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái  ngày càng xa cách.

Ðiều quan trọng không kém là chớ nên kể xấu con cái trước mặt người khác. Ðừng nghĩ đây là cách khích tướng để chúng làm tốt hơn. Ngược lại, chỉ khiến con cảm thấy xấu hổ, mất mặt, tổn thương và trở nên tự ti với bản thân mình.

Tốt nhất, cha mẹ nên dừng lại với một khoảng cách vừa đủ để quan sát. Ðừng can thiệp vào tất cả mọi việc của con trừ khi chúng yêu cầu. Cách thương con tốt nhất là hãy đưa tay nâng đỡ, ôm ấp khi chúng vấp ngã.

Người viết xin phép đổi một chữ trong nhạc phẩm Kỳ Diệu của cố nhạc sĩ Anh Bằng để kết thúc bài viết nầy:

Ðôi mắt CHA đã trở thành tinh tú

Ðứng thật xa canh chừng giấc ngủ ngon

CHA canh chừng con thuyền lạ đi ngang

Sẽ chở con về quê hương thần thoại.