Lời Giới Thiệu: HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Câu chuyện bắt đầu từ anh Sáu, người đàn ông bốn mươi sáu tuổi, có sáu đứa con. Ðó là lý do chúng tôi gọi anh là anh Sáu, dù anh mang số Năm tính theo thứ tự trong gia đình. Anh lại là một người có lập trường bất nhất, thay đổi ý kiến liền tù tì, nên phía sau chữ Sáu, bạn bè gắn thêm chữ  “lèo” – Sáu Lèo – cho trọn nghĩa.

Thật vậy, bất cứ chuyện gì, thoạt đầu anh là người xung phong hăng hái nhất, nhưng cũng lại là người bỏ cuộc trước nhất. Chẳng hạn, trong nhóm có người đề xướng đi du lịch, anh Sáu sẽ là người xung phong ghi danh và cổ vũ người khác. Sau đó, dần dà anh sẽ viện đủ lý do để rút lui! Có lẽ chỉ cái tật nầy cũng đủ cho anh bị chị Sáu “hành hình” bằng ngôn ngữ, từ ngày nầy qua tháng khác, vì cái tội làm mất uy tín. Ngoại trừ cái tật “lèo”, anh Sáu là một người rất thật thà, dễ mến.

Trong dịp mừng ngày sinh nhật của con anh Sáu, chúng tôi tụ họp tại nhà anh ăn nhậu vui vẻ. Trong căn nhà khá lớn, trẻ con chơi ở phòng game trên lầu, các bà quây quần nhau ở bàn ăn, cạnh nhà bếp, cười nói ồn ào như ong vỡ tổ, các ông ngồi cụng ly ở phòng ăn lớn phía trước. Tình cờ đi xuống bếp, tôi nghe các bà xúm nhau tố khổ ông chồng của mình một cách ngọt xớt.

– Anh Minh nhà tôi đấy à! làm sao mà nói nổi, cái tật lè phè mấy chục năm vẫn vậy…

Dù không cố ý, nhưng những “lời châu ngọc” của các bà không ngừng rót vào tai, bắt buộc tôi phải nghe. Biết chắc thế nào cũng đến lượt mình, nên tôi vội vàng sang số de, để khỏi phải lâm vào cảnh “những điều nghe thấy mà đau đớn lòng”.

Trở lại phòng khách, thấy phe đàn ông đang sôi nổi bàn về chuyện khủng bố làm nổ bom chết người ở bên Anh. Có vài ý kiến trái ngược nhau, sắp biến thành cuộc tranh cãi, tôi cắt ngang câu chuyện để hướng sang đề tài khác:

– Các ông có biết tin chúng ta đang bị khủng bố hay không?

Bảo Huân

Mọi người ngạc nhiên nhìn tôi:

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Chuyện gì?

– Các bà đang hài tội và kết án tụi mình kìa!

Anh Sáu cười khà khà, lên tiếng:

– Ối! tưởng chuyện gì chứ cái màn khủng bố này, chị Sáu dành cho anh mỗi ngày. Nhưng có sao đâu, anh vẫn sống nhăn răng đây nè, sợ cái gì chứ!

Chúng tôi quay sang khai thác anh Sáu. Với lối khôi hài nhẹ nhàng, anh Sáu kể:

– Hồi xưa, khi mới quen nhau, bả khen anh đủ thứ. Nào là đẹp trai (vừa nói anh vừa vuốt bộ râu cụp xuống), ăn nói hoạt bát, y phục tươm tất đúng thời thượng, làm anh khoái chí, nên vừa mới có việc làm là xin cưới ngay. Những năm đầu, bả hiền lành, dễ thương vô cùng. He!he!!! Chắc tại vậy mà đẻ một lèo đến sáu mạng. Cứ hai năm một bụng, không sót lần nào. Căn nhà anh, ban đầu còn rộng, từ từ trở nên chật chội và sau đó biến thành nhà trẻ, ngổn ngang đến phát khiếp. Suốt nhiều năm, bả không phải đi làm, ở nhà lo đẻ và trông coi đám trẻ cũng ngất ngư con tàu. Anh đi làm về cũng đâu có yên, nào giặt đồ, rửa chén, tắm cho mấy đứa nhỏ. Mãi đến khi đứa thứ tư đi học, bả mới đi làm, vì ở nhà hoài cũng buồn. Bả đi làm, tiền bạc có rộng rãi hơn, nhưng cũng từ đó, những chuỗi ngày đen tối của anh bắt đầu.

Anh bạn bên cạnh đập bàn, cười khề khà:

– Ðoạn nầy khá hấp dẫn đó, bây giờ mời quý vị cạn ly trăm phần trăm rồi  nghe anh Sáu trút bầu tâm sự tiếp. Vô đi, vô! vô!!!

Cả bàn đưa ly lên cụng côm cốp. Anh Sáu thong thả kể tiếp:

– Mấy chú biết không, hai vợ chồng thay phiên nhau đưa rước các con, về đến nhà còn phải lo nấu nướng, dọn dẹp đến mười một giờ khuya mới xong. Ðáng lẽ đây là giờ nghỉ ngơi, nhưng bả thường lợi dụng giờ phút rảnh rang này để quay sang “dạy dỗ” anh. Có nhiều chuyện anh làm sai từ hồi thuở nào không biết, vậy mà bả kể lại vanh vách. Anh biết, cãi cọ cũng chẳng ích lợi gì, nên ậm ừ cho qua chuyện. Nào ngờ,  làm thinh bả cũng bắt lỗi “Tại sao nói mà anh không quan tâm? Ðúng hay sai, sao không đính chính?”. Các chú thấy chưa, chỉ còn cách nhắm mắt, ngủ luôn cho yên chuyện. Chưa hết đâu, nói ban đêm thấy không hiệu nghiệm, vả lại, cũng cần ngủ để lấy sức, sáng dậy sớm đi làm, nên bả đổi sang ban ngày. “Cái màn cửa phía trước xệ một bên, nói với anh cả tháng nay mà vẫn chưa sửa. Cái ngăn  kéo ở nhà bếp bị hư hai tháng rồi anh cũng để vậy. Chuyện ở đâu anh cũng lẹ làng, còn ở nhà thì cứ nhởn nhơ”. Ðó là bài giảng trong khi ăn cơm mà anh thường gặp. Trước mặt con cái, anh chỉ biết cười trừ  “Anh sẽ làm mà, đừng lo!”.  Hầu như lúc nào có giờ gặp nhau, anh cũng bị phàn nàn về một vấn đề gì đó. Công nhận, có nhiều điều rất  cần vợ nhắc nhở, nhưng nếu chị Sáu nhắc một cách nhẹ nhàng, ngọt ngào, anh sẽ vui vẻ tiếp nhận. Ngược lại, để cửa nhà êm ấm, mình phải trở thành người câm điếc là xong. Bả nói hoài cũng có lúc mệt. Ối! lo gì. Có ai không bị vợ cằn nhằn, nói đi!

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Một anh bạn trẻ góp lời:

– Phần em thì chỉ bị mệt tai khi lái xe thôi anh Sáu à! Mỗi lần lên xe, cô ấy cứ nhìn tới, nhìn lui và bắt đầu phát thanh “Anh chạy như vậy gặp cảnh sát thế nào cũng lãnh ticket. Qua “lane” trước đi, để tới chỗ quẹo không kịp” hay là “Anh lái sát xe trước rồi thắng gấp, nguy hiểm quá đi. Ðã nói coi đường trước mà không nghe, bây giờ lạc tới lạc lui!…”. Có nhiều lần em nhắc khéo “Lên xe là chắc chắn sẽ tới nơi em muốn. Cứ nghe nhạc, ngắm cảnh, mọi sự để anh lo, khi nào nguy cấp thì báo động cho anh được rồi”. Ðược một hai lần, rồi đâu cũng vào đó. Nhiều lúc nghĩ cũng lạ, không hiểu tại sao mình không bị tai nạn vì cái máy phát thanh bên cạnh. Em nhớ có một câu nói khôi hài ý nhị “Anh thì lái xe, còn em lái anh”. Cũng có lợi là đỡ buồn ngủ, nhưng đôi khi cũng bực mình, muốn lao vào cột đèn cho rồi.

Một anh bạn khác xen vào than thở:

– Tôi thì luôn khổ sở vì phải nghe phàn nàn về những người bạn mà bả không ưa. Dĩ nhiên, bả cũng có nhận xét nhạy bén về một người nào đó, nhưng tính tôi xuề xoà, ai sao mặc họ, miễn đừng đụng chạm đến mình thôi. Còn bả, nếu không thích ai thì bả bắt mình không thích theo.

Bạn thân mến,

Thượng đế tạo ra đàn ông và đàn bà có rất nhiều điểm khác nhau. Các đấng mày râu, từ khi chào đời đã thể hiện cái khí thế ngang tàng “đầu đội trời, chân đạp đất”. Còn nhỏ thì phá phách đến cha mẹ cũng phải sợ. Lớn lên, bước vào đời như cơn bão tố, chữ  “khuất phục” hình như không có trong đầu, nên thường được gọi là “phái mạnh”. Các bà được gọi là “phái yếu”, nhưng  thực ra không yếu chút nào,  mà họ lại còn có những loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm là “sắc đẹp, sự ngọt ngào, nước mắt và nói dai”. Khi còn ngoài vòng hôn nhân, dù là con ngựa hoang ngang tàng, có ai là thoát khỏi vòng vây cuả hai loại vũ khí “sắc đẹp và sự ngọt ngào” đâu. Nhà thơ Ðinh Hùng đã từng viết:

Những buổi đó ta nhìn em kinh  ngạc

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Hồn mất dần trong cặp mắt  lưu ly

Ðể rồi cuối cùng, đấng nam nhi nào cũng tự động trói tay để chịu khuất phục trước phái yếu. Các bạn đã từng nghe một định nghĩa hay nhất về tình yêu không? “Yêu có nghĩa là chết cho nhau”. Nghĩa là mỗi ngày, cái con người ngang tàng trong bạn sẽ chết dần  – vì những giọt nước mắt hay những lời nói dai dẳng – trong cái tổ ấm mà bạn đã tự chui vào. Và điều đó không có gì là nghịch lý. Ðàn bà mà không biết “cằn nhằn, nói dai, nói dài” mới là bất thường. 

Có lần, người viết đọc được một ý tưởng khá thú vị như sau:

“Thực ra, đa số phụ nữ nói nhiều không phải chỉ vì bản thân họ, mà chính vì mong muốn gia đình chung tốt đẹp, và xét cho cùng họ có quyền nói khi ở cương vị “nội tướng” trong gia đình. Tuy nhiên, nói ở chừng mức nào lại phải phụ thuộc vào nghệ thuật khéo léo của mỗi người. Có người, nhờ vận dụng phương pháp này mà có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng ở nhiều người khác thì lại là một sự thất bại. Dù sao, với nam giới, họ nhìn nhận sự nói nhiều của phụ nữ là một tật xấu. Và để họ kết luận bạn là một phụ nữ nói nhiều thì cũng đồng nghĩa với sự thất bại.”

Bạn ơi! nếu bạn không thể khá hơn vì những lời “uốn nắn” của vợ cũng không sao. Nhưng hãy tập cho đủ can đảm và công lực như anh Sáu để chấp nhận vợ mình dùng loại vũ khí lợi hại nhất – nói dai – trong việc xây dựng gia đình với quyền nội tướng mới đáng mặt anh hùng. Và hạnh phúc chỉ giữ được trong tay những vị anh hùng!

TYH – Dallas – TX