Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Gửi Hoài Ziang Duy, như một lời tiễn biệt, và Nguyễn Đức Tân

Chiều Thứ Sáu, đang ngồi sắp chương trình cho buổi dạ tiệc gây quỹ sắp tới thì nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Tôi ngó lơ, vì đầu óc đang lu bu với những hàng tên, con số. Nhưng rồi chợt nghĩ “Biết đâu là một mạnh thường quân nào có lòng hảo tâm muốn ủng hộ”. Tôi bấm nút và một giọng nói quen quen vang lên:

– Anh Tài ở DC đây. Mới thấy chú nói chuyện trên đài SBTN và có số phone, anh mừng quá nên gọi liền.

Sau vài câu thăm hỏi, anh báo tin người em trai là Hoài Ziang Duy đang bệnh nặng.

– Chú gọi thăm và khuyên nó đừng đi. Bị té hoài mà anh nói không được.

Biết tôi là bạn tù thân thiết của Duy, nên anh Tài nhờ tôi nhắc nhở. Nỗi buồn ập đến trong một thoáng bàng hoàng. Tuổi già lặng lẽ đến, rồi lần lượt sẽ là những cuộc chia ly biền biệt. Tôi thẫn thờ rất lâu trong khoảng không thinh lặng, hồi ức chợt ùa về.

Hoài Ziang Duy Trung Đoàn 15 (năm 1971)

 

Nhớ thời tuổi trẻ đã xa khuất, mù khơi, Hoài Gziang Duy và tôi bước vào cuộc chiến:

Nửa đêm kẻng giục, quân ra trận
Kinh động cả lòng đêm tối bưng
Nhận lấy ba ngày cơm gạo sấy

Không buồn chỉ một chút bâng khuâng (*)

Tôi gặp Hoài Ziang Duy tại trại tù Vườn Ðào. Chúng tôi bị nhốt chung trong đội Ba, là đội dành riêng cho những người lính được xếp vào loại “ác ôn, nguy hiểm”, gồm các sĩ quan ngành chính trị, tình báo và an ninh quân đội. Nhóm tù nầy bị kiểm soát kỹ, không cho ra ngoài lao động vì sợ trốn thoát. Thế là chúng tôi được “Ở Không”. Ở không… để đếm thời gian dài thăm thẳm. Ðể ngậm ngùi nhớ lại những tháng năm cũ, với giày sô, áo trận, với bạn bè đậm đà tình đồng đội. Ðể cuồn cuộn trong tâm trí câu hỏi không có lời giải đáp “Cuộc đời mình rồi sẽ ra sao?”. Ðể nung nấu trong lòng những toan tính vượt trại, để tìm lại sự tự do đã bị tước đoạt một cách tức tưởi.

Thế rồi, tôi trốn thoát khỏi trại Vườn Ðào vào đầu năm 1979, trước khi bạn bè còn lại bị chuyển đến trại Xuyên Mộc, trong đó có Hoài Ziang Duy. Sau hai mươi bảy năm mới có duyên gặp lại anh ở DC. Không thể tả hết nỗi vui mừng của hai người bạn cùng mang số phận bất hạnh trong một đoạn đời lao đao theo vận nước tang thương, tưởng không còn cơ hội tương phùng. Qua cuộc trò chuyện, tôi được biết Hoài Ziang Duy vẫn tiếp tục sáng tác và cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị như Ông Tướng Sang Sông, Lối Ði Dưới Lá Ðời Thà Như Mưa, Bốn Ngàn Năm Chen Lấn v.v. Những tác phẩm gói ghém tâm tư khắc khoải của người chiến sĩ VNCH ngày đêm xông pha trong khói lửa chiến chinh với ý chí kiêu hùng, giờ đây chỉ còn lại những tiếng thở dài chua xót khi nhìn lại quãng đời mình đã đi qua trong niềm cay đắng.

Hoài Ziang Duy và hiền thê (năm 1972)

Nhớ lại những ngày anh em nhớn nháo trong trại tù Vườn Ðào, tuổi đời chưa đến ba mươi. Tất cả đều có chung một quá khứ để nuối tiếc, bùi ngùi. Có chung một tâm trạng, một nỗi buồn mất nước và cuối cùng là cùng chung một phận số nghiệt ngã, hẩm hiu.

Xem thêm:   Có một người cha như thế

Năm 1977, cơn đại lụt chưa từng có trong lịch sử. Giữa biển nước Ðồng Tháp Mười mênh mông, nằm trên bè cỏ cao tận nóc nhà, chúng tôi vẫn sống sót, dù phải ngoi ngóp chống chọi với cái đói khi bị quản trại cắt phần bobo để cứu đói cho dân (thật hay giả khó biết!). Sau khi nước rút, ổn định lại chỗ nằm, chúng tôi biết rằng mạng sống của những người tù như con kiến trong tay đám vệ binh, chỉ cần bóp nhẹ là kết thúc một mạng người như trò chơi, mà họ lại được tuyên dương như vừa lập được chiến công vĩ đại. Ðại tá Nguyễn Ðức Xích, Ðại úy Quách Dược Thanh, còn nhiều người nữa đã bị giết chết một cách tàn nhẫn và dễ dàng như cái phủi tay.

Lúc ấy, Hoài Ziang Duy, Nguyễn Ðức Tân (hiện đang cư ngụ tại Fort Worth, Texas) và tôi đã lén lút làm thơ, phổ nhạc, để trải lòng với những thao thức của người lính trẻ bị ép buộc buông súng trong niềm uất nghẹn, những ưu tư về quê hương, đất nước đang tan tác trong tay giặc, những nỗi nhớ khôn nguôi về người tình yêu dấu, không biết có còn ngày gặp lại. Chúng tôi viết và cất giấu trong kẽ vách lá với mong ước sẽ có cơ hội gửi ra ngoài, để một mai nếu không bao giờ được trở về thì vẫn còn để lại một vài dấu ấn của đời chiến sĩ bị lưu đày.

Mỗi lần nhớ về Hoài Ziang Duy – người bạn tù văn, thi sĩ tài hoa – tôi lại nhớ đến một bài thơ của anh mà tôi yêu thích nhất. Bài thơ đã được Thy Phương (Nguyễn Ðức Tân) phổ nhạc. Chúng tôi rủ nhau ra góc vắng để hát và góp ý sửa chữa từng chữ, từng câu cho phù hợp với nốt nhạc mà vẫn chuyên chở được nỗi xót xa, uất hận của những người trai trẻ phải mang thân tù đày bởi vận nước điêu linh.

Xem thêm:   Có một người cha như thế

Ngồi lại gần nhau (**)

Tôi là người tù binh trẻ tuổi
Của cuộc tình nội chiến mấy mươi năm
Hai mươi năm ru tình khúc da vàng
Tôi có gì đâu ngoài một đời lính thú

Buổi nay đây sau chiến trường yên ngủ
Ngựa đã buồn, tiếng hí dội không xa
Ủ trong một trận mưa già
Trăng hoa thế sự rồi xa muộn màng
Thôi nay xong phận lỡ làng
Giấc chiêm bao cũng ngỡ ngàng ngây ngô
Tráng sĩ hề! đã buông gươm xếp giáp
Núi rừng ơi! nghe run gió mưa buồn
Ngẩng lên trời một đời kiếp cô đơn
Cười với ta một giòng lệ nóng

Tôi có người yêu bé bỏng
Mối duyên đầu dan díu chuyện yêu đương
Buổi đi tóc quyện tình trường
Tình chàng ý thiếp còn vương bên lòng
Nay đã hết một đời cơn gió lộng
Giã từ thôi vũ khí ngủ bên đường
Ngày trở về chắc lạnh áo hơi sương
Nghe xa lạ một đời ta đã mỏi

Nầy người bạn tôi ơi
Tôi với anh cùng chung dòng nước lũ
Ðôi mắt buồn sao gợi nhớ xa xăm
Nhớ lắm không mời anh hút ấm lòng
Trông khói thuốc lãng quên đời còn lại
Nầy anh nhé! tưởng như tình khờ dại
Ôi tháng ngày hiu hắt buổi qua đi
Nói chi thôi những sâu kín đôi lời
Cùng hơi thở
Người tù binh thân thiết.

Trong tập truyện “Còn Không Lối Quay Về” xuất bản năm 2017, Hoài Ziang Duy đã viết những dòng đầy cảm xúc khi nhớ đến Tân, người bạn đã trốn thoát khỏi trại tù Xuyên Mộc “Ðêm nay, tôi có niềm vui thức dậy. Không ai nghĩ người bạn tưởng đã mất đi ở một chốn rừng sâu vượt trại. Bây giờ mới có tin. Là thật, là còn sống….Thời gian và không gian ngày cũ, những ngày lén lút làm những bài thơ, bài nhạc, và hát trong sinh hoạt trại tù. Tôi đã mang theo tập nhạc phổ thơ ở chuyến đi đầu tiên qua cửa xét hỏi. Tôi trân quý những dòng tâm huyết của người không còn trên cõi đời nầy, như tôi thường nói với bạn hữu. Vậy mà bây giờ, sau hai mươi lăm năm, chúng tôi mới có tin nhau.”

Chúng tôi, sau cuộc đổi đời oan nghiệt đã phải nuốt uất hận vào lòng để cố gắng vượt qua biết bao gian truân, tủi nhục. Và giờ đây, khi cuộc sống tạm ổn định trên quê hương thứ hai, rồi sẽ phải chuẩn bị cho một chuyến đi khác cũng đầy khắc khoải:

Thì đi, lầm lũi đi vô định
Ở cuối trời kia, vẫn cuộc chơi (*)

Anh Chị Hoài Ziang Duy và vợ chồng tác giả

o O o

Hoài Ziang Duy thân mến,

Tôi tin rằng khi đọc được những dòng chữ nầy anh sẽ vui, vì biết rằng quanh anh vẫn còn nhiều bạn hữu. Bạn chinh chiến Trung đoàn 15, Sư đoàn 9. Bạn tù đày chia nhau từng hơi thuốc. Bạn văn chương vẫn còn đâu đó với những dòng văn, ý thơ trang trải nỗi lòng trên các văn đàn. Với sự kiên cường của một chiến binh ngoài trận địa, với khí phách của người tù binh trẻ tuổi, cùng bè bạn lặng câm ôm mộng lớn, với nghĩa khí của người cầm bút đã sống tử tế với cái nghiệp của mình. Như anh đã viết: “Tôi đã sống trọn vẹn với vai trò cầm bút chính mình. Nó là sự đeo đẳng mà mấy chục năm qua, từ thuở ấu thời cho đến bây giờ vẫn không ngừng nghỉ. Tôi không nghĩ là nỗi đam mê, bởi đam mê chỉ có giai đoạn thời khắc qua tuổi tác thời gian. Còn ở đây, nó đi liền với đời sống, ăn ngủ, cùng chung một nhịp đập ở sự sống con người… Có điều an ủi là bạn bè trong giới văn nghệ, không gặp vẫn thấy vui, vẫn thấy một tình thân thiết tìm nhau. Nó không có biên giới đất đai lãnh thổ, tuổi tác.”

Tôi tin rằng với ý chí mạnh mẽ đã được hun đúc trong anh từ bao thăng trầm dâu bể, anh sẽ không bỏ cuộc chơi nầy. Và còn một điều quan trọng nhất trong cuộc đời, đó là cô giáo dịu hiền bên anh từ thời áo trận, mà ý tình đã được anh gửi gắm qua những lời thơ buồn thê thiết

Năm xưa anh cầm lấy tay em
Năm ngón tay nồng nàn nỗi nhớ
Tình yêu trong chiến cuộc trao nhau
Khác gì thân gác trọ
Ở một thuở vào nơi gió cát
Có giữ được bao lâu
….

Năm nầy anh cầm lấy tay em
Năm ngón tay đau khi tiết trời trở lạnh
Bàn tay xưa một thời chở che
Ðã già theo
Nhọc nhằn tủi nhục (***)


Những dòng tâm sự của anh như lời tạ tình chân thật nhất mà tôi tin rằng người vợ nào cũng sẽ mỉm cười trong dòng lệ chứa chan niềm hạnh phúc  “Tuổi học trò, em chưa biết đắn đo chọn lựa. Khi lấy nhau, em chưa biết sợ làm góa phụ ngây thơ… Nếu ở thời chiến, tôi không có thời gian gần gũi trong tình nghĩa vợ chồng. Lúc mất hết, mất luôn cả danh vọng, sự nghiệp. Và mất luôn cả miền Nam. Thì giờ đây, bên em là tôi. Tôi bên em. Em giữ gìn như gìn giữ một tình yêu chung thủy ban đầu”.

Hoài Ziang Duy ơi, anh không mất gì hết. Vẫn còn đó người tình muôn thuở đang cận kề bên anh. Hãy nắm tay, dìu nhau đi hết đoạn đường đời không còn dài lắm ở phía trước.

Yêu đã bao chiều vẫn thấy yêu

Ngàn năm mưa vẫn nói trăm điều

Bâng khuâng nghe chút tình chăn chiếu

Ai lấp ban đầu nỗi tịch liêu”. (****)

DHS

(*) Trích “Trước Giờ Tiếp Viện” thơ Trần Hoài Thư

(**) “Ngồi Lại Gần Nhau” thơ của HZDuy, khi phổ nhạc đổi tựa thành “Tình Yên Ngủ”

(***) Trích “Bàn Tay Có Điều Chưa Nói Hết” thơ HZD

(****) Trích “Mưa Bay Trong Đời” thơ Hoài Ziang Duy