Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

– Anh biết chuyện anh Dân có bồ nhí ở Việt Nam không?

– Làm gì có chuyện đó.  Anh Dân vừa bảo lãnh chị Dung qua đây mới vài năm thôi, chị ấy vừa xinh xắn, vừa giỏi giang, anh Dân quá là hạnh phúc, còn muốn gì nữa mà đèo bòng. Cũng mới đây thôi, anh Dân tâm sự với tôi rằng, sau khi bà vợ trước qua đời, anh rất buồn, cho đến 3 năm sau mới được người bạn giới thiệu chị Dung. Mới đầu, anh chỉ xem là bạn, nhưng dần dần có tình cảm nên quyết định cưới và bảo lãnh sang đây, để có người chia sẻ ngọt bùi trong tuổi xế chiều. Anh Dân nói, chị Dung thương anh thật tình, qua đây chí cốt làm ăn, không quan tâm hay so đo, tính toán chuyện tiền bạc. Thỉnh thoảng, hai người lại về bên ấy và ở lại chơi mấy tháng liền. Bạn bè ai cũng trầm trồ “Ông Dân được hưởng phước về già”.

– Tôi cũng có dịp gặp anh chị trong một tiệc sinh nhật của người bạn, trông chị Dung trẻ hơn anh Dân nhiều. Tính tình chị vui vẻ, cởi mở. Ai cũng khen ông nầy có số đào hoa, dù đã xấp xỉ bảy bó. Vậy mà còn sanh tật “trâu già ham cỏ non”.

– Thôi cha nội, coi chừng tin đồn thất thiệt đó nha.

– Tin này không thất thiệt chút nào, mà là thiệt… thiệt… thiệt trăm phần trăm. Tháng rồi, trong lúc ngồi chờ bà xã đi chợ ở Saigon Mall, tôi gặp anh Dân. Chính anh ấy đã  cho tôi xem hình “bồ nhí” …

– Ôi! mấy ông già hết xí quách hay lấy le để người khác tưởng mình còn phong độ đó mà. Cứ chớp hình của một cô nàng nào đó tuổi mười tám, ngực nở, mông to, chân dài tới nách, hằng hà sa số trên internet, rồi in ra, bỏ vào ví, đem khoe thiên hạ, có ai tìm hiểu lý lịch nàng đâu mà sợ. Anh nghĩ, nếu chuyện đó có thật, ổng có yên thân với chị Dung không?

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Ừ! tôi cũng nghĩ vậy, nhưng anh Dân kể rằng, mấy năm trước khi xảy ra đại dịch, hai vợ chồng anh hay về Việt Nam ăn Tết.

Tết năm 2019, anh muốn đi, nhưng chị thích đi làm kiếm tiền, nên không chịu nghỉ việc. Anh vờ hăm he “Ðể anh đi một mình, coi chừng có người vớt mất à nha”. Chị quay lại, nhìn anh từ đầu xuống chân, rồi cười nửa miệng – nụ cười làm anh hơi bị quê- “Xí…nghèo mà ham… ai mà thèm vớt ông… thách ông đó ”. Thế là anh ấy đi thật và ở lại suốt hai tháng. Cuối cùng thì không biết ai vớt ai, nhưng chuyện “dễ tin mà có thật” là anh Dân đã cặp kè với một cô gái nhỏ hơn anh hơn hai con giáp.

– Rồi chị Dung có biết không?

– Năm đó, anh Dân về Việt Nam hai lần. Chị Dung vẫn để anh đi tự do, không nghi ngờ gì cả. Cho đến một hôm, chị tình cờ đọc được tin nhắn hết sức tình tứ từ cô gái ấy trên điện thoại của anh. Không thể chối cãi, anh đành phải nhận tội.

– Ủa! tôi mới gặp anh chị trong tiệm phở tuần trước nè. Thấy hai người vẫn vui vẻ với nhau mà. Chẳng lẽ chị Dung không biết ghen?

– Ðàn bà ai mà không ghen. Khi khám phá ra mình bị phản bội, chị Dung rất giận dữ, hạch hỏi anh Dân đủ điều và đòi ly dị. Nhưng anh Dân biện minh rằng, đó chỉ là cách anh trả lời cho thái độ thách thức của chị. Dĩ nhiên, anh cũng sợ gia đình tan vỡ, nên xuống nước năn nỉ và hứa sẽ chấm dứt.

– Thật ra, anh Dân cũng có phần quá đáng. Ðã bảy mươi tuổi rồi, chứ đâu còn là trai tráng mà xung động, háo thắng dữ vậy. Anh ấy gặp được chị Dung là phước ba đời. Ða số, mấy ông già về Việt Nam cưới vợ, toàn gặp người lợi dụng để sang Mỹ, chờ khi có thẻ xanh hay quốc tịch thì vỗ cánh bay xa. Nếu không thì cũng tìm cách moi của, chứ làm gì có người như chị Dung, đã không  xài tiền của chồng, mà còn làm ra tiền cho chồng đi chơi thoải mái nữa.

– Anh phán xét như vậy có quá khắt khe không? Tôi nghĩ, lời thách thức của chị Dung đã chạm vào tự ái anh Dân, nên anh mới tìm cách chứng tỏ bản lãnh đàn ông của mình.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Bản lãnh gì? Mấy đứa con gái đua đòi, ham mê vật chất hay vì hoàn cảnh gia đình quá túng quẫn, chỉ cần cái mã Việt Kiều có rủng rỉnh chút tiền là nhào vô ngay, đâu cần tuổi tác hay xấu đẹp. Ở đây, có nhiều ông bị vợ xem thường, nên các ông muốn về Việt Nam để “định giá” lại bản thân mình. Nhưng đó chỉ là cái giá ảo. Ham làm gì?

– Có thể, anh Dân kiếm bồ nhí để thử thách tình cảm của vợ thôi.

Xưa nay, ai cũng biết anh ấy là người đứng đắn. Vợ mất hơn          3 năm, anh mới quyết định bước thêm bước nữa, chứ có nhiều ông, vợ mới lên bàn thờ là đã có người khác ngay.

– Có lẽ, dùng chữ nông nổi cho trường hợp của anh Dân mới đúng.

Anh đã tự đánh bóng cho cái hào quang ảo của mình mà không lường hậu quả.

May mà chị Dung bỏ qua, nếu gặp bà khác thì giờ này anh ấy sẽ biết đá, biết vàng… và lúc đó, ông già gân sẽ biết bản lãnh của mình “tệ” cỡ nào. Ha!ha!!!


Bảo Huân

Bạn thân mến,

Câu chuyện trà dư, tửu hậu của mấy ông già rảnh việc, đôi khi cũng gợi lên vài ý tưởng thú vị.

Ở đây, người viết không bàn về “cuộc tình ảo” của những ông già hom hem, “may mắn” góa vợ ở độ “tuổi hạc”, vội về Việt Nam rinh ngay một cô bồ nhí cho oai cuộc đời, hay mê mẩn tiếng “Yêu” của các nàng miệng còn hôi sữa,  mà không hề biết là tiếng yêu đó phát xuất từ “giấc mơ quốc tịch Mỹ”. Những chuyện nầy đã xưa như ông già Noel và tốn hao biết bao giấy mực, đến nỗi bây giờ không ai buồn bàn luận để thêm chán ngán. Ðiều mà người viết muốn chia sẻ cùng quý, đó sự thách thức của người vợ. Có nên hay không thách thức người đàn ông của mình trong mọi lãnh vực hay có giới hạn – điều gì nên thách và điều gì không nên?

Ðã sinh ra là “nam tử hán”  thì hầu như ông nào cũng có mang bản năng quyết đoán và hiếu thắng. Tùy môi trường sống và sự hấp thụ nền giáo dục mà bản năng nầy giúp người đàn ông thành công trong cuộc sống ngoài xã hội và hôn nhân, hoặc ngược lại, sẽ sa lầy vào những thất bại tai hại. Dù ở cương vị nào, người đàn ông cũng luôn muốn mình là cột trụ của gia đình, là chỗ dựa cho người phụ nữ đi cạnh cuộc đời mình và một mong muốn không kém phần quan trọng là  được vợ tôn trọng. Nhưng ước muốn đó không phải lúc nào cũng được như ý và khi cảm thấy người vợ có vẻ không cần mình, những người này thường mặc cảm, dễ tự ái trước mỗi lời nói, dù thật hay đùa của người vợ.

Người viết rất đồng cảm với ý tưởng trong một tiểu đề tâm lý gia đình, Khi tác giả nhắc đến những lời thách thức của người vợ: “Anh giỏi thì anh làm đi”, “Tôi thách anh dám làm”, “Tôi đố anh đấy”… Những lời thách thức dễ dàng bị chị em buột miệng nói ra trong cơn  nóng giận. Thực tế chứng minh, đàn ông khó kiểm soát cơn giận dữ hơn phụ nữ. Hơn nữa, ẩn sâu trong một người đàn ông luôn có sự hiếu thắng. Vì vậy, họ có thể làm bất cứ điều gì hồ đồ trong lúc ấy. Và hậu quả khó lường, có thể là người chồng, người vợ hoặc chính cuộc hôn nhân ấy phải hứng chịu.”

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Trong câu chuyện trà dư tửu hậu ở trên, có lẽ sau một thời gian hưởng trọn niềm hạnh phúc dư đầy, anh Dân chợt thấy mình không còn là chỗ nương tựa của vợ nữa -vì chị Dung quá say mê trong việc kiếm tiền- nên trong lòng anh nảy sinh một thứ mặc cảm thầm kín không bày tỏ được thì lời thách đố của chị đúng vào điểm nhạy cảm của anh. Thế là câu chuyện tìm bồ nhí xảy ra.

Theo thiển ý của người viết, cả hai anh chị đều có lỗi -với nhau– nhưng may mắn là chị Dung vẫn còn “yêu người độ lượng”(*), nên cuộc hôn nhân nầy đã được cứu vớt.

(*) Lời trong nhạc phẩm “Mùa Thu Paris” của Phạm Duy