Lời Giới Thiệu:  HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Ê! bữa nay đổi sang địa điểm mới nha, đặc biệt có sự tham dự của một “người cũ”.

– Ai vậy?

– Tới đó thì biết. Hỏi chi nhiều cho mệt. Ðể dành hơi một chút tranh luận với nó.

Tuấn nghĩ ngay đến Nghệ – một anh chàng nhỏ con, không lấy thịt đè người được nên dùng cái miệng, bạn bè thường chọc là cái “loa thịt” để áp đảo tinh thần, lẫn lỗ nhĩ của thiên hạ – đã tuyệt tích giang hồ khá lâu.

Khi có đầy đủ “văn võ bá quan” quanh chiếc bàn tròn và phin cà phê bắt đầu nhỏ giọt cũng là lúc câu chuyện mở đầu với “người cũ”.

– Bấy lâu vắng mặt, chắc có nhiều chuyện vui, kể nghe chơi anh Nghệ.

– Bảy Nghệ thì phải nói về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin mới đúng. Biểu ổng kể chuyện vui là trật đường rày rồi. Nè Nghệ, ông thử đoán cuộc chiến khốc liệt này bao giờ chấm dứt và chiến thắng sẽ thuộc về phe nào?

Cả bàn chăm chú nhìn Nghệ đang trầm ngâm với cặp kính đen bự chảng trên khuôn mặt dài thòng.

– Khi nghe một người ngoại quốc nào nói “Người Việt của ông có nhiều cái lạ lắm”, thì các ông nghĩ sao?

Nghe “người cũ” chuyển sang đề tài mới một cách đột ngột, mọi người không giấu được sự ngạc nhiên. Ðâu rồi một “bình luận gia” đanh thép với những nhận xét sắc bén, hùng hồn, không nhường một ai trong những cuộc tranh cãi về đảng phái, thời sự, chiến tranh…

– Ồ! nghĩ gì hả… tôi chưa động não, nhưng thấy… “người Việt có nhiều cái lạ” hôm nay là ông đó. Ha!ha!!!

Không để tâm đến lời trêu ghẹo của Triều, Nghệ tiếp:

– Khi tôi hỏi thằng bạn đồng nghiệp người Mỹ, từ đâu mà anh nhìn ra nhiều điều lạ của người Việt chúng tôi, nó bảo, cứ đi một vòng chợ sẽ thấy ngay.

Và kể từ hôm đó Bảy Nghệ đã giành “job” đi chợ của bà xã phải không?

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Vậy anh đã thấy gì?

– Xấu hay tốt?

Không để Nghệ có thời gian trả lời, Chất chen vào:

– À há, để tôi kể chuyện của tôi tuần trước ở chợ Walmart. Nhiệm vụ của tôi là đẩy xe mỗi khi đi chợ. Hôm đó, tôi đang dán mắt vào chiếc điện thoại trên tay, để chờ bà xã đi lòng vòng tìm kiếm món gì đó, mà phải giật mình vì tiếng nói cười rất thoải mái, vượt cả “bức tường âm thanh” của một phụ nữ Việt Nam đang lúi húi bươi móc ngăn chứa bắp. Bà ta lấy từng trái, ném qua, ném lại, lột tung vỏ, bấm hạt bắp để lựa trái ngon. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy nhột nhạt vô cùng khi nghe tiếng rên rỉ của một nhân viên chợ “Oh my God”. Không biết cô ta đang nghĩ gì, dĩ nhiên là nghĩ xấu rồi, nên tôi lẹ làng đính chính “Bà ấy không phải vợ của tôi” khi cô quay sang nhìn tôi. Cái nhún vai đầy vẻ bất mãn của cô gái khiến tôi phải nói dối một cách trắng trợn “Bà ta là… người Tàu!!!…còn tôi là người Việt”

Tuấn cười ha hả chen vào:

– Chơi gì kỳ vậy? Bộ chỉ có “Người Trung Quốc Xấu Xí” thôi sao, Việt Nam mình… hình như cũng không kém cạnh đâu. Công bằng chút đi cha nội.

– Biết vậy, nhưng tôi ghét lão Tập Cận Bình đang đem máy bay, tàu chiến tập trận, đe dọa Ðài Loan nên sẵn dịp “trả thù” luôn.

Nghệ lắc đầu, chán nản:

– Lạ thiệt!

Tuấn nuốt vội hớp cà phê, tiếp lời:

– Còn tôi, hôm Thứ Bảy, vừa ghé vào bãi đậu xe của chợ thì thấy một cô gái khá đẹp, ăn mặc đúng thời trang, vừa cất những bao thức ăn vào xe xong thì thản nhiên buông tay cho chiếc đẩy từ từ chuyển bánh ngay giữa hàng xe khác rồi quay bước tỉnh rụi. Sợ xe này sẽ va chạm làm trầy các xe xung quanh, nên tôi quay kính xe xuống, nói “Cô ơi, đẩy xe vào trạm, để nó ủi hư xe người ta”. Con nhỏ nghênh mặt “Xí! mắc mớ gì ông. Nhiều chuyện”, rồi rồ máy, de xe cái rẹt. Bước xuống, đưa chiếc xe đẩy vào vị trí của nó, tôi rủa thầm “Sẽ có ngày chiếc Lexus của mày bị quẹt trầy thê thảm con ơi”.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Nỡ lòng nào trù ẻo người đẹp vậy ông!

– Ðể cho nó hiểu cái cảm giác đau xót khi xe mình bị hư hao. Cái thứ không biết quan tâm đến kẻ khác chỉ mang tai họa đến cho người chung quanh mà thôi.

Nghệ thở dài:

– Lạ thiệt!

Anh Ba Gà – biệt danh của cựu chủ trại gà, công việc làm ăn vừa phất lên thì “bỏ của chạy lấy người”, mặc cho vợ con tiếc hùi hụi, vì chê ở nhà quê buồn quá, không có bạn để cà kê, dê ngỗng – tính tình vốn dễ dãi, ít khi bực bội chuyện bàng quan, hôm nay cũng lên tiếng:

– Bổ túc thêm một chuyện lạ trong họ hàng nhà tôi. Số là vào năm phát dịch covid, bà dì tôi tất tả chạy hết chợ này đến chợ kia, mua hằng chục bao gạo to, hằng chục thùng mì gói, rồi nước mắm, nước tương, số lượng cũng tính bằng thùng và hàng hàng, đống đống giấy vệ sinh chất đầy phòng. Sau nhiều lần giục giã, thấy vợ chồng tôi không nhúc nhích, bà nói “Không lo thân, mai mốt có chuyện gì đừng qua nhà tao xin xỏ”. Bà xã tôi trả treo “Cũng vì người mình rủ nhau giành giựt mua hàng, nên bọn gian thương mới có cơ hội để tăng giá cắt cổ. Chính mình hại mình đó dì ơi”. Hậu quả là cho đến bây giờ, hai mẹ con của bà ăn hoài cũng không hết ba cái thứ nhu yếu phẩm quá hạn, nhưng vì tiếc của nên không đành quẳng vô thùng rác.

– Lạ thiệt!

– Tôi thì không quên những lần chào hỏi kèm theo nụ cười ấm áp của mình được đáp trả bằng một khuôn mặt hầm hầm với ánh mắt vô cảm của đồng hương, khi chạm mặt nhau ở chợ hay ở tiệm ăn. Cái này mới lạ dữ phải không anh Nghệ?

– Lạ thiệt!

Nghệ thở dài, than vãn:

– Ðó là một số ít trong nhiều điều lạ của người Việt mình mà trước đây tôi không đặt thành vấn đề. Nhưng làm việc trong hãng, cứ nghe những người bạn nước ngoài nói về những điều khá “xấu xí” của người mình dưới cái nhìn của họ, tôi đã băn khoăn, ray rứt, đôi khi tức giận, nhưng không tìm được một lời biện minh hợp lý để họ hiểu và tin rằng “người Việt chúng tôi có rất nhiều điều tốt lành mà các anh chưa có cơ hội để biết”.

Bảo Huân


Bạn thân mến,

Mỗi con người đều chịu ảnh hưởng nếp sống, lề lối, thói quen trong gia đình, xã hội, gọi chung “nếp văn hóa”. Từ cách giáo dục của gia đình, trong khuôn mẫu “văn hóa sống” đó, thêm bản tánh riêng biệt mà người ta nhận thức được, để hình thành cái tư duy, từ đó thể hiện cách hành xử trong cuộc sống. Không thể phủ nhận là bất cứ sắc dân nào cũng có những người xấu. Nhưng khác nhau là sắc dân nầy có nhiều người xấu hơn sắc dân khác, bởi ảnh hưởng từ môi trường xã hội, chế độ cầm quyền. Bởi thế, nhiều người Việt chúng ta đã thâm nhiễm một nề nếp văn hóa xấu là “đèn nhà ai nhà nấy sáng, kém ý thức pháp luật, đặt nặng quyền lợi cá nhân, khôn lanh vặt vãnh” để sống còn. Do đó, có những cách hành xử đối với họ là bình thường, nhưng khi hội nhập vào môi trường nhân bản, văn minh có giá trị toàn cầu thì đó là một thói xấu, ảnh hưởng đến cái nhìn chung không tốt cho người Việt đối với người bản xứ.

 Người viết nghĩ rằng, tốt nhất chúng ta nên thành thật nhìn nhận một số tật xấu mà nhiều người Việt Nam hay vướng mắc khi giao tiếp với xã hội văn minh, hầu cố gắng thay đổi cho thích hợp với hoàn cảnh sống hiện tại, chứ không nên quá khắt khe, phẫn nộ. Bởi không dễ gì thay đổi một sớm một chiều khi mà những thứ  “lạ thiệt” với người nầy lại rất bình thường với người khác.

Lời nhạc của cố nhạc sĩ du ca Nguyễn Ðức Quang thấm thía biết bao khi tình cờ chúng ta nghe lại, phải không bạn?

“Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi

Mà phải cùng nhau ta làm cho tươi mới

Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau

Nghi ngờ nhau, khích bác nhau

Cho cay cho sâu, cho thật đau”.