– Hello! Hello! Xin thông báo “tình trạng khẩn trương”.

– Cái gì? Cái gì dzậy?

Thấy mọi người ngơ ngác, xôn xao, anh Ðang cố nhịn cười:

– Có gì đâu, chỉ muốn cho mọi người biết… tài xế đang buồn ngủ.

Có tiếng thở phào nhẹ nhõm:

– Ông nội này ác thiệt, làm tôi muốn đứng tim.

– Ở đó mà thiện với ác. Tôi lái xe mấy tiếng đồng hồ rồi, mệt muốn chết. Ai nấy ngủ ngon lành, đã vậy còn ngáy ro ro như chọc tức người ta. Nè! hổng ai chịu nói chuyện mà cứ lo ngủ, một hồi nữa là tui cho cả đám ngủ giấc ngàn thu, chứ hổng phải “Yêu anh, yêu đến ngày thu” như cô ca sĩ Ngọc Lan thầm thì, tha thiết nãy giờ đâu. Mấy người… sung sướng quá mà!

– Ừa! ừa… sướng thiệt. He!he!!!

Phe nam vươn vai sảng khoái. Phe nữ  lao xao lục lọi, tìm kiếm thức ăn. Anh Hậu chồm tới, vừa đặt gói xôi lạp xưởng được nén tròn trong bao “sandwich” vào tay tài xế, giả lả khơi chuyện:

– Tụi mình đã sống ở Mỹ hơn nửa đời người, quý vị có công nhận cuộc sống ở đây quá sung sướng không?

Anh Phan nhanh nhẩu:

– Ha!ha!!! Sướng quá đi chứ. Như tụi mình bây giờ được thong thả ngao du, được ngồi trên chiếc xe rộng rãi, chạy êm ru, được ăn xôi lạp xưởng, nhắm nháp cà phê, có tài xế lái xe an toàn, đưa mình đến nơi cần đến mà không phải trả tiền.

– Anh Phan nói làm tôi nhớ lại một chuyến đi từ Amsterdam đến Paris bằng chiếc xe 7 chỗ ngồi của người bạn cách đây gần chục năm. Thật ra, nó chỉ bằng hai phần ba chiếc SUV tại Mỹ thôi. Băng ghế rất chật, chân hơi dài một chút phải co rút lại mới đủ chỗ. Ngồi co ro chừng hai tiếng đã tê chân muốn chết. Chưa kể là khi bụng râm ran hay muốn “xả bình” phải nín thở chịu trận, chạy xe thật xa mới có “restroom”. Tới đó còn phải sắp hàng trả tiền, chờ đến phiên.

Anh Phan tiếp:

– Nói một cách đầy đủ, trọn vẹn là ở nhà Mỹ, đi xe Mỹ, lái xe trên xa lộ Mỹ, đổ xăng Mỹ và quan trọng nhất là xài nhà vệ sinh Mỹ không phải trả một xu nào mà lại sạch sẽ, an toàn. Còn nơi nào ngon hơn không?

Bảo Huân

Tiếng cười, tiếng nói xôn xao làm bầu không khí vui tươi, rộn rã và thời gian như lướt nhanh dưới ánh nắng chói chang càng lúc càng gay gắt. Nói nhiều, cười nhiều, chắc cũng tiêu hao năng lượng, nên anh Hậu -hoạt náo viên chính thức trong cuộc trò chuyện- lên tiếng:

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Mấy giờ rồi mà sao cái bụng của tôi nó kêu rột rẹt. Xin đề nghị ghé qua McDonald’s, thưởng thức cái Hamburger nóng hổi, sau đó “xả bình” rồi đi tiếp nha bà con.

Sau tiếng “OK” đồng loạt thì có tiếng phản đối mạnh mẽ.

– Không. Tôi không chơi với Hamburger.

– Ủa! nó có gây thù, chuốc oán gì với chị mà chị nghỉ chơi với nó hả chị Hoa?

– Thì… tại vì… tôi không thích.

Chị Khánh chen vào:

– Hoa à! hồi nãy anh Phan đã nói, tụi mình đang rất sung sướng vì được tận hưởng mọi tiện nghi của Mỹ phải không? Rõ ràng Hoa đang mặc quần Jean hiệu Levi, mang giày Nike, xách bóp Michael Kors… và chắc chắn là ở nhà Mỹ, nhưng sao không chịu ăn…

Chị Hoa cướp lời:

– Ðúng! nhưng tôi không ăn Hamburger. Quý vị cứ ăn thức ăn Mỹ. Còn tôi… khà! khà!…một gói xôi lạp xưởng cũng đủ ấm lòng chiến sĩ.

– Tôi đả đảo chị Hoa vì tội không chơi với Hamburger. Ai đồng ý giơ tay lên.

– Tôi..

– Tôi nữa….

Chị Hoa đâu dễ dàng thua cuộc:

– Ðây là đất nước tự do, tôi có quyền chọn món ăn tôi thích, sao mọi người ép tôi ăn món tôi không thích? Hồi xưa, khi ở tù về tội vượt biên, tôi còn được tự do ăn chuột, cóc nhái, cào cào. Tụi công an có tiếng là ác ôn còn chưa cấm hay ép tôi ăn món gì, sao mấy người độc tài thế?.

Anh Phan cũng quyết liệt không kém:

– Kính thưa chị Hoa, ở đây không có độc tài hay ác ôn, mà chỉ  muốn nói đến sự “công bằng”. Tôi nhớ, có lần chị kể,  bạn trai người Mỹ của con gái chị, đến nhà ăn cơm tấm bì, sườn, chả ngon lành, còn khen nước mắm ngon, khiến chị thích thú. Từ đó, chị có cảm tình đặc biệt với cậu ta và sẵn sàng OK, nếu nó ngỏ ý cưới con gái chị, dù trước đó chị nói như đinh đóng cột, rể của chị phải là người Việt Nam. Thử hỏi, nếu thằng bé chê nước mắm hôi quá, chắc chị không cho nó đặt chân đến nhà chị nữa, phải không? Người Mỹ ăn thức ăn Việt Nam, vậy thì người Việt mình cũng phải biết thưởng thức món ăn Mỹ mới công bằng chứ.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Anh Biên -người được bạn bè gọi là “nhà thông thái”- tự nãy giờ im ỉm như ngà ngà say… ngủ, cất giọng sang sảng như ông thầy giáo đang trên bục giảng.

– Hamburger là một món “fast food” có vai trò lịch sử với thành công vật chất của người Mỹ trong buổi ban đầu, khi nước Mỹ bắt đầu gây dựng nền kinh tế cho đến hôm nay. Nhờ vậy, chúng ta mới được hưởng những tiện ích sung sướng như bây giờ. Hamburger cũng là một đặc trưng của nền ẩm thực, nó thể hiện tính cách phóng khoáng, hiện đại, năng động, không màu mè kiểu cách, không phô trương, không quá chú trọng về hình thức của văn hóa xã hội Mỹ. Nhờ đó, chúng ta mới được sống thỏai mái ở đây, đúng không? Chị Hoa thử nghĩ, nếu giờ này chị còn sống trong cái văn hóa “nước mắm, nón cối, áo vàng” thì đời chị…. Dù là Hoa hay bông, chắc cũng sẽ rơi tả tơi từng cánh.

Cả xe cười ồ lên trong khi tài xế ghé xe vào bãi đậu. Chị Hoa ráng vớt vát cú chót:

– Công nhận anh Biên “lẻo mồm”. Ồ không!… tôi xin nói lại… anh Biên “dẻo mồm” thật. Có lý lắm, nhưng… xin lỗi… Hoa vẫn giữ vững lập trường… không ăn Hamburger, chỉ xin mượn chỗ để “xả bình” thôi.

– Không ăn món Mỹ thì không được dùng nhà vệ sinh Mỹ. Vậy mới công bằng.

– Cũng được… nhưng nói trước nhé, lỡ như….  tôi có “xả” trên xe ráng chịu nhé.

– Nhưng đây cũng là xe Mỹ, Hoa ơi.

Một trận cười kéo dài khi mọi người hăm hở tiến vào McDonald’s.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Sau khi no bụng với chiếc Hamburger nóng hổi, đầy đủ chất lượng -trừ chị Hoa kiên quyết tử thủ với gói xôi-  câu chuyện ăn uống lại bắt đầu trong cuộc hành trình tiếp theo. Anh Ðăng kể:

– Hồi năm hai ngàn…. lâu lắm…  một lần tôi phải vào tiệm Cici’Pizza, để ăn cái món mà tôi ghét cay, ghét đắng. Theo tôi, đây là món ăn dở chưa từng thấy, trong khi vợ con tôi thì thưởng thức tận tình và luôn miệng khen ngon. Ðã lỡ được khen là “người đàn ông lý tưởng, ‘chìu’ vợ, ‘chìu’ con hết mình”, nên tôi phải nín thở qua sông, chấp nhận mỗi tuần ăn Pizza một, hai lần. Nín thở riết chắc có ngày cũng chết queo, nên tôi nghĩ ra cách giải quyết. Cứ mỗi lần đi ăn, tôi đem theo cái hũ nhỏ, đựng chút nước tương pha thêm cục chao nhỏ, dùng làm nước chấm, thay vì dùng “Salad dressing”. Không ngờ, nhờ món “nước sauce đặc biệt” này mà dần dà tôi thấy Pizza không đến nỗi tệ.

Vẫn là chị Hoa bảo thủ:

– Tôi không giống anh Ðăng đâu. Tôi là con cháu của Hai Bà Trưng, là người phụ nữ kiên cường, nhất định không chơi với Hamburger, nên dù trời có trao, tôi cũng nhất định không lấy.

– Ở Mỹ, xài đồ Mỹ, tận hưởng cái không khí tự do không bao giờ có thể tìm thấy được trên chính quê hương mình, nhưng nhất định không ăn món truyền thống của dân Mỹ. Thật tội nghiệp cho Hamburger. Nó có tội tình gì mà bị kỳ thị quá vậy ta?

Tiếp lời anh Phan, là câu “khều” nhẹ của anh Biên -nhưng không biết có đánh động nổi “ý chí kiên cường” của chị Hoa không?

-“Dù ai nói ngả, nói nghiêng. Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.  Không biết câu nói này đúng với tâm sự của Hamburger hay chị Hoa?. Theo tôi thì Hamburger vẫn hiên ngang góp mặt trên thị trường “fas food”. Còn chị Hoa nhà mình thì mãi mãi mất đi cái thú ăn nhanh trong cuộc sống vốn đầy tất bật, nếu không chịu thử một lần, phải không bà con?.

DHS