Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

– Mẹ, con muốn mua cái xe này.

– Không! đồ chơi đầy nhà rồi, mua về chơi mấy ngày rồi bỏ mà cứ đòi mua?

Ðang loay hoay chọn cái yên xe đạp, tôi phải dừng tay lại, vì giọng nói mang âm điệu giận dữ như vượt cả “bức tường âm thanh” của người phụ nữ ở khu hàng đồ chơi trẻ con bên cạnh. Với tính tò mò, tôi bước qua để xem xét tình hình thì thấy một bé trai vùng khỏi tay người mẹ và chộp lấy trái banh bóng chày.

– Muốn ăn đòn phải không? Bỏ xuống ngay.

Thằng bé vẫn ương ngạnh giữ lấy trái banh. Chị giơ tay, phát vào cái mông tròn u mấy cái liên tiếp, thằng bé nằm lăn xuống sàn nhà, khóc ầm ĩ. Chị lôi con dậy, nó chống cự kịch liệt. Trong cơn giận như bùng lên tới đỉnh, chị cho cậu “quý tử” hai cái tát tay, rồi mở điện thoại nói oang oang như chỗ không người:

– Anh ở đâu, lại khu đồ chơi mau. Thằng Peter quậy tan nát đây nè. Anh đó nha, lúc nào cũng cắm đầu coi máy móc. Tới đây, đem nó ra xe cho tôi mua thức ăn, còn không thì đi về, rồi ngày mai nhịn đói. Ðúng là cha nào con nấy, thấy cái gì cũng đòi mua.

Không biết anh chồng phản ứng ra sao, chứ tôi thì lạnh xương sống khi nhìn nét mặt hầm hầm của chị  “Ôi! thằng con báo hại, làm cho bố nó bị dính miểng”. Hình như la hét chồng con chưa đã nư, chị quét luôn đôi mắt hình viên đạn sang hai bà Mỹ đứng cùng dãy hàng, đang thì thầm, to nhỏ với nhau. Dù không nghe thấy gì, nhưng tôi cảm nhận được sự bất mãn, khó chịu của họ, nên dzọt lẹ, vì ngượng ngùng bởi cách hành xử với con cái có phần thô bạo của đồng hương mình.

Buổi chiều, bên mâm cơm nóng sốt, tôi đã chia sẻ câu chuyện nầy với các thành viên trong gia đình.

Chị Hai nói rằng, không nên la mắng trẻ, nhất là ở nơi công cộng. Chị không chú trọng đến việc tâm lý trẻ sẽ bị ảnh hưởng thế nào, mà chỉ sợ người Mỹ cười chê dân Việt Nam mình và  nhất là sợ cảnh sát bắt phạt vì bạo hành trẻ nhỏ.

Anh Ba thì khác.

– Những đứa trẻ hư hỏng, không vừa ý cái gì là nằm lăn ra khóc ở giữa chợ như vậy, thì cha mẹ phải nện cho nó một trận, chứ có gì mà sợ người Mỹ chê cười. Có lần, tôi nhìn thấy ông bố người Mỹ cũng đánh, cũng lôi xềnh xệch và thảy đứa bé vào chiếc xe đẩy, mặc cho nó la hét, vùng vẫy. Con nít đòi cái gì cũng chiều chuộng thì làm sao dạy dỗ được. Con tôi hồi nhỏ, đứa nào cãi lại là tôi cho ăn roi mây. Tới bây giờ, tụi nó sắp lập gia đình rồi mà chỉ cần tôi tằng hắng một tiếng là nghe lời răm rắp.

Chị Hai trề môi, liếc xéo:

– Ừ! cậu hay lắm. Bởi vậy, con của cậu, có đứa nào gần gũi, thân mật với cậu đâu. Tới già, thui thủi một mình cho biết thân.

Anh Ba không chịu thua:

– Chị sợ con bỏ, nên lúc nào cũng chiều nó. Tôi khác chị, tôi không cần đứa nào nuôi hết. Về già, đã có chính phủ lo. Chỉ cần chúng nó thành đạt, kiếm được nhiều tiền là tốt rồi.

Thấy anh chị bắt đầu tranh cãi, tôi vội vàng xen vào:

– Anh chị ơi, em xin can. Ai cũng có cách dạy con theo quan niệm mình. Em chỉ muốn nói đến vấn đề tâm lý. Ðối với những đứa trẻ phá phách, cứng đầu, muốn nó nghe lời, cha mẹ có phải cần la hét, đánh phạt không? Ngoài ra, với cái nhìn của người khác, thì thái độ dạy con hung hãn của bậc cha mẹ, mà người mình thường nói “thương cho roi cho vọt” nơi công cộng có phải là cách hành xử của một người có văn hóa hay không?


Bạn thân mến,

Theo định kiến đã ăn sâu vào tâm thức biết bao đờiđã trở thành khuôn mẫu trong việc giáo dục con cái của người Việt là phải nghiêm khắc. Vì muốn con cái nên người, nên khi trẻ thể hiện hành động nghịch ý mình, cha mẹ không ngăn được sự tức giận, đã la mắng, răn đe và dùng cả roi đòn để ngăn chặn. Như trường hợp anh của người kể câu chuyện trên là một mẫu hình mà bậc cha mẹ luôn tự hào – vì được con cái sợ. Có lẽ, nhiều thế hệ đã trưởng thành theo truyền thống gia đình Việt Nam từ xưa, đã quen với nề nếp này, nên mặc nhiên chấp nhận đó lối giáo dục của nền văn hóa Ðông Phương. Và có lẽ, cũng có nhiều người lúc nhỏ đã từng bị quở phạt, la mắng bất kể ở đâu khi làm điều gì không đúng ý cha mẹ, nên người ta xem hành động dạy con của người phụ nữ trong chợ rất bình thường. Giáo dục con cái là một phạm trù rất lớn, ở trang nầy người viết muốn chia sẻ vài ý nghĩ về sự la mắng con nhỏ nơi công cộng sẽ có hậu quả thế nào đối với trẻ và sự đánh giá của người khác khi nhìn cách hành xử như thế của cha mẹ.

Với con trẻ

Tiến sĩ Joseph Shrand, giảng viên môn Tâm Thần Học tại Trường Y Harvard cho biết: “Chúng ta thường tức giận bởi vì muốn con mình ngừng làm cái này, hoặc muốn làm cái kia”. Ðây là những hành vi mà cha mẹ mong muốn con cái thay đổi, có thể dẫn tới một cơn tức giận bộc phát. La hét là phản ứng của một người khi họ tức giận. Không có gì sai khi chúng ta cảm thấy tức giận một điều gì đó, nhưng cái cách mọi người làm với sự tức giận mới là vấn đề nghiêm trọng” (*)

Ðối với cậu bé bốn, năm tuổi, ham thích món đồ chơi mới là chuyện rất bình thường. Người mẹ lại phán đoán đứa trẻ như suy nghĩ của người lớn “Ðã rồi sao lại đòi mua nữa”. Do đó, khi không ngăn được hành động của đứa trẻ thì người mẹ đã trút cơn giận lên đứa bé bằng lời la hét bạo lực và đe dọa. Việc la mắng thường xuyên khiến trí óc non nớt của cậu bé hình thành nỗi sợ hãi, sự bất an về tâm, dẫn đến việc trẻ nhỏ dễ gắt gỏng, giận dữ, thích la mắng.

Với cái nhìn từ người xung quanh

Theo luật lệ bảo vệ trẻ con ở Hoa Kỳ “Việc tát tay trẻ em cũng là phạm pháp, dù người đánh bé là ai, kể cả cha mẹ cũng là phạm tội. Khi đã có tội, họ sẽ bị bắt bỏ vào tù ngay lập tức và phải ra tòa để nhận quyết định khởi tố”. Ðó là về luật lệ gắt gao, đưa đến hậu quả không lường được. Khi người bản xứ nhìn thấy hành động dạy con của người mẹ, họ sẽ xem đó là loại người xấu, thiếu giáo dục.

Người viết đã cảm kích cách hành xử thật nhẹ nhàng của người mẹ Mỹ tại bưu điện cách đây không lâu. Hôm đó, trong lúc đến bưu điện sắp hàng để gửi quà Giáng Sinh, có một bà mẹ khoảng ba mươi tuổi, tay bế bé gái nhỏ, dắt thêm hai cậu trai chừng khoảng ba và năm tuổi. Ðứng chờ lâu, hai cậu nhóc bắt đầu rời mẹ, bước tới ngắm nghía cái kệ bày thư và tặng phẩm. Ðứa bé lớn bắt đầu táy máy, lấy bì thư đưa cho em và ngồi xuống chơi. Một vài người quay sang nhìn với vẻ ái ngại. Bà mẹ liền rời hàng, bước đến gần hai con, ngồi xuống nhỏ nhẹ nói “Hãy để những thứ nầy vào chỗ cũ, vì đây vật riêng của bưu điện, không phải đồ chơi của các con. Ðứng lên xếp hàng với mẹ. Khi xong việc, về nhà, con sẽ chơi với đồ chơi của con. Các con ngoan, mẹ yêu các con”. Ðứa con trai lớn vùng vằng, phụng phịu. Cô vuốt tóc, tiếp tục thì thầm, rồi ôm hai trẻ sát vào đứa bé gái cô đang bế trên tay. Hai đứa trẻ cúi đầu lắng nghe, sau đó đem trả tất cả vào chỗ cũ. Có lẽ, hành động của cô đã gây được sự cảm kích, nên người khách đứng đầu hàng nói lớn “Tôi xin nhường chỗ nầy cho cô, để khỏi phải chờ”. Nói xong,  ông bước lui vào chỗ người mẹ đã sắp hàng, gần phía sau cùng.

Tôi nghĩ, cách hành xử tử tế của người phụ nữ này đã làm cho người chung quanh cảm mến. Và cử chỉ nhẹ nhàng, lời nói ngon ngọt ấy sẽ tạo nên một cuộc sống vui vẻ, tốt đẹp về sau cho những đứa trẻ khi chúng trưởng thành.

Bảo Huân

(*) Homepage Dr. Joseph Shrand