Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Tngueôi gặp lại vợ chồng Thọ, người bạn rất thân sau 30 năm xa cách. Bên tách cà phê thơm ngát, anh chị nhắc lại chuyện ngày xưa với nụ cười tỏa sáng những niềm vui.

Gia đình Thọ có bốn anh chị em. Sau tháng tư năm 1975, Thọ và người anh bị đi tù cải tạo suốt 5 năm. Anh của Thọ được thả về trước. Người chị dâu bán hết gia sản để lo cho chồng vượt biên. Hai năm sau ngày đến Mỹ, anh kết hôn với người phụ nữ khác, đành đoạn rời bỏ vợ con một thời nghèo khó, khốn khổ bên nhau. Vì thế, khi Thọ được thả về, gia đình không ai tán thành cho anh vượt biên một mình. Mẹ và hai chị đều nói “Nếu được, vợ chồng con cái cùng đi, không thì ở lại, ai sao mình vậy. Thà nghèo khổ mà gia đình bền vững, còn hơn tạo ra cảnh biệt ly để rồi tan tác, chia phôi”.

Cuộc sống sau khi rời khỏi nhà tù đối với Thọ là một cuộn dây xích nặng nề quấn quanh cổ họng, đầm đìa những uất hận. Ngày ngày phải gò lưng chạy xích lô, thân xác rã rời, mà đêm về cũng chẳng yên. Hết công an khu phố đến phường khóm gây đủ thứ khó khăn, phiền hà. Gần vợ con, Thọ cảm thấy hạnh phúc bao nhiêu, thì thái độ hống hách, ngang tàng của kẻ CA làm anh tức tối bấy nhiêu. Chị Thọ hiểu nỗi khổ tâm mà chồng mình phải chịu đựng, nên quyết định hy sinh. Chị bán hết tư trang còn sót lại, âm thầm vay mượn tiền bạc để lo cho Thọ vượt biên cùng thằng con lớn. Chị thầm nhủ, nếu anh có phản bội, chị cũng cam lòng, miễn sao anh được an vui và quan trọng hơn hết là tương lai của đứa con trai. Gia đình chồng nhất quyết cản ngăn, vì sợ  anh Thọ lại bước theo con đường bội bạc của người anh Cả. Anh Thọ vốn ít nói, dễ tính, “sao cũng được”, nên anh đã có mặt trên chiếc tàu vượt biên do vợ sắp xếp. May mắn thay chuyến đi êm ả, thành công. Ðược tin cha con anh đến trại tỵ nạn bình yên, chị Thọ đã đến Chùa lạy Phật, ăn chay một tháng để tạ ơn.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Trong những năm đầu, Thọ thư từ liên lạc thường xuyên. Lần hồi, những cánh thư thưa dần. Chị hỏi thì anh trả lời, phải làm việc nhiều giờ để có tiền gửi cho gia đình và chuẩn bị bảo lãnh chị cùng con gái, nên không có thời gian viết thư. Chị bắt đầu nao núng khi tưởng tượng… “Không chừng… anh ấy…”. Nhưng rồi chị lại tự trấn an mình “Không! anh Thọ nhất định sẽ là người chồng, người cha tốt…”

Thời gian thấm thoát trôi qua, 8 năm sau chị và đứa con gái 10 tuổi được đoàn tụ cùng anh tại miền đất hứa. Ngồi đếm lại những năm tháng cô đơn tưởng chừng như ác mộng. Anh chị cưới nhau, sống chưa tròn một năm thì anh khăn gói vào tù, để lại đứa con vừa mới chào đời còn đỏ hỏn. 6 năm anh gian lao, đói khổ nơi vùng đất tù đày, khắc nghiệt là 6 năm chị bôn ba xuôi ngược tìm miếng cơm, manh áo, vất vả từng ngày. Rồi anh trở về. Thời gian sống bên nhau thật ngắn ngủi, chưa trọn vẹn niềm vui đoàn tụ thì lại chia tay thêm 8 năm nữa. Vậy mà hạnh phúc vẫn còn đây – niềm hạnh phúc tưởng chừng như chỉ có trong giấc mơ. Thằng con nay đã 17 tuổi, cao lớn như người Mỹ, giống cha cười nhiều hơn nói. Ở bên đây một mình, mấy năm đầu, anh Thọ phải gửi con để đi làm, ít có thì giờ để chuyện trò với con, nên tiếng Việt của thằng Hậu cứ lơ lớ nghe thật buồn cười mà cũng thật dễ thương. Nhìn anh Thọ có vẻ khoẻ mạnh hơn xưa, già đi một chút, nhưng vẫn cái tính kiệm lời. Chị rất muốn nghe anh kể hết những vui buồn suốt 8 năm gà trống nuôi con nơi xứ người, vậy mà có khi nào anh chịu mở miệng. Anh hay nói “Vợ chồng, con cái sum họp là anh sung sướng lắm rồi. Hãy quên những ngày tháng chia ly, buồn bã. Bây giờ, mình phải góp sức lo tương lai cho con cái”.

Những ngày đầu sum họp, tràn ngập trong niềm hạnh phúc vô bờ đã trôi qua, giờ là lúc chị cố gắng hòa nhập và tìm hiểu những gì đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống gia đình. Ðiều đầu tiên là chị cảm thấy giờ giấc làm việc của anh Thọ có hơi lạ – theo suy nghĩ của chị lúc ấy. Có khi anh về đến nhà 7 giờ tối, ăn uống xong là một lát anh ngủ khò. Chẳng bao lâu anh lại thức dậy, lục đục đi làm lúc 4 giờ sáng. Có ngày lại đi từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối mới về. Công việc gì mà lạ lùng vậy? Thật sự chị không muốn… mà cũng phải nghi ngờ. Nhưng làm sao để  tìm hiểu sự thật. Ở Việt Nam còn quen biết người nầy, người nọ để hỏi thăm, bên nầy, anh có đi đâu, làm gì chị cũng chẳng biết. Xe cộ thì chưa lái được, xung quanh lối xóm, nhà cửa đóng im lìm, chị cảm thấy hoang mang, sợ sệt, nên không dám hé môi với anh về nỗi thắc mắc của mình, chỉ ậm ờ gật đầu khi anh bảo “Hôm nay anh phải làm thêm giờ”. Chị âm thầm đau khổ với ý nghĩ “Hay anh ấy đã có một gia đình khác?”.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Có một lần, trong bữa ăn, Thọ nhăn mặt phê phán “Sao canh lạt quá vậy em?”. Chị sa sầm nét mặt, lẫy hờn “Vậy… chắc bên kia canh ngon hơn”. Anh ngẩn người nhìn chị rồi im lặng không nói một lời. Mỗi lần anh có vẻ không hài lòng về chuyện gì đó, chị lại cao giọng móc ngoéo “Không vừa ý thì qua bên kia đi”. Anh không có chút phản ứng mà cứ tỉnh như không, chị càng thêm nghi.

Mãi một năm sau, khi bữa tiệc “Kỷ niệm ngày đoàn tụ” đã tàn, trở vào căn phòng chỉ dành cho hai người, chị mới mạnh bạo nói hết những thắc mắc, nghi ngờ của mình. Chị còn làm ra vẻ quân tử khi bảo rằng, rất thông cảm cho sự cô đơn của anh, nên sẵn sàng bỏ qua, nếu anh thành thật cho chị biết về “cái nhà bên kia”! Chừng đó, anh Thọ mới chợt hiểu và nhớ lại những câu lẫy hờn bóng gió của chị trước kia. Anh phá lên cười. Cười một cách thích thú, rồi ôn tồn giải thích cho chị hiểu về việc làm của anh với giờ giấc bất thường. Nhưng cũng từ đó anh mới nhận ra, vì cái tính ít nói và suy nghĩ đơn giản của mình mà gây ra sự hiểu lầm tai hại nầy.


Bạn thân mến,

Trong cuộc sống hằng ngày, chỉ vì không chịu nói đủ với nhau những điều phải nói, nên có thể vô tình làm hoen ố tình yêu trân quý của lứa đôi. Nếu các ông còn phân biệt rằng “có những chuyện mình lo toan không cần thiết phải nói với vợ” hay ngược lại “nói với ổng cũng bằng thừa”, thì có ngày bạn sẽ bị hiểu lầm như anh Thọ.

Vợ chồng, ngoài bổn phận đối với nhau, còn phải là đôi bạn thân thiết nữa. Sự lo âu trong gia đình, nỗi khó khăn ở chỗ làm, những vui buồn trong giao tiếp bên ngoài, sao lại không được chia sẻ với nhau? Người viết nghĩ rằng, sự cảm thông của người bạn đời là một thần dược công hiệu hơn tất cả, giúp chúng ta vượt qua mọi gian nan trong cuộc sống. Giả như hồi đó, chị Thọ chỉ cần vui vẻ nói như nửa đùa, nửa thật “Sao anh đi làm về trễ hoài. Có phải anh bận lo cho bà nào phải không?” thì mọi việc đã được giải thích rõ ràng, để chị khỏi phải ôm ấp mối hoài nghi rồi đau khổ một mình. Ðừng chờ đợi người đàn ông của mình tự hiểu rõ đối phương đang nghĩ gì. Thông thường, họ rất đơn giản, có nói thẳng vào tai, chưa chắc họ đã hiểu hết những “gai góc” phát sinh từ tâm lý nhạy bén của các bà. Dù sao, nói rõ những ý nghĩ, ước muốn của bạn là cách hay nhất để gìn giữ hạnh phúc. Ðàn ông có thể thông minh ở nhiều lãnh vực khác, nhưng thường rất chậm hiểu tâm lý đàn bà.

Còn bạn là người chồng, đừng hà tiện lời tâm sự với vợ, dù những chuyện vu vơ. Hãy cùng chia sẻ công việc của bạn mỗi ngày, bạn sẽ không bao giờ có cảm giác cô đơn, kể cả những lúc mọi người xa lánh bạn. Cuộc sống của chúng ta thật sự là những giây phút ta đang có -trên bàn ăn đạm bạc hôm nay, nơi chiếc sofa ta ngồi xem tivi, trong chiếc xe đang đưa ta đến khu phố… bên người bạn đời đang lẽo đẽo bên ta.

Nếu chưa từng nghĩ như vậy, bạn hãy thử đi, sẽ có nhiều điều thú vị trong cái mà tôi gọi là “chuyện xưa lắc, xưa lơ”.

Bảo Huân