Vừa chích ngừa được vài tháng thì các tiểu bang chấm dứt lệnh hạn chế.Vợ chồng anh Khiêm giải tỏa căng thẳng bằng cách đi thăm bạn bè đã hơn mười mấy năm không gặp.

Ðầu tiên là Khánh, người bạn thân cùng sống ở trại tị nạn Galang, Indonesia, từ năm 1985. Anh chị có một bé gái và sau này có thêm một con trai khi đến Mỹ.  Ðịnh cư tại Texas và làm việc khá vất vả, dành dụm, tiết kiệm từng đồng từng cắc để thực hiện mong ước “làm chủ lấy mình”. Và anh chị đã thành đạt ý nguyện khi mở một tiệm bán bánh mì. Ban đầu chỉ là tiệm nhỏ, sau đó mở rộng ra và tiệm ngày càng phát triển, với số lượng khách đông đảo hơn dự tính.

Khoảng năm 2003, anh Khiêm có đến thăm, nhân dịp con gái anh chị Khánh tốt nghiệp phổ thông. Lúc đó, anh chị đã mua căn nhà khá lớn nằm trên khu đất rộng, ở vùng Bắc Houston. Anh Khiêm trầm trồ và thích thú, vì căn nhà nầy ở vùng DC -nơi gia đình anh đang ở- ít nhất cũng trên một triệu đô. Chị Khánh nói “Mua căn nhà nầy, để mai sau thằng Tùng lập gia đình về ở chung, chứ thật ra chúng tôi đi làm suốt tuần, chỉ nghỉ ngày thứ Hai, rồi phải lo lau chùi, dọn dẹp hết ngày, có hưởng thụ được gì đâu”.

Lần nầy gặp lại, trông anh chị già hẳn ra ở tuổi sáu mươi lăm với mái tóc bạc phơ.  Trong bữa cơm chiều thân mật, anh Khánh tâm sự trong tiếng thở dài.

– Trâm đã lập gia đình và có hai đứa con. Vợ chồng nó cùng làm việc cho hãng bảo hiểm Farmer, đang sống ở Austin. Khi Trâm hoàn tất chương trình đại học, tôi muốn để lại tiệm bánh mì cho nó. Tiệm rất phát đạt, thu nhập cao, số lượng nhân viên phụ giúp đầy đủ, nó không phải làm việc cực nhọc. Vừa tự làm chủ, vừa có lợi tức cao hơn tiền lương hàng tháng, rồi lại ở chung nhà với cha mẹ, chẳng phải tốn kém gì, vậy mà nó nhất quyết từ chối. Bây giờ có chồng, dọn về Austin, sống tàng tàng ở đó.

– Còn cháu Tùng thì sao?

Anh Khánh lắc đầu, than thở tiếp:

– Ôi, cái thằng cứng đầu nầy làm vợ chồng tôi muốn điên lên được. Thằng bé học giỏi, tốt nghiệp điểm cao, nên tôi muốn nó theo học ngành y ở trường đại học nổi tiếng ở Houston. Trường gần nhà, rất tiện lợi cho việc ăn ở, học hành. Vậy mà nó có nghe lời cha mẹ đâu, theo bạn bè, gia nhập binh chủng Hải quân và phục vụ trong quân đội 5 năm.  Giải ngũ về, làm nghề địa ốc, cưới vợ Mễ, mướn cái nhà cách đây hơn một tiếng lái xe để ở. Thấy vậy, tôi gọi vợ chồng nó về đây, nhà rộng thênh thang mặc sức mà ở, nhưng nó nói “muốn được riêng tư”. Thiệt tình, cái đám nhỏ nầy không hiểu được.  Nhớ mình hồi trẻ, mong được cha mẹ lo như vậy cho sướng tấm thân mà có được đâu.

– Năm nay đã tới tuổi hưu rồi, anh chị cũng tính chuyện nghỉ ngơi đi chứ.

– Số tụi này còn vướng víu nợ trần, nên không nở rời bỏ cái tiệm đang ăn nên làm ra. Ðiều quan trọng là cũng muốn vun vén ít tiền của, để lại cho con cháu về sau.

Chị Khánh chen vào:

– Giờ đến phiên hai ông bà thành thật khai báo đi chứ.

Hớp chút bia cho mát giọng, anh Khiêm bắt đầu câu chuyện gia đình mình:

– Vợ chồng tôi cũng còn tiệm “grocery”. Năm rồi, giãn cách xã hội vì dịch bệnh, vậy mà tiệm chúng tôi khá lên. Bây giờ, có cậu em phụ việc, nên mới đi chơi được.  Quần quật suốt 15 năm, không có ngày nghỉ. Chắt chiu tiền bạc để lo cho con học hành, mong nó theo đuổi ngành nghề kiếm được nhiều tiền và được trọng vọng, nhưng có đứa nào chịu nghe đâu. Thấy con mấy người bạn, đứa bác sĩ, đứa dược sĩ mà mắc ham.

– Ủa, mấy năm trước nghe chị nói cháu Nga học dược sĩ mà?

– Ừ, thì tụi này thuyết phục gãy lưỡi nó mới đồng ý,  nhưng học một năm thì bỏ, theo đuổi ngành thẩm mỹ. Hiện tại nó cũng có “business” riêng. Con em kế là Hạnh, tôi bảo nó “Con học dược sĩ cho ba đi”, nó cười cười, không cãi một lời, nhưng cuối cùng theo học “Graphic Design”. Ngày xưa, tôi là dược sĩ, có tiệm thuốc tây ở Việt Nam, sang đây không có điều kiện để đi học lại, nên phải bỏ dở. Giờ mong có một đứa con nối nghiệp mình, nhưng coi như trớt quớt. Còn thằng Út thì xin tiền ba mẹ để theo khóa học sửa hệ thống “Engine Control Unit” của xe. Nó nói,  khi lấy được bằng thì sẽ đi làm, để kiếm tiền theo học ngành luật, mà không cần ba mẹ giúp.  Thật là khổ tâm, mấy mươi năm mình làm việc cực nhọc, tiết kiệm tiền bạc, mong sao cho con học cái nghề như mình muốn, nhưng trật đường rầy hết trơn. Cũng như anh chị vậy, tôi hết sức cố gắng lo cho con cái, mà chẳng đứa nào theo ý mình, cũng chẳng quan tâm đến tài sản cha mẹ gầy dựng để lại cho  chúng. Chị em nó, đứa nào cũng từ chối thẳng thừng “Ba mẹ cứ giữ đó mà dưỡng già, tụi con tự lo thân được rồi”.

Ở cuối bàn, Chị Khiêm lắc đầu, nói nhỏ vào tai chị Khánh:

– Quanh quẩn từng ấy chuyện mà cha con gặp nhau lúc nào cũng hục hặc mất vui. Thời nào phải theo thời ấy. Bây giờ làm sao có chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, phải không chị?

– Thật ra, mới đầu tôi cũng muốn hướng con cái đi theo con đường mình vạch sẵn, nhưng dần dần thấy suy nghĩ đó đã lỗi thời, nên thôi,  không có ý kiến gì về chuyện học hành của tụi nó nữa. Nhưng ông Khánh thì ngược lại, lúc nào cũng cho mình đúng. Bởi vậy, tụi nó lén đặt cho ổng biệt danh “ông bố độc tài”.


Bảo Huân

Bạn thân mến,

Rất nhiều bậc cha mẹ thuộc thế hệ trưởng thành ở Việt Nam, thường hướng dẫn con cái theo quan niệm rất cũ của mình – đã bén rễ sâu từ bao đời –  ấn định sẵn cho con cái theo lối đi mà họ cho là phải như thế mới thành công, hạnh phúc. Họ hy sinh làm việc vất vả, làm chủ cơ sở thương mại, mua đất, mua nhà to và muốn con cái tiếp quản công việc mình đang làm, hoặc muốn con cái phải trở thành bác sĩ, dược sĩ mới giàu có và được trọng vọng. Dẫu biết điều đó xuất phát từ tình yêu thương, mong muốn con có sự nghiệp vững vàng, không phải oằn vai, vất vả chống chọi với thách thức cuộc đời, nhưng rất nhiều lãnh vực trong xã hội trước đây giờ đã đổi thay, có cái đã biến mất, mà phụ huynh vẫn khư khư không chịu thay đổi tư duy.  Họ đã dùng những định kiến của mình ép con cái, không cho chúng cơ hội thực hiện niềm mơ ước tuổi trẻ.

Vấn đề để lại tài sản, vật chất cho con sau nầy, không có gì sai, thật sự còn cần thiết, nếu cha mẹ có điều kiện và một kế hoạch tốt. Sở hữu một kiến thức sâu rộng và một tài sản hay cơ sở kinh doanh có sẵn, con cái sẽ dễ dàng lập nghiệp theo cách mà chúng chọn. Nhưng đừng nghĩ tài sản là yếu tố nhất thiết sẽ bảo đảm sự thành công cho con cái, mà đó có thể chỉ là sự trợ giúp bước đầu hay là một chỗ dựa trong lúc ngặt nghèo khi vấp ngã.

Ðiều quan trọng nhất mà người viết muốn gửi gắm nơi đây là, cha mẹ hãy làm hết sức những bổn phận với tình yêu vô điều kiện cho con cái khi chúng còn sống kề cận bên ta. Cho chúng lời khuyên theo kinh nghiệm của ta, nhưng phải tôn trọng quyết định chọn hướng đi của chúng. Thử và sai lầm. Sai lầm rồi tự đứng lên. Ðó là quy luật tất yếu của quá trình trưởng thành. Ðừng thất vọng và tự giày vò khi con cái chọn con đường đi khác hướng, không theo ý mình, rồi nghĩ chúng sẽ thất bại.

Ngày nào còn sống với tâm trạng như thế thì cha mẹ mới thật sự là người thất bại và bất hạnh, vì không thấy đâu là niềm hạnh phúc của người đã yêu thương và nuôi con khôn lớn.