Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

– Chú ơi, con nghe nói Thụy sĩ đã chế ra một loại xe lăn rất tối tân có thể leo lên các bậc thang, đường sá dù có lồi lõm nó cũng băng qua tuốt, ghế ngồi có thể nâng lên cao và chạy xa tới hơn 20 miles. Chú biết không?

– Ừ, chú có đọc thấy tin này trên báo.

– Con thích lắm. Con sẽ để dành tiền để mua một cái.

Anh Bình giật mình:

– Ủa, mua làm gì? Con đang khỏe mạnh mà.

– Con không cần, nhưng ông ngoại cần.

Sau tiếng cười phá lên vì sự sửng sốt của anh Bình là vẻ trầm ngâm trên khuôn mặt Thắng:

– Chú biết không, từ lúc bị tai nạn phải ngồi xe lăn đến giờ, tinh thần của ông ngoại xuống thấp. Lúc nào cũng buồn bã, bi quan, vì nghĩ mình là gánh nặng của con cháu.

Con muốn tặng món quà đặc biệt này để ông có thể tự mình đi, tự mình chạy mà không cần ai đẩy giúp. Xưa nay, ông ngoại là người tự lập, con nghĩ chắc ông sẽ vui lắm.

Anh Bình dựa lưng vào thành ghế, nghiêng đầu ngắm khuôn mặt rạng rỡ của thằng cháu, nghe lòng vui hớn hở:

– Chà, thời nay mà tìm một đứa cháu hiếu thảo như Thắng chắc khó hơn mò kim đáy biển.

Thắng đưa tay gãi đầu, ra vẻ trách móc:

– Chú đá giò lái con hoài.

– Hừ… ai lại “đá” một đứa cháu ngoan ngoãn thế này. Chú nói thật đấy.

Với nụ cười hiền hậu trên môi, Thắng tâm sự:

– Chú biết không, người con thương nhất trên đời là ông ngoại. Lúc mới qua Mỹ, con là một đứa bé quê mùa mà lại rất nghịch ngợm. Tất cả mọi thứ quanh con đều rất lạ và mới mẻ nên con hay lục lạo, tìm tòi và đã làm hư hỏng bao nhiêu thứ của ông ngoại, nhưng chưa bao giờ ông rầy la con. Có lần, thấy ông ngoại cắm bàn ủi để ủi bộ đồ vest mới toanh, chuẩn bị đi đám cưới. Thấy cái đèn đỏ dưới đuôi bàn ủi chớp lên rồi kêu tít tít, con vội vàng nhấc bàn ủi, đặt lên cái ống quần ông ngoại đã trải sẵn. Khói bay lên, mùi khét lẹt tỏa ra, ông vội chạy vào thì ôi thôi, cái ống quần thủng một lỗ dưới đáy bàn ủi. Con xanh mặt, vọt lẹ ra ngoài vì sợ ông lôi con lại, phát cho mấy cái chổi lông gà. Nhưng không ngờ mẹ con đã nhìn thấy, bà chạy theo túm được con, vừa tát bôm bốp vào mặt, vừa la hét muốn nổ tung nóc nhà “cái thằng phá hoại, bây giờ lấy gì cho ông mặc đi dự tiệc…”  trong khi ông ôm lấy con, ôn tồn bảo “Có gì đâu, nó chỉ muốn giúp ông thôi mà…”. Sau ngày ấy, cứ có ai đến nhà là mẹ lại lôi tội con ra kể. Chú có tin là cả chục năm sau, cứ có dịp thì mẹ lại tỉ tê kể lể làm con xấu hổ và bị ám ảnh đến nỗi sau này lớn lên con chẳng bao giờ dùng bàn ủi. Trong khi ông ngoại thì không. Có lần con nhắc lại và hỏi lúc ấy ông có giận con không, ông cười bảo “chuyện qua rồi là ông quên béng đi chẳng nhớ gì nữa cả”. Con biết ông nói thế là không muốn nhắc đến lỗi lầm của con và cũng để con đừng tự trách mình. Nếu Mẹ được như ông thì đời con đỡ khổ.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Anh Bình chồm qua, khỏ nhẹ lên đầu mũi của Thắng:

– Chú thấy con cứ phây phây ra đấy, chứ khổ chỗ nào.

– Con hỏi thật và chú cũng phải nói thật. Có phải mẹ nói xấu con với chú nhiều lắm không?

Anh Bình lắc đầu, mặt tỉnh rụi:

– Không. Chú có nghe, có thấy gì đâu.

– Nếu chú nói thật thì con sẽ trả lời câu mà chú hỏi con từ năm trước “Mẹ già rồi, thui thủi một mình, sao con không ở với mẹ?”.

Biết nói sao đây? Anh Bình  đã nghe rất nhiều lần và nghe đã đầy tai. Nhưng liệu chừng câu trả lời của anh có làm cho tình mẹ con của Thắng rạn nứt thêm không?

– Sự im lặng của chú chính là câu trả lời, phải không chú? Con nói thật, cho đến giờ phút này con vẫn không biết câu “cha mẹ nào mà chẳng thương con” có đúng cho trường hợp của con không? Là cha mẹ, ai cũng bào chữa, bao che những lầm lỗi của con mình nhưng mẹ con thì không. Bao nhiêu lỗi lầm của con được bà ghi vào trí nhớ không sót một lần và khi có dịp thì y như một máy ghi âm được bấm nút, bà kể từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, chẳng thiếu chuyện nào. Từ chuyện mua chiếc xe về chưa kịp mua bảo hiểm, trong khi con vừa biết lái xe đã lén leo lên lái rồi đâm sầm vào gốc cây đến nỗi chiếc xe nát cả đầu làm bà mất tiêu sáu ngàn bạc … chuyện con nghe theo bạn bè, hùn hạp kinh doanh rồi thua lỗ, nợ nần tứ tung không còn một cắc dính túi, khiến bà phải còng lưng trả tiền bảo hiểm xe mỗi tháng cho con gần hai năm, dù sau đó con đi làm và đã trả hết món nợ ấy cho mẹ rồi. Chú à, con cũng có lòng tự trọng, con cũng đau khổ và xấu hổ vì những lầm lỗi của mình và cố gắng sửa đổi. Bây giờ, tất cả mọi chuyện đã qua đi, con muốn quên đi tất cả, nhưng mẹ không cho con được bình yên để lấy lại sự tự tin mà bắt đầu những gì tốt đẹp hơn.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Anh Bình gõ khẽ vào ly cà phê  và nhẹ nhàng đổi đề tài để xoa dịu nỗi uất ức của Thắng.

– Thôi, chuyện không vui bỏ đi. Bây giờ kể chú nghe chuyện của con và Linda đến đâu rồi, bao giờ hai đứa làm đám cưới?

Thắng thở dài buồn bã:

– Con với Linda tan rồi.

– Ủa, sao thế? chú thấy hai đứa thắm thiết lắm mà.

– Thì cũng từ chuyện mẹ hài tội con mỗi lần gặp mặt Linda. Nhưng chú có biết vì sao Linda đòi chia tay với con không?

Anh Bình ngập ngừng:

– Chắc… Linda nghĩ rằng con không tốt? Nó sợ con…

– Không phải Linda sợ con mà sợ mẹ. Nó nói, mẹ ghim từng cái lỗi của con rồi nhắc tới, nhắc lui như kinh nhật tụng, nếu sau này Linda trở thành con dâu của mẹ, chắc sẽ còn thê thảm hơn nữa nên rút lui sớm cho chắc ăn.

– Chú nghĩ, có lẽ tình cảm của hai đứa chưa đủ lớn… nên đó chỉ là cái cớ thôi.

– Con không biết… nhưng đối với con đây là mối tình lớn và mẹ đã góp phần phá hỏng nó. Con đau lắm chú biết không?


Bạn thân mến,

Ðã là cha mẹ ai cũng mong muốn con mình thành đạt và luôn có được những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Do đó, cha mẹ luôn đặt  mình vào vai trò dạy dỗ, nhắc nhở con cái, từ thuở bé đến khi trưởng thành hầu cho con trở thành người hoàn hảo. Vì thế, bất cứ lỗi lầm, sai phạm nào của con cũng đều làm cha mẹ đau lòng. Nhưng không phải ai cũng biết cách dạy con khi chúng phạm lỗi. Như câu chuyện trên đây, người mẹ cảm thấy mình cáu gắt là điều rất bình thường và việc nhắc đi, nhắc lại lỗi lầm của con như một cách trừng phạt cho nó xấu hổ mà không tái phạm. Ðiều nầy chẳng những không giúp gì cho con mà sinh ra tác dụng ngược lại. Người con hổ thẹn với người thân, với bạn bè và tệ hại nhất là cảm thấy mình thật ngu ngốc, mặc cảm, mất tự tin và nảy sinh tâm lý chống đối, xa lánh cha mẹ.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Người viết nghĩ rằng, không ai mong muốn chính mình hay con mình mắc phải lỗi lầm, nhưng trong cuộc sống, thất bại hay sai lầm là điều không thể tránh. Có những nguyên nhân thật đáng trách nhưng cũng có những nguyên nhân rất đáng thương. Sai lầm hay thất bại cũng chính là những kinh nghiệm thực tế cần thiết trong cuộc sống. Ðó chính là những bài học quý giá để chúng ta trưởng thành hơn.

Lỗi lầm xảy ra thì đã xảy ra rồi, thời gian không thể quay trở lại được và con cái hẳn cũng có những bối rối, lo âu, hối tiếc. Hơn bao giờ hết, đây là lúc con cần sự đồng hành của cha mẹ. Thí dụ như đứa con làm hư hại chiếc xe, hao tổn sáu ngàn đô la, nếu người mẹ bình tĩnh và quý trọng sinh mạng của con mình hơn vật chất phù du, bà sẽ nói rằng “mất chiếc xe cũng tiếc, nhưng con bình an là điều mẹ vui mừng nhất”. Câu nói ngọt ngào, biểu hiện tình thương bao la ấy sẽ mãi mãi hằn sâu trong trái tim đứa con vừa mới lớn.

Khi thấy con phạm lỗi, cha mẹ không nên phản ứng bằng cách trút cơn tức giận lên con, nhất là kể đi, kể lại với mục đích nhắc nhở cho  con nhớ những điều tệ hại mà đừng trượt vào vết xe cũ. Bởi vì, việc làm đó sẽ tạo thêm  sai lầm cho chính mình và hậu quả là tình mẹ con rạn nứt như trong câu chuyện kể trên.

Bảo Huân