Hỏi

Kính Thưa Bác Sĩ,

Tôi là một trong những độc giả thường xuyên theo dõi những bài viết của Bác Sĩ về mặt y khoa trên nhiều tuần báo.

Xin Bác Sĩ cho biết chữ ‘TẰNG HẮNG’ trong tiếng Anh gọi là gì.  Tôi tìm không ra trong tự điển VN.

Cám ơn BS.  Mong được BS trả lời.

Trân trọng.

Tường

Đáp

Ông đã nêu ra một câu hỏi rất lý thú, vì nhiều người có thể đang có mà không để ý tới, kể cả các bác sĩ.

Theo tôi hiểu, tiếng Anh của Tằng hắng hoặc Ðằng hắng  là “Clear Throat” và có ít nhất  3 ý nghĩa:

– Ðộng tác ở cuống họng để loại bỏ một chất nào đó dính ở họng, do dị ứng, cảm lạnh, trào ngược dạ dày-thực quản hoặc viêm xoang gây ra. Chất này gây khó chịu, cần được tằng hắng để loại ra ngoài qua miệng hoặc nuốt xuống dạ dày.

– Ðể đánh tiếng là có người hoặc lôi cuốn sự lưu ý của người khác. Chẳng hạn mình tới gặp ai mà họ quay lưng không thấy thì mình làm cử động tằng hắng, để họ biết sự có mặt của mình.

– Trước khi nói, nhiều khi ta cũng tằng hắng, làm sạch họng cho giọng nói trong sáng, lưu loát hơn.

Ðể làm sạch họng, có thể súc miệng với nước muối, nhâm nhi nước trà nóng thêm chút mật ong, tránh thức ăn cay chua có tác dụng kích thích và uống nhiều nước.

Cảm ơn ông Tường.

Nói về giấc ngủ

Ngủ đầy đủ giúp ta cảm thấy khỏe mạnh tỉnh táo hơn, vì cơ thể cần được nghỉ ngơi để bồi dưỡng sức lực, hàn gắn tổn thương.

Nếu quý vị có khó khăn rơi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, xin áp dụng các gợi ý sau đây:

– Ði ngủ đúng giờ mỗi buổi tối và thức dậy cùng giờ vào buổi sáng. Không nên «ngủ nướng», ngủ thêm.

– Tạo thói quen làm một công việc nào đó vài giờ trước khi đi ngủ, như đọc sánh, coi TV… rồi ngủ.

– Tránh rượu, cà phê, thuốc lá;

– Không ăn quá no trước khi đi ngủ;

– Vận động mỗi ngày nhưng tránh tập quá mạnh trước khi đi ngủ;

– Nghe nhạc êm dịu để thư giãn tâm hồn;

– Uống một ly sữa ấm hoặc ăn một ít trái cây, rau xanh trước khi đi ngủ;

– Tắm nước ấm trước khi lên giường.

Cần đi bác sĩ khám bệnh nếu:

– Khó ngủ vẫn diễn ra mặc dù đã áp dụng các điều kể trên;

– Thức giấc giữa đêm, khó thở;

– Ngáy quá to;

– Ngủ nhiều vào ban ngày…

Dinh dưỡng như thế nào

Hỏi

Xin bác sĩ cho biết tại sao lại có chuyện đa dạng, cân bằng, dinh dưỡng cao?

Một độc giả.

Đáp

Thưa, lý do là vì ngoài các chất dinh dưỡng chung thì mỗi loại thực phẩm lại có những chất mà chỉ riêng mình mới có. Cho nên, bữa ăn cần phải có nhiều món ăn khác nhau. Chẳng hạn ta chỉ ăn thịt cá mà quên món rau tươi xanh, thì là điều thiếu sót rất đáng trách vì thịt cá không có chất xơ của rau. Mà chất xơ lại rất cần cho cơ thể.

Ða dạng nhưng không “hổ lốn”, hỗn độn, nhất bên trọng, nhất bên khinh mà cần theo một tỷ lệ đã được nghiên cứu chỉ định. Ðó là sự cân bằng giữa các loại thực phẩm. Thông thường các nhà dinh dưỡng khuyến cáo nên dùng từ 45-55% chất carbohydrate từ cơm, gạo, mì, rau trái, 25-30% chất béo và phần còn lại là chất đạm thịt cá, các loại hạt.

Và món ăn phải có giá trị dinh dưỡng cao, tức là có đủ các chất mà cơ thể cần để hoạt động, để tái tạo tế bào hư hao, để trẻ thơ tăng trưởng. Các thực phẩm như đường tinh chế, rượu chỉ cho calori mà không cho chất dinh dưỡng, cho nên nếu tiêu thụ nhiều chỉ làm cho cơ thể phì nộn, béo bệu.

Dù ở tuổi già, nhưng quý lão niên vẫn cần năng lượng để làm việc, để duy trì sức khỏe tuổi cao đồng thời, nếu dinh dưỡng tốt, cũng có thể phòng tránh được một số bệnh như bệnh loãng xương, bệnh tim, bệnh cao huyết áp, thiếu hồng cầu, sa sút trí tuệ Alzheimer và vài loại ung thư. Chẳng may mà cụ nào đang mắc một vài trong các bệnh vừa kể thì dinh dưỡng đúng cách cũng khiến cho bệnh nhẹ nhàng, hồi phục mau hơn.

Về số lượng chắc chắn là nhu cầu của quý cụ sẽ ít hơn là khi còn trung niên trai tráng, vì bây giờ đâu còn phải lao động chân tay cật lực. Do đó quý cụ vẫn cần các chất dinh dưỡng chính như mọi người. Ðó là chất carbohyrat (chất bột, đường), chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.

Bảo Huân

NYĐ

Arlington, TX.