Hỏi

Thưa bác sĩ, có phải khi bao tử rỗng thì chúng ta cảm thấy đói? Tôi bị cắt một phần bao tử nên thường hay có cảm giác đói. Xin bác sĩ giải thích giúp. Cám ơn bác sĩ. (H.C.T)

Trả lời

Chúng ta thường nói “đói bụng” và cho rằng bao tử đã tiêu hóa hết thức ăn nên tạo cảm giác đói. Ðó là suy nghĩ không đúng! Bao tử con người không có khả năng báo đói vì nhiều người cắt bỏ hoàn toàn bao tử mà đôi khi cũng cảm thấy thèm ăn một món nào đó.

Thực ra là khi cơ thể dự trữ thực phẩm giảm thì não gửi ra một tín hiệu cho biết đã đến giờ ăn. Vì não luôn luôn theo dõi tình trạng của các chất đường, amino acid, chất béo và các chất dinh dưỡng khác. Triệu chứng ban đầu của đói có thể là một chút bồn chồn, sau đó có thể là khó chịu và cuối cùng là những cơn cồn cào ở trong bao tử nên chúng ta tưởng lầm là bao tử báo đói. Ngoài ra, cơn đói bị chi phối bởi thời tiết. Thời tiết nóng sẽ làm giảm cơn đói vì nóng sẽ bớt số lượng nhiên liệu mà cơ thể cần để hoạt động. Trong khi đó, thời tiết lạnh lại kích thích cơ thể để bù số nhiệt mất trong mùa lạnh.

Nói chung, cơ thể cho biết khi nào cần đến thức ăn, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Khi ta bệnh và có thể cần thực phẩm nhưng lại là lúc ta không để ý tới. Cũng có người cảm thấy đói do thói quen. Nhiều người được huấn luyện để ăn vào một lúc nào trong ngày và cơ thể của họ đã trở thành thói quen nên đúng vào giờ đó, họ thấy đói và cần ăn.

Bảo Huân

Bệnh mù màu sắc

Hỏi

Thưa bác sĩ, xin bác sĩ giải thích về tình trạng mù màu sắc. Bệnh này có chữa được không và có di truyền không? Cám ơn bác sĩ và xin chúc ông mạnh khỏe.

(Lê H)

Trả lời

Thông thường, con người nhìn được các màu sắc là nhờ 3 loại tế bào hình nón. Nếu thiếu một trong ba loại tế bào này, chúng ta sẽ bị mù một màu sắc nào đó do tế bào này không có. Chú ý, rất hiếm người trên thế giới bị mù màu sắc toàn phần. Nếu bị mù màu sắc toàn phần, người ta chỉ nhìn thấy bóng dáng màu xám.

Nếu bị mù màu đỏ và màu xanh lá cây là không phân biệt được màu đỏ với màu xanh lá cây. Bệnh này thường gặp ở  đàn ông (khoảng 8%) và rất hiếm gặp ở phụ nữ.

Nguyên nhân gây mù màu sắc có thể là do tổn thương của bệnh hoặc thương tích dây thần kinh thị giác và võng mạc. Tuy nhiên, thường gặp nhất là di truyền do bất bình thường của một gene. Con gái của một người đàn ông bị mù màu sắc, mặc dù cô ta không bị bệnh nhưng vẫn có thể truyền bệnh này cho con trai và khi anh này sinh ra sẽ bị mù màu sắc.

Nếu sinh ra đã bị mù màu sắc thì hầu như không thể chữa trị được nhưng nó không ảnh hưởng tới tầm nhìn và được coi như một bất hạnh nhỏ. Một tài xế lái xe bị mù màu đỏ-xanh có thể phân biệt đèn hiệu không khó khăn vì màu vàng đã được thêm vào màu đỏ và màu xanh được thêm vào đèn màu xanh lục.

NYD