Hỏi

Mắt của cháu nhìn dưới ánh sáng mặt trời rất thường bị chói. Khi lái xe aphải nheo mắt nhiều, và gần như không mở mắt được. Khi đeo kính đen thì đỡ hơn một chút. Điều này đã xảy ra vài tháng nay. Đôi khi trời không nắng nhưng cháu vẫn thấy chói mắt. Cháu cũng bị cận 2.25 độ và đeo kính thường xuyên. Ngoài ra trong người cháu lúc nào cũng có cảm giác mệt và buồn ngủ, hai mắt lúc nào cũng chỉ muốn nhắm lại, dù cháu ngủ ngày 8 đến 10 tiếng. Xin bác sĩ giúp đỡ cháu. Cám ơn bác sĩ nhiều. V. N

Trả lời

Khi trời nắng, ánh sáng mặt trời có nhiều tia cực tím mạnh hơn, vì thế rất nhiều người bị khó chịu về mắt khi ra ngoài nắng. Mắt của cháu chắc cũng ở trường hợp này. Cháu cần lựa mua kính râm làm sao để gió không lọt vào, chặn bớt nắng chói và lọc được các tia cực tím. Khi mua kính, cháu nên lựa loại có dấu hiệu ANSI Z 30.3, loại mà các nhà chuyên môn cho là có thể chặn được từ 65 tới 95% các tia tử ngoại. Về màu nên chọn màu xám, nâu hoặc xanh ve. Cháu bị cận thị thì nên mua loại kính đổi màu khi ra nắng (Transition hoặc photochromic). Ngoài ra cháu cũng nên đi khám bác sĩ chuyên về mắt coi xem có bị bất thường nào khác không.

Vấn đề ngủ nhiều mà mắt cứ muốn nhắm lại thì có thể là do căng thẳng mệt mỏi vì công việc cũng như thay đổi thời tiết. Cháu nên ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ điều độ, vận động cơ thể và sắp lại lịch làm việc cho thoải mái và dành chút thì giờ để giải trí tiêu khiển.

Bảo Huân

Nên uống nước nóng hay lạnh?

Hỏi

Cháu và bạn cháu mới tranh cãi về một đề tài rất ư là quan trọng. Bạn cháu nói rằng, uống nước nóng sẽ tăng nhiệt độ, cơ thể ta sẽ đổ mồ hôi và cảm thấy mát mẻ. Cháu thì nghĩ rằng uống nước đá lạnh hoặc ăn kem thì trong người mát mẻ ngay. Nhờ bác sĩ phân định giúp là ai đúng? N.D 

Trả lời

Chào cháu,

Cả cháu và bạn cháu đều không hoàn toàn đúng vì nhiệt độ của cơ thể được điều hòa bởi sự hô hấp và sự đổ mồ hôi trên da. Theo các nhà chuyên môn, thì thực phẩm nóng hoặc lạnh không có ảnh hưởng gì mấy tới nhiệt độ cơ thể. Thực phẩm nóng quá hoặc lạnh quá vào đến bao tử thì đều được dung hòa ngay với nhiệt độ của cơ thể. Với cơ thể con người thì một chút thực phẩm nóng hoặc lạnh không đủ sức để thay đổi nhiệt độ trong người, chẳng khác chi ta bỏ một cục nước đá vào trong một bồn tắm đầy nước nóng. Không phải chỉ hai cháu nghĩ mà nhiều người khác cũng có cùng một nhận xét như vậy. Vì thế nên mới có thói quen là trời nóng bức mà uống một ly nước chanh đường đá là cảm thấy mát ngay hoặc lạnh giá mà uống một ly cà phê nóng thì cảm thấy ấm bụng hơn. Thực ra chỉ là cảm giác thoảng qua nơi thực quản và dạ dày mà thôi.

NYD